Tính từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam đã trải qua 4 đợt dịch cúm Tàu. Riêng đợt dịch thứ 4, kéo dài từ 31-5-2021 đến 30-9-2021 gây thiệt hại nặng nề nhất. Nó khiến thị trường lao động Việt Nam rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng khi tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm tăng cao, thu nhập người lao động giảm mạnh. Nhiều ngành sản xuất, trung tâm công nghiệp lớn, nhất là các tỉnh thành phía Nam, kể cả Sài Gòn, đều bị ảnh hưởng rất lớn.

Rất đông lao động nhập cư quyết định rời bỏ “miền đất hứa” về quê khi dịch cúm Tàu bùng phát ở Sài Gòn. Ảnh: tác giả cung cấp. 

Số liệu từ Tổng cục Thống kê Việt Nam cho biết, trong năm 2021 có hơn 1.4 triệu người trong độ tuổi lao động thất nghiệp. Tháng 7/2021 là cao điểm đợt dịch thứ 4, dẫn đến cuộc khủng hoảng lao động và việc làm quy mô lớn nhất lịch sử.

Bình Dương là một trong những tỉnh thành thu hút lực lượng lao động đông nhất nước, với hơn 1 triệu lao động có hợp đồng và khoảng 520 ngàn lao động tự do. Khi dịch cúm Tàu bùng phát khiến các doanh nghiệp tại đây phải thực hiện “3 tại chỗ” nên hoạt động sản xuất kinh doanh bị gián đoạn, cầm chừng, thậm chí nhiều cơ sở buộc phải đóng cửa. Người lao động bị khủng hoảng tâm lý, thu nhập kém tạo ra tâm lý chán nản và điều này khiến họ (nhất là nhóm lao động nhập cư) tìm cách tạm thời quay về quê nhà. Cụ thể, Nghệ An là nơi ghi nhận đón lượng lao động hồi hương đông nhất nước với hơn 150 ngàn người.

Xem thêm:   Quán nhậu thời đo... cồn

Cần biết rằng, quyết định rời bỏ “miền đất hứa” để về quê vào thời điểm ấy, với nhiều lao động là tình thế vạn bất đắc dĩ. Họ sợ dịch bệnh ập vào bản thân và gia đình mình, lại ít tích lũy trong quá trình làm việc, rồi bất cập về lương bổng, thu nhập bởi suốt 2 năm qua nhà nước chưa cho tăng lương tối thiểu, không tăng lương căn bản trong khi mọi chi phí sinh hoạt thường xuyên đều đội giá khiến nhiều gia đình công nhân lao động luôn trong tình trạng sống thiếu thốn, lây lất, tạm bợ.

Cho đến đầu tháng 10/2021 tới nay, có lẽ do áp lực nguồn thu ngân sách giảm và nhiều nhà đầu tư (nước ngoài) đã nghĩ tới chuyện dời sang nước khác nếu các biện pháp chống cúm Tàu của chính phủ Việt Nam quá cứng nhắc, cực đoan, không hiệu quả nên chính quyền Việt Nam bắt đầu nới lỏng kiểm soát, đặc biệt là khi Sài Gòn (và nhiều địa phương khác) việc tiêm chích vaccine được bao phủ rộng. Chính quyền vận động, hô hào các doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục hoạt động với trạng thái “bình thường mới”.

Công nhân khu vực quốc doanh và liên doanh phần lớn đã quay lại làm việc. Ảnh: tác giả cung cấp.

Số liệu Tổng cục Thống kê Việt Nam cho biết, tháng 4/2022, cả nước có 18 ngàn doanh nghiệp thành lập mới, tăng 22.1% so với tháng trước. Cạnh đó còn có 21,900 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 370.2% so với tháng 12/2021, nâng tổng số doanh nghiệp trong tháng 4/2022 lên gần 40 ngàn. Còn theo số liệu của Ban Quản lý các khu chế xuất – công nghiệp Sài Gòn, tất cả 17 khu chế xuất, khu công nghiệp của thành phố với gần 1,500 doanh nghiệp và 275 ngàn lao động, tỷ lệ người lao động quay lại làm việc đạt trên 95%. Trong đó, nhiều khu có tỷ lệ doanh nghiệp tái hoạt động đạt trên 97% như khu công nghiệp Ðông Nam, khu Tây Bắc Củ Chi, khu Tân Phú Trung… Tại khu công nghệ cao Sài Gòn, hiện có gần 99.1% công nhân của hơn 80 nhà máy, xí nghiệp (với trên 45 ngàn người) quay lại làm việc. Nhiều nhà máy sản xuất lớn có nhiều công nhân làm lại bình thường như Samsung 99.5%, Nidec Sankyo hơn 99.2%, Intel, Jabil Việt Nam hơn 99%. Khi đón công nhân trở lại, hầu hết các doanh nghiệp đều áp dụng các biện pháp an toàn như yêu cầu khai báo y tế, đo thân nhiệt, buộc đeo khẩu trang thường xuyên…

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 28 tháng 3 năm 2024

Dù vậy, nếu như nhóm công nhân viên chức có hợp đồng lao động của các doanh nghiệp, xí nghiệp hầu hết quay lại làm việc bình thường thì nhóm thuộc số người lao động tự do, thời vụ… (tạm gọi là nhóm 2) lại khác. Ðáng chú ý nhóm này phần lớn là các lao động phổ thông từ nhiều địa phương nghèo tìm về Sài Gòn hoặc các tỉnh phía Nam làm việc và đây cũng là nhóm kéo nhau về quê nhiều nhất trong lúc xảy ra đại dịch. Cuộc khảo sát gần đây (tháng 2/2022) do trang tin Việc Làm Tốt công bố cho biết, trong 2,580 người (nhóm 2) được thăm dò có 286 người chia sẻ đã mất việc và rời khỏi Sài Gòn về quê, chiếm hơn 10%. Trong nhóm đã về quê, có 65% mong muốn quay lại làm việc khi tình hình ổn định, do thu nhập và điều kiện làm việc ở đây tốt hơn. Và cũng có tới 29% số người không muốn quay lại hoặc không chắc chắn quay lại vì những lý do riêng! Một cuộc khảo sát khác cũng của trang này cho thấy hơn 50% người thuộc nhóm 2 phải cắt giảm chi tiêu cá nhân, thậm chí ăn gộp bữa ăn trong ngày. Khá nhiều trường hợp nhiều người phải ăn sáng bằng cơm nguội hay mì gói dài hạn để không phải xài quá nhiều tiền!

Nhiều người thuộc nhóm lao động tự do vẫn còn khó khăn kể cả khi dịch bệnh đã tạm thời được kiểm soát. Ảnh: tác giả cung cấp.

Trung tuần tháng 10/2021, sau khi Sài Gòn bỏ giãn cách, chị Nguyễn Thị Lân, từ quê Thái Nguyên quay lại Sài Gòn. Chị có một xe đẩy bán cá viên chiên lưu động từ 17 giờ chiều đến 1 giờ sáng hàng ngày trước một bệnh viện ở Thủ Ðức. Trước giãn cách, chị và chồng hàng ngày đẩy xe đi bán. Hiện chồng chị vẫn ở quê chăm người nhà bệnh. Hai đứa con nhỏ ở tuổi đi học cũng ở quê với ông bà. “Vào đây mới kiếm đủ tiền nuôi con. Lý do vì thu nhập tốt hơn ở quê nên tôi vào ngay”. Song khác với chị Lân, nhiều lao động khác vẫn chưa muốn quay lại. Anh Ngọc, 54 tuổi (Nghệ An) nói vẫn ở lại quê nhà “khi nào có việc làm thật ổn định mới vào”. Ngọc vốn là thợ tiện. Trước dịch, anh làm việc cho 1 cơ sở ở quận 9, thu nhập 7.5-8 triệu VNÐ/tháng. Tuy nhiên hiện nay chủ cơ sở chỉ thuê 4 thợ thay vì 8 thợ như trước do “hàng họ quá ế ẩm”. Ngọc nói: “Vào đó phải tốn tiền thuê nhà, tiền sinh hoạt phí đang tăng cao nên chưa dám quay lại. Ðành chờ thêm ít lâu nữa xem sao?”.

Xem thêm:   mê tín dị đoan

NS