Những dịp hội ngộ cuối hay đầu năm, ca khúc “Ly rượu mừng” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương quen thuộc lại được cất cao. “Ly rượu mừng” như một Xuân khúc kinh điển, bất biến với thời gian. Năm nay, Ly rượu mừng đã bước quá khỏi tuổi “thất thập” khi được nhạc sĩ Phạm Đình Chương sáng tác vào năm 1952. Ngày đầu năm mới, mời các bạn cùng “nhấc cao ly này, hãy chúc ngày mai sáng trời tự do, nước non thanh bình, muôn người hạnh phúc chan hoà” như một lời ước nguyện đầu năm cho dân tộc Việt.

“Ly rượu mừng” có quá nhiều những yếu tố để trở thành một Xuân khúc bất hủ. Tươi vui, sống động trong tiết tấu du dương, rộn ràng của điệu valse. Ca từ ý nghĩa, chứa chan tình dân tộc và đầy lòng hy vọng khi bước vào năm mới. Lại không phải viết riêng cho người lính hay cho tình yêu riêng tư như một vài Xuân khúc khác mà chan hòa, bao gồm hết thảy mọi nhà, mọi người. Nên không ngạc nhiên khi ca khúc này vẫn được hát lên trong mỗi dịp Xuân về.

Nhưng không vì vậy mà ca khúc này không chịu lắm nỗi thăng trầm. Như cuộc đời của người nhạc sĩ, người đã sáng tác ca khúc này lẫn nhiều ca khúc lưu truyền từ độ tuổi chỉ trên dưới đôi mươi. Không mấy ai thấy được những giọt nước mắt chảy ngược qua nụ cười ngoài môi. Hay những bóng tối sâu thẳm giữa những hào quang cuộc đời.

Sinh năm 1929 tại Hà Nội trong một đại gia đình có nhiều văn nghệ sĩ, nhạc sĩ Phạm Ðình Chương đã thừa hưởng tài hoa cùng truyền thống gia đình. Chú của ông là nhà báo Trúc Khê là một chủ bút và từng viết cho nhiều tờ báo nổi tiếng vào thập niên 30s như Tiểu thuyết thứ bảy, Phổ thông bán nguyệt san, Tao đàn… và dịch thuật, biên khảo hàng chục cuốn sách. Cô của ông là nữ kịch sĩ Song Kim, một trong những kịch sĩ đầu tiên của kịch nghệ Việt Nam và chồng bà, tức dượng của ông là nhà văn Thế Lữ trong nhóm Tự Lực Văn Ðoàn. Vợ ông là ca sĩ Khánh Ngọc cùng các anh chị em của ông cũng là những ca sĩ nổi tiếng về sau.

Xem thêm:   Ham & hố

Các tài liệu ghi rằng ông học xong trung học trường Bưởi tại Hà Nội rồi bắt đầu chính thức tham gia vào con đường âm nhạc, đi lưu diễn các vùng. Năm 1951, ông thành lập ban Hợp Ca Thăng Long, với các giọng ca bên cạnh vợ chồng ông dưới cái tên Hoài Bắc và các giọng anh chị em trong nhà như anh trai Hoài Trung, chị gái Thái Hằng – vợ của nhạc sĩ Phạm Duy cùng em gái của ông là danh ca Thái Thanh. Ban Hợp Ca Thăng Long di cư vào Nam, trở thành ban hợp ca nổi tiếng nhất Sài Gòn với các ca khúc tiền chiến, Phạm Duy và Phạm Ðình Chương tại phòng trà Ðêm Màu Hồng trước năm 1975.

Nhạc sĩ Phạm Đình Chương nguồn nhacxua.vn

Phạm Ðình Chương sáng tác nhạc rất sớm, mang phong cách tiền chiến và lãng mạn, chứa chan tình hoài hương. Những ca khúc đầu tay của ông ở tuổi ngoài đôi mươi tươi trẻ, rộn ràng và một trong những ca khúc viết trong thời kỳ này là Ly Rượu Mừng chào đón năm mới được gia đình ông xác nhận là sáng tác vào năm 1952, lúc ông 23 tuổi.

Như đã nói bên trên, Ly rượu mừng được mọi tầng giới yêu thích vì nó viết chung cho mọi người, cho chính họ.

“Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi

Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi

Người thương gia lợi tức

Người công nhân ấm no

Thoát ly đời gian lao nghèo khó…”

Đại gia đình Thăng Long: hàng trên: Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Hoài Trung, hàng dưới: Thái Hằng, Khánh Ngọc, Thái Thanh nguồn nhacxua.vn

Vượt hơn thế nữa, là lời cầu chúc, nguyện ước cho năm mới cho quê hương, cho dân tộc được tự do, thanh bình, giấc mơ lớn trong một giai đoạn chiến tranh và đất nước phân đôi.

Xem thêm:   Nguyễn Đức Đạt một cung đàn lạc quan

“Nhấc cao ly này

Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do

Nước non thanh bình

Muôn người hạnh phúc chan hoà

Ước mơ hạnh phúc nơi nơi

Hương thanh bình dâng phơi phới”

Nhạc sĩ Phạm Đình Chương nguồn nhacxua.vn

Nhưng cũng trong bài hát này, có những câu về người lính mà có lẽ chính ông cũng không ngờ đến là nó đã cũng bị “cầm tù” như nhiều quân nhân cán chính miền Nam sau năm 1975.

“Rót thêm tràn đầy chén quan san

Chúc người binh sĩ lên đàng

Chiến đấu công thành

Sáng cuộc đời lành

Mừng người vì nước quên thân mình…”

Người lính VNCH đi tù thì người lính trong bài hát cũng chung số phận. Chỉ với những câu trên mà bài hát đã bị “cầm tù” tại Việt Nam 40 năm sau năm 1975, dài hơn bất cứ người lính cầm súng nào. Người cộng sản không thể chấp nhận cho phổ biến một “ca khúc lính” của chế độ VNCH dù đây là một Xuân khúc đầy tình yêu thương đồng bào, dân tộc. Năm 2016,  từ một lý giải nào đó rằng “người lính” trong Ly Rượu Mừng là “người lính chống Pháp” vì được viết từ năm 1952, không phải người lính mà họ cầm tù, Ly Rượu Mừng mới được trả tự do và có lẽ lại vang lên trong những dịp Xuân về cho đến nay.

70 năm, chúng ta nhắc lại Ly Rượu Mừng mà không chọn những bài hát để đời khác của ông như Hội Trùng Dương, Mộng Dưới Hoa (thơ Ðinh Hùng), Dạ tâm khúc (thơ Thanh Tâm Tuyền), Ðôi mắt người Sơn Tây (thơ Quang Dũng)… Hay khác hơn là Nửa hồn thương đau (thơ Thanh Tâm Tuyền) nghẹn ngào, nức nở và đau đớn như cuộc hôn nhân đầu tiên có nhiều hệ lụy xót xa, bất hạnh của ông bởi chúng ta muốn nhớ đến ông như một nhạc sĩ tài hoa, yêu đời mang đến niềm hy vọng, lạc quan cho muôn nhà trong năm mới qua “Ly Rượu Mừng”.

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Một năm cũ đã qua, bất kể những gì bất toàn trong năm hãy để lại trong quá khứ hay gió cuốn đi và cùng “rót thêm tràn đầy chén quan san” mà chúc nhau những điều chan hòa và tốt lành nhất cho mỗi người, mọi nhà và dân tộc như nguyện ước mà người nhạc sĩ tài hoa Phạm Ðình Chương đã để lại.

ĐYT