Sau hơn 4 tháng chống dịch với các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt dẫn đến suy sụp kinh tế, nhằm cứu vãn, từ cuối tháng 9/2021 lãnh đạo Việt Nam buộc phải chấp nhận “sống chung với dịch” như biện pháp chẳng đặng đừng.

Cha con, vợ chồng dắt díu, đèo nhau trên xe máy về quê xa hàng trăm cây số phó mặc mưa gió bão bùng. Ảnh: tác giả cung cấp 

Từ 1/10/2021, nhà cầm quyền Sài Gòn bắt đầu nới lỏng kiểm soát, gỡ bỏ các chốt chặn, áp dụng thẻ xanh, thẻ vàng trong đi lại. Song, ngay trong đêm cuối tháng 9, hàng ngàn người dân (hầu hết là nhập cư) đã tìm cách thoát thân bằng xe gắn máy về quê, bất chấp sự ngăn chặn của chính quyền. Ðây cũng là đợt tháo chạy thứ 3 của người nhập cư ở Sài Gòn. Câu hỏi đặt ra là tại sao khi thành phố tái mở cửa, người dân không ở lại mưu sinh mà phải rời bỏ?

Ông Nguyễn Thành, cựu nhà báo, nhận xét: “Ðó là những người nhập cư nghèo phải chịu đựng thất nghiệp suốt 4 tháng qua. Còn nhớ đợt bỏ chạy đầu tiên của họ diễn ra giữa tháng 7/2021, sau hơn 2 tuần lễ có lệnh phong tỏa thành phố. Tới cuối tháng 8/2021 người nghèo bỏ chạy đợt hai trong hoang mang khi Sài Gòn siết chặt với chỉ thị 16+. Và đây là lần 3 khi Sài Gòn bước vào cái gọi là “bình thường mới”. Tôi cho rằng người dân bỏ chạy nhằm bảo toàn mạng sống cho bản thân và gia đình mình, thậm chí đó là sự mất lòng tin dù chính quyền luôn kêu gọi chào mời người dân nên ở lại”.

Xưa nay nhiều người hay bảo “Sài Gòn đất lành chim đậu”. Quả vậy, trước đây từng có không ít người quyết định rời bỏ quê nhà, ruộng vườn nơi tỉnh lẻ đến Sài Gòn kiếm kế sinh nhai. Ðất Sài Gòn bao dung và rộng mở. Ở đây, họ đã làm đủ mọi nghề để sống và gởi tiền về nuôi con đi học, gửi cha mẹ già hộp thuốc lúc ốm đau. Thợ hồ cũng dễ kiếm được vài trăm ngàn một ngày. Bán vé số trăm tờ/ngày cũng được hơn trăm ngàn. Ðặt thúng xôi đầu hẻm, mâm chuối nấu đầu đường, gánh bún chay xóm ngõ cũng sống được qua ngày. Ai làm công nhân hãng xưởng, thì bát cơm có thêm chút rau cá. Họ an tâm sống và làm việc trên mảnh đất này với hy vọng thế hệ tiếp nối sẽ có cuộc sống tốt hơn, hạnh phúc hơn.

Ở các cửa ngõ Sài Gòn giáp ranh các tỉnh, dòng người bị chặn lại. Ảnh: tác giả cung cấp

Thế nhưng đất Sài Gòn không còn lành khi cúm Vũ Hán kéo tới. Những chỉ thị, văn bản, nghị quyết, biện pháp thi nhau ra đời. Ðường phố vắng bóng người, phố phường giăng rào kẽm gai. Nhà máy đóng cửa. Mọi hoạt động “đóng băng” và họ… thất nghiệp. Số tiền nhỏ nhoi để dành đã cạn dần. Viễn cảnh chết đói đến gần, đe dọa cuộc sống của gia đình họ. Ban đầu, họ nghe và tin những lời hứa của chính quyền là không để ai đói, không ai bị bỏ lại phía sau và… chờ đợi. Cứ vậy, suốt mấy tháng ròng rã trông chờ, cầm cự bữa đói bữa no, sống nhờ túi gạo, bó rau từ thiện, họ bắt đầu tuyệt vọng. Rồi ngày ngày phải chứng kiến bao người lần lượt vào bệnh viện và chết. Những hũ tro cốt lần lượt xuất hiện trên bàn thờ tạm bợ trong các căn phòng trọ. Trong đầu họ dần hình thành suy nghĩ: chỉ còn một con đường sống là quay về lại chốn mình từng bỏ đi. Xưa, tìm về Sài Gòn vì tương lai và giờ cũng vì tương lai đành lìa Sài Gòn.

Xem thêm:   mê tín dị đoan

Trên Quốc lộ 1 gần cầu Bình Ðiền, chúng tôi gặp vợ chồng Toàn – Khánh cùng đèo nhau trên chiếc Cup 70 cà tàng về quê khi chị vợ đang có thai bốn tháng. Họ cho biết trong túi chỉ còn hơn 150 ngàn bạc và rớt nước mắt khi có người thương cảm, dúi vào tay tờ bạc năm trăm ngàn đồng. Chị vợ nói: “Từ nay vợ chồng em chắc hết dám lên Sài Gòn nữa!”. Hỏi vì sao thì Khánh giải thích: “Trước khi dịch bùng, chồng em làm thợ hồ, em đi mua ve chai, ngày kiếm vài ba trăm cũng tạm sống. Tới khi dịch bùng lên, chỗ nào cũng rào kẽm gai, chốt chặn, bước ra đường là bị công an phạt tiền… Mấy tháng liền, bọn em chỉ nhận được hỗ trợ tổng cộng 1.5 triệu đồng. Nếu là chú, chú có bỏ về quê không?”.

Tính tới ngày 10/10/2021, truyền thông, báo chí trong nước đưa tin có trên 150 ngàn người dân đã tháo chạy về miền Tây, miền Trung lẫn miền Bắc. Mặc cho chính quyền tìm mọi cách ngăn cản và thuyết phục ở lại, mọi người vẫn không đồng tình và cuối cùng chính quyền buộc phải sắp xếp cho dân về theo nguyện vọng. Có người đặt câu hỏi, tại sao cả thế giới cũng bị cúm Vũ Hán, nhiều nước nặng nề hơn VN mà tình cảnh nào đến nỗi? Ví dụ Indonesia số ca nhiễm, ca chết gấp 5-7 lần VN; Thái Lan ca nhiễm gần gấp đôi; Singapore ca nhiễm mỗi ngày tính theo tỉ lệ dân số cũng gấp mấy lần VN nhưng chưa nước nào người dân hoảng loạn như VN cả.

Người hảo tâm giúp cho chai nước, hộp cơm hỗ trợ những người tháo chạy. Ảnh: tác giả cung cấp

Ông Nguyễn Ðức Lộc, một nhà giáo dục, nhận định: “Việc người dân kéo về quê giống như nồi áp suất đặt trên bếp lò đang căng. Giải pháp là phải nhanh chóng xì van cho họ bình tĩnh lại, bằng không mọi thành quả sẽ đổ bể hết! Sẽ rất khó nhân danh chuyện chống dịch bệnh để truy cản đường sống của người dân. Chẳng thế mà trước ý chí về quê mãnh liệt của bà con, lãnh đạo nhà nước sau đó đã yêu cầu “các nơi tổ chức đưa đón chu đáo, trật tự, bảo đảm phòng chống dịch với người dân quyết tâm về quê”.

Xem thêm:   Họa sĩ... "Vandal"

… Tuy nhiên, đường về quê cũng đầy gian nan, khốn khó. Ghi nhận của chúng tôi, là đã có người phải bỏ mạng trên đường về vì nhiều lý do khác nhau. Song buồn thay, khi về gần tới nơi, một số người lại bị chính quyền quê nhà thẳng thừng từ chối. Nên nhớ lại từ đầu, khi có dịch bùng nơi này nơi kia trên thế giới, lãnh đạo VN đã thực hiện nhiều chuyến bay để đưa những người con xa xứ ấy trở về. Thế sao, những người lao động nghèo ngay trong nước lại không được đối xử giống vậy? Nhiều người bị chính quyền xã ấp nơi quê nhà chặn lại hoặc không nhận (?). Hóa ra, không ít các ông quan tỉnh, huyện, xã cứ lo giữ cái ghế của mình hơn là lo cho đồng bào? Những người trở về này không chỉ có nước mắt, máu mà còn có sự buồn tủi bởi họ bỗng trở thành kẻ xa lạ ngay trên quê nhà mình.

Dịch cúm Vũ Hán đã mang lại cho người Việt biết bao đau thương mất mát. Chính nó cũng mang đến sự khủng hoảng lòng tin. Suy sụp kinh tế theo thời gian rồi sẽ phục hồi. Nhưng lòng tin đã mất rất khó lòng tìm lấy lại được…

Nhiều người khi về gần tới quê nhà lại bị chốt chặn, phải tiếp tục ăn nghỉ “màn trời, chiếu đất” chờ chỉ thị của chính quyền. Ảnh: tác giả cung cấp

NS