Nhà văn Lương Thư Trung là người dân của  Nam Kỳ Lục Tỉnh, người thường nhận mình là một “người nhà quê già” với một bút hiệu khác là Hai Trầu. Ông là tác giả của những khảo cứu, tra tầm và ghi chép lại hồi ức của mình về một thời của làng quê ruộng đồng miền Nam. Những cuốn sách đầy ắp lịch sử và văn hóa làng quê Việt Nam trước năm 1975 như Bến Bờ Còn Lại, Lá Thư Từ Kinh Xáng, Nhớ Về Những Bến Sông, Mùa Màng Ngày Cũ, Một Chút Tình Quê, Nhớ Về Những Ngày Tháng Cũ … của ông là những tác phẩm giá trị, góp thêm vào bức tranh toàn cảnh của một thời làng quê thanh bình tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Ông cũng phát hành một số tác phẩm ghi lại vài cảm nhận về một số tác phẩm và tác giả quen thuộc với độc giả. Nhân tập sách “Người đọc và Người viết  4”, tập sách thứ 12 của ông vừa phát hành, chúng tôi xin chia sẻ vài cảm nhận của mình về tác giả Hai Trầu-Lương Thư Trung.

Nhà văn Lương Thư Trung và sách ‘Người đọc và Người viết tập 4″   

Tháo bì thư, cuốn sách mới còn bọc nguyên bao ny-lông, tôi hơi ngạc nhiên. Dà, thường thì tác giả gởi sách cũng tháo ra ký tặng, đàng này cứ như gởi từ nhà in.

Lật trang đầu thì không phải như mình nghĩ. Nhà văn Lương Thư Trung gởi tặng cuốn sách anh mới in, viết và ký tặng trước khi hàn lại bao ny-lông như vậy. Chắc anh sợ trời mưa, ướt sách. Người cẩn trọng, chu đáo thì thôi.

Xem thêm:   2 câu chuyện tuần qua

Đó là nhà văn Lương Thư Trung mà tôi đã biết từ hơn 20 năm qua, người mà chúng tôi vẫn thường gọi thân mật là bác Hai Trầu, một bút hiệu khác của anh khi viết hay sưu khảo về đồng quê Việt Nam. Anh cẩn trọng với chữ nghĩa, với đồng quê, quê hương. Tra khảo từng chữ, từng câu hay điển tích xa xưa.

Hàng Ngồi từ trái: Nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp, nhà thơ Nguyễn Đình Toàn. Hàng đứng: Đinh Yên Thảo, nhà văn Phan Xuân Sinh, nhà văn Lương Thư Trung và nhà văn Phan Vỉa Hè

Tính thêm cuốn sách này và một hai cuốn đang chuẩn bị, anh đã viết cả chục cuốn sách. Vậy mà lúc nào anh cũng khiêm cung, chỉ là người nhà quê, chẳng phải nhà văn chi.

Đọc lại thì anh từng thi đậu công chức chánh ngạch, làm thầy, đọc Victor Hugo, Alphonse Daudet nguyên tác, đi đó đây khắp Nam kỳ lục tỉnh, ra tận miền Trung, ghi danh học vài chứng chỉ Luật  trước 75. Dà! Thập niên 60s, 70s của miền Nam mà vậy là “oách” lắm, có mấy người như anh. Vậy mà cứ một, hai “tui là người nhà quê, chỉ làm ruộng”.

Mà tôi cũng thấy anh “nhà quê” thiệt. Cái nhà quê của sự chơn chất, chơn tình, nghĩa tình. Điều mà không phải ở thành thị hay đọc nhiều, biết nhiều đã có được. Bởi vậy, ngoài cái tình văn nghệ, nhà văn Lương Thư Trung là một trong những người cầm bút mà tôi đặc biệt quý mến trong thân tình riêng. Tôi cũng có viết lời bạt cho một trong những cuốn sách của anh, đã lâu không còn nhớ cuốn nào. Nghĩ những người đã trên dưới 80 như anh mà còn nhớ, viết lại bao nhiêu câu chuyện về miền Nam một thời, quả thật đáng ngưỡng mộ và trân trọng.

Một vài tác phẩm của nhà văn Lương Thư Trung

Dà! Tôi biết nhưng chưa bao giờ dùng chữ “dà” này. Hôm nay làm việc tại nhà, giở đọc từng trang sách của anh, cách viết miền Tây mở đầu chữ “dà” của anh nghe nó mộc mạc, gần gũi gì đâu nên bắt chước theo vậy.

Xem thêm:   Báo thủ

Nó làm tôi nhớ có lần về quê với thằng bạn thân. Nó bị bò cạp chích một phát, nhưng tôi nhớ là nó la “á” hay “dá” gì đó chứ đâu phải “dà”. Thỉnh thoảng có dịp gặp nhau, nhắc lại chuyện bò cạp cắn, hai thằng lại cười to.

Cái tựa sách của nhà văn Lương Thư Trung lại làm tôi lan man “nhớ về những ngày tháng cũ” (*) như vậy.

Nhà văn Lương Thư Trung ký tặng sách cho độc giả

ĐYT

(*) Tựa tập sách Nhớ Về Những Ngày Tháng Cũ của tác giả Hai Trầu-Lương Thư Trung.