Có lẽ sách đã đến từ hôm qua nhưng sáng nay làm việc ở nhà và ra lấy thư, tôi mới thấy cuốn sách của nhà báo Đinh Quang Anh Thái gởi tặng. Đó là tập bút ký “Vinh Quang cho Ukraine”, kể về chuyến sang Ba Lan và Ukraine của anh cùng Giám Đốc Đinh Xuân Thái thuộc đài Little Saigon TV bên California vào hồi nửa đầu tháng 10 năm nay.

Bìa sách cũng do một người bạn của tôi là họa sĩ Dạ Thảo thiết kế và trình bày, lấy màu cờ Ukraine nửa xanh vàng làm nền và cái tựa là lời chào biểu tượng lẫn niềm tin chiến thắng “Slava Ukraini” – vinh quang cho Ukraine, của người dân Ukraine trong cuộc chiến đã bước sang tháng thứ 11.

Nhưng có hơn một lý do để tôi đọc nó, không vì gặp dăm người bạn quen biết như vậy. Tôi muốn biết thêm điều gì đang thật sự xảy ra trên đất nước này. Vậy là tôi vừa đọc xong cuốn sách ngay trong hôm nay và nghĩ rằng mình nên chia sẻ điều gì đó về cuốn sách này.

Tập sách hơn 200 trang kể cả một số hình ảnh phụ lục, bao gồm 10 bài viết, trong đó 6 bài về Ukraine và 4 bài về Ba Lan cùng 3 bài phỏng vấn. Bài phỏng vấn phó Ðại sứ Ukraine tại Việt Nam là bà Nataliya Zhynkina, dù ngắn nhưng đáng chú ý vì cách trả lời sắc sảo và tinh tế, đầy tính ngoại giao nhưng thẳng thắn của bà.

Đinh Quang Anh Thái và Đinh Xuân Thái tại một ngôi làng bị ném bom

Trong cái se lạnh của mùa Thu chuẩn bị vào Ðông tại Ðông Âu và không khí chiến tranh đầy nguy hiểm, bất chấp cả lệnh kêu gọi công dân Mỹ phải lập tức rời khỏi Ukraine từ Ðại Sứ Quán Hoa Kỳ, Ðinh Quang Anh Thái vẫn đi và lần lượt ghi và kể lại hành trình khá mạo hiểm của anh cùng những cuộc gặp gỡ với những người gốc Việt hay Ukraine tại Kyiv và Warsaw, gặp gỡ một số thành viên của tờ báo mạng Ðàn Chim Việt tại Ba Lan.

Xem thêm:   Vai trò đồng minh của Nhật Bản

Không phải đọc anh lần đầu nhưng cách viết của Ðinh Quang Anh Thái trong cuốn sách này khá là lạ. Anh viết về không khí chiến tranh khốc liệt mà phảng phất chút thi vị khi xen vào đó đây dăm đoạn hay câu thơ của vài nhà thơ Việt Nam quen thuộc. Nên đi giữa chiến tranh mà chỉ nghe những hồi còi báo động liên tục, những bữa ăn gián đoạn, vội vàng cùng hầm trú ẩn chứ không thật sự đối diện tiếng súng nổ, bom rơi và chết chóc. Dù anh có ghi và chụp lại những tội ác của chiến tranh.

Mà tôi nghĩ cũng chẳng cần phải hơn vậy. Tự thân chiến tranh đã là bóng ma, là sự bạo tàn và lòng thù hận, cần gì phải tô vẽ chân dung nó thêm kịch tính và dữ dội hơn.

Nhà báo Đinh Xuân Thái trước những xe tăng Nga bị quân Ukraine bắn hạ

Có lẽ anh đã cảm nhận được sự bình thản, tự tại với niềm tin sắt đá về chiến thắng, về lẽ thường của cuộc đời khi điều thiện phải thắng cái ác, về sự hy vọng cho một ngày hòa bình tái lập của những người Việt lẫn Ukraine mà anh đã gặp và kể lại khi họ đương đầu với cuộc chiến này. Nên đọc lại đoạn thơ như Chiều trên phá Tam Giang của Tô Thùy Yên anh dẫn trong bút ký, lại cảm thấy man mác, thích hợp.

Xem thêm:   Chó...

Dăm người Việt tại Ukraine hay Ba Lan mà nhà báo Ðinh Quang Anh Thái gặp gỡ không đại diện hết cho những người Việt tại Ukraine nhưng ít nhiều cho thấy những người Việt trên đất nước này gắn bó với quê hương thứ hai của mình vô cùng. Chắc chắn là vậy và phải vậy. Không phải bạn hay tôi cũng yêu quý đất nước thứ hai của mình chẳng khác gì?

Những người Việt này lên án chiến tranh và tin vào một ngày chiến thắng của người dân Ukraine can đảm mà chính họ cũng là một phần. Hay đáng quý hơn là sự miệt mài giúp đỡ người tị nạn Ukraine từ những người Việt tại Ba Lan với những chuyến xe chở thực phẩm, vật dụng đến biên giới hay vào tận các làng của Ukraine.

Ngủ dưới tầng hầm trú ẩn

Gấp cuốn sách, tôi thử mường tượng về khuôn mặt ngây thơ của một cô bé tị nạn người Ukraine bỗng dưng đã hỏi nhà báo Ðinh Xuân Thái tại biên giới Ba Lan rằng “Ông có tin vào Thiên Chúa hay không?”. Ðó là câu chuyện xúc động. Nó tựa như câu chuyện một người Việt Nam mà nhà báo ÐQAT đã gặp tại Kyiv. Anh ta tin rằng nhờ tượng Phật mà cha anh đã mang từ chùa Từ Hiếu tại Huế sang nên đã giúp cho ngôi nhà của anh tránh khỏi bom đạn rơi quanh đó.

Tôi tin là đức tin và niềm tin như vậy sẽ giúp cho người dân Ukraine hay những cô cậu bé bên trên cùng hàng triệu người tị nạn Ukraine sẽ vượt qua nỗi mất mát, đau khổ cùng cái buốt lạnh của mùa Ðông năm nay hay trong những ngày lưu xứ sắp tới. Cho đến khi chiến tranh chấm dứt.

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

Mà bao giờ chiến tranh sẽ chấm dứt? Không ai có câu trả lời rõ ràng. Ngoại trừ lời cầu nguyện và lòng hy vọng.

Bà Nataliya Zhynkina Phó Đại sứ Ukraine tại Việt Nam

Ðầu tháng Một tới sẽ là lễ Giáng Sinh của những người Chính Thống Giáo Ukraine. Họ không đón lễ Giáng Sinh trong tháng 12 như giáo hội Công giáo La Mã mà vào ngày 7 tháng Một hàng năm theo lịch Julian. Họ sẽ cầu nguyện điều gì và những trẻ em Ukraine sẽ mong có được món quà Giáng Sinh gì? Tôi đoán là có gì hơn ngoài ước nguyện bom đạn sẽ thôi rơi, chiến tranh sẽ chấm dứt và họ được trở về mái nhà xưa khi bước vào năm mới.

Còn gì nữa, tôi chẳng chắc lắm. Nhưng tập bút ký của nhà báo Ðinh Quang Anh Thái thì tôi chắc sẽ góp thêm phần quà nhỏ nhoi của anh cùng những độc giả như bạn, như tôi đến người dân và trẻ em Ukraine. Khi chia sẻ thông tin về cuộc chiến bảo vệ tự do cùng nền độc lập của người dân Ukraine, theo như lời phó Ðại sứ Zhynkina kêu gọi. Và ý nghĩa hơn nữa là, số tiền thu được từ cuốn sách này mang mục đích giúp tu sửa cho ngôi trường học tại một làng nghèo của Ukraine mang tên “Ánh sáng” đã bị bom đạn quân Nga tàn phá.

Ðó là ánh sáng của niềm tin và hy vọng vào sự cảm thông và lòng bác ái của đồng loại và vào thế giới tự do sẽ không bỏ rơi dân tộc kiêu hùng này.

Slava Ukraini!

Nhà báo Đinh Xuân Thái và tác giả

ĐYT

Texas, những ngày cuối năm 2022

Khán giả muốn mua sách, xin gọi điện thoại cho LSTV:

714-979-9562 hoặc Tự Lực Bookstore 714-305-7133