Trò chuyện với vị sư trụ trì phía sau gian Bảo tháp thờ các vong linh xong, vị sư và tôi bước ra phòng ngoài. Một người đàn ông da ngăm và khá khắc khổ vừa bước vào, chắp tay chào sư trụ trì.
– Thưa thầy! Hôm nay tuần 100 ngày, con đến thắp nhang cho mẹ con.
Vị sư gật đầu, hỏi thăm ông vài câu. Bỗng dưng người đàn ông bật khóc nức nở. Ông nói vài câu gì đó mà tôi nghe không rõ trong tiếng nghẹn ngào của ông, chỉ loáng thoáng câu “Mẹ nuôi cả đàn con mà đến khi mất các con không lo được cho mẹ”.
Bất ngờ và cũng xúc động không kém, như một phản ứng tự nhiên, tôi buớc đến ôm ông, tay vỗ nhẹ lên vai ông. Hai người đàn ông xa lạ ôm nhau. Tôi cũng ứa nước mắt, phần vì sự xúc động của ông, phần nghĩ đến mẹ mình. Tôi trấn tĩnh, buông câu hỏi để kéo ông khỏi nỗi xúc động không kìm được:
– Bà cụ bao nhiêu tuổi rồi anh?
– 92 tuổi.
Ông quay sang vị sư và tôi, kể chuyện mà giọng còn nghẹn ngào, tay gạt nước mắt:
– Thầy biết không, mẹ con vất vả, cực khổ biết bao nhiêu để lo cho tụi con. Sau 75, ba con bị đi tù, con thì vừa đến tuổi chuẩn bị nhập ngũ và các em còn nhỏ, chỉ mỗi tay mẹ con lo cho đàn con. Nhà nghèo, cực khổ lắm, rồi cả nhà bị đi “kinh tế mới”…
Vị thầy và tôi im lặng nghe ông kể nỗi niềm như chưa có dịp kể cho ai. Như vậy ông cũng trên dưới 65 tuổi rồi và tôi đoán là mẹ ông vừa qua đời bên Việt Nam mà ông không về thọ tang được.
Câu chuyện riêng của gia đình ông cũng không khác câu chuyện về mẹ tôi, về hàng triệu người mẹ miền Nam đã tảo tần, vất vả nuôi đàn con nhỏ thời hậu chiến khi những người chồng, người cha bị đưa vào lao tù chính trị. Nó là câu chuyện buồn của một thế hệ, của những người mẹ Việt Nam một thời chinh chiến cho đến thời hậu chiến thiếu thốn trăm bề. Rồi mỗi gia đình, mỗi người mẹ đi theo một con đường, có một phần số khác nhau.
Tôi chạnh lòng khi nghĩ đến những người mẹ cứ tiếp tục cuộc sống vất vả hay xa cách con cái, không người chăm lúc cuối đời. Cả cuộc đời hy sinh, vất vả cho đàn con để rồi sống hay ra đi trong lặng lẽ, hiu quạnh bởi con cái nào cũng có những lý do. Có khi cũng chẳng vì bất hiếu mà bởi điều kiện của họ chẳng thể gần mẹ hay lo cho mẹ được. Ðể rồi cứ ôm sự ân hận trong lòng.
Từ những ngày con cái tôi còn nhỏ, tôi vẫn thường kể cho các con nghe những câu chuyện bên Việt Nam, về những khó khăn vất vả mà thế hệ chúng tôi đã trải qua. Tôi chỉ muốn các con hiểu về quá khứ của gia đình, về câu chuyện lịch sử của một vùng quê cha đất tổ của ông bà, cha mẹ mình hơn là kể về cái thời mà ông bà, cha mẹ mình đã vất vả, cực khổ ra sao.
Tôi vẫn thường bảo các con mình rằng, hãy hết lòng thương yêu, kính trọng và biết ơn ông bà bởi chính sự hy sinh của ông bà mới nuôi nấng, dạy dỗ ba mẹ được ăn học, được trở thành những người tử tế, hữu dụng hôm nay mà có khả năng lo lại được cho các con. Cơ may, sự đầy đủ không đến từ cha mẹ nếu đã không có ông bà.
Lời nói có khi là thoảng qua với trẻ nhỏ mà chính hành động thương yêu, lo lắng cha mẹ già của chính cha mẹ các em mới giúp các em khắc ghi và cảm nhận sâu sắc được những điều đó. Những người không yêu thương, chăm sóc cha mẹ mình làm sao mong rằng một ngày con cái mình sẽ đối xử với mình lúc già như mình mong ước?
Chúng tôi lo lắng, chăm sóc mẹ mình bằng cả tấm lòng những người con. Nên các con tôi yêu thương bà Nội, bà Ngoại vô cùng, dù tôi hiểu cũng không tránh khỏi những lúc vô tâm của tuổi mới lớn.
Vài tuần trước, rất tình cờ tôi nghe một phụ nữ kể về mẹ chị đã qua đời gần cả chục năm ở tuổi ngoài 90 nhưng chị lúc nào cũng thấy như mới mất mẹ, cũng thấy nhớ mẹ da diết. Cũng rươm rướm nước mắt, chị cũng kể về người mẹ đã vất vả, lo lắng cho gia đình hệt như câu chuyện người đàn ông gặp ở chùa bên trên, ngoại trừ chị còn kề cận, chăm sóc cho mẹ được lúc cuối đời.
Tôi biết mình cũng vậy. Mỗi ngày gặp mẹ, nhìn mẹ ốm yếu, sức khoẻ kém dần lại cứ nghĩ đến ngày không tránh khỏi phải xa mẹ vĩnh viễn mà không cầm được cảm xúc. 100 ngày, một năm, 10 năm hay mỗi mùa Vu Lan không còn mẹ, tôi biết người con nào cũng sẽ nghẹn ngào khi nghĩ đến mẹ mình, cho dẫu tóc họ đã chuyển bạc.
Câu chuyện về mẹ của mỗi người nào có khác nhau. Bởi lòng mẹ nào mà không bao la, không biển trời. Mẹ có không còn nhưng tình yêu thương của mẹ là bài học, là báu vật vẫn luôn còn ở lại với con cháu, được truyền giữ qua các thế hệ trong mỗi gia đình.
Dallas, Mùa Vu Lan 2023
ĐYT