Từ thành phố Huế, xuôi theo hướng Đông, đi về phía biển, dọc theo trục đường qua các làng quê cổ như làng Thanh Toàn (nơi có cầu ngói Thanh Toàn), làng Mỹ Lợi… mải miết đi về phía Điền Hải, Quảng Công, Quảng Ngạn thuộc huyện Quảng Điền, nơi có bờ biển đẹp như tranh nhưng lại hoang vắng, bởi nơi đây vẫn còn thưa thớt dân cư, đời sống khốn khó và người ta chỉ nghĩ đến đúng hai từ “vượt biên” để đổi đời. Và trong số những người bám trụ với thực tại, sống bằng công việc bám biển, bám hói, bám đầm, bám phá (Tam Giang), nghề nhặt hàu là một trong những công việc đắp đổi qua ngày với đủ các cung bậc vui buồn, hạnh phúc và đớn đau…
Nơi bán hàu rẻ nhất thế giới
Chị Phiên, một người có thâm niên nhặt hàu tự nhiên và bán bên đường gần 30 năm, chia sẻ:
– Hàu ở đây có thể nói ngon và rẻ nhất thế giới em à!
– Sao chị dám khẳng định như vậy?
– Có hai lý do để chị tin hàu chỗ xứ chị bán ngon và rẻ nhất thế giới. Bởi vì hàu tự nhiên, không phải hàu nuôi, tụi chị đi bắt, đi nhặt ở các hốc cây, rễ cây, gành đá, nó khác với hàu nuôi bằng lốp cao su ở các nơi khác, và nước ở phá Tam Giang vẫn còn sạch, không bị ô nhiễm, đời sống tự nhiên lắm, nên phải ngon và sạch rồi. Còn hàu tụi chị bán giá lúc nào cũng rẻ bằng nửa thị trường thôi, vì bán cao lấy ai mua, chỗ khỉ ho cò gáy này mà bán mắc thì có mà mang về ăn.
– Sao các anh chị không nghĩ đến chuyện đưa hàu bán trên mạng, ship hàu hoặc bán ra ngoài thành phố cho có giá cao hơn một chút?
– Cái này tụi chị từng nghĩ, từng làm nhưng vất vả quá, mình dân quê, xài điện thoại thông minh không có hợp lắm, và mình dân ở đây thì đi cả một dặm mới có một cái nhà, bây giờ thành phố người ta đặt hàng chẳng hạn, nội chuyện đi tìm nhà trên thành phố cũng mất cả buổi, còn giao cho shipper thì giá mắc cũng ngang với giá thị trường mà mình cũng chẳng kiếm thêm được mấy đồng, thôi bán như vậy vừa dễ cho người mua, vừa dễ cho mình em à!
– Trung bình một ký hàu ruột loại nuôi trên thị trường có giá từ 160 ngàn đồng trở lên bao gồm hơn nửa ký nước, ở đây chị bán có một trăm tư ngàn, cân khô không nước, như vậy chưa bằng nửa giá thị trường, vậy một ngày mình bán được mấy ký hả chị?
– Cái này khó nói lắm em, có ngày bán vài ký, có ngày bán vài lạng, khi khách người ta chịu mua thì mình mới lột vỏ, tách vỏ hàu là cái rất khó nhưng em thấy đó, tụi chị quen nghề rồi, chừng 10 phút là bóc tách cả ký ruột hàu à, nên cũng không có chi khó. Mình làm một mùa, ăn một năm em ạ!
– Như vậy một mùa của mình phải có thu nhập cao?
– Mong được rứa thôi, vì chỉ có mùa nắng mình mới dám đi nhặt hàu, chứ mùa mưa bão thì có ai dám ra phá đâu, có giỏi lắm thì đi đánh lưới thôi. Mà mùa mưa bão là mùa hàu sinh sôi nảy nở nên mình cũng không bắt, mình chỉ bắt vào mùa nắng thôi. Trung bình một ngày kiếm chừng 500 ngàn đồng, như vậy một tháng có 15 triệu đồng, mùa nắng mình làm giỏi kiếm cũng được vài chục triệu đồng, đó là số tiền dành dụm để tiêu dùng trong cả năm. Mùa mưa thì chỉ có ngồi nhà mà nhìn ra thôi. Nhưng quan trọng nhất là cho con ăn học, nên sống cũng tằn tiện.
– Các cháu học hành ra sao hả chị?
– Ở đây có cái hay, đứa nào học giỏi thì giỏi lắm, đứa nào học không nổi thì nghỉ làm sớm, đi học nghề hoặc phụ hồ, có đứa nghĩ đến vượt biên. Còn đứa nào học giỏi thì phụ cha mẹ bắt hàu, đánh lưới, bán hàu, bán hải sản để kiếm tiền mà học. Chị có hai đứa, đứa nào cũng học giỏi, mừng em ạ, chỉ có lo áo quần, đầu năm học là xoắn lên thôi.
– Chị có được nhà nước hỗ trợ cho việc học hành của con không?
– Hỗ trợ chi em, mình cũng nộp học phí và các khoản phí khác đầy đủ như bất kỳ phụ huynh nào khác em ạ. Vì chị không thuộc diện nhà nghèo, mà chị cũng chả thích cái giấy chứng nhận nớ mô, mình làm mình ăn, không ăn bám ai, rứa thôi!
Đời sống hái lượm
Cùng làm nghề nhặt hàu giống chị Phiên, có chị Hoa, anh Củng, ông Nửa, ông Hai, bà Tư và rất nhiều gia đình khác nơi đây, họ hái lượm luân phiên, mùa nắng thì nhặt hàu, bắt ốc, mùa mưa thì đánh lưới. Đời sống của họ có gì đó mang dáng dấp thời hái lượm, chỉ khác là hầu hết họ đều có ước mơ cho con ăn học đến nơi đến chốn và gửi giấc mơ đổi đời vào con chữ thay vì nghĩ đến chuyện vượt biên. Như lời của chị Hoa:
– Ở đây người ta vượt biên nhiều lắm, hồi xưa vượt biên bằng ghe, tàu, đường biển, bây giờ người ta vượt biên bằng con đường lao động chui, xuất khẩu lao động. Em cứ nhìn vào những cái nhà vắng vắng, xây dựng tạm bợ bên cạnh những ngôi mộ to đùng đó là gia đình vượt biên đó.
– Gia đình mình có ai nghĩ tới chuyện vượt biên không? Mà sao vượt biên lại có những căn nhà tuềnh toàng như vậy chị?
– Nhà chị không có ai nghĩ tới chuyện này đâu, mình không có điều kiện, với lại biết sang bên đó làm chi đây mà vượt biên. Nhiều người người ta có của ăn của để, có cao vọng, họ nghĩ rằng sang bên đó để thay đổi môi trường giáo dục, được tự do hơn, dân chủ hơn thì người ta đi. Còn mình không có nghề nghiệp ổn định, của cải cũng chẳng có chi, lấy cái chi mà đi, hơn nữa mình 7 đời bần cố nông thành thử quen rồi, mọi cái cực khổ, khổ ải mình cũng quen rồi, thôi thì sống tiếp mà thay đổi được chừng nào mừng chừng đó chứ chạy đi mô cho khỏi nắng hả em?!
– Chị vẫn chưa giải thích giùm em về vụ nhà mấy gia đình vượt biên?
– À, họ nhà xập xệ vậy thôi, nhưng mộ của gia tộc họ xây to lắm. Vì ở đây còn tạm bợ nên người ta thiên về mộ ông bà, người ta nghĩ đến chữ báo hiếu nặng lắm. Mà cũng lạ là hầu hết người ta có cái gì đó khó nói lắm, nhiều khi để người sống đói khổ mà xây mộ cho to. Cha mẹ còn sống thì thiếu thốn, không có con cái bên cạnh, nhưng khi chết thì có cái lăng mộ to đùng. Hầu như người ta nhìn nhau, khen chê nhau, hơn thua nhau qua cái mộ. Hầu hết các gia đình có người vượt biên đều có nhà cửa không to bằng mộ ông bà mô em à!
Cùng ý nghĩ như chị Hoa, ông Nửa, một người từng có ý nghĩ vượt biên để thoát nghèo, hiện đang là người có thâm niên nhặt hàu cao nhất làng, gần 50 năm, ông chia sẻ:
– Chú sống ở đây qua hai thời kỳ, chú chứng kiến mọi vui buồn rồi, giờ nghĩ lại, hồi đó mình nhát gan cũng có cái hay, chứ đâu phải ai vượt biên cũng tới được bến bờ mơ ước, bỏ mạng ngoài biển đầy ra đó, rồi sang bên nớ cũng chưa chắc đã vượt Vũ Môn (cá chép vượt Vũ Môn) được. Có khi đời sống tha hương cứ vậy mà kéo dài, khó nói lắm.
– Bây giờ chú thấy công việc và đời sống ra sao?
– Bây giờ thì đỡ hơn nhiều rồi con ạ, ngày xưa không dám ho nữa kia, Huế thì con biết rồi, mức độ tàn nhẫn của người Huế thuộc dạng hiếm có, Mậu Thân 1968 con thấy đó, chỉ có Huế mới đẫm máu đến vậy. Và sau 1975, những gia đình có dính đến chế độ cũ như chú thì họ cũng phải len lén mà ho, thở cũng phải thở thầm con ạ. Giờ cái thế hệ khát máu ấy già rồi, thế hệ trẻ có khá hơn. Nhưng thôi, chú không muốn nhắc chuyện này nữa, chú chỉ muốn nói đến nghề nhặt hàu thôi. Đây là cái nghề, chú khẳng định nó là nghề bởi nó tồn tại gần nửa thế kỷ với chú và nó giúp chú nuôi sống cả gia đình thì không thể nói rằng đó là công việc được chăng hay chớ nữa rồi!
– Giữa nghề với công việc có gì khác nhau theo chú ạ?
– Có chứ, công việc gồm cả có nghề và không có nghề, nhưng nghề thì phải có cái công việc mà mình sống với nó, mình đọc ra cái nhịp thở của nó. Chú nói đây là nghề vì thứ nhất là tuy khổ nhưng nó giúp được một nhóm gia đình tồn tại bằng nó, thứ hai, những người làm nghề này hiểu được nhịp thở của đầm phá, của biển, của hói, của cây cỏ và con nước nơi đây. Như vậy là nghề rồi chứ còn gì?! Nhìn chung đây là cái nghề nghèo khổ nhưng vui, có quyền hy vọng vào lớp sau.
– Theo cảm nhận của chú thì đầm phá bây giờ có gì khác so với trước không?
– Ồ, khác nhiều chứ con, phá Tam Giang này là cái phá có 3 con sông chảy vào nó, Tam Giang mà, gồm 1 con sông ở lệch phía Quảng Trị là sông Bồ, con sông cái là sông Hương và thêm con sông nhỏ là Như Ý. 3 con sông đổ vào phá, thực ra còn nhiều sông nữa nhưng đây là 3 sông chính. Phá này ngày xưa sạch lắm, sóng lớn, khu Đá Bạc ở Phú Lộc, Lăng Cô ngày xưa có những tảng đá lớn, ánh bạc dựng giữa phá cứ như Vịnh Hạ Long thu nhỏ. Sau này người ta đục chở về nhà làm non bộ sạch trơn. Giờ trơ trọi lắm. Còn nước trên phá bây giờ cũng bắt đầu có mùi ô nhiễm, thỉnh thoảng đã nghe mùi…
Câu kết của ông Nửa, một người có thâm niên bám phá Tam Giang hơn nửa thế kỷ, nghe cứ buồn buồn và có gì đó ẩn chứa hoài niệm về một thuở đẹp đẽ xa vời, dường như cũng là một câu báo động về đời sống của con người trước thiên nhiên đang ngày càng xấu đi!
Bài và hình UC