Khi dịch cúm Vũ Hán bùng phát trở lại ở Việt Nam, những người nghèo buộc phải bấm bụng nhịn ăn để cầm cự qua ngày. Các “nhà giàu” cũng không ngoại lệ. Nhiều người cũng… khóc khi đã bỏ ra không biết bao nhiêu vốn liếng, thậm chí cầm cố tài sản, nhà cửa nhằm cứu vãn việc kinh doanh, đầu tư…

Các xí nghiệp, công ty trong nước lẫn nước ngoài điêu đứng phần do dịch bệnh, phần do bị ép buộc thực hiện nhiều điều kiện khó khăn từ chính quyền. Ảnh: tác giả cung cấp. 

Từ cuối tháng 5-2021, chính quyền Sài Gòn ban hành lệnh giãn cách toàn thành phố với hàng loạt chỉ thị. Cứ sau mỗi chỉ thị, mức độ giãn cách càng thêm nghiêm ngặt theo kiểu “nhà cách ly với nhà”, “xóm ấp cách ly xóm ấp”, người dân không được ra đường, hầu hết các sinh hoạt xã hội “đóng băng”. Các khu cách ly, phong tỏa, chốt chặn, dây giăng, hàng rào kẽm gai xuất hiện khắp các con phố, ngõ hẻm, khu dân cư… cùng những cảnh sát, dân phòng túc trực canh gác tạo bầu không khí u ám lẫn căng thẳng.

Cô Trần Thị Hồng Bích, chủ hệ thống Bích Spa (Bình Tân) cho biết: “Dịch bệnh Covid-19 cũng như lệnh giới nghiêm của chính quyền với mức độ ngày càng cao khiến em stress nặng khi tiền bạc ngày càng vơi và nay thì kiệt quệ…”. Ðược biết trước đây, Bích là chủ một quán cà phê lớn cũng ở Bình Tân, sau đó nghe lời bạn bè chuyển làm Spa. Song ngờ đâu dịch bệnh bùng phát mạnh, Trung tâm Spa buộc phải đóng cửa, dừng kinh doanh suốt mấy tháng qua nhưng tiền thuê mặt bằng vẫn phải trả. Cô nói trong nước mắt: “Em không nhớ chính xác số tiền thâm hụt bao nhiêu, giờ chỉ biết ngồi nghiền ngẫm mãi và chợt hiểu thế nào là người giàu cũng… khóc!”.

Các nhà nghỉ đóng cửa, chịu đựng thua lỗ trong mùa dịch. Ảnh: tác giả cung cấp.

Trường hợp khác là bà Xuân, chủ nhà hàng hải sản S.H nổi tiếng gần khu du lịch Suối Tiên (quận 9) cho biết, quán của bà mở ra tính tới nay hơn 20 năm, lúc bình thường hàng ngày đón cả ngàn thực khách vào ăn nhậu. Nhân viên bưng bê, phụ việc hơn 70 người (đa số từ Thừa Thiên – Huế, là đồng hương của bà vào). Bà Xuân nói: Mấy tháng dịch bệnh, nhà hàng bị chính quyền yêu cầu đóng cửa nghỉ, trong khi tôi vẫn phải cố gắng hỗ trợ nhân viên một phần lương, rồi nuôi ăn uống mà không hề thu được xu nào. Cũng may hồi chưa dịch quán đông khách, có chút tiền dư để đó đắp những lúc thế này. Cô cháu rau ăn rau, có cháo ăn cháo cùng nhau cầm cự”. Tương tự, anh Nguyễn Thái Giang, chủ nhà nghỉ Hương Giang (Thủ Ðức) tâm sự: “Ở mấy khách sạn cỡ 4-5 sao, mùa dịch dã còn có một số ít khách ghé vào nhờ họ giảm giá sâu, trong khi loại khách sạn, nhà nghỉ 1-2 “sao” kiểu chúng tôi coi như buông tay. Mấy lần trước có thể cầm cự do còn tiền dự phòng, giờ tiền dự phòng cũng hết sạch. Hồi cuối năm 2020, dịch bệnh tạm kiểm soát, tôi đi vay ngân hàng gần 2 tỷ bạc đầu tư sửa sang lại sau thời gian nhà nghỉ tạm đóng cửa. Sửa chữa xong vừa đón được vài nhóm khách hồi tháng 3, tháng 4, giờ dịch bùng lần nữa coi như tiêu tùng. Nay mai không biết lấy tiền đâu trả lãi ngân hàng?”.

Việc thực hiện giãn cách kéo dài của chính quyền thời gian qua đã khiến công việc làm ăn của không ít doanh nghiệp trong nước lẫn nước ngoài trở nên đình trệ. Số liệu Tổng cục Thống kê Việt Nam cho biết gần 80 ngàn doanh nghiệp trên cả nước phải đóng cửa, dừng hoạt động hoặc giải thể trong 8 tháng đầu năm 2021. Mỗi tháng bình quân gần 10 ngàn doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Tương tự, khảo sát từ giữa tháng 8-2021 của Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham Việt Nam) cho thấy 20% trong số này đã chuyển một phần đơn hàng của họ khỏi Việt Nam, 14% ở bước dự tính. Cạnh đó, 13% đã dừng hoạt động, 50% hoạt động dưới nửa công suất. Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu cũng đưa con số hơn 20% doanh nghiệp đã chuyển các hoạt động sản xuất tại Việt Nam sang thị trường nước khác…

Các quán ăn, nhà hàng… cũng không ngoại lệ. Ảnh: tác giả cung cấp.

Nhằm kéo lại những con số đáng buồn này, ngày 13-7-2021, chính quyền Sài Gòn ban hành văn bản cho phép các doanh nghiệp hoạt động sản xuất trở lại. Tuy nhiên, buộc phải bảo đảm thực hiện vừa sản xuất, vừa cách ly người lao động với phương châm “3 tại chỗ” (tức làm việc, ăn, nghỉ đều một chỗ).  Song, nhiều doanh nghiệp cho biết cũng khó đáp ứng những yêu cầu này nên đành chọn phương án tiếp tục tạm nghỉ. Hầu hết đó là những doanh nghiệp lớn với hàng chục nghìn lao động, vì vậy việc “3 tại chỗ” cho số lượng lớn công nhân theo đề nghị của chính quyền là hơi vô lý và bất khả thi!

Xem thêm:   Sứa hương vị của biển

Ông Long, chủ doanh nghiệp kỹ nghệ gỗ Long Phượng (quận 2) buồn rầu cho biết: “Ðể thực hiện “3 tại chỗ”, chúng tôi phải cắt giảm 50-60% lao động, nếu đi làm đủ cũng khó đáp ứng được các điều kiện. Thế là doanh nghiệp hoạt động trong tình trạng không bảo đảm  công suất. Nếu phương án hoạt động kiểu này kéo dài, chúng tôi càng gặp nhiều khó khăn, nhất là việc thực hiện hợp đồng với khách. Doanh nghiệp không nhập được đúng, đủ nguyên liệu cho sản xuất hoặc không thể giao hàng đúng hẹn, đối diện với nguy cơ phải bồi thường hợp đồng…”.

Lao động “3 tại chỗ”, vừa làm việc vừa ăn, ngủ luôn trong xí nghiệp. Ảnh: tác giả cung cấp.

Ông Tony Châu, giám đốc marketing một công ty điện tử của Nhật có trụ sở tại Khu công nghệ cao than phiền: “Ðã yêu cầu “3 tại chỗ”, họ còn buộc doanh nghiệp thực hiện test nhanh thường xuyên cho công nhân để sàng lọc ca FO, nếu có. Vừa qua tôi tìm bảng giá bộ xét nghiệm của nhiều nơi khác nhau thấy giá khá cao. Nguồn Ðồng Nai báo giá 105 ngàn đồng/kit, còn Sài Gòn 120 ngàn đồng/kit (chưa thuế). Công ty tôi có gần 2 ngàn người, vậy mỗi tháng sẽ mất khoảng 250 triệu đồng/lần cho việc xét nghiệm này? Mà không phải chỉ 1 tháng thôi. Nói thật hiện nay, không riêng công ty tôi, nguồn tài chính nhiều công ty khác trong bão dịch đã quá kiệt quệ. Do đó nếu phải tăng thêm quá nhiều thứ chi phí doanh nghiệp sẽ khó trụ nổi cho dù… mở toang cửa!”.

…Sài Gòn đã có nhiều người chết vì cúm Vũ Hán, hàng triệu người lâm vào cảnh khó khăn, nhiều doanh nghiệp đang tính chuyện “rút dù”, do vậy chuyện mở cửa kinh tế đang thúc bách từng ngày. Nếu cứ tiếp tục, duy trì những cách phòng chống dịch bệnh vừa cứng nhắc, không giống ai theo kiểu Việt Nam như hiện nay để suy sụp kinh tế thì trách nhiệm là của nhà cầm quyền.

Xem thêm:   Đà Lạt & phượng tím

NS