Trong một bài báo xuất bản hôm 21-01-2023, Nikkei Asia đưa ra đánh giá: “…Đường phố tại Sài Gòn cung cấp cho khách du lịch quốc tế tất cả những gì họ cần, từ món ăn ngon, lịch sử kiến trúc sâu sắc cho đến nhịp sống sôi động…Có tất cả mọi thứ chỉ ngoại trừ…nhà vệ sinh công cộng” (từ đây viết tắt WCCC). Tờ báo này còn dẫn chỉ số Toilet Index từ Bảng xếp hạng của QS Supplies (một công ty có trụ sở tại Anh), cho biết Sài Gòn (và Hà Nội) là 2 trong số những thành phố có điều kiện sử dụng WCCC dành cho khách du lịch quốc tế…tệ nhất thế giới. Bảng xếp hạng này được tính toán dựa trên số lượng WCCC trung bình trên mỗi km2 tại 69 thành phố du lịch trên toàn cầu. Kết quả: Hà Nội và Sài Gòn lần lượt xếp thứ 66, 67 trên tổng số 69 thành phố, chỉ cao hơn Johannesburg (Nam Phi) và Cairo (Ai Cập) đứng cuối bảng. Tại khu vực ASEAN, nhiều thành phố khác đều có thứ hạng cao hơn 2 thành phố VN như Kuala Lumpur (Malaysia) xếp thứ 42 hay Bangkok (Thái Lan) thứ 45. Nikkei Asia còn đưa ra nhận xét: “Một sự thật không thể chối cãi là du khách sau khi uống cà phê kem trứng và tản bộ trên vỉa hè Hà Nội trong một giờ, sẽ phát hiện khó kiếm ra WCCC ở chung quanh. Các tờ rơi hướng dẫn vẫn nhắc nhở du khách mang theo tiền hoặc lưu các số điện thoại khẩn cấp nhưng không thấy chuẩn bị cho mọi người việc căn bản nhất này. Sử dụng WCCC không chỉ là nhu cầu và quyền con người mà đây còn là vấn đề về nhân phẩm, hòa nhập và tôn trọng”.

Những WCCC tiện nghi, sạch đẹp ở VN chỉ đếm được trên đầu ngón tay     

Theo thói quen, người bình thường một ngày phải đi đại, tiểu tiện từ 6-8 lần. Trường hợp đường đi, nơi làm việc, bến tàu xe, sân bay, nơi vui chơi… không có WCCC rõ ràng là khá bức bối. Ở nhiều nước, WCCC là chuyện dân sinh nhưng cũng là vấn đề kinh tế xã hội. Chẳng hạn ở Singapore, cựu Thủ tướng Goh Chok Tong từng tuyên bố: “WCCC của đất nước là thước đo văn hóa của người dân”. Vài năm trước, cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đích thân phát động phong trào Văn minh toilet (Toilet civilization) và phong trào ấy vẫn được người Malaysia hưởng ứng đến bây giờ.

Thống kê của QS Supplies về số lượng WCCC (Toilet Index) trên mỗi km2 ở một số thành phố lớn trên thế giới

Một người bạn tôi làm việc trong một công ty du lịch của Nhật Bản nói: “Sẽ rất khó thúc đẩy lượng du khách Nhật tới VN nếu phẩm chất các WCCC ở đây vẫn chưa cải thiện. Ví dụ khi đặt chân đến sân bay Tân Sơn Nhất hay Nội Bài, nơi đầu tiên nhiều du khách chúng tôi thường tìm đến là WCCC. Và người ta phàn nàn những gì? Mùi xú uế nồng nặc, thiếu nước, bồn cầu dơ bẩn, thiếu giấy vệ sinh, thiếu vòi xịt, thiếu nơi vệ sinh cho người khuyết tật… Không chỉ vậy mà chúng tôi còn có cảm giác nhiều người VN còn thiếu kiến thức trong sử dụng WCCC. Có thể nói hầu hết WCCC ở các điểm đến du lịch của VN thường cho một kinh nghiệm kinh khủng với du khách bởi sự mất vệ sinh của nó!”. Có lẽ mọi người nên biết thêm Nhật Bản là một quốc gia nổi tiếng thế giới không chỉ ở sự giàu có hay những tiến bộ khoa học công nghệ vượt bậc mà còn từ những cái WCCC. Ai đã từng đến Nhật đều có ấn tượng  tốt với hệ thống WCCC rất sạch sẽ, hiện đại trải khắp các nhà ga sân bay, công viên, siêu thị, danh lam thắng cảnh, di sản và trên đường phố.

Xem thêm:   Dubai

Nhiều WCCC là nỗi ám ảnh kinh hoàng của du khách

Trong khi đó, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết hiện nay, tổng số WCCC ở thành phố này là hơn 400 cái. Trong đó 150 cái xây dựng từ năm 2003 – 2010 phân bố tại các địa điểm công cộng như bến xe buýt, công viên, vườn hoa, các khu vui chơi… Số còn lại xây dựng từ trước năm 1990 tại các khu dân cư, khu tập thể. Với gần 8 triệu dân cùng hàng triệu khách du lịch đến Hà Nội mỗi năm, số lượng này là quá ít. Tiếp tục khảo sát qua các WCCC tại Hà Nội, dễ nhận ra tình trạng mất vệ sinh khá phổ biến như ở vườn hoa Lý Thái Tổ, công viên Lê-nin, vườn hoa Lê Trực…Đó là chưa kể một số WCCC chỉ hoạt động trong giờ hành chính, sau đó đóng cửa nghỉ (?). Còn dọc các tuyến phố như Thái Hà, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Duy Hưng, Đê La Thành… dù luôn có nhiều người lưu thông nhưng không thể tìm thấy bất cứ WCCC nào!

Tình trạng “đái đường” là phổ biến ở nhiều khu đô thị, thành phố

Còn Sài Gòn hiện có trên 210 WCCC được lắp đặt ở một số đường, bến xe, chợ, công viên và khu du lịch. Về căn bản chưa đạt tiêu chuẩn, số lượng quá ít so với nhu cầu thực tế và phân bố thiếu hợp lý. Chẳng hạn, tại khu vực công viên Bến Bạch Đằng, công viên 30/4 (quận 1) là nơi thường xuyên tập trung đông người dân, khách vãng lai và khách du lịch lại ít thấy có WCCC. Tương tự, WCCC cũng khó tìm thấy tại nhiều con đường lớn khu vực trung tâm nội thành kể cả các cửa ngõ ra vào thành phố. Do đó hiện tượng người đi đường đi tiêu tiểu ngay bên lề đường, bụi cây, gầm cầu là không hiếm!

Một số WCCC chỉ mở cửa trong… giờ hành chánh

…Có ý kiến cho rằng trong hàng loạt những vấn đề xã hội ở Việt Nam cần giải quyết thì câu chuyện về cái WCCC đôi khi bị xem là “chuyện nhỏ” vì ít có lãnh đạo chính phủ hoặc ban ngành nào cho rằng đây là một trong những “điểm yếu” khiến du lịch Việt Nam tăng trưởng quá chậm so với các nước cùng khu vực. Cụ thể như năm 2022, VN là nước thu hút ít khách du lịch quốc tế nhất Châu Á, với chỉ 3.66 triệu lượt. Một trong những nguyên nhân là thiếu WCCC sạch đẹp, hiện đại, thuận lợi ở các điểm bán xăng dầu, bến tàu xe, sân bay, nhà hàng, quán ăn, cà-phê…

Xem thêm:   mê tín dị đoan

NS