Là nhan đề tiểu thuyết Dans le café de la jeunesse perdue, do Nhà xuất bản Editions Gallimard phát hành năm 2007 của tác giả Patrick Modiano, nhà văn Pháp, giải Nobel Văn chương 2014.

barcodemagazine.vn/ 

Tác giả dẫn tôi vào quán cà phê Le Condé, tả ngạn sông Seine, theo bước chân Louki, nhân vật nữ  xuyên suốt mạch truyện. Nàng như chiếc bóng lặng lẽ bước vào quán, lướt đi như hình nhân đang bay trong tranh Chagall. Xa vắng và hoài niệm. Khi gấp lại Nơi quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối, một thời tuổi trẻ học hành rong chơi cà phê mưa Huế như mở ra, từng trang, từng trang.

Tôi về Huế  đầu tháng 10 năm 1969  một ngày mưa trắng trời, hơn một năm sau biến cố Mậu Thân. Huế vẫn còn bàng hoàng sau mùa Xuân tang tóc. Nhịp cầu xưa đã gãy. Cầu phao tạm bập bềnh nối đôi bờ. Bên này sông, trường Văn Khoa, Sư Phạm, cà phê Tổng Hội, cư xá sinh viên Xavier. Bên kia sông là… phố. Bát phố là sang bên kia sông Hương. Chiều một mình qua phố (TCS), ghé vào rạp ciné Châu Tinh, Tân Tân, đứng xem Lê Vinh vẽ áp phích phim… hay lang thang theo một hình bóng đâu đó ở Thành Nội, Gia Hội.

Thuở ấy, thế giới sinh viên vốn chật hẹp, quanh quẩn có mấy con đường. Ðường Lê Lợi nối Viện Ðại Học, trường Luật, Văn Khoa và Sư Phạm. Vòng qua Trương Ðịnh là cà phê Tổng Hội và lối vào trường Khoa Học. Ði dăm phút là đường Lý Thường Kiệt, cà phê Bưu Ðiện, Cư Xá sinh viên Xavier, nơi cưu mang tôi bốn năm đại học. Không khí chiến tranh lởn vởn, bất an. Sinh viên thường kè kè trong ví thẻ căn cước, thẻ sinh viên, giấy hoãn dịch… Suốt những năm tháng ấy, chuyến đi chơi xa nhất là theo bạn ra… Quảng Trị, dịp sinh viên bãi khóa xuống đường năm 1969.

Hơn một nửa quý thầy của hai trường Văn Khoa và Sư Phạm mà chúng tôi theo học đều ở Sài Gòn. Giảng đường, hành lang, phòng học chỉ đông sinh viên khi mùa mưa bão đã qua, thường là cuối tháng 12. Khi ấy, các chuyến bay từ Sài Gòn đáp xuống phi trường Phú Bài đều đặn hơn. Sinh viên đi học bù cho thời gian đã mất vì thời tiết hay khí hậu chính trị thất thường ở miền Nam đương thời. Ngoài ngày tháng đó, học tà tà hay rong chơi.

Ði đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt (TCS). Ngồi quán là thú vị, nhất là ở Huế mùa mưa, nơi tôi biết đến vị đắng quyến rũ tách cà phê đầu tiên năm thứ nhất đại học.

Ðối với tôi, mùa Thu chưa bao giờ mùa buồn bã. cây héo úa ngày qua nhanh không làm tôi nhớ đến đoạn cuối một câu chuyện mà chỉ lời thì thầm cho tương laiNăm bắt đầu khi tháng Mười đến. Mùa đi học(Nơi quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối (P. Modiano.Trg 23)

Mùa giảng đường trùng với mùa mưa xứ Huế. Học thì ít mà hay la cà ngồi quán nên thường cháy túi. Tôi may mắn được đàn anh trong cư xá Xavier giới thiệu với chị Giang, chủ quán cà phê Tổng Hội, thêm lời nhắn nhủ: “T, sinh viên năm thứ nhất, cư Xavier. Nếu gần cuối tháng mà chưa nhận được tiền nhà hay học bổng. Chị vui lòng cho nó ký sổ. Em bảo đảm”. Từ đó, cà phê Tổng Hội, tên thân mật: cà phê chị Giang, là chốn dừng chân êm đềm nơi những luồng gió mát thoảng qua miền tù túng làm chúng ta ngột ngạt (Sđd *Trang 33). Huế cuối thập niên 60 của thế kỷ 20 khi tôi bước chân vào đại học là thế.

Xem thêm:   Bạn cao tuổi ở Cần Thơ

Cà phê Tổng Hội nằm trong khuôn viên Tổng Hội Sinh Viên Huế. Tổng Hội sinh viên có trụ sở là phòng khách rộng nhất tòa nhà. Xuân Thu nhị kỳ, khi bầu bán, ứng cử ban đại diện sinh viên, biểu tình, bãi khóa… Tổng Hội mới hoạt động. Ngày qua tháng lại, hơn 2/3 không gian của Tổng Hội là quán cà phê chị Giang. Khoảng sân trước nhà, hoa giấy nhiều màu bên hiên, nhìn ra sau vườn mấy liếp rau thiếu bàn tay chăm sóc. Bàn ghế gỗ thô mộc. Trên một số bàn cà phê thường kẻ những ô cờ tướng để sinh viên vừa nhâm nhi cà phê vừa tìm cách chiếu tướng đối phương. Hoa giấy rơi trên mặt bàn, trên lối đi dọc hành lang khi gió heo may đã về, chiều tím loang vỉa hè (TCS). Mùa Giêng Hai rét mướt, sinh viên ngồi cố thủ bên trong. Hương cà phê, khói thuốc quyện lãng đãng trong tiếng nói chuyện rầm rì.

Kiến trúc ngôi nhà khoảng thập niên 30, phong cách Art Deco, nhà trệt kiểu biệt thự, lợp ngói, tường vôi vàng. Thử tưởng tượng nếu ngôi nhà có thêm lối đi rải sỏi, cứ ngỡ đang lao xao bước vào nhà tôn nữ. Tôi thích cái không khí ấm cúng, thân quen và gần gũi cà phê chị Giang. Thời sinh viên Huế, nếu có ở một nơi ai cũng quen nhau (Hoàng Ngọc Tuấn), đó là cà phê chị Giang.

Quán cà phê sinh viên lêu bêu ấy đôi khi là nơi dừng chân những khuôn mặt văn nghệ sĩ tài hoa xứ Huế.  Người ngỡ đã xa xăm. Bỗng về quá thênh thang. Ôi áo xưa lồng lộng. Ðã xô dạt trời chiều (TCS). Trịnh Công Sơn thời Ca Khúc Da Vàng, họa sĩ Bửu Chỉ những năm tháng xuống đường với áp phích tranh bút sắt, dịch giả Lê Khắc Cầm của  Chúa đã khước từ  với áo pardessus, tay cầm dù rất chi là Tây đã ngồi xuống chiếc ghế nghỉ ngơi nơi nầy.

Xem thêm:   Lướt qua "Hành Trình Phù Sa"

Thông thường, khách quen bước vào quán Le Condé với cuốn sách trên tay. Sách để hờ hững trên bàn. Bìa lấm lem vết rượu (Sđd *, trang 13). Trong những cuốn sách hững hờ đó, có cuốn Những chân trời đã mất  mà Louki thường mang theo…

Huế ngày ấy, nơi quán cà phê của thời sinh viên lãng đãng (bohème étudiant, chữ của P. Modiano), ngoài những xấp cours đại học quay ronéo, còn thấy sách, rất nhiều sách, chỉ khác, bìa không lấm lem vết rượu! Còn nhớ mấy tác giả để đời: Phạm Công Thiện: Ý thức mới trong văn nghệ triết học, Nguyễn Hữu Hiệu: Con đường sáng tạo, Nguyễn Văn Trung và 4 tập Nhận Ðịnh, Chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam, Thực chất và Huyền thoại, sách của thầy Nhất Hạnh, sách dịch các tác giả phương Tây, các nhà văn Nga, đặc biệt Pasternak, truyện kiếm hiệp Kim Dung… Tạp chí, thường là Văn, Bách Khoa, Trình Bày… Loại sách bỏ túi/ livre de poche của các tác giả phương Tây xuất hiện khá nhiều, giá bìa mềm hơn bây giờ. Hình như, thời đó, sách bỏ túi được trợ giá với tem dán IC (Information-Culture) cuối bìa. Thỉnh thoảng cũng thấy lưu hành nội bộ sách Văn Sử Ðịa quay ronéo của các tác giả phía Bắc. Ngoài một vài tên tuổi như Hà Văn Tấn, hầu như những cơn gió mùa Ðông Bắc ấy chỉ là thoáng hương xa không mang nổi mùa Xuân bởi sinh viên muốn cảm nhận cuộc sống, mơ trời rộng sông dài, mong ước cây đời mãi mãi xanh tươi hơn là khép mình trong mấy quy ước áp đặt, dăm ba cái lăng kính lạnh lùng. Mọi lý thuyết đều xám…

Thế hệ sinh viên Huế sau Mậu Thân bước chân vào đại học, 15 năm sau khi dòng sông ấy đã chia cắt đôi bờ không còn nhiều băn khoăn, ưu tư của Ðêm giã từ Hà Nội (Mai Thảo), không bị ám ảnh, khắc khoải về những vấn đề siêu hình, thuyết hiện sinh, sự phi lý hay nỗi hư vô bàng bạc bên trời Tây…  Chúng tôi còn quá trẻ, chúng tôi không có quá khứ để giãi bày, chúng tôi sống cho hiện tại. (Sđd*, trang 20).

Thì Hiện Tại những năm tháng ấy. Hãy nghe lại Imagine, John Lennon hát năm1971: … Imagine all the people living for today… Imagine all the people living life in peace… You may say I’m a dreamer/ Thử tưởng tượng tất cả mọi người sống cho hôm nay… Thử hình dung tất cả mọi người sống trong hòa bình… Bạn có thể cho tôi là kẻ mộng mơ…. Miền Nam Việt Nam những năm tháng Ðêm nghe tiếng đại bác (Nhã Ca) đang là thời chiến. Sống và Học trong thời chiến. Tiếp tục học nếu thi đậu. Trượt đại học, hết hạn hoãn dịch, đôn quân, động viên vào Trường Võ Bị Thủ Ðức. Mùa hè đỏ lửa (Phan Nhật Nam, 1972) cuốn đi một số bạn bè trong cơn lốc chiến tranh. Có bạn đi không trở lại. Cả một thế hệ hoang mang, chơi vơi giữa ngã ba đường, hầu hết không đủ bình tâm kiên định lý tưởng chính trị như cánh hoạt động nội thành, đa số lại hoài nghi những định chế dân chủ còn quá mới mẻ. Phản chiến trở thành trào lưu trong thơ, nhạc, họa. Phản chiến là dấu ấn một thuở hoa niên.

Xem thêm:   Cô giáo "phản động"

Cho đến ngày… Thằng bé xinh xinh chơi diều giữa Ngọ. Ngờ đâu hội ngộ tan giữa hư không (TCS). Trịnh Công Sơn viết Ra Ðồng Giữa Ngọ tại Huế tháng 12 năm 1974, trong những ngày năm cùng tháng tận của một chế độ. (Ðặng Tiến. Vũ trụ thơ II. Thơ trong thời chiến. Thư Ấn Quán 2008). Bài hát khép lại một thời tuổi trẻ. Bài hát tiễn đưa một chế độ, từ đó thằng bé xinh xinh lớn lên với Quốc Văn Giáo Khoa Thư, bước vào Trung Học với Truyện Kiều, văn nghị luận Nguyễn Bá Học, thơ Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi (Quang Dũng), thơ tình Nguyên Sa, thằng bé võ vẽ vài ý niệm  triết học năm cuối  trung học với Socrate Hãy tự biết mình (Connais-toi toi-même). Lên đại học những năm tháng u u minh minh giữa chiến tranh-hòa bình, ra trường, vào đời, tản mác đó đây. Có đứa bạn chưa kịp trở về Huế trả nợ ký sổ cà phê chị Giang thì mùa Xuân tan giữa hư không.

Về những năm tháng Huế vừa sang trang, dòng sông Hương đổi màu, xin trích Patrick Modiano: Bầu trời như tấm vải bạt rách bươm che tạm gánh xiếc nghèo. (Sđd*, trang 155)

Thuở ấy, thỉnh thoảng quay về Huế, đi dọc dòng sông thời trẻ, sông vẫn tình, vẫn đẹp và quyến rũ dù thời thế có đổi thay. Ngày xưa, nhìn dòng sông và mơ… nhan sắc. Bây giờ sông vỗ về yên ủi như mẹ hiền. Ði lại đường xưa lối cũ. Trường Văn Khoa hoang phế. Sư Phạm thì xa vắng. Bạn cũ lạc mất cuối trời. Người còn lại thất thần. Cà phê chị Giang đổi chủ. Tìm lại chỗ ngồi nơi góc khuất dưới giàn hoa giấy quán cũ ngày xưa không còn cần thiết nữa.

Riêng tôi vẫn ân hận chưa một lần nói lời tạ từ và cám ơn gia đình chị Giang. Không biết gia đình chị đang phiêu linh nơi chân trời góc bể nào. Cám ơn gia đình chị và nhớ mãi quán cà phê một thời sinh viên lãng đãng.

Trong một cố gắng thoát dòng hồi tưởng chừng nhuốm màu ảm đạm, lần giở Nơi quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối, (trang 35): Năm tháng trôi đi, nhìn cuộc đời qua đôi mắt trẻ thơ, tôi thấy những con người, những mảnh đời ngoài kia thật buồn cười, quá đỗi tầm thường và nhạt nhẽo.

TVT

(*) Sđd : sách đã dẫn