Nhớ ngày xưa …liên quan về chuyện buôn bán. Khi tuổi thiếu nữ mười tám trăng tròn, tụi tôi không có tiền, nhịn ăn sáng chắt chiu từng đồng vì mơ ước có chiếc áo dài màu đầu đời…

Một ngày nắng ấm trời trong sáng, tôi và Mai ra chợ Đông Ba tìm mua xấp áo dài màu may mặc Tết. Đến gian hàng đầu tiên, người bán đon đả ngọt ngào quảng cáo các xấp lụa màu tươi sáng, tụi tôi muốn đi nhiều nơi xem cho thỏa mãn đã rồi mới quyết định chọn lựa sau. Tiền ít thiệt là lúng túng và rụt rè, so đi tính lại kỹ càng, do dự tần ngần nên cứ đi lui đi tới, khi thích xấp vải hàng bà kia, lúc ưa xấp vải hàng O khác rồi phân vân theo giá tiền mắc rẻ để mình nhắm có đủ khả năng không. Đi qua đi lại nhiều lần gian hàng đầu tiên, tụi tôi nghe có tiếng nói lớn

– Đi cả buổi chưa lựa được chi à, mai mốt bị mấy ông tìm vợ kén như rứa thì răng đây, mấy con quỷ ngứa mắt.

Hoảng hốt và mắc cỡ, tụi tôi đi nhanh qua khỏi gian hàng đó, nín cười nói với nhau

– Tất cả tại mình mua vải kén chọn khó khăn thì ráng nghe chửi…

Suy đi nghĩ lại thì chấm hàng vải của bà đó vì có màu mình thích nhưng những nơi khác không có, rốt cùng tụi tôi can đảm trở lại để mua. Bà vừa gói hàng vừa cười vui vẻ hướng mắt về Mai hỏi

– Mạ con có khỏe không?

Mai trố mắt ngạc nhiên

– Ủa răng bác biết mạ con?

Bà càng cười tươi hơn

– Trời ơi vợ ông đại tá Dương ở thành phố ni ai mà không biết, với lại bạn của bác mà.

Tụi tôi nhìn nhau như thầm chung một nhận xét, cầm hai xấp vải ưa ý đi ra khỏi hàng, Mai lên tiếng

– Răng mà lật trở bàn tay nhanh như chớp rứa không biết

– Thôi ai lật, ai trở kệ họ không cần quan tâm, mình mua được hai xấp vải đẹp là thỏa mãn rồi.

Trên đường về từ phố Phan bội Châu vào cửa Đông Ba, tụi tôi im lặng suy nghĩ thái độ người bán hàng, rồi nghĩ xa vời hơn về ý tưởng của đại văn hào Shakespeare đã được học “Cả thế giới là một sân khấu. Đàn ông và phụ nữ chỉ đơn thuần là những diễn viên; họ có lối ra và cửa lên sân khấu cho riêng mình, mỗi người đều đóng nhiều vai khác nhau trong suốt cuộc đời”.

Qua Mỹ đi sinh hoạt nơi Chùa, Thầy giao chìa khóa phát hành kinh sách mỗi khi có lễ lớn.  Một lần bán sách có bộ tự điển dày cả ngàn trang, loại sách tài liệu về luật pháp do luật sư NHL tặng Chùa gây quỹ. Người khách có nét mặt sáng ngời, đôi mắt thông minh dưới cặp kính cận, ăn mặc thanh lịch đứng lật trở xem quyền sách rất lâu (tôi đoán có lẽ cũng là luật sư gì đây?). Ông hỏi giá, tôi nói nhỏ nhẹ

– Dạ sách này không có giá, tuỳ anh cúng dường giúp Chùa đang gặp khó khăn

Khách rút túi đưa $10 cầm sách rồi quay lưng đi vào hậu trường chờ làm lễ, cô em bán phụ nói nhỏ:

-…Quyển sách giá trị dày như vậy mà đưa chừng đó à

Tôi trả lời

– Kệ …có thể ông là dân học luật, VN mới qua … không có tiền, thôi …thôi…cô lại dính mắc, nói chuyện dư rồi, chớ khúc mắc nữa.

Xem thêm:   Tạp ghi dòng vụn vỡ

Vừa đúng lúc người khách kế tiếp mặt mày đen đúa, ăn mặc quần áo lếch thếch như dân làm cỏ, làm lao động tìm lựa quyển sách, đưa tờ $100 và khoác tay

– Khỏi thối lại

Tôi cám ơn, chờ khách đi xong tôi quay qua em phụ hàng

– Thấy chưa buôn bán phải lịch sự cám ơn tất cả, bá nhân bá tánh trong thế gian này, tập luyện “sống là động nhưng lòng luôn bất động” nghe chưa!

Lần khác một bác lớn tuổi đến mân mê cuốn băng Cassette giảng pháp, hỏi bao nhiêu. Tôi đáp

– Dạ băng free, tuỳ bác …

Chưa hết lời cô em bán phụ đã nhanh nhẩu dành nói

– Dạ $5 bác ơi

Tôi khựng người trố mắt, miệng cứng im luôn. Bác vén áo ngoài, mở kim băng túi áo trong may rộng, lôi ra một xấp tiền toàn bạc lớn, tìm hồi lâu mới thấy tờ $5 để trả. Bác đi rồi tôi quay qua hỏi em

– Răng lại ra giá rứa? để bác tuỳ hỷ chứ

Cô em hăng tính nói

– Lần trước bác cũng mua cuốn băng, em nói tuỳ hỷ cúng dường, bác chỉ đưa $1. Chị xem bác lớn rồi, tiền một đống để làm chi, nên lần ni em muốn tạo cho bác có công đức

– Hay quá, ép bác thì có chớ tạo dùm cái chi, coi lại đi nghe, tâm bị động rồi đó.

Chuyện đã xong nên nói vậy thôi, dù tôi la nhưng cũng mắc cười thái độ, lời nói của cô em.

Sau này vào tham gia Văn Thơ Lạc Việt, ban điều hành lại nhờ bán sách chị Kiều Mỹ Duyên, đến phiên sách của Đoan Trang, ông hội trưởng cũng đến gọi tôi và chị Phương Hoa ôm sách đi mời từng bàn (vì không dọn bàn sách). Quyển sách mỏng giá bán chỉ $15 nên khách ủng hộ $20 dễ dàng, lần đó thiếu sách bán, khách order tại chỗ chờ gởi đến nhà sau.

Ngày 29 tháng 1 năm 2023 hội trưởng Lê văn Hải của Văn Thơ Lạc Việt tổ chức chiều nhạc “Mừng Một Mùa Xuân Mới” luôn tiện ra mắt sách “Đặc San Xuân Quý Mão” tại quán COFFEE LOVER 1855 ABORN ROAD, SAN JOSE trong không khí vui tươi của ngày đầu xuân.

Theo chị Phương Hoa (trong ban biên tập) kể lại: giờ phút cuối quý văn thi sĩ gởi tác phẩm rất hay, rất giá trị, ban biên tập làm việc không kịp. Ngày ra mắt sách cận kề, nếu in online e không kịp, nên nhờ nhà in địa phương làm gấp, bắt buộc phải in số nhiều theo yêu cầu của nhà in. Dĩ nhiên khác hẳn những năm trước là tổng cộng số người order rồi mới in sau tại Lu Lu hoặc Amazon.

Lần này rất hồi hộp với số sách in dư, mà giá in lại lên tới $35/1 cuốn do ông hội trưởng ứng tiền ra trước.

Tôi và chị Phương Hoa được ban điều hành chỉ định phần bán sách. Nhìn tập sách dày hơn 600 trang, hình thức trang trí màu sắc tươi vui của mùa xuân rất đẹp mắt, lật bên trong được in giấy màu, nội dung thật phong phú với toàn những cây bút tiền bối đã nổi danh từ lâu. Vật giá bên ngoài leo thang không thể tưởng từ bó rau, cây trái tới các thứ to tát hơn, cho nên nghĩ tới cái giá gốc $35 nhưng bán chỉ $40, chứng tỏ VTLV không phải gây quỹ mà chỉ là muốn quảng bá thơ văn, tranh, nhạc từ những tâm hồn yêu thơ văn, yêu tình nghệ sĩ làm đẹp cho cuộc đời. Quan trọng hơn nữa là yêu quý tiếng Việt ta, muốn gìn giữ lưu truyền cho thế hệ mai sau, nên ngày đêm ban biên tập đã chú tâm, hăng say ra công sức bắt nguồn từ trái tim yêu thương nền văn học nghệ thuật, để dâng hiến mọi người cùng thưởng thức, “Việc đọc rất quan trọng, nếu bạn biết cách đọc, cả thế giới sẽ mở ra cho bạn” (Barack Obama).

Xem thêm:   “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh”

Chúng tôi hơi lo lắng giá sách cao, sợ khó bán lấy đủ tiền vốn hoàn trả lại ông hội trưởng. Nhưng may mắn quý khách và các thành viên dù có đăng bài hay không, hoặc chưa gởi bài tới kịp, đều hoan hỷ nhiệt tình với thái độ vui vẻ trả tiền vượt giá bán. Hầu như mọi người đều mua sách, tránh tình trạng lẩn lộn nên chúng tôi đều ghi tên mỗi người trong trang đầu khi giao sách.

Chiều đã gần tàn, nhưng các ca sĩ vẫn hăng say hát những bản nhạc Xuân thật hay và rộn ràng trong không khí Tết. Lúc khách đang enjoy nhạc, tôi đảo mắt quan sát trên những bàn, trước mặt mỗi người đều có tập Đặc San Xuân. Tuy nhiên còn ít bàn chưa thấy sách, tôi nghĩ đến ông hội trưởng quen tính hào hoa rộng rãi, lúc nào cũng bảo trợ phần nước uống free, hôm nay lại tuyên bố “ai mua sách sẽ được tặng thêm chai rượu có dán nhãn hiệu của chủ đề”. Tôi mạnh dạn cầm sách nhắm mục tiêu đã chú ý, đến trước một người khách trên dưới 70 tuổi, xổ giọng trầm giọng bổng

– Dạ mời anh ủng hộ tập Đặc San Xuân, nội dung rất phong phú, gồm thơ Thất Ngôn Bát Cú, truyện dài, ngắn, Tản mạn, Chuyện Phiếm của toàn những bậc tiền bối nổi tiếng từ lâu…

Ông khách nhìn tôi gật gù ra chiều lắng nghe, tôi đặt hết niềm hy vọng, thừa thắng xông lên, lải nhải tiếp

– Sách in màu rất đẹp và giá trị, vật giá leo thang nên giá sách in cũng đắt quá. Đây là một cơ sởsinh hoạt muốn duy trì tiếng Việt nơi xứ người …giá bán $40 trong khi giá vốn $35 thì chỉ xem như quảng bá thơ văn …” Sự đọc sách đối với trí tuệ giống như sự vận động đối với cơ thể…”

Chao ơi dùng được câu nói của danh nhân mô đó, nổ văng miểng kiểu ni là dính chắc. Khách cười lịch sự, tôi trao sách cúi đầu, vẹo vai xin tiền tràn niềm phấn khởi

– Nị nghĩ sao mà mời mua sách, Ngộ đâu biết đọc tiếng Việt

Tôi chưng hửng vài giây, rồi mở miệng “xin lỗi, xin lỗi”. Máu can trường dâng lên quyết không lùi bước, tiếp đến bàn mấy bác khác. Lần này thì bảo đảm không phải Ngộ Nị, vì tôi nghe nói chuyện qua lại bằng tiếng Việt không chớt chát như ông khách kia. Vẫn bài ca con cá lập đi lập lại, nhưng mấy bác thương tôi không cho nói nhiều sợ …mệt nên ngắt lời

– Tụi tôi con mắt lem nhem mờ rồi, đâu còn đọc sách được nữa

Tôi lại cúi đầu “dạ xin lỗi bác”. Tinh thần chiến đấu vẫn lên cao, giữa chiến trường không thể thụt lùi, tôi tiến bước tiếp hai người khách trẻ còn lại, dù bài ca hơi ớn nhưng vẫn gắng gượng “hát.” Họ cười vui vẻ móc bóp, tôi nhủ thầm “lần này chắc vào lưới rồi”. Cầm tiền bán được hai cuốn sách, tôi mừng quá nhanh chân trở về thấy hai chai rượu để trước mặt, xách trở lại tặng, khách trố mắt ngạc nhiên “được tặng rượu nữa à, ngon lành vậy …”

Xem thêm:   Kinh đô thời trang Roma

Màn cuối dọn dẹp, chị PH sực nhớ ra điều gì

– Hai chai rượu anh Hải cho tụi mình đâu rồi?

– Ui …em mô có nhớ, sau hai lần thất bại, bán được sách cho hai người khách quý, thấy được giá trị của sự thành công, nên quên rượu của mình …lấy đi tặng luôn

Chị PH cười hỷ xả

– Ừ thì cho họ đi, chứ mình đâu có uống

Tôi hơi tiếc rẻ

– Em không uống nhưng muốn sưu tầm nhãn dán ngoài chai rượu đủ bốn mùa, hi…hi…thôi quên đi.

Phần tổng kết tiền bạc thiệt là phấn khởi không còn lo lắng nữa, chị em dọn số sách còn dư vào thùng, ra về trong hân hoan, giao lại các việc cho thầy Phạm Thái (trưởng ban biên tập).

Trời bên ngoài lạnh buốt đã ngả màu hoàng hôn. Tôi vừa bước ra cửa thấy đằng xa …không biết thầy Thái vì mệt phờ sau thời gian layout, edit và lo chuyện in ấn, sức yếu đẩy sách không nổi hay sao, tôi thấy thùng sách “lăn chiên đổ đèn” văng ra ngoài, không biết thầy có bị té? Chỉ thấy thầy ngồi bệt lượm từng cuốn sách, gió thổi bay tóc tai xơ xác. Chị PH đi tới gần và tôi phía sau lưng cũng chỉ đứng nhìn không giúp được gì, vì hai tay ôm sách, ôm nước, ôm các thứ linh tinh.

Nhìn hình ảnh đó tôi vừa cảm động, vừa quý mến cảm kích ban biên tập, ban điều hành vô cùng, kể cả cựu hội trưởng Chinh Nguyên đang dưỡng bệnh nhưng luôn âm thầm giúp đỡ đằng sau, lo âu sắp đặt mọi việc trong ngoài. Phải chăng đây là những hoài bão được ấp ủ, chung vai sát cánh thực hiện bằng tất cả niềm đam mê “A book is a dream that you hold in your hand” (mỗi cuốn sách là một giấc mơ mà bạn cầm trên tay), nên đã say sưa lặn hụp biển Văn Thơ Lạc Việt, nâng niu giữ gìn nền văn học, bảo tồn tiếng mẹ đẻ, bỏ công sức gánh vác ngà voi như vậy.

Riêng tôi cái duyên tự đưa đến chuyện bán sách, tiếp xúc biết bao nhiêu đối tượng đã mấy chục năm qua tại chùa Phổ Từ, luôn nhớ cách cư xử của bà bán xấp áo dài nơi chợ Đông Ba ngày xưa, để tự răn mình chớ động tâm, chớ khúc mắc, Được và Không dung hoà thành điều bình thường mà sống “tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”, dễ chịu nhất khi áp dụng hai chữ “cảm ơn” và “xin lỗi “.

Tuy nhiên trong việc bán buôn này cũng cho tôi nhiều kỷ niệm, nhiều niềm vui đầy ngoạn mục. Chỉ mong tôi có dư thời giờ để đọc sách vì “Chính từ sách mà những người khôn ngoan tìm được sự an ủi khỏi những rắc rối của cuộc đời” (Victor Hugo). Tôi muốn bắt chước sự “khôn ngoan” đó.

Các anh chị và bạn đã có tập Đặc San Xuân do cơ sở Văn Thơ Lạc Việt phát hành chưa?

Minh Thúy Thành Nội

Tháng 1/2023