Each turn at the road brings

new thoughts and each sunrise

fresh emotions.

– Unknown

Tháp Nhạn 

Ngày xưa nghe hát “Khi đất nước tôi thanh bình tôi sẽ đi không ngừng.  Sài Gòn ra Trung.  Hà Nội vô Nam …” Còn tôi, nếu được, thì tôi sẽ đi đâu? Cái dải đất hình chữ S hiện nay có hơn 60 tỉnh, nếu cưỡi xe 4 bánh ghé mỗi tỉnh 1 tuần phải mất hơn 1 năm. Tôi đã đi 2 địa điểm tạm gọi là xa nhất ở Bắc và Nam là Lũng Cú và Cà Mau, thêm vài nơi lên rừng xuống biển nổi tiếng như Sa Pa và Hạ Long.  Lần này, 2023, tôi chọn đi xem Tuy Hòa (Phú Yên) và Qui Nhơn (Bình Định) 2 thành phố nhỏ, không mấy nổi tiếng với hy vọng nhìn thấy, cuộc sống tỉnh lẻ vẫn còn đằm thắm hiền hòa, chưa huyên náo chật chội như Hội An, nơi mỗi ngày có cả chục chuyến xe buýt thả nườm nượp khách du lịch xuống bến.  Tôi không có sẵn khái niệm về 2 thành phố này, nhờ đó sẽ tránh được sự thất vọng nếu thành phố đã “hương đồng cỏ nội phai đi ít nhiều.” Tôi sẽ chỉ nhìn ngắm và ghi nhận cảm xúc của riêng mình chứ không phê phán gì cả.

Những điều tôi biết về Tuy Hòa, gói trọn trong vài truyện ngắn và bài hát. Tuy Hòa có nhiều nhà văn. Nghe kể rằng, nhiều người không sống bằng nghề viết, nhưng đến Tuy Hòa ở một thời gian, có lẽ, nhờ phong thủy đều trở thành văn thi sĩ nổi tiếng. Một nhà văn Tuy Hòa nổi tiếng là ông Võ Hồng. Ông được nhiều người yêu mến qua “Trận Đòn Hòa Giải.” Ông còn có rất nhiều truyện ngắn và truyện ở Sài Gòn trước 75. Văn của ông có phong cách điềm đạm và chững chạc của một nhà giáo. Tôi hiện có truyện ngắn “Mong Manh Một Thoáng” của Võ Hồng.  Và truyện ngắn “Thư Từ Tuy Hòa” của Cảnh Cửu.

“Thư Từ Tuy Hòa” gây dấu ấn mạnh mẽ trong tôi bằng giọng văn ráo hoảnh. Nhân vật trong truyện, người viết lá thư, là cô giáo.  Thư gửi một anh quân nhân mới quen. Khi vào truyện người đọc được cho biết anh lính ấy đã chết vài ba hôm trước khi nhận được thư. Thư được mở ra sau 21 ngày. Truyện xuất hiện trên Văn số 45, và bút hiệu này chỉ xuất hiện trên tạp chí Văn 1 hay 2 lần. Nếu nói Cảnh Cửu là bút hiệu khác của một nhà văn, nam hay nữ, nổi danh tôi sẽ không ngạc nhiên.  Nếu xếp “Lá Thư Tuy Hòa” vào thể loại du ký (travel writing), thì đây là một du ký hạng nhất. Hai nhân vật, cô giáo người Tuy Hòa, và anh quân nhân là người gốc Qui Nhơn nhưng đã đi xa từ lâu. Hai người cùng đi với nhau từ Tuy Hòa đến Qui Nhơn. Thời gian tuy chỉ 1, 2 ngày nhưng đủ để tình cảm nảy sinh giữa 2 người biến thành tình yêu, thứ tình yêu hối hả, vội vã, của người quân nhân, sống như không có ngày mai và cô giáo cũng biết là anh quân nhân có thể không có ngày mai. Cảnh Cửu nhắc nhiều đến những địa danh thuộc Phú Yên và Bình Định. Mỗi địa danh có kèm theo một vài chi tiết đặc biệt về địa danh ấy, chỉ có người sống ở đó nhiều năm mới nhận ra.  Tôi vẫn thường cho rằng phải là người sống nhiều năm ở một nơi chốn nào đó thì mới có thể diễn tả cái hay, cái đẹp, cái dễ thương hoặc là dễ ghét về nơi chốn ấy. Cảnh Cửu củng cố niềm tin này trong tôi.

Xem thêm:   Lê Văn Khoa đại náo Dallas

“Con sông Đà Rằng chảy qua cây cầu 1020 thước đó làm anh mê à. Mùa mưa nước lênh láng bao la thật. Cũng mùa mưa nước đổ dầm dề gió bấc cắt da chỉ còn con sông Đà và chỏm núi Nhạn là tương phùng như trong chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh.”

Qua Cảnh Cửu, Tuy Hòa có cây cầu xe lửa chạy trên cao, gió dũi dũi trên mặt sông mát lịm, đập Đồng Cam, đèo Cả, đất úng phèn Hảo Sơn, sông Đà và núi Nhạn. Nghe kể rằng, núi mang tên Nhạn vì ngày xưa trên núi có chim nhạn làm tổ rất đông. Chim nhạn có lẽ là chim én, hay yến, nếu không cũng chung giòng họ. Tôi không hề biết hình dáng chim nhạn, nhưng loài chim này luôn gợi lên những hình ảnh rất thi vị.

Nhạc sĩ Tu Mi trong bài “Tan Tác” viết rằng: “Mây bao la trời đen u tối. Đêm đông trường lữ khách bâng khuâng. Ngóng về phương xa chờ tin nhạn. Nhưng nhạn nào có biết nơi nao mà chờ.”

Hàn Mặc Tử, mộ chôn nơi Ghềnh Ráng, cũng từng mong chim nhạn về. “Trước sân anh thơ thẩn. Đăm đăm trông nhạn về. Mây trời còn phiêu bạt. Lang thang trên đồi quê.”

Chim nhạn, gợi lên hình ảnh của sự lãng du, phiêu bạt, và từ đó, sự chia ly.

Cầu xe lửa Tuy Hòa

Trên đường lên tháp Nhạn, tôi bước chân theo mấy câu hát nhịp nhàng “Anh còn nợ em. Chim về núi Nhạn. Trời mờ mưa đêm.” Tưởng tượng đến khuôn mặt nhăn nhó đau khổ, của anh ca sĩ nào đó rồi tự hỏi: núi Nhạn đóng vai trò gì trong chuyện anh còn nợ em của Anh Bằng. Phải công nhận, thi sĩ và nhạc sĩ có tài xâu chuỗi những sự vật tưởng chừng như chẳng liên hệ gì với nhau, như “nợ em”, “núi Nhạn”, và “mưa đêm”, để làm thành câu hát. Phải chăng, chim quay về chốn cũ mà người ra đi không về, cũng chẳng có thư, nên người nơi xa cảm thấy mình thiếu nợ người ở lại?

Trước khi đến Tuy Hòa tôi có thăm tháp Chăm  Po Klong Garai ở Phan Rang. Tháp ở trên đồi không cao lắm, chừng trăm bậc thang, nhưng có lẽ vì say xe, hay tại buổi sáng hôm đó tôi uống ly sữa pha bằng nước chưa sôi, cũng có thể vì trời nóng quá sức nên tôi bị đổ mồ hôi lạnh, choáng váng (triệu chứng của bị sốc nhiệt).  Vì vậy, khi nghe Tuy Hòa có tháp Nhạn, tôi ngần ngừ không muốn thăm dù tiện đường đi và gần thành phố.  Hầu hết tất cả tháp Chăm  miền duyên hải thường được xây trên đồi cao, gần cửa biển, có sông rộng và dài chảy sâu vào nội địa.  Tôi sợ trời nóng, sức yếu không lên nổi đồi cao. Tuy nhiên núi Nhạn cao chỉ 64 mét so với mực nước biển. Và du khách không cần phải đi bộ leo bậc thang mà có xe “tram” chở thẳng lên đồi.

Xem thêm:   Thương Hoa Tiếc Ngọc

Tháp Nhạn nhỏ hơn tháp Po Klong Garai.  Trên đỉnh tháp có Linga, được phục chế có màu xám của xi măng chứ không đỏ cái màu đặc trưng của gạch xây tháp. Trước kia núi Nhạn bị Pháp bắn pháo vào làm sụp đổ một phần tháp. Vòng quanh chân tháp Nhạn có nhiều tượng phục chế trong đó có Ganesha khiến tôi đoán tháp sẽ thờ thần Hindu, nhưng, tháp thờ thánh mẫu Thiên Y A Na một phiên bản của thánh mẫu Thiên Hậu.  Người Chăm là những người thiện chiến hoặc chuyên nghề mua bán vận chuyển bằng đường biển.  Thánh mẫu Thiên Y A Na là vị thần phù hộ cho người đi biển được an lành.

Đứng bên tháp Nhạn tôi thấy có 2 cây cầu. Một cây bắc ngang sông Đà Rằng, còn gọi là sông Ba. Còn cây kia dành riêng cho xe lửa.

“Con sông Đà Rằng uốn khúc tự Cao nguyên xa.  Nó mang về đây ruộng lúa đập Đồng Cam sau khi đã bỏ đất đen miền nhiệt đới Cheo Reo.  Ruộng lúa có xanh tươi thật, bông trái có trĩu cành thật. Nhưng đó chẳng qua là một cái gì nhỏ bé của xứ Phú Yên này.” – Cảnh Cửu

“Họ vui mừng với những con tàu đến để rồi buồn rầu với những con tàu đi. Lòng họ trống không, mắt mờ như hồn tôi mờ theo con tàu 28 Tết năm nay.”

“Buổi trưa tôi lên ở ga này thấy anh đang gặm bắp đó. Hồi còi run rẩy lìa ga xép. Con tàu thì chạy anh thì nhai dễ thương chi lạ. Tôi đâm ra yêu cái thân xác run run của con tàu, tiếng động rêm rêm trên đường sắt và người đồng hành biết thưởng thức hương vị quê hương mình – biết đâu đó cũng là sự chung tình khả ái.” – Cảnh Cửu.

Tháp po-klong-garai

Trên núi Nhạn vẫn còn cái lô cốt từ thời Pháp.  Ngày tôi đến có 2 người đàn ông mặc thường phục đang ăn trưa, 1 trong 2 người là bộ đội phục viên, người kia là khách của ông.  Có lẽ 1 trong 2 người là nhân viên trông chừng tháp.

Xem thêm:   Tạp ghi dòng vụn vỡ

Rời tháp Nhạn, những câu hát trong bài Chiều Qua Tuy Hòa của Nguyễn Đức Quang bay vờn sau lưng tôi.

Ôi những chiều mây vắt ngang lưng đèo.

Vọng Phu đưa mắt như buồn theo.

Cảnh Cửu nhắc đến những món ăn Tuy Hòa như cá lúi kho hành ăn với khoai lang, cá ồ ồ gói bánh tráng, càng cua biển to như cái sừng trâu và cơm vắt với cái đùi gà to tướng. Tuy Hòa của Cảnh Cửu giống như tấm ảnh đã cũ, loang lổ, hoen ố màu thời gian.  Bây giờ người ta nhắc đến sò Ô Loan, bánh xèo tôm nhảy. Làm gì còn cái đùi gà to tướng với nắm cơm giá 10 đồng.

Từ Tuy Hòa, theo chân Cảnh Cửu tôi đi Qui Nhơn. Theo ông, Qui Nhơn là một vùng quê nghèo nàn, cuộc sống khó khăn. Qui Nhơn có gì? Đường hầm qua dãy Cù Mông tối đen. Vân Canh nhiều thượng.  Diêu Trì ngã ba. Cầu đôi nước đứng. Tháp Chăm  gạch đỏ và núi Qui Nhơn lở lói. Và có mộ Hàn Mặc Tử. Trần Thiện Thanh trong bài hát Hàn Mặc Tử đã viết “Tìm vào cô đơn, đất Qui Nhơn gầy đón chân Hàn đến.” Tại sao Qui Nhơn gầy? Vì nghèo? Nhìn trên bản đồ thì tỉnh Bình Định có hình dáng gầy guộc hơn so với tỉnh Gia Lai.

Qui Nhơn giàu nhân tài. Về văn học hiện đại có Hàn Mặc Tử, Quách Tấn và Chế Lan Viên.  Văn học hậu hiện đại – miền Nam trước năm 75 có ông Võ Phiến. Trong sử học thì có những danh tướng của Tây Sơn như Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân.

Tuy Hòa và Qui Nhơn không còn cuộc sống đơn giản như Cảnh Cửu miêu tả.  Mộ Hàn Mặc Tử bây giờ đẹp hơn căn nhà ông ở ngày xưa. Người bây giờ đến Qui Nhơn thì ra Eo Gió chụp ảnh sống ảo. Buổi tối ngồi ở tháp Nghinh Phong Tuy Hòa ngắm đèn màu sặc sỡ. Buổi sáng đi bộ vòng quanh ở hồ Điều Hòa tập thể dục. Về đêm dạo bờ biển Qui Nhơn nghe sóng vỗ rào rạt mà nhớ bài Biển Nhớ của Trịnh Công Sơn.

Đi để làm gì? Đoạn thơ mở đầu bài này nói rằng mỗi khúc quanh của con đường mang đến vài suy nghĩ. Với tôi, đi để tìm hiểu chính mình. Mỗi chuyến đi mở ra nhiều câu hỏi khiến tôi đi tìm câu trả lời, cho riêng tôi. Phải chăng, tôi cũng giống như một loài chim, kiếp nào đó đã từng sống ở núi Nhạn, lâu ngày tìm về để thăm một quê hương không còn là của mình và rồi sẽ trở nên xa lạ.

mỗi khúc quanh trên đường,

mang về ý tưởng mới

mỗi buổi rạng vầng đông

cảm xúc phả mùi hương.

– NTHH dịch của tác giả Vô Danh

NTHH

Tháng Giêng năm 2024