Mở điện thư hôm nay tự nhiên thấy tin nhắn của khách sạn Iberosta cho biết sẽ hoạt động lại trong tương lai gần và mong chúng tôi liên lạc với họ. Mới đó mà sắp sửa 2 năm rồi. Chuyện là như vầy:

Chuyến đi dự trù từ mùa hè năm trước (2018) với con số bắt đầu là 20 mạng. Đến ngày khởi hành lên đến 88 người. Từ muôn phương cùng bay về họp đàn tại Republic Of Dominican. Những cánh chim biển ở chung quanh Orlando thật ra không nhiều lắm đâu, 16 người. Số còn lại từ California, Seattle, Houston, Dallas, Georgia, Connecticut, Boston… Gia đình đi chung cũng có nhưng hầu hết là các cặp “bô lão”, nói chính xác là toàn những người già, hay nói văn vẻ hơn thì là những người không còn trẻ. Già hơn lời cụ Phan Khôi viết ngày xưa nhiều. Không chỉ 24 năm xưa, mà tới 44 năm xưa hay xưa hơn nữa. Điều đáng nói hơn cả là “tình càng già càng… say (đắm? – say lắm thì đắm thuyền?), giống như gừng càng già càng cay vậy đó. Điều này tôi không nói ngoa nếu bạn thấy cảnh các “cụ già”, bà ngồi xe lăn, ông đẩy hay bà là bờ vai cho ông tay vịn, tay chống gậy thì bạn sẽ rơi nước mắt thôi. Ngoài vài cháu tháp tùng (hay theo để chăm sóc bố, mẹ) người trẻ nhất nhóm cũng gần thuộc loại  “lục thập nhi nhĩ thuận – 60”. Lớn tuổi nhất là người 79. Ông niên trưởng tuyên bố hùng hồn: ngày nào còn bước được là tôi còn đi chơi chung với đám đàn em này. Đi để cảm thấy mình trẻ lại. Đi để nhớ về những chuyến hải hành xa xưa. Đi để nhìn bọn “trẻ hơn” vài mươi tuổi còn “chén chú, chén anh” được, hát hò, cười giỡn, nhảy nhót, mà vui chung với họ. Người tổ chức là anh TP Vạn, Hải Quân khoá 19 nên phần lớn là các bạn cùng khóa. Thêm một số, mà tôi gọi là  “thành phần ăn theo”, cũng dân Hải Quân nhưng khác khóa, khác trường huấn luyện nên mới có con số 88, lớn đến độ quản lý khách sạn cũng nói rằng từ trước tới giờ mới có một nhóm đông như thế.

Trên tàu nhỏ ra biển 

Đông, vui, nhưng không hao vì tất cả chi phí gồm ăn và ở đã gom vào một khoản: Bảy trăm đô la một người  cho 7 ngày. Cộng thêm tiền vé máy bay như chúng tôi đi từ Orlando thì gần $900/ hai vé. Giá cả tương đối “thoải mái” cho hầu hết chúng tôi, những người đã về hưu. Một ngày ăn ba bữa (hay hơn nếu muốn), uống đủ các loại, từ rượu, bia đến cà phê, trái cây… suốt ngày. Có thể nói  là quá rẻ. Đó là lý do chính mà trưởng nhóm đã chọn Republic Dominican. Riêng tôi thì có thêm lý do phụ. Này nhé, nghe cái tên là thấy dễ mến rồi. Republic Of Dominican. Cộng Hòa Dominican, (giông giống như Việt Nam Cộng Hòa yêu dấu của chúng ta ngày xưa). Khí hậu cũng thế, nóng và ẩm. Chỉ có hai mùa Nắng, Mưa. Là một hòn đảo ở Nam Mỹ, giữa hai biển Đại Tây Dương và Caribbean, cùng chia với quốc gia Haiti. Quốc gia này ở phía đông, quốc gia kia ở phía tây nên Republic Dominican gồm nhiều giống dân gom lại như Haiti, Nam Mỹ và nói tiếng Tây Ban Nha là điều dễ hiểu. Thủ đô và cũng là thành phố lớn nhất của xứ này là Santo Domingo. Nói đến Dominican Republic là phải biết đến Mama Juana, một loại rượu gồm Rum trộn với rượu vang đỏ, mật ong và rễ cây ngâm chung. Những “tay nhậu” phán rằng uống cũng “tới bến” (dễ say?) lắm. Ngoài những trái cây miền nhiệt đới như xoài, dừa… không thấy kỹ nghệ nào đáng kể. Dân chúng ở đây sống nhờ vào du khách. Được đánh giá là một nơi an toàn nhất và cũng thuộc hạng rẻ nhất trong vùng Nam Mỹ nên du khách đến đây rất đông.

Chiếc máy bay của hãng Spirit Airline mang chúng tôi đáp xuống phi trường Punta Cana lúc 1 giờ trưa. Như đã hẹn trước, nhóm tôi, chờ nhau tại terminal A để cùng lên chuyến xe Bus thứ 3 về khách sạn. Thiếu một cặp. Thế là Anh trưởng xa (xe) ra lệnh chờ trong khi vài người có nhiệm vụ đi lùng kiếm các cụ già nhưng bây giờ cũng đang đi lạc, giống như trẻ em thôi. Một tiếng, rồi hai tiếng đồng hồ trôi qua. Ai cũng sốt ruột vì mệt và đói. Trong khi đó, cặp đi lạc đã dư thông minh để kêu Taxi chạy thẳng về khách sạn. Khi xe chúng tôi về thì anh chị đi lạc cho biết hai người đã đi qua terminal B để kiếm nhóm nhưng vì không đúng lúc nên chẳng gặp nhau. Tội nghiệp, anh chị đã phải chi cả trăm US đô la tiền Taxi vì từ phi trường đến khách sạn khá xa. Con đường về khách sạn chẳng biết dài ngắn, Tôi không đoán được và cũng chẳng thấy cảnh trí ra sao vì ngủ vùi từ lúc xe bắt đầu lăn bánh (đêm hôm trước thức trắng vì háo hức, hồi hộp, hớn hở, hân hoan…) cho đến khi bác tài mở cửa mời hành khách xuống xe thì trời đã quá chiều. Florida và Republic Dominican cùng múi giờ Eastern Time.

Cảnh bình yên trong khu nghỉ mát (resort)

Ghi tên, nhận phòng xong chúng tôi xuống ngay phòng ăn vì cả hai đứa có mỗi tô Cereal trong bụng từ sáng sớm đến giờ. Ăn xong mới tắm rửa, nghỉ ngơi để sáng ngày mai tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật lúc 11:30 như đã ghi tên trước. Xe của khách sạn đưa chúng tôi đến một nhà thờ của khu cư dân lớn tuổi gần đó. Căn nhà nguyện nhỏ thật ấm cúng đầy ắp với 28 người chúng tôi cùng khoảng 5 gia đình người bản xứ. Thánh Lễ bằng tiếng Spanish. Cha giảng đằng Cha mình hiểu theo tiếng Việt của mình. Nhờ đã xem bài Đọc, bài Phúc Âm trước bằng internet khi ở trong khách sạn nên cũng đỡ chia trí. Lo xong “phần hồn”, tôi cho phép “phần xác” mình thoải mái những ngày kế tiếp. Tưởng thế mà không được. Tự nhiên răng hàm bị đau. Có lẽ là vết trám ngày xưa bị mòn nên khi thức ăn chạm vào thần kinh, đau buốt óc, đau toát mồ hôi, đau nổi da gà. Nước mắt trào ra, tôi tự chữa bằng cách ngậm nước muối, súc miệng bằng Listerine đem theo. Đỡ đau chứ không hết. Chưa biết tính sao thì khi ra hồ bơi thấy mấy anh đang lặn như tìm tòi gì đó. Thật buồn cười, cả nhóm thay phiên nhau mò tìm hai chiếc răng cửa (gắn tạm) của một chị trong ban tổ chức. Mò kim đáy biển chắc không khác gì mấy anh đang “mò răng đáy hồ”. Sau cả tiếng ngụp lặn, không ai tìm thấy, chị che miệng cười rồi tự diễu mình. Người ta cười hở mười cái răng, còn tôi chỉ hở tám cái. Nếu nói theo ngôn ngữ của giới đá bóng thì hàng “Tiền Đạo” của tôi đang bị bỏ trống… Đây là hai cái răng nha sĩ gắn tạm chờ khi chị đi nghỉ hè về mới trồng răng vĩnh viễn. Người đau khổ vì “mất răng”, kẻ đau khổ vì nhức răng. Đồng bệnh tương lân. Tôi tìm hiểu để định theo chị đi nha sĩ ngoài phố thì chị dẫn ra “tiệm tạp hóa” nằm ngay trong khu nghỉ mát (Resort) để mua thuốc tê. Đúng là tiệm tạp hóa. Cái gì cũng có bán. Rất tiện cho du khách, không cần mất công xuống phố cách đó cả trăm cây số đường xe hơi. Cái răng hàm tạm thời ngủ yên để chờ tôi về Mỹ mới “thanh toán” nó. Phần chị, ngay hôm sau, có tin vui giữa giờ tuyệt vọng. Nhân viên khách sạn đã tìm thấy hai cái răng khi clean up hồ bơi ở cái lọc (filter) cát, lá, lúc hồ bơi đóng cửa. Sau khi tặng họ tiền phục vụ, nụ cười của chị nở hết cỡ thật tươi. Thế mới biết quý những gì mình đang có – Sức khoẻ.

Xem thêm:   Kinh đô thời trang Roma

Mỗi buổi sáng, tiếng chim hót, tiếng gà gáy đánh thức tôi dậy. Một ngày mới. Trong tĩnh lặng của thiên nhiên bỗng có tiếng kêu vang “help, help..” nghe như tiếng kêu cứu làm tôi lo âu từ hôm đến, nay mới biết là của mấy con công. Chúng tỏ tình với nhau? Chú công cong chiếc đuôi tuyệt sắc, xoè bộ lông dài hình cánh quạt múa cho cô nàng xem. Màn múa thật đẹp mắt chắc chưa được hưởng ứng nên chỉ thấy nàng cứ chạy lòng vòng khi bị chàng “xáp lá cà”. “show” không đạo diễn nên kết thúc không “có hậu”, chàng công thất vọng bỏ đi, người xem tự động “tan hàng, giải tán”. Tôi theo đường vòng quanh khu vườn đến nhà ăn sáng. Ăn gì cũng chỉ là thêm chút đỉnh cho lạ miệng, cereal với  số lượng fiber rất cao, mang theo từ Mỹ vẫn là món ăn chính trong buổi sáng mỗi ngày của tôi.  Bữa trưa và tối thì thả dàn tuy vẫn theo phương pháp “ăn để sống” nhưng bớt khắt khe với bản thân mình hơn.

Nhân viên khách sạn nấu ăn trên bãi biển

Buổi tối đi xem những màn trình diễn. Ca, Vũ, Nhạc, Xiếc, thay đổi từng ngày. Những màn đu giây không hồi hộp cho lắm. Ngày có show diễn lại hình ảnh những đại danh ca như Elvis Presley, Marilyn Monroe, Whitney Houston, Celine Dion, Michael Jackson… Trang phục, hình dáng cùng những bản nhạc lừng danh một thời của họ đã mang khán giả về những ngày xưa thân ái nên rất đông người xem. Một trong những ngày được khán giả thích thú nhất có màn trình diễn “Ngồi Không Ghế”. Họ đem ra sân khấu hai chiếc ghế, bốn nam khán giả có thể lực mạnh khoẻ, trẻ trung được mời lên. Theo lệnh người điều khiển, khán giả Thứ Nhất ngồi vào 1 chiếc ghế, lưng hơi ngả ra đằng sau. Rồi đến người khán giả Thứ Hai ngồi lên ghế khác, cũng ngả lưng ra sau nhưng cài chân mình lên chân người đầu tiên. Chiếc ghế ngồi của khán giả đầu tiên được rút ra, đưa cho người khán giả Thứ Ba ngồi, lưng ngả ra. Người điều khiển lại rút chiếc ghế của người Thứ Hai ra và đưa cho người Thứ Tư ngồi lên. Lần này chàng ta rút luôn chiếc ghế ngồi của người thứ Ba rồi ghế ngồi của người Thứ Tư ra. Tiếng hoan hô vang dội. Té ra chàng điều khiển xếp 4 khán giả theo thế “cài răng lược”.  Chân người này chen vào chân người kia rồi họ rút từng chiếc ghế ra. Không còn chiếc ghế nào cả mà cả bốn khán giả không ai ngã xuống đất. Mắc kẹt vào nhau, rất buồn cười, họ không thể rút chân ra. Kết thúc màn biểu diễn là lời thì thầm bên tai “cái ghế người”. Quay xuống sân khấu, chàng biểu diễn ra lệnh cho mọi người cùng đếm. Một, Hai, Ba, cả 4 khán giả đang làm “ghế sống” cùng đứng dậy một lượt, “chiếc ghế người” rã đám trong tiếng vỗ tay khen ngợi nồng nhiệt. Tay sau lưng, tay trước bụng, các “tài tử bất đắc dĩ” cúi chào khi mỗi người được tặng huy chương vàng (giả) đeo trên cổ. Lại vỗ tay cổ võ um trời kết thúc màn trình diễn vui nhộn.

Xem thêm:   “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh”

Phần lớn, các khu giải trí (resort) bao luôn thức ăn và thức uống. Bia, rượu chát, nước ngọt, nước lọc (và cả nước biển) đều không phải mua. Họ đã tính luôn trong tiền ăn, ở cho tiện.Thức ăn thừa mứa ở hai nhà hàng ăn Buffet. Một trong nhà có máy lạnh và một ở ngay bãi biển để thuận tiện cho du khách thích phơi nắng. Nếu muốn trang trọng, bạn hãy ghi tên trước (vì phòng ăn có giới hạn chỗ ngồi) ở các nhà hàng Tây, Mễ, Nhật, hay Steakhouse (chắc của Mỹ). Đóng bộ lên cho thật đẹp, tay trong tay đưa nhau vào nhà hàng dưới ánh đèn cầy lung linh, trao nhau ánh mắt, hân hoan nụ cười, cụng ly rượu vang đỏ sóng sánh cũng là những giây phút tìm về kỷ niệm riêng tư. Êm đềm chứ không ồn ào như các bữa ăn ngay trên bãi biển. Không còn sức để đánh bóng chuyền, không còn hơi dài để bơi thi như những ngày xưa ở quân trường Hải Quân, “phe ta” vẫn nhớ biển nên xuống chỉ để “nhúng nước” cho vơi “nỗi sầu già”. Vậy mà vẫn có một cụ (người Mỹ) ngã ngồi không thể tự đứng lên, phải nhờ hai người xốc hai bên mới dậy nổi. Các ông đã vậy, các bà không cách chi khá hơn. Bơi không đặng thì chúng tôi “khoe áo tắm” vậy. Tập thể dục dưới nước. Dơ tay, dơ chân, ẹo qua, ẹo lại để cười với nhau cũng quá xá là vui. Tôi không thích nước mặn, ngồi hóng gió biển chán thì nhảy vào hồ bơi vài vòng cho mát là xong. Cũng là một cách tập thể dục. Có lẽ thể dục chưa đủ, một bữa, áp suất huyết của một anh tự dưng nhảy vọt làm anh em hốt hoảng. May mà có “y tá nhà”, mang theo cả va-ly thuốc nên kịp thời “hạ hỏa” người bệnh xuống bình thường. Hết lo âu, cả nhóm hẹn nhau diện quần áo “đóng phim”. Máy chụp hình xịn, máy nhà nghề, máy điện thoại… ai có thứ nào dùng thứ đó. Ông mặt Trời ngay trên đầu nên chẳng phải nhờ đến đèn đóm chi ráo. Hình nào cũng sáng trưng với những nụ cười tươi hơn hoa. Kỷ niệm chuyến đi chơi chung được ghi lại bằng những tấm hình này đây.

Đi dự Thánh Lễ Chúa Nhật

Đi chơi vui nhưng không quên người ở nhà. Phe đàn bà chúng tôi rủ nhau đi “shopping”. Chẳng đâu xa. Đi bộ dọc theo bãi biển của những khu resort nối tiếp nhau là một dãy nhà tôn cả chục căn nhà tiền chế bằng vật dụng nhẹ. Căn này chung vách với căn kia. Có lẽ đây là chợ Trời (bán ngoài trời) dành riêng cho du khách vì dân chúng bên ngoài không có lối đi vào khu bờ biển này. Hầu như gian hàng nào cũng bán những món quà lưu niệm giông giống nhau. Từ quần áo, khăn, mũ… đến những sản phẩm thủ công nghệ làm bằng tay của người bản xứ. Kiểu mua bán ở đây không giống bên Mỹ. Trả giá không khéo bạn sẽ bị hớ ngay vì người bán nói thách, đưa giá lên trời. Không biết thế nào để mua cho đúng giá trị của sản phẩm ngoài cách người mua trước chỉ giá cho người mua sau. Nghĩ là mua quà kỷ niệm nên nhóm chúng tôi ai cũng tay xách, nách mang, và có hơi “phóng tay” tiêu tiền. Biết khi nào trở lại nơi đây lần nữa?

Xem thêm:   Kinh đô thời trang Roma

Đến Republic of Dominican mà không tìm hiểu những danh lam thắng cảnh ở đây thì quả là một điều thiếu xót. Một ngày chúng tôi thăm viếng lâu đài nơi Christopher Columbus, (người đã khám phá ra Châu Mỹ La Tinh)  và gia đình đã từng sống ở Santo Domingo, thủ đô của Dominican Republic. Có lẽ lâu đài này đã từng là một trong những vị trí chiến lược quan trọng thủa xa xưa. Một pháo đài kiên cố xây bằng đá tảng vững chắc nằm bên bờ biển. Từ trên lầu có thể nhìn xuống chung quanh mặt đất từ mọi phía. Dĩ nhiên Dominican Republic này là một hải đảo nhưng có điểm đặc biệt khác thường là màu nước biển. Ngược với màu bãi cát trắng phau, biển Punta Cana có màu xanh lạ lùng. Không phải xanh da trời hay xanh nước biển. Màu xanh ngọc có trong lông con công. Màu “turquoise blue” mà tôi không đủ từ để diễn tả. Biển có màu xanh đẹp tuyệt vời, tôi chưa từng thấy ở bất cứ nơi nào mình đã đi qua. Con tàu nhỏ thả chúng tôi xuống bãi cát. Chỉ riêng khúc biển này không sâu. Ngập chưa đến hông. Nước ấm và trong vắt, bạn có thể nhìn thấy những con Cá Ngựa đang uốn éo đuôi bơi, lũ Sao Biển nằm trên cát mà không được bắt chúng đi. Từng đàn cá nhỏ tung tăng quanh những bàn chân trần bước đi trên cát như đùa giỡn với người. Cá và người “sống chung hòa bình”, chẳng ai làm phiền ai. Mây lướt nhẹ trên cao, những ngọn gió hiu hiu thổi. Thời gian trôi qua chầm chậm. Rồi cũng hết một ngày bình an, hạnh phúc. Tàu đưa chúng tôi về lại khách sạn.

Một tuần lễ đã hết. Mang theo nụ cười hiền lành của người bản xứ; họ sống đơn sơ không cần nhiều nhu cầu như ở những quốc gia văn minh; tôi có thể cảm nhận được sự yên bình của đất nước này. Republic Dominican ơi, tôi hẹn sẽ có ngày trở lại.

Bên nhau ngày vui

GĐN