Kiều Mỹ Duyên

tên thật là Nguyễn Thị Ẩn

Năm 1960 bà được học bổng sang Úc học ngành báo chí. Trở về Sàigòn bà bắt đầu viết phóng sự xã hội rồi phóng sự chiến trường cho nhiều nhật trình. Bà cũng giữ mục Người Yêu Của Lính và Thương Người Hậu Phương trên báo Công Luận. Năm 1976, bà vượt biên và định cư tại Hoa Kỳ. Năm 1982, bà tốt nghiệp khoa Báo Chí, Chính Trị và Địa Ốc tại California State University of Fullerton.

Đã xuất bản: Chinh Chiến Điêu Linh và Hoa Cỏ Bên Đường.

Lời Giới Thiệu:

Thuở niên thiếu tôi loanh quanh trong Sàigòn là nơi sinh ra. Mỗi mùa Hè tôi đi xa nhất đến Vũng Tàu vì bố mẹ luôn sợ Việt cộng đắp mô đường. Những khi cầu Cỏ May gần Ô Cấp bị gài mìn là các chị em tôi đành du lịch …Thủ Đức. Quê hương xa xôi chỉ xuất hiện vô hình trên trang giấy. Tôi khám phá sau Biên Hòa đầy những địa danh vì Phan Nhật Nam dắt tay tôi vào những làng mạc của đất Mẹ. Tôi thuộc nằm lòng Dọc Đường Số Một, thuộc hết những tên ấp và các tên trại lính. Suối Rô, trại Polei Kleng, Dakto, Chu Pao, Ben-hét… Sao có những tên lạ lùng vậy? Chúng ở đâu? Tôi tìm trên bản đồ với ngón tay học sinh nhưng sẽ không bao giờ tôi kịp đi đến.

Sau 75, Sàigòn giống đang phong tỏa cúm Tàu lúc này. Các chốt chặn với xung kích phường đội và cách mạng 30 cùng khắp. Ngăn thôn quê mang rau cải, thịt thà vô phố xá. Mục đích bắt phải đi kinh tế mới. Buổi tối mặt đường đầy những manh chiếu cong queo ôm những thân người co quắp, vì gia cư, vì lý lịch nên bị đuổi nhà và vì đi kinh tế mới chịu không thấu đành quay về ngủ la liệt trên mặt đất. Đạp xe phải tránh những em bé lăn lóc. Ai du lịch khi ấy? Chỉ có ra biển Đông du lịch trại tị nạn.

Nhiều thập niên sau Kiều Mỹ Duyên đem tôi về khoảng thời gian sắp lớn. Tôi bắt gặp lại tâm tình mình những ngày tuổi nhỏ, ước ao ra những vùng hỏa tuyến, vào từng ngôi làng, đến các quận lỵ để được tham dự.

Phóng sự chiến trường của một nữ phóng viên khác ra sao so với bút ký của đàn ông quân nhân viết ngoài mặt trận?

Ba chữ nữ-phóng-viên tự thân đã gây tò mò. sao phụ nữ không sợ súng đạn? Vì sao lao vào chỗ đầy địa lôi nơi trực thăng rớt hà rầm? Kiều Mỹ Duyên phải mang tánh khí mạnh mẽ, xông xáo và là týp phụ nữ hiện đại của miền Nam lúc đó. Bà đậu tú tài rồi sau khảo hạch nhận học bổng sang Úc học phân khoa báo chí. Kiều Mỹ Duyên trở về và thay vì ở thủ đô để trốn mặt trận, bà ra tiền tuyến gặp lính. Gặp dân chạy loạn. Để hy vọng còn nhìn thấy hy vọng trong mắt đồng bào mình. Một trái ngược làm nên chữ viết. 

Bút ký của Kiều Mỹ Duyên không có tiếng “tách” khô khan khi tháo dây an toàn của ống phóng hỏa tiễn M-72. Cũng không có tính cách chuyên môn của một quân nhân đang chấm tọa độ gọi pháo binh. Không có các chi tiết mìn đĩa, mìn claymore định hướng hay phân tích chiến thuật đánh công kiên của Bắc-Việt. Cũng thiếu tiếng văng tục chửi thề hoặc những tiếng lóng quân đội rất thông dụng trong các đơn vị tác chiến. Vì là bút ký của một nữ phóng viên, không phải của lính tráng đàn ông viết nhật ký. Thiếu, nhưng đầy ắp thao thức dân sự của một phụ nữ đô thị về tỉnh lỵ và chứng kiến. Chiến Tranh.

Xem thêm:   Quán nhậu thời đo... cồn

Chiến tranh qua mắt nhìn của một phụ nữ Nam-Việt không sôi động xáp-lá-cà như trong bút ký của Huỳnh Văn Phú vì Kiều Mỹ Duyên không cầm súng. Nhưng tươi rói cảm xúc còn oi mùi lửa. Xúc động nhưng vẫn kềm cho chữ viết giữ được sự dung dị, và ưu điểm ở đây, ở tính cách từ tốn quan sát và chậm rãi ghi nhận khiến thấm lâu vào người đọc.

Những trang bút viết tay đánh mất rồi tác giả sao lục lại ở thư viện quốc hội Hoa Kỳ và cho xuất bản năm 1994 là một quý giá. Vì ghi lại tâm tình của quân dân miền Nam khi ấy. Trẻ giới thiệu lại một lần nữa Chinh Chiến Điêu Linh, với đồng ý của tác giả. 

Chương nhập Buổi Chiều Trên Sân Bay Đà Nẵng là câu chuyện của tướng Lewis W. Walt với một cô bé có thể đang học ở trường Phan Bội Châu ở Sơn Trà, bên dưới sự rộn rịp rì rầm của một phi cảng quân sự. Vào đầu mùa Hạ năm 72.

[Trần Vũ]

21 kỳ – Kỳ 1

Buổi chiều trên sân bay Đà Nẵng

Một buổi chiều của mùa Hè năm 1972, chiếc C130 cất cánh từ Tân Sơn Nhất thả tôi xuống phi trường Ðà Nẵng. Ðây là một phi trường lớn của Vùng I, cả hai mặt dân sự và quân sự. Buổi chiều mùa Hè của miền Trung, thời tiết nóng oi bức, dù Ðà Nẵng là một thành phố nằm ven biển. Người ta có cảm tưởng sự ngột ngạt ngày càng nhiều hơn từ khi những người lính Mỹ đầu tiên đặt chân đến hải cảng này.

Một cuộc đổi đời có vẻ âm thầm, cay đắng cũng bắt đầu với sự xuất hiện của những lon Coca, lon bia Hem và những snack bar mọc lên nhanh chóng trên cái thành phố từ trước đến nay, vẫn giữ được những nét sang trọng của giới thượng lưu thứ thiệt trong suốt thời kỳ còn dấu chân của người Pháp. Nhịp độ sinh hoạt của thành phố có vẻ sôi động hơn, tăng theo sự hiện diện ngày càng đông của quân đội Mỹ. Một nấc thang mới của xã hội nảy sinh. Một lớp người bỗng nhiên trở nên giàu có nhanh chóng, nhờ đủ mọi dịch vụ dính líu đến quân đội Mỹ: từ những xe hàng êm xuôi ra khỏi kho của PX, những đống rác đấu thầu được, cho đến cả những ông thông dịch viên độc quyền dịch hôn thú cho mấy bà vợ theo chồng về nước.

Chỉ tội cho lớp người trí thức như công, tư chức, đang phải đứng giữa ngã ba đường: chạy theo cuộc sống, hay cưỡng lại với hai chữ “kẻ sĩ” ương gàn, bất lực? Thiệt thòi nhất vẫn là những người lính chiến. Dù cho cuộc sống có thay đổi thế nào, họ vẫn là những kẻ hy sinh, những kẻ ngày đêm miệt mài với chiến trận. Họ hy sinh để bảo vệ cho đồng bào. Hai chữ đồng bào gồm cả những người đã tận dụng quyền lực để hầm hè với nhau, tranh giành với nhau từng đống rác của Mỹ, tại cái thành phố mà tôi vừa đặt chân xuống đây.

Xem thêm:   Chuyến Tầu Tập Kết

Chiều Hè trong phi trường chỉ có từng cơn gió lửa, thổi từ ống phản lực của những chiếc phi cơ cất cánh liên tục trên các phi đạo chạy dài hun hút. Tôi đặt xách tay dưới chân và đứng nhìn ra bên ngoài. Những chiếc phản lực cơ cất cánh liền liền. Trên bầu trời Ðà Nẵng, hầu như không bao giờ im tiếng máy bay gầm thét, ngày cũng như đêm. Chỉ cần đứng ở một phi trường quân sự để nhìn nhịp độ cất cánh của các chiến đấu cơ, hoặc vào các quân y viện để xem tổng số lượng bệnh binh nhập viện hằng ngày, người ta cũng thấy được mức độ cuộc chiến của vùng đó mà khỏi cần nghe phòng hành quân thuyết trình.

Nhìn những phản lực cơ mang những ám số bắt đầu bằng chữ F nối đuôi nhau cất cánh từ phi trường quân sự Ðà Nẵng, tôi chợt nghĩ đến sự sống và sự chết của những người chiến sĩ Không Quân vừa tung đôi cánh chim bằng kia, hướng về một trận đánh đang khai diễn ở nơi nào đó, và có thể bên dưới, một viên đạn phòng không, một trái hỏa tiễn địa không đã sẵn sàng chờ họ. Giả sử tôi rảnh rỗi đứng tại đây, ghi số một chiếc máy bay nào vừa cất cánh, và chỉ một hoặc hai giờ sau, không thấy chiếc máy bay đó đáp xuống lại, thì có nghĩa là người đi không về… Chim bằng đã gãy cánh. Người chết, chết âm thầm, người sống vẫn tiếp tục nhiệm vụ cao cả. Và bên ngoài phi trường, thành phố Ðà Nẵng nằm bên hải cảng vẫn đẹp đẽ, vẫn xô bồ, ồn ào và náo nhiệt. Thành phố đó có đại bản doanh của Quân Ðoàn I/Quân Khu I và bộ chỉ huy của các lực lượng Mỹ cũng trú đóng tại đây.

Bất chấp những bon chen nơi phố thị, người lính vẫn thầm lặng đối diện tử sinh…

Sự hiện diện của người Mỹ tại Việt Nam đã khiến cho cuộc sống có phần đảo lộn. Ðà Nẵng là một trong số những thành phố trở mình đầu tiên. Sự ồn ào bên những đống rác chỉ là ngôn ngữ của đám ruồi nhặng. Những kẻ đó không phải tiêu biểu để đánh giá cho những con người từ đời này qua đời khác, đã đổ bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và xương máu để giữ vững mảnh đất tuy cằn khô, nhưng vẫn là quê hương của mình.

Quê hương em nghèo lắm ai ơi.

Mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu cơm…

Sống trên mảnh đất cày lên sỏi đá, nhưng lòng người không khô cằn. Thiếu cơm, thiếu áo, nhưng không thiếu tình người. Ðó không phải chỉ là sự ngạc nhiên của riêng tôi, trong những lần ra thăm miền Trung, mà còn là ấn tượng đẹp đẽ đến mức độ cảm phục của một viên tướng đến từ bên kia bờ đại dương: Tướng Lewis Walt, Tư Lệnh Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ tại Việt Nam. Trong cuốn hồi ký Strange War – Strange Strategy, Tướng Walt đã kể lại một câu chuyện xảy ra trong những ngày ông cầm quân tại Ðà Nẵng.

Một buổi sáng, khi tới bản doanh để làm việc. Bước vào văn phòng, Tướng Walt thấy một cô bé Việt Nam khoảng mười một tuổi đang ngồi chờ ông ở phòng khách. Cô bé rất hiền, xinh xắn, dễ thương và có vẻ e thẹn. Tướng Walt hỏi viên sĩ quan tùy viên vì lý do nào mà cô bé đến văn phòng của ông ta vào lúc quá sớm như vậy. Sĩ quan tùy viên trình bày là cô bé đến để trả lại một chiếc đồng hồ đeo tay bằng vàng của một binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến Mỹ đánh rơi mà cô bé nhặt được.

Xem thêm:   Trên cả tuyệt vời!

Tướng Walt tiếp cô bé trong văn phòng và khuyến khích cô bé nói chuyện. Cô bé nói được tiếng Anh. Cô bé giải thích là cô nhặt được chiếc đồng hồ vàng có khắc tên và đơn vị của người lính đã làm rơi. Cô không muốn giữ hoặc bán chiếc đồng hồ, vì đó là vật tư hữu của một binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến Mỹ, một binh chủng mà cô bé thương mến.

Khi Tướng Walt hỏi tại sao cô bé mến Thủy Quân Lục Chiến, cô bé trả lời:

– Vì cha tôi là một Hạ Sĩ Quan Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam. Cha tôi bị Việt Cộng giết cách đây hai năm.

Tướng Walt hỏi cô bé làm sao học được tiếng Anh giỏi như vậy, cô bé đáp:

– Anh tôi đã dạy cho tôi đó. Mẹ tôi chỉ đủ tiền cho một đứa con đi học, nên anh tôi được đi học. Rồi tối đến, anh tôi dạy cho tôi và hai em tôi những gì anh ấy học được ban ngày.

Trong cuốn hồi ký, Tướng Walt thú thật là vẫn còn cảm thấy bồi hồi mỗi khi nhớ lại câu chuyện chiếc đồng hồ và cô bé Việt Nam. Ông biết rõ rằng, trị giá chiếc đồng hồ đó nhiều hơn lợi tức mà gia đình cô bé kiếm được trong một năm, thế mà cô ta và gia đình đã trả lại cho sở hữu chủ không một chút do dự.

Ông viết tiếp: ‘Cô bé 11 tuổi ấy đã lớn lên trong một thành phố nghèo đói, bệnh tật, chiến tranh và sự chết chóc bao trùm chung quanh. Nhưng cô bé đã học được những nét cao thượng của cha, của anh là những chiến sĩ, và từ những người lớn khác, niềm kiêu hãnh và sự tự trọng… ‘

Tôi sinh trưởng và lớn lên ở miền Nam, một miền trù phú với nhiều ưu đãi của thiên nhiên. Với nghề nghiệp của một phóng viên chiến trường, tôi đã có dịp đặt chân lên khắp nơi của nửa phần đất nước Việt Nam: từ Bến Hải đến mũi Cà Mau. Tôi không có dịp ra miền Trung thường xuyên. Nhưng quả thật miền đất đó, đã có những mời gọi âm thầm đối với tôi. Chỉ riêng về phương diện nghề nghiệp thôi, phần đất từng được mệnh danh là Miền Hỏa Tuyến thật đáng là nơi cho những phóng viên chiến trường có mặt.

Tôi thương cái nghèo khó của miền Trung, và kính phục sự vươn lên mãnh liệt của người dân ở vùng này. Và ngày hôm đó, một ngày giữa mùa Hè năm 1972, tôi có mặt tại chiến trường Trị Thiên để chính mắt quan sát và ghi lại những trận đánh lẫy lừng của những người chiến sĩ can trường đang trấn giữ vùng địa đầu.

Tôi có mặt để xin được chia sẻ sự chua xót bằng ngậm ngùi của những người khốn khổ, đến một mái tranh nghèo, một mảnh vườn con cũng không giữ được trước thiên tai và cả bao nhiêu cuộc chiến tiếp diễn đã bao lâu nay trên mảnh đất khô cằn, mà họ vẫn sống bám vào cho trọn tình với ông cha.

Bởi thế, từ lòng thương mến và cảm phục đó, mỗi lần khi viết về miền Trung, tôi viết với tất cả sự trang trọng vốn có trong tâm tư.

KMD (1972)

Tuần sau

Mùi máu tươi trong rừng cây khuynh diệp