Làng nghề gốm Thanh Hà, TP. Hội An (dưới đây gọi tắt là Làng nghề) có hơn 500 tuổi đời, nằm ở ven sông Thu Bồn, Quảng Nam. Làng nghề qua từng thời kỳ có nhiều biến đổi. Dù được phục hồi, bảo tồn nghề truyền thống nhưng cũng lắm thăng trầm…
Thăng rồi trầm
Trước kia, những vật dụng bếp núc không chỉ ở làng quê mà cả thành phố đều không thể vắng nồi, niêu, chum, chậu, hũ… bằng gốm. Khoảng 100 nóc nhà với gần 40 bàn xoay của làng Thanh Hà luôn đỏ lửa, hoạt động hết công suất. Củi đốt lò từ trên núi chuyển về; nguyên liệu sẵn ven sông, trên ruộng được khai thác cứ là…vô tư. Sản phẩm ồ ạt ra lò. Dưới sông thì thuyền bè chuyển hàng ra Đà Nẵng, xuống Hội An hoặc lên các huyện miền núi. Trên bờ thì xe đạp thồ, kẻ gánh người gồng mang hàng đến các chợ Nam Phước, Bàn Thạch (Duy Xuyên), Điện Bàn, Quế Sơn… Nhiều gia đình ở đây (nay là khối phố Nam Diêu, phường Thanh Hà) có của ăn của để nhờ những sản phẩm dân dã, gần gũi. Một thời chiến tranh khiến Làng nghề chìm trong lặng lẽ. Thợ gốm rời làng, bỏ nghề tha phương cầu thực…
Sau năm 1975, thợ gốm tha hương nhiều nơi kéo về bổn xứ. Số bám ruộng vườn, số nung nấu ý tưởng khôi phục lại nghề truyền thống. Lửa lò lại đỏ, sản phẩm quen thuộc lại xuất hiện. Lúc bấy giờ nhu cầu thị trường đang cần nồi, ấm nấu nước, hũ, lu… Nhưng đến thời hàng gia dụng bằng nhựa, i-nốc, nhôm…lên ngôi thì hàng gốm bị thất sủng…lùi về cố thủ! Xoong nồi, ấm nấu nước, thau rửa, xô bằng i-nốc, nhựa, nhôm bền, nhẹ tràn ngập thị trường. Tất yếu nồi niêu, chậu, hũ… bằng gốm cáo chung! Thợ Làng nghề lâm vào cảnh lao đao. Nhiều lò gốm…tối thui!
Nghệ nhân Nguyễn Văn Đông, (sinh năm 1954), một người thợ khéo tay từng xuất cảng hàng gốm sang Australia năm 1999, tham gia triển lãm sản phẩm trong nhiều hội chợ trong và ngoài tỉnh, tâm sự: “Lúc ấy để cầm cự, bà con chỉ sản xuất ba cái thứ đồ dùng truyền thống như nồi, chậu (dành cho việc phục vụ sinh đẻ), bùng binh (dành bỏ tiền tiết kiệm hoặc phục vụ cho trò chơi dân gian như bịt mắt đập bùng binh)…Làm 200 cái bùng binh hoặc 50 cái nồi lớn thì thu nhập chưa tới 150 VND/ngày. Vất vả lắm, vì phải chuyển hàng, phơi nắng, bưng ra bưng vô mà thu nhập có ra chi mô! Thợ gốm nản lòng, lác đác chia tay với nghề”. Giá bán hàng gốm ngày càng thấp do bị ép giá phần phải cầm cự để giữ nghề nên nhiều người thợ cay đắng chấp nhận thiệt thòi! Một cái nồi dùng bỏ than lửa, muối xông cho sản phụ hoặc nấu lá thuốc xông hơi, nướng bắp, nướng bánh tráng, hũ đựng rượu…giá chưa tới 10 nghìn đồng/cái! Ấm sắc thuốc mua tại Làng nghề chỉ 20 nghìn đồng/cái nhưng thương lái có thể bán cả 100 nghìn đồng/cái. Thu nhập bằng nghề quá bèo bọt! Sản phẩm của Làng nghề chân chất, mang cái hồn cốt sông nước làng quê. Họa tiết, hoa văn không sắc sảo, bắt mắt như nhiều sản phẩm gốm của Bát Tràng, Minh Long…Vừa mới đây, ngày 15/10/2024, tỉnh Quảng Nam đã thu hồi bằng công nhận Làng nghề Dệt chiếu An Phước, huyện Duy Xuyên đã được cấp cách nay 20 năm! Lý do là người dệt chiếu sống bằng nghề ngày càng sụt giảm. Trước đây có hơn 160 nhà dệt chiếu, nay còn chưa tới 5 nhà!
Hướng đi mới của Làng nghề
Làng nghề có 6 nghệ nhân nay chỉ còn vài vị là sống chết với nghề. Nghệ nhân Nguyễn Lành, ngoài 90 tuổi, từng được mời sang Nhật thăm nhiều làng gốm bên ấy, kể: “Lứa như tôi còn gắn bó với nghề có cụ Trọng gần 90 tuổi, bà cụ Nguyễn Thị Được hơn 90 (bà mất năm 2020- NV), nhỏ tuổi như ông Ngữ đã 80 rồi. Cũng bày cho con cháu giữ cái nghề truyền thống. Khi du lịch phát triển, Tây, Tàu đến đông thì Làng nghề cũng nhộn nhịp lại. Nhưng nói để sống bằng nghề thì không được như xưa mô!”.
Lứa thợ gốm trẻ tuổi sau này có người còn thêm việc hướng dẫn khách du lịch, làm mẫu cho khách bắt chước nhào trộn đất sét, xoay bàn, chuốt đất, nặn tượng thú đơn giản… Một số khách sạn, nhà hàng, quầy bán đồ lưu niệm ở phố Hội đặt làm phù điêu, lọ bình đựng hoa… Anh L.Q.H (ngoài 30 tuổi) chuyên tạo mẫu gốm cho biết: “Làng nghề chừ rất ít người trẻ tuổi vì công việc vừa cực nhọc vừa thu nhập quá thấp. Cháu còn ngồi đây vì mấy đời cha ông theo cái nghề này rồi!”. Thật vậy, giữ nghề truyền thống thế này quá cam go. Không ít thanh niên đã không những ly nông còn ly hương phiêu dạt…
Một điểm đến của khách du lịch…
Làng gốm Thanh Hà trở thành một điểm đến hấp dẫn của du khách muôn phương tìm đến thưởng ngoạn, nhất là sau khi Đô thị cổ Hội An được Unesco công nhận là Di sản văn hóa thế giới (04/12/1999). Và ngày 15/12/2014, tỉnh Quảng Nam đã công nhận nghề gốm Thanh Hà là “Nghề truyền thống”. Mồng 10 tháng Bảy âm lịch hằng năm là lễ hội Giỗ tổ nghề gốm truyền thống Thanh Hà-Hội An. Dịp này thu hút rất đông du khách và người địa phương tham gia. Nhờ có thu nhập từ các sản phẩm và dịch vụ du lịch, đời sống của người lao động Làng nghề thay đổi đáng kể. Nhằm thêm thu nhập cho bà con Làng nghề, thành phố cũng hỗ trợ hàng tháng cho mấy chục nhà sản xuất vài triệu VND, trích từ tiền bán vé khách du lịch đến thăm làng. Năm 2023, khách du lịch trở lại khá đông. Hoạt động của Làng nghề dần khởi sắc. Hơn 500 nghìn lượt khách du lịch đến thăm, doanh thu của làng tăng hơn 17 tỉ đồng.
Thợ gốm trẻ Lê Văn Nhật (36 tuổi), Thợ Giỏi của Làng nghề năm 2023. Anh được ông bà, cha mẹ truyền nghề từ năm lên 10 tuổi. Từ chỗ làm tò he thổi cho vui tai đến nay anh đã có nhiều sản phẩm du lịch khá độc đáo… Cơ sở sản xuất gốm của anh thu hút được nhiều khách hàng… “Bộ sản phẩm 12 con giáp từ gốm” của anh được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh – Năm 2023. “Đất sét làng mình sẩm màu nên muốn sơn vẽ cho đẹp, lạ cũng khó. Bởi rứa nên phải nhập đất sét trắng từ Bình Dương về… Nhờ rứa mà sản phẩm có màu sắc bắt mắt hơn. Du khách rất thích”, anh Nhật chia sẻ.
Tập chuốt gốm, nặn tượng thú…
Du khách sau khi vào thăm hoặc mua hàng ở các cơ sở gốm thường được chủ cơ sở hoặc nhân viên… làm mẫu các động tác dùng tay nhồi đất sét, chuốt, nặn ra các sản phẩm tùy ý. Có thể là tượng các con vật đơn giản như rắn, trâu, chuột, cá, rùa v.v. Nếu thích có thể mang đi làm vật kỷ niệm mà không phải trả tiền! Làng có một số điểm tặng quà lưu niệm theo phiếu cho khách.
Mùa đông có khi khách nước ngoài đến thăm Làng nghề lại đông. Mùa hè, chủ yếu là khách trong nước, hầu hết là học sinh, sinh viên… Họ đến thăm chơi, tập chuốt gốm, nặn tượng nhiều hơn là mua sắm sản phẩm. Trước đây sản phẩm của làng bán giảm sút, ứ đọng. Có thể là do những sản phẩm quá quen thuộc, đơn điệu như đèn lồng, hình thú… Nay thì nhờ một số thợ trẻ năng nổ, sáng tạo cho ra mắt sản phẩm màu sắc đẹp hơn nên du khách có nhiều lựa chọn. Dù có thu nhập chưa cao, thế hệ làm gốm của làng vẫn chịu khó giữ nghề. Họ cần mẫn thổi hồn mình vào đất sét cho ra đời những sản phẩm gần gũi với cuộc sống làng quê, truyền chút lửa nghề ấm nóng cho những ai thích chuốt gốm!
Gần đây, một số nhà trong Làng nghề được truyền thụ, chuyển giao công nghệ nung gốm bằng lò đốt gas, lò đốt cải tiến đồng thời với việc nâng cao phẩm chất phục vụ, tạo ra nhiều sản phẩm mới thu hút khách du lịch. Nhờ đó đời sống bà con lao động Làng nghề có khá hơn.
Bài và hình LKD