Qua cơn bão lửa

Có bao giờ trong hầm hố dưới gạch ngói đổ nát, trong hoang vu giữa hai trận pháo, người dân An Lộc đã cất tiếng hát Ca Khúc Da Vàng của Trịnh Công Sơn?

“Hãy sống giùm tôi, hãy nói giùm tôi, hãy thở giùm tôi

Thịt da này dành cho thù hận, cho bạo cường cho tham vọng của một lũ điên.”

Những ca từ ấy nếu từ vị trí nạn nhân thì chính các Công trường 5, 7, 9 với Lữ đoàn 203 Tăng Thiết Giáp của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam mới là lũ điên. Vì sao phải pháo kích tàn nhẫn lên đất của quê hương, nơi sinh sống của đồng bào cùng tiếng nói, cho mục đích của Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh? Thiên bút ký thứ 18 của Kiều Mỹ Duyên gói trọn bi tráng của một miền đất mang những tên Lộc Ninh, Thanh An, Phước An, Thanh Hòa, Thanh Bình, Bình Phước và An Lộc.

Khác Phan Nhật Nam tập trung vào trận Đồi Gió của Tiểu đoàn 6 Nhảy Dù trong Mùa Hè Đỏ Lửa, Kiều Mỹ Duyên nhìn An Lộc rộng hơn, với dồn nén âu lo và phập phồng. Càng vào sâu, hy vọng và tuyệt vọng trộn làm một: sống và chết. Bằng một trái bích kích pháo hay một càng trực thăng thả tiếp tế. Trần Vũ

Khi Cộng quân mở cuộc tổng công kích toàn diện vào miền Nam Việt Nam mùa Hè năm 1972, người ta nói rằng, Tướng Võ Nguyên Giáp đang làm một cuộc phiêu lưu bằng xương máu của 13 sư đoàn quân Bắc Việt. Sau khi lửa đạn đã ngút trời từ Bến Hải chạy dọc theo rặng Trường Sơn vào tận miền Cao Nguyên Trung Phần, một thị trấn nhỏ bé nằm về hướng Bắc của Sài Gòn và cách Sài Gòn khoảng 95 cây số được những bàn tay máu của Bắc Việt khoanh tròn trên bản đồ quân sự: An Lộc.

Ký giả Joseph Alson của báo Los Angeles Times, người đã theo dõi trận An Lộc từ ngày khởi đầu, đã tuyên bố:

– So với Khe Sanh năm 1968, An Lộc còn ghê gớm hơn nhiều, ngay như Thiếu Tướng James Hollingsworth, Cố Vấn Trưởng Quân Ðoàn 3, một vị cố vấn quân sự nổi tiếng gan dạ như thế mà vẫn chưa dám đặt chân xuống An Lộc. Không như Khe Sanh hồi đó, ngày nào cũng có vài vị khách đến thăm. Báo Los Angeles Times cũng viết: ‘Cường độ pháo kích tại Khe Sanh còn quá nhẹ so với An Lộc. Khi lực lượng phòng thủ ở Khe Sanh năm 1968 là Thủy Quân Lục Chiến Mỹ thì chúng ta đau khổ gọi nơi đây là ‘Ðịa Ngục Khe Sanh’. Nhưng khi chúng ta biết đang có một cuộc tử thủ tại An Lộc còn ghê gớm hơn cả Khe Sanh, thì chúng ta lại thờ ơ, lãnh đạm, nói đến với một giọng điệu kẻ cả. Giả sử như quân đội Mỹ đang tử thủ tại đây, thì chắc cả nước Mỹ phải khóc nức nở chứ không phải thờ ơ lãnh đạm như đối với những chiến sĩ của Việt Nam Cộng Hòa đang chiến đấu tại An Lộc bây giờ.’

Ðầu tháng 4 năm 1972, một cuộc hội thảo về Bình Ðịnh Phát Triển cho các cấp từ Tư Lệnh Quân Khu, Tỉnh Trưởng, Quận Trưởng, Ty Sở Trưởng của toàn miền Nam được tổ chức tại Trung Tâm Huấn Luyện Cán Bộ Vũng Tàu. Ngày khai mạc có Tổng Thống, Thủ Tướng và toàn thể nội các tham dự.

Sau ngày khai mạc, tình hình chiến sự tại Quảng Trị và Kontum đã trở nên nghiêm trọng. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cho các Tư Lệnh Quân Khu I và Quân Khu II, cùng các vị tỉnh trưởng của hai vùng này trở về ngay tức khắc. Như vậy cuộc hội thảo chỉ còn các cấp chỉ huy hành chánh và quân sự của Vùng III và Vùng IV.

Sáng ngày 5 tháng 4, Ðại Tá Trần Văn Nhựt, Tỉnh Trưởng Bình Long đang dự hội thảo thì Trung Tướng Cao Hảo Hớn, Trung Tâm Trưởng Trung Tâm Bình Ðịnh Phát Triển Trung Ương cho người mời Ðại Tá Nhựt đến, ông nói:

Xem thêm:   Lễ Hội Đốt Lửa của Tô Cách Lan

– Tổng Thống chỉ thị anh trở về Bình Long gấp. Bình Long đang bị đánh nặng.

Vị trí An Lộc 

Lúc đó là 10 giờ sáng. Vì đã có hẹn với mấy ty, sở trưởng chờ ở Bãi Sau để ăn cơm trưa, Ðại Tá Nhựt ghé qua báo tin và ăn vội chén cơm trước khi lên xe trở về. Cơm dọn ra, không ai muốn cầm đũa. Nét mặt người nào cũng nặng vẻ lo âu. Tin từ Trị Thiên, tin từ Cao Nguyên, chiến cuộc thế nào họ đã biết. Bây giờ trong lúc họ đang ở đây, Bình Long bắt đầu những ngày lửa đạn.

Bình Long ngày trước là quận Hớn Quản. Năm 1960 được mở rộng và đổi thành tỉnh Bình Long. Dân số khoảng 80 ngàn người, sống rải rác trên 102 ấp, 22 xã của 3 quận Lộc Ninh, Chơn Thành và thị trấn An Lộc. Một phần ba đồng bào ở đây làm trong các đồn điền cao su, họ sống trong những căn nhà gạch do đồn điền xây cất. Một phần ba sống bằng nghề buôn bán, làm cây và một phần ba còn lại là đồng bào Thượng và Miên, họ sống trong các buôn, chung quanh có những hàng rào thiên nhiên do họ tạo lên và được bảo vệ bởi các trung đội Ðịa Phương Quân, Nghĩa Quân tuyển mộ tại chỗ, vì vậy họ quyết tâm sống chết với làng mạc của họ. Dưới con mắt của một tỉnh trưởng, Ðại Tá Nhựt cho rằng đây là nơi lý tưởng để áp dụng chính sách Ấp Chiến Lược của thời Ðệ Nhất Cộng Hòa.

Từ các căn cứ hậu cần nằm trong lãnh thổ của Cao Miên, một lực lượng khoảng 30 ngàn quân gồm các đơn vị chủ lực là Công Trường 5, Công Trường 7, và Công Trường 9, được yểm trợ bởi 100 chiến xa, 2 trung đoàn pháo binh và một tiểu đoàn đặc công tràn qua biên giới Việt-Miên mà mục tiêu là tỉnh Bình Long. Muốn tiến vào Bình Long, Cộng quân phải san bằng Lộc Ninh, một tiền đồn sát ngay biên giới, một tấm bình phong che chở cho Bình Long. Mặc dù với một quân số quá nhỏ bé so với lực lượng của địch, 2 đại đội Ðịa Phương Quân, 2 tiểu đoàn Bộ Binh, 1 tiểu đoàn Biệt Ðộng Quân và 30 thiết giáp, nhưng Lộc Ninh đã anh dũng chống cự. Ðại Úy William Smith, cố vấn quân sự của quận này, trong 3 ngày liên tiếp sau đó đã nỗ lực xin phi pháo yểm trợ tối đa để cầm chân địch hầu có thời gian di tản dân chúng. Những người đã chứng kiến sự chống trả dũng mãnh của các chiến sĩ Ðịa Phương Quân và Nghĩa Quân tại Lộc Ninh đều ca ngợi tinh thần chiến đấu của họ không thua gì những binh chủng chủ lực khác của miền Nam. Ðại Úy Jeff Gaynor, một cố vấn quân sự, tuyên bố:

– Ðịa Phương Quân và Nghĩa Quân chỉ được huấn luyện và trang bị để đánh lại với du kích quân Việt Cộng nằm vùng mà thôi. Nay đánh với quân chính quy của BắcViệt, họ đã tỏ ra cố gắng rất nhiều.

Vừa lên xe , Ðại Tá Nhựt thúc tài xế chạy như bay trên đường về Bình Long. Qua Bình Dương, tới Lai Khê, khi qua trạm đổ xăng dành cho trực thăng, Ðại Tá Nhựt thấy có hai người đứng ở trước trạm vẫy tay về phía xe của mình. Ra lệnh cho tài xế quẹo vào, ông thấy Trung Tá Nguyễn Thống Thành, Tiểu Khu Phó và Trung Tá Corley, cố vấn quân sự của Tiểu Khu đứng đó. Hai người này nhận ra ông vì lá cờ đuôi nheo màu xanh nón beret của Thủy Quân Lục Chiến cột trên cần ăng-ten xe jeep của ông. Trung Tá Thành nói:

– Quốc Lộ 13 bị đứt tại Tân Khai rồi, không đi đường bộ được đâu.

Từ trái : Chuẩn Tướng Lê Văn Hưng, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, và Đại Tá Trần Văn Nhựt tại chiến trường An Lộc ngày 7 Tháng Bảy, 1972. Hình: Flickr manhhai

Ðại Tá Nhựt hỏi qua tình hình, rồi cho tài xế mang xe về Chơn Thành. Ông vào bãi đáp lấy trực thăng vừa bay vừa liên lạc về Bình Long, biết Lộc Ninh đang bị đụng nặng. Ông cùng Trung Tá Corley bay lên Lộc Ninh, liên lạc với Thiếu Tá Nguyễn Văn Thịnh, Quận Trưởng kiêm Chi Khu Trưởng, đồng thời liên lạc với Ðại Tá Nguyễn Công Vĩnh, Trung Ðoàn Trưởng Trung Ðoàn 9 Bộ Binh để nắm vững tình hình rồi bay tuốt qua biên giới, lên tận Snoul quan sát xem địch có chuyển vận chiến xa và pháo binh đổ thêm vào mặt trận hay không. Ðại Tá Nhựt không nhìn thấy một dấu hiệu chuyển quân nào của địch ở vùng này, chỉ thấy một đoàn thiết giáp của mình đang trên đường về giải cứu cho Lộc Ninh. Giữa Snoul và Lộc Ninh có một căn cứ của Sư Ðoàn 5 Bộ Binh và Thiết Ðoàn I Kỵ Binh trấn đóng. Trên đường về tiếp viện cho Lộc Ninh, thiết đoàn này đã bị chận đánh giữa đường.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 26 tháng 12 năm 2024

Khi từ Snoul bay về, ở trên cao nhìn xuống, Ðại Tá Nhựt đau lòng khi thấy Lộc Ninh và Trung Ðoàn 9 chìm trong khói lửa vì pháo của địch. Cũng nhờ chính đích thân bay quan sát qua tận Snoul, nên chiều hôm đó, máy bay trinh sát của Mỹ thấy một đoàn xe be của dân đi lấy cây về, xe be nào cũng có một cần trục đằng sau để chuyển cây lên xuống, máy bay Mỹ tưởng là Cộng quân kéo thêm pháo đánh Bình Long nên xin lệnh oanh kích. Ðại Tá Nhựt can thiệp kịp thời, cứu một số dân khỏi chết oan ức.

Tối hôm đó, Ðại Tá Nhựt bay xuống Chơn Thành. Tình hình của Chơn Thành vẫn còn yên ổn. Tại đây, gặp lại các vị ty, sở trưởng vừa từ Vũng Tàu về tới, ông hỏi:

– Sao không họp nữa mà về?

Một trưởng ty đáp:

– Sau khi Ðại Tá về rồi, Tổng Thống cho lệnh hủy bỏ cuộc hội thảo, mọi người ai về nhiệm sở và đơn vị của mình.

Sẵn trực thăng, Ðại Tá Nhựt bốc luôn mấy vị này về An Lộc và cùng chịu trận với nhau trong suốt thời gian bị Cộng quân vây hãm sau này.

Cuối cùng thì một tiền đồn nhỏ bé như Lộc Ninh không chịu nổi những trận mưa pháo khủng khiếp và một cuộc xung phong biển người của địch nên đành di tản. Ngày 7 tháng 4, Công Trường 5 tràn ngập Lộc Ninh. Tiếp theo là Bố Ðức, Katum, Thiện Ngôn và Tống Lê Chân, một chuỗi tiền đồn nằm dọc biên giới Cao Miên của 3 tỉnh địa đầu Quân Khu 3 là Phước Long, Bình Long và Tây Ninh đều phải di tản chiến thuật.

Sau khi chọc thủng phòng tuyến thứ nhất của quân trú phòng, Cộng quân tiến thẳng về mục tiêu: Bình Long. Chúng chia ra, Công Trường 9 từ Lộc Ninh kéo về, có nhiệm vụ ‘công đồn’, Công Trường 7 mai phục trên Quốc Lộ 13, chặng đường từ Chơn Thành đến Bình Long để ‘đả viện’. Còn Công Trường 5 vẫn ở lại Lộc Ninh chờ xa luân chiến với Công Trường 9.

Và An Lộc đã sẵn sàng ứng chiến. Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Sư Ðoàn 5 Bộ Binh do Tướng Lê Văn Hưng làm Tư Lệnh đã dời về đóng trong doanh trại cũ của Tiểu Khu Bình Long để chứng tỏ quyết tâm của miền Nam sẽ giữ Bình Long với bất cứ giá nào. Trái đạn pháo kích đầu tiên phóng vào thị xã An Lộc lúc 9 giờ sáng ngày 5 tháng 4, làm chết ông già gác cổng bệnh viện. Ðó là người chết đầu tiên vì pháo kích tại đây.

Thị xã An Lộc sau trận đánh – nguồn Flickr manh hai

Cả thị trấn bỗng nhiên như một đàn ong vỡ tổ. Học trò bỏ lớp chạy về nhà. Hàng quán, tiệm buôn, chợ búa đều thu xếp dọn hàng, đóng cửa. Ðến khoảng trưa thì thị trấn trở nên vắng vẻ và mọi người bắt đầu nghĩ tới chuyện làm hầm trú ẩn. Qua hôm sau, ngày 6 tháng 4, từng đoàn người từ các làng xóm chung quanh An Lộc kéo về thị trấn tị nạn. Ða số là người Thượng từ các buôn ở xa. Ấp Nhà Bò có khoảng 200 gia đình Thượng, chỉ còn một người sống sót, người đàn ông Thượng bồng đứa con trai đang bị thương nặng cố gắng chạy về tới bệnh viện An Lộc.

Xem thêm:   Người bán bánh bột lọc

Những trận mưa pháo đã bắt đầu dội vào thị trấn, phần lớn là hỏa tiễn 122 ly. Quân số của Tiểu Khu Bình Long lúc đó có khoảng 700 Ðịa Phương Quân và Nghĩa Quân. Chủ lực là Trung Ðoàn 9 thuộc Sư Ðoàn 5 Bộ Binh của Ðại Tá Nguyễn Công Vĩnh và Thiết Ðoàn I Kỵ Binh đã bị hao hụt nặng sau trận Lộc Ninh, Trung Ðoàn 52 thuộc Sư Ðoàn 18 Bộ Binh của Trung Tá Nguyễn Văn Thịnh đóng ở cầu Cần Lê, rút về còn chừng 300 người và Trung Ðoàn 7 Bộ Binh của Trung Tá Lại Ðức Quân.

Trước tình hình ngặt nghèo đó, Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, Tư Lệnh Quân Ðoàn 3, ra lệnh rút Trung Ðoàn 8 thuộc Sư Ðoàn 5 Bộ Binh do Trung Tá Mạch Văn Trường chỉ huy để tăng cường cho An Lộc. Ðồng thời buổi trưa ngày 6 tháng 4, Liên Ðoàn 3 Biệt Ðộng Quân dưới quyền chỉ huy của Trung Tá Nguyễn Văn Biết, được trực thăng vận đổ xuống phi trường Bình Long. Các chiến sĩ Biệt Ðộng Quân chia làm hai cánh tiến vào thành phố. Dân chúng đứng hai bên đường đón chào một cách vui mừng và mang nước, thức ăn ra cho những người mới đến. Cái thị trấn nhỏ bé bỗng chốc tràn đầy cả lính.

Ngày 9 tháng 4, lần lượt các đồn Quản Lợi, Xa Cam, Xa Cát và Xa Trạch, nằm trong vòng từ 1 đến 7 cây số chung quanh An Lộc đã lần lượt thất thủ. Cường độ pháo kích ngày càng tăng và số thường dân, binh sĩ bị thương đưa vào bệnh viện đã đến mức đáng lo ngại. Ngoài phố, dân chúng canh chừng những lúc ngưng pháo kích, vội vàng mua sắm những thứ cần dùng để dự trữ. Những người ở nhà lo làm hầm trú ẩn. Các cao ốc đều được các đơn vị chia ra trấn đóng. Công viên Tao Phùng trở nên một căn cứ hỏa lực của pháo đội thuộc Sư Ðoàn 5 Bộ Binh.

Những trận pháo đầu tiên làm cho người dân An Lộc khiếp đảm. Nhưng mấy ngày sau thì họ đã bắt đầu có kinh nghiệm và ‘lì đòn’ rồi. Họ đã bắt đầu nghe được tiếng ‘đề pa’ từ hướng nào và phân biệt loại đạn gì. Một bà khoe, đạn của Việt Cộng dễ biết lắm, cứ nghe tiếng rít gió là đạn bích kích pháo 82 ly, tiếng xèo xèo như chiên trên chảo nóng là đạn 105 ly, có tiếng hú như còi xe cứu thương là hỏa tiễn 122 ly… Mọi sinh hoạt đều bị giới hạn. Mặc dù có nhiều người nhún vai cho rằng ‘trời kêu ai nấy dạ’, nhưng họ cũng chỉ dám rời khỏi hầm những lúc cần thiết và không xa quá. Cái hầm bây giờ gắn liền với mọi người như cái mai của con rùa.

Từ 3 ngày nay, những người bị thương vì pháo kích tràn ngập cả bệnh viện. Những người chở vào trước được nằm trên giường. Những người vào sau thì nằm la liệt trên nền nhà, tràn ra cả ngoài hành lang. Một người đàn bà Thượng có thai hơn 8 tháng, bị thương ở bụng, cố gắng sanh, nhưng đứa con chỉ mới ra được cái đầu thì chết ngộp vì người mẹ đã kiệt sức tắt thở. Những người tị nạn từ các nơi khác chạy về, họ không có phương tiện gì để làm hầm hố trú ẩn cho được chắc chắn như người trong thị trấn.

Tội nhất là những người Thượng. Khi chạy đến đây, một số chỉ quấn cái khố trên người. Những vết thương của họ được cột lại sơ sài bằng một miếng vải hay bằng lá chuối. Họ đi bộ, khiêng nhau, dìu nhau, đói khát và một số gục ngã giữa đường. Những người đến được bệnh viện thì vết thương đã làm mủ, hôi hám. Những người bị thương nằm trong bệnh viện trúng pháo một lần rồi, nên mỗi lần có pháo kích, họ như một đàn ong bị lửa, chạy như điên từ phòng này qua phòng khác để tìm nơi trú ẩn, nhưng đến đâu cũng nghe đạn rít trên đầu.

KMD, 1972

Số tới

Qua Cơn Bão Lửa (tiếp theo)