Phần 1:   Sài Gòn – Thời thơ ấu

Khác với phần đông gia đình Việt Nam trong những thập niên 1950-1960, bố mẹ tôi chỉ sinh có hai đứa con, một trai và một gái. Những gia đình khác trong họ hàng hay chòm xóm thì con đàn cháu đống, nên dễ bắt nạt anh em tôi chỉ có hai đứa cu ky. Bố tôi đã chủ trương “kế hoạch hóa gia đình” trước thời đại.  Ông không hề dám tin vào câu nói của ông bà xưa rằng trời sinh voi sinh cỏ. Là con trai trưởng trong một gia đình đông con bị khánh tận trong giặc giã chiến tranh, bố tôi phải bỏ học đi làm chân thư ký cấp thấp để cưu mang đại gia đình. Ông cố hoàn thành trách nhiệm lớn lao của mình nhưng cũng ngao ngán trước cảnh gia đình chật vật túng bấn vì đông đúc. Ðến khi lập gia đình riêng, bố tôi không muốn có nhiều con mà không lo được cho chúng đàng hoàng đầy đủ. Hai đứa là quá đủ rồi. Thế là từ ngày bé chỉ có anh tôi và tôi hủ hỉ với nhau.

Má tôi kể khi bà vào nhà bảo sinh để sinh tôi thì anh được bà nội đưa vào thăm. Thấy má tôi đang được đưa từ phòng sanh về phòng nằm, tóc tai rũ rượi, mặt mày xanh mét mệt mỏi, anh òa khóc kêu ầm ĩ: “Má ơi! Ði về! Ði về nhà!” Những ngày sau ẵm tôi về nhà má tôi dặn anh đi đứng sẽ sàng để em ngủ, đừng gây tiếng động làm em thức. Má tôi nằm trong phòng cứ thỉnh thoảng lại nghe tiếng guốc chạy lộc cộc lộc cộc rộn ràng từ ngoài sân vào nhà, đến giữa nhà bỗng thắng rét lại, chạy lộc cộc trở ra cửa, rồi từ cửa lại rón rén đi chân đất trở vào!

Ngày bé tôi cứ bám riết lấy anh. Anh lớn hơn tôi 3 tuổi, đủ để làm anh lớn cho “tà lọt” nhí theo phò. Anh chơi trò chơi gì tôi cũng chơi theo. Ðẩy xe tăng nẹt lửa, bắn súng đùng đùng, xếp giấy làm súng hai nòng giắt vào lưng làm cao bồi cưỡi ngựa, gắn lông gà lông vịt vào giấy bìa quấn quanh đầu làm mọi da đỏ chạy cùng nhà. Bắn bi, tạt lon tôi cũng tham gia ra trò. Khi tôi có con búp bê đầu tiên, anh làm bác sĩ mang nó ra mổ xẻ, chân tay băng bó bôi thuốc đỏ lòm. Tội cho nó, một ngày bác sĩ mổ mắt cho nó thế nào mà hai con mắt biết nhắm biết mở lọt hẳn vào trong đầu để lại hai lỗ trống hốc, đen thui và sâu hoắm. Em búp bê mù vẫn chúm chím nở nụ cười tươi không hề oán trách số phận.

Năm anh bắt đầu đi học thì tôi bị hụt hẫng, cả buổi sáng ế dài cứ thắc tha thắc thỏm chờ anh đi học về. Tôi là đứa con thứ, hay gọi là út cũng được, thì mạnh khỏe phổng phao, còn anh là con trai đầu lòng, cháu đích tôn 3 đời của giòng họ thì cứ đau ốm quặt quẹo suốt tuổi thơ. Tôi nghe kể năm anh lên một tuổi ở nhà cứ phải mang anh đi chích trụ sinh cả năm trời vì ghẻ lở đầy người, bà nội cứ xuýt xoa đau xót cho cháu: “cứ xăm thằng bé như xăm bí thế!” Năm anh vào tiểu học thì vướng bệnh suyễn, thở khò khè nên người yếu ớt mảnh khảnh. Lâu lâu lại bệnh nặng phải nghỉ học ở nhà. Anh không muốn bỏ học nên giở trò sáng sớm mang vở ra đề ngày tháng sẵn rồi năn nỉ: “Con lỡ đề ngày hôm nay rồi, cho con đi học đi!” Bà nội sợ cháu vào trường bị cảm ho nên may cho áo lót, bắt mặc áo trong áo ngoài cho ấm. Các bạn cùng lớp kháo nhau: “Nó là con gái đó, đừng chơi với nó!” Khi tôi võ vẽ lớp một, đã biết viết chữ đánh vần kha khá, có lần tôi phá anh bằng cách lén lấy vở đi học của anh có đề tên “Nguyễn Ðức Chương” ngoài bìa rồi lấy bút nguệch thêm thành “Nguyễn Ðức Chương sình”. Anh không để ý, vào trường bị bạn bè bắt gặp cười nhạo làm anh giận tôi một trận.

Mẹ và 2 anh em  

Năm anh học lớp nhất, sắp phải thi tuyển vào đệ thất thì anh đi học thêm Toán với thầy Xuân. Thầy vốn là hiệu trưởng trường tiểu học Tân Ðịnh, thuê lớp tại trường Huỳnh Thị Ngà dạy luyện thi đệ thất ban tối. Anh đỗ vào trường Hồ Ngọc Cẩn trong 50 hạng đầu nên được học bổng năm đó. Ðến phiên tôi cũng nối gót theo anh, cũng học luyện thi với thầy Xuân và thi đậu vào trường Gia Long.

Xem thêm:   Kinh đô thời trang Roma

Lên bậc trung học đệ nhất cấp, tức là cấp hai bây giờ, chúng tôi học vào buổi chiều, buổi sáng ở nhà học bài, làm bài, chơi đùa. Hai đứa hay thu xếp xong bài vở sớm để 11 giờ sáng vặn radio nghe chương trình cải lương, thả hồn theo những câu vọng cổ “mùi tận mạng” của Út Trà Ôn, Út Bạch Lan, Văn Hường v.v. Lúc này anh em đã đủ lớn nên thỉnh thoảng rủng rỉnh vài đồng lại kéo nhau ra rạp hát Kinh Thành mua vé matinée giá rẻ vào xem, một xuất chiếu hai phim. Thời ấy các phim Mỹ nhập vào Việt Nam đều lồng tiếng Pháp và phụ đề tiếng Việt. Những anh cao bồi bắn súng như John Wayne, Dean Martin, những đào thương, đào lẳng như Audrey Hepburn, Liz Taylor v.v. đều nói tiếng Pháp dẻo quẹo nên trong nhiều năm tôi cứ tưởng họ là người Pháp.

Lên cấp hai anh gia nhập hướng đạo. Tôi mải mê ngồi theo dõi anh trang trí cuốn sổ hướng đạo, vẽ hình ông tổ hướng đạo Baden Powell, ghi tên thiếu sinh Nguyễn Ðức Chương, đạo Ðông Thành, thiếu đoàn Chi Lăng, đội  Cáo. Tôi thuộc lòng bài Hướng đạo ca và nhiều bài hát nữa:

“Nâng cao lá cờ Hướng đạo nhuộm oai hùng sáng ngời…”

“Ðoàn sinh thi đua ra sức…”

“Sinh nơi núi thẳm nơi rừng sâu nước độc…” (bài hát về Davy Crockett)

Anh chị ngày mới cưới nhau ở VN

Ngoài nghề “hướng đạo ăn theo”, tôi còn hân hạnh lãnh nhiệm vụ thêu cho anh những chuyên hiệu, là những bằng cấp chứng nhận người hướng đạo sinh đã đạt được những đòi hỏi cho một kỹ năng nào đó: chuyên hiệu nấu ăn, cắm trại, xe đạp, bơi lội v.v. Các chuyên hiệu này in trên vải, hình vành khăn, mỗi cái một màu, ở giữa có hình tượng trưng cho kỹ năng, chẳng hạn cái nồi treo trên đống lửa là chuyên hiệu nấu ăn, bánh xe đạp là chuyên hiệu xe đạp v.v. Các chuyên hiệu sẽ được khâu vào tay áo để cho thấy thành tích của người hướng đạo sinh. Gặp ông anh điệu rớt điệu rơi như anh tôi thì nhất định không đeo chuyên hiệu in vải xấu xí dễ phai màu mà phải thỉnh cô em gái tỉ mỉ thêu từng cái bằng chỉ màu DMC mới chịu cơ. Thêu hình vành khăn thật khó dàng trời vì vòng tròn ngoài thì lớn mà vòng trong thì nhỏ, phải phân bổ mũi kim thật khéo, nhưng tôi cũng chịu khó chiều ông anh điệu.

Xem thêm:   “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh”

Lúc này anh đã lớn nên theo đám bạn trai đi ciné với họ mà không dẫn tôi theo. Tôi phản đối rầm rĩ, giận dỗi, giằng co, sau cùng méc má, nên má bắt anh phải cho tôi theo. Anh bực mình cùng các anh bạn đi trước, để tôi lủi thủi đi sau cả chục thước. Vào rạp tôi phải ngồi hàng ghế sau không được ngồi cùng hàng với các anh, cả một chiến dịch “phân biệt giai cấp” ra mặt nên những lần sau tôi nản không vòi đi theo nữa.

Năm tôi bãi trường lớp 8 má tôi giao cho anh cái job tập cho tôi đi xe đạp để nhập trường lớp 9 tự đi đến trường. Không hiểu sao tôi chậm lụt quá khiến anh mỗi chiều cứ phải đổ mồ hôi hì hục chạy theo tôi, cầm yên xe giữ thăng bằng. Ðã vậy tôi còn cự nự đổ thừa vì tập mãi mà vẫn không được, anh vừa buông tay ra là quẹo xe té xuống liền. Thế là có màn dằn dỗi khóc lóc: “Tại anh đó! Bắt đền! Hu hu!”… Hết ba tháng hè rồi tôi cũng đi được xe đạp, và ngày nhập trường hiên ngang phóng xe thẳng vào trường.

Cũng những năm tuổi teen này người bắt đầu “trổ mã”. Ôi thôi, người điệu rơi điệu rớt! Áo quần chăm sóc từng li từng tí, mỗi lần mẹ tôi mua vải may áo mới cho anh thì anh ngồi chực một bên cho đến khi áo may xong là mặc liền. Một anh bạn thân, thuộc “nhóm điệu đà” của anh, nhất định phải tạo ra màu vớ cho đúng ý mình nên ngâm đôi vớ mới trắng tinh vào nước trà để nó ngả màu beige điệu nghệ chứ không trắng ởn một cách nhà quê. Ðấy, mấy ông điệu là như thế đấy. Thời gian này anh bắt đầu tham gia với các bạn trong ban nhạc và tập đánh trống, về nhà ngồi vào bàn ăn cứ cầm hai chiếc đũa gõ mạnh vào mâm cơm xùng xoèng (những lúc không có ba má ngồi cùng bữa cơm).

Xem thêm:   Tạp ghi dòng vụn vỡ

Năm này cũng là năm anh thi Tú một nên ba mẹ tôi lo lắng lắm, lỡ thi trượt là phải ra chiến trận ngay khi tuổi còn xanh. May sao anh đỗ ngay không để gia đình thất vọng. Năm sau lúc anh thi Tú đôi cũng là năm Mậu Thân 1968, loạn lạc chết chóc khắp cả nước. Ở Sài Gòn nhiều vùng giao tranh ác liệt ngay trong thành phố, xác người nằm chết sấp chết ngửa ngoài đường. Trường học đóng cửa, chúng tôi ở nhà chán nản lo lắng mà không làm được gì. Khi tình hình yên ổn, trường học mở lại thì chỉ còn hai tháng ngắn ngủi là đến mùa thi. Anh lại đỗ ngay đợt một, nên con đường đại học mở rộng trước mắt.

Từ bé anh em chúng tôi luôn chia sẻ từng chút với nhau. Thỉnh thoảng các bà trong họ đến thăm bà tôi thì hay móc túi cho trẻ con mấy đồng ăn quà. Nếu một trong hai đứa vắng nhà thì đứa kia sẽ chia đôi số tiền của mình cho, không sợ mất phần. Ðến khi anh và tôi lớn lên vào đại học thì tôi tuy là em nhưng lại đi làm thêm kiếm được khá tiền và thường san sẻ cho anh. Mỗi lần tôi phát tài hai anh em lại chở nhau ra Ngã Bảy Sài Gòn ăn bánh bột chiên. Sau này anh kể cho các con nghe là ngày xưa Cô Thúy lâu lâu lại bỏ vào sách học của ba tờ hai chục, ba giở sách ra học là “bắt được vàng”, tha hồ ăn tiêu. Ðiều này thì tôi không nhớ, nhưng nếu anh còn nhớ và kể lại cho các cháu tôi nghe thì chắc là có vậy.

Năm 1972, anh vừa 21 tuổi và tôi 18, đến tuổi trưởng thành. Ba má tôi tặng cho mỗi đứa một bức tranh hình hai anh em mặc áo dài đẹp đẽ đốt pháo mừng xuân. Thằng anh giơ tay châm ngòi pháo còn con em núp sau anh bịt tai lại. Ba tôi thảo tâm thư, và má tôi chữ đẹp viết vào cho hai đứa:

Ðây hoài vọng của Ba-Má:

– Ước mong sau này, dù hay lúc vắng mặt của Ba, Má, lúc nào hai con cũng giữ kỹ hai bức tranh này, tượng trưng cho lòng trong trắng và tư lự, luôn thương yêu nâng đỡ lẫn nhau.

– Ðến khi Ba, Má không còn trên cõi đời này thì hai con cũng nên xem đây như thay lời “chúc ngôn” vậy!

(còn tiếp một kỳ)