“Mẹ tôi nương gió về cõi Phật

Tựa áng mây bay thật an nhiên

Ðêm qua nằm ngủ dưới chân mẹ

Thấy tuổi thơ xưa bỗng hiện về”

ÐYT

Từ nhiều năm qua, tôi vẫn viết hay dịch những mẩu chuyện cảm động về Mẹ mỗi khi tình cờ đọc được. Mẹ là hình tượng Mẹ của mỗi người và của tất cả.

Nhưng vài năm gần đây, tôi viết những tùy bút về Mẹ thường xuyên hơn, chia sẻ thêm dăm cảm xúc riêng tư kèm vài tấm ảnh của mẹ tôi trên mặt báo khi cảm nhận thời gian với Mẹ không còn nhiều. “Mẹ già như chuối chín cây”, mỗi lần nhớ câu ca dao là lòng xúc động khôn tả.

Như những người đồng lứa, dù rất thương yêu Mẹ, tôi chưa bao giờ cầm tay Mẹ để nói rằng, “Mẹ ơi, Mẹ ơi, Mẹ có biết hay không ? Biết gì? Biết là, biết là con thương Mẹ không?” như theo bài hát cùng tên của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã viết từ “Bông Hồng Cài Áo” của Thiền sư Nhất Hạnh.

Mà tôi yêu thương Mẹ với lòng thành kính và dạy con cái thấy đó để trẻ nhỏ lớn lên ở xứ người dễ dàng bộc bạch tình cảm với ông bà thay cha mẹ. Và tôi viết về Mẹ. Viết thay cho lời nói với Mẹ, thay cho tâm tình biết ơn, cảm tạ Mẹ. Bởi tôi biết mẹ tôi sẽ đọc vì bà thích đọc và là người đọc trước nhất và hầu hết những cuốn sách các anh chị, thân hữu văn nghệ gởi về tặng tôi hay vẫn thường mua để ủng hộ những tác giả còn tha thiết với chữ nghĩa.

Xem thêm:   Vũ khí mới - Tàu ngầm không người lái

Tất nhiên cả mỗi một bài viết mà tôi đã viết từ bao năm qua. Hầu như hiếm khi sót một bài viết nào.

Viết và đăng báo rất sớm và liên tục, từ những năm đầu vào đại học, nhưng tôi biết và vẫn xem mình là người bên lề của chữ nghĩa, xem việc cầm bút như một đam mê riêng. Tôi vẫn ngại ngùng khi ai đó ưu ái giới thiệu hay gọi tôi là “nhà” này kia. Tôi chỉ viết như cách bộc bạch những suy nghĩ, nhìn nhận của mình về các vấn đề xã hội, bỏ công sưu khảo, chia sẻ dăm điều gì đó mà tôi nghĩ biết đâu có độc giả nào đó ngoài kia có thể cảm thấy có chút nào hữu dụng, ý nghĩa. Với tôi, viết có khi là sự bức bối, là đam mê mà có khi cũng chỉ là thói quen hay trách nhiệm.

Nhưng nói thật, để còn cầm bút đến bây giờ là bởi vì Mẹ tôi.

Chỉ không thấy bài viết hàng tuần của tôi một đôi kỳ, Mẹ tôi lại hỏi, “Tuần này không có bài của con sao?”. Vậy là tôi lại tiếp tục. Lại thức khuya, mở máy ngồi vào viết.

Chẳng là vấn đề hay-dở, có vài độc giả, kể cả vài bậc đàn anh cầm bút trong giới văn nghệ, có đôi lần nhận xét là những bài báo của tôi mộc mạc, gần gũi và ít nhiều tạo cho họ chút cảm xúc. Tôi nghĩ nếu đó là những nhận xét chân thành, mà tôi tin là vậy, thì đó là nhờ Mẹ tôi.

Xem thêm:   Những "chuyện thường ở huyện"

Nói về điều gì đó, bà thường dẫn những điển tích, dăm câu ca dao, tục ngữ mộc mạc, chân thành. Và như nhiều người lớn tuổi đồng thế hệ, bà cũng lẩy Kiều. Tôi theo Mẹ xem cải lương từ nhỏ, đến tận gần đây, tôi vẫn ngồi xem cải lương, ca nhạc hay nghe Thầy Pháp Hòa thuyết giảng khi mở truyền hình cho Mẹ xem. Những điều mà không có Mẹ, tôi hiếm khi làm, dù vẫn còn thích khi xem.

Những điều này thấm vào tôi từ nhỏ. Tôi học theo bà, thỉnh thoảng cũng chêm vài câu ca dao, trích dẫn dăm câu thơ hay lời  nhạc ý nghĩa. Nó gần gũi với độc giả lớn tuổi là vậy. Và tôi cũng làm thơ, dù rất hiếm hoi và chỉ dăm câu ngắn ngủi, như lời tiễn Mẹ bên trên.

Tôi biết mỗi người đều có những ký ức riêng biệt và quý giá với Mẹ mình. Kể cả mỗi anh chị em tôi cũng mang những kỷ niệm riêng với Mẹ mà tôi không có, không biết. Với tôi là chuyện cầm bút của mình mà có lẽ tôi hiếm khi chia sẻ cho đến khi mất Mẹ và ngồi viết thêm đôi hàng này để nhớ và cảm ơn Mẹ.

Bài báo cuối cùng của tôi mà Mẹ tôi đọc có lẽ là tùy bút về Mẹ trong mùa lễ Vu Lan vừa qua. Mẹ tôi yếu đi, cuốn sách bà đang đọc dở dang trên đầu giường của bà vẫn còn nguyên ở trang bà đang gấp. Tôi cũng chẳng còn tâm trí nào để giữ cột báo hàng tuần từ hơn hai chục năm qua, một phần biết rằng Mẹ tôi sẽ không còn hỏi, “Tuần này không có bài của con hả?”.

Xem thêm:   Việt Nam trong tầm ngắm

“Tuần này không có bài của con hả?”

Không còn Mẹ, ai sẽ hỏi con điều này để giữ mình tiếp tục hả Mẹ? Lật trang báo, có hay không có những trang viết của tôi, tôi biết có mấy ai sẽ để ý và có chi là quan trọng? Nhưng với những người con mất Mẹ, chẳng còn Mẹ là mất cả bầu trời.

Xin tiễn biệt Mẹ về cõi Phật. An nhiên, nhẹ nhàng như một áng mây trắng bay ngang trời. Chúng con sẽ giữ lại biết bao điều quý giá mà Mẹ đã để lại cho chúng con.

Dallas 10/2023

ĐYT