Hồi tuần trước, hầu hết các trường đại học tại Mỹ đã khai giảng niên học mới. Trong khi cuộc sống của nhiều tân sinh viên và gia đình các em xem như không có nhiều thay đổi đáng kể khi chỉ chuyển từ ngôi trường này sang trường khác trong cùng thành phố, thì đồng thời, đây là một sự thay đổi to lớn với những em rời gia đình để bước hẳn vào cuộc sống nội trú độc lập, dù trong hay ngoài tiểu bang, thậm chí tại các quốc gia khác. Là bậc phụ huynh, chúng ta sẽ làm quen hay điều chỉnh với điều này ra sao?

Đón chào sinh viên mới 

Sau 18 năm nuôi con, như nhiều cha mẹ khác, sau khi đưa con gái vào nội trú cũng làm tôi suy nghĩ vẩn vơ. Một người bạn bảo rằng, rồi sẽ quen với điều này vì anh cũng từng trải qua trước kia. Tất nhiên tôi hoàn toàn hiểu được trạng thái cảm xúc và sự biến chuyển suy nghĩ theo thời gian, nhưng điều đó không có nghĩa là bất cứ cha mẹ nào cũng sẽ làm quen với việc xa con một cách dễ dàng, cho dù có chuẩn bị từ lâu.

Bạn bảo rằng vì chúng ta là cha mẹ Việt hay là người Á Ðông nên lo lắng, nghĩ ngợi quá nhiều. Nếu bạn gia nhập vào nhóm phụ huynh của các sinh viên cùng khóa tại ngôi trường con cái bạn theo học trên mạng xã hội, bạn sẽ thấy rằng không chỉ cha mẹ mà ngay cả các em đang đối diện với một giai đoạn không dễ dàng. Ngắn hay dài sẽ tùy mỗi cá nhân hay gia đình khác nhau nhưng đây là điều đang xảy ra.

Xem thêm:   Lướt qua "Hành Trình Phù Sa"

Tôi đọc được ít nhất hai chia sẻ của hai bà mẹ Mỹ kể rằng họ đã khóc suốt trên đường về nhà sau khi đưa con vào nội trú. Một người ở ngay trong thành phố và một người từ tiểu bang khác. Một người mẹ khác thì kể rằng con gái bà đã khóc suốt cả tuần vừa qua vì nhớ nhà, nhớ bạn bè. Cô bé này than với mẹ là cô đã “sai lầm” lớn khi chọn đi học xa. Một người mẹ khác thì xót con khi con bà bị cô bé ở chung phòng nói nặng lời vì con gái bà không muốn ra ngoài với cô bạn. Tôi đã đọc được vô số mẩu chuyện nho nhỏ như vậy trong nhóm phụ huynh gần cả ngàn người, có đủ sắc dân.

Chia sẻ của một phụ huynh về nỗi nhớ nhà của con gái 

Những chia sẻ trên là từ những cha mẹ Mỹ và sinh viên Mỹ. Họ bộc bạch, chia sẻ, tìm kiếm các lời khuyên, an ủi hay cố vấn trong nhóm với nhau. Còn văn hóa Á Ðông của chúng ta vốn kín đáo, chỉ ôm trong lòng vô số điều mà nếu thố lộ, biết đâu sẽ có những lời khuyên hợp lý hay hữu dụng để áp dụng.

Con cái chúng ta cũng vậy, mỗi em một tính cách khác nhau. Có em mạnh mẽ, cứng cáp, bước vào cuộc sống độc lập dễ dàng. Và không ít em mới lớn còn nhút nhát hay đã quen với sự bảo bọc của cha mẹ lâu nay giờ sẽ đối diện với cuộc sống mới trong một tập thể từ đủ sự khác biệt sẽ có phần bỡ ngỡ hơn.  Và không phải em nào cũng có thói quen thố lộ, chia sẻ niềm vui hay thử thách riêng tư của mình khi bước vào cuộc sống mới.

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

Ðó là lý do mà tất cả những suy nghĩ và trạng thái cảm xúc, kể cả lo lắng và lo sợ đều có thể hiểu và cần được thông cảm, chia sẻ với nhau.

Người Mỹ gọi trạng thái tâm lý này là hội chứng “empty nest”, một cảm giác trống vắng của cha mẹ khi con cái như những chú chim nhỏ trưởng thành và rời tổ  bay xa sau bao nhiêu năm chung sống với cha mẹ trong gia đình. Cảm giác trống vắng này càng lớn hơn bội lần nếu đó là đứa con duy nhất hay đứa con cuối cùng rời nhà.

Ngày đầu tiên niên học

Vậy là những người cha mẹ có con cái rời nhà để bắt đầu một đời sống độc lập, chúng ta sẽ làm quen với điều này như thế nào?

Thứ nhất là chúng ta hãy cảm thấy đây là điều đáng vui, đáng hãnh diện vì con cái chúng ta đã trưởng thành. Sau hàng chục năm học hành cấp dưới, được thụ hưởng một nền giáo dục căn bản từ học đường lẫn trong gia dình, đây là lúc các em chứng tỏ mình sẽ tự hòa nhập, thích ứng với môi trường mới như thế nào. Cha mẹ cũng có thể hãnh diện là mình đã đưa các em đi qua chặng đường đầu tiên để bước vào ngưỡng cửa đại học như vậy.

Cha mẹ có thể nhìn lại sự giáo dục, cách dẫn dắt con cái của mình để tin tưởng rằng các em sẽ biết cách xoay trở trong nhiều tình huống khác nhau, biết hành xử với những bạn đồng học, giáo sư có suy nghĩ hoàn toàn khác mình. Ðến lúc này thì chúng ta sẽ thấy rằng, không chỉ điểm học mà một tính cách, một  kỹ năng giao tiếp, ứng xử từng được vun đắp sẽ cần thiết thế nào.

Building nội trú của sinh viên

Thứ nhì là hãy nhắc mình rằng, con cái chúng ta bước vào đại học, bước vào một môi trường học thuật và là nơi huấn luyện các em trở thành những người hữu dụng cho mai sau. Các em không đi ra chiến trường, các em không đến nơi nguy hiểm. Chúng ta đang ở trong thời đại thông tin mà sự giao tiếp có cách xa ngàn dặm cũng có thể nghe thấy nhau trong tích tắc qua màn hình điện thoại trên tay bất cứ lúc nào. Tuy nhiên cũng đừng quá lạm dụng điều này, hãy để các em tự nhiên và liên lạc về cha mẹ .

Xem thêm:   “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh”

Cuối cùng là chúng ta có thể biết rằng, đây là khoảng thời gian hào hứng, đáng nhớ và tiếp nhận vô số điều mới lạ của con cái mà một khi ra trường, các em sẽ không còn nhiều cơ hội khi đối diện với thực tại cùng áp lực công việc và đời sống. Chúng ta sẽ tiếp tục yêu thương, ủng hộ và đồng hành cùng con cái trong giai đoạn quan trọng này, cho dù có cách xa.

Chia sẻ những điều này cùng các bạn cũng là điều tôi nhắc nhở chính mình. Trong niềm tin rằng, rồi đây con cái chúng ta sẽ có được một nền tảng học vấn vững chắc và được huấn luyện những kỹ năng, những mục đích sống tốt đẹp để trở thành người hữu dụng mai sau.

ĐYT