Bà ngoại tôi lúc sanh thời thấy người phụ nữ nào ở xóm ăn mặc đẹp, mặt tô son phấn, tay xách bóp đầm, chân đi giày cao gót thì ngoại nói: “Giống y mấy cô đào Hứng Cỏn.” Đào kép là từ chỉ người nữ người nam làm nghề diễn viên, vụ này thì tôi biết. Mỗi lần có ghe hát tới hát đình ở xóm tôi, ta nói ôi thôi đàn bà, con nít, thanh niên, gái trẻ trong xóm lại rần rần chạy tới đứng trên bờ nhìn xuống ghe hát để coi mặt đào, kép ở ngoài đời ra làm sao mà trên sân khấu nhìn họ đẹp quá trời quá đất luôn. “Hứng Cỏn là gì?”- Tôi hỏi. Mẹ tôi chỉ lên ti vi đang chiếu phim chưởng của tài tử Khương Đại Vệ, có cảnh mấy cô ăn mặc cổ trang thướt tha đẹp đẽ và giải thích: “Đó là nữ tài tử Hồng Kông, tức Hứng Cỏn, nói theo tiếng Tiều.” Từ lúc đó tôi biết người Hồng Kông họ giàu sang, họ có nền công nghiệp điện ảnh vượt trội hơn Việt Nam rồi.

Photo: sam-balye / unsplash

Năm tôi học lớp Hai, vừa biết đọc chữ thì tôi bắt đầu “luyện” đến mê mẩn truyện Tàu (truyện dã sử lịch sử Trung Hoa cổ đại). Mỗi lần đọc tôi lại tưởng tượng ra các nhân vật trong truyện đi lại, trò chuyện, ăn uống giống như nhân vật trên phim Hồng Kông. Người Trung Hoa cổ đại trọng “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín”, những đức tính làm cho con người trở thành quân tử, anh hùng mã thượng “Kiến sự bất bình bạt đao tương trợ.” Chất Nho giáo thấm vô tôi từ dạo ấy. Người Hồng Kông, người Ðài Loan đều có nguồn gốc từ Trung Hoa đại lục. “Nhân chi sơ tính bản thiện”, xã hội tốt thì tạo ra những con người văn minh, ưu việt vậy.

Ở miền Nam Việt Nam, quý vị đi bất cứ nơi nào cũng thấy có miếu thờ Quan Thánh Ðế Quân của người Việt gốc Hoa, còn gọi là Chùa Ông. Quan Thánh Ðế Quân là tước hiệu người đời sau tôn vinh ông Quan Vũ, tên tự Vân Trường – chiến tướng thời Ðông Hán. Cả nhà tôi ai cũng mê đọc truyện Tam Quốc Chí, thỉnh thoảng bắt chước hàng xóm cũng vô Chùa Ông đốt nhang, rút thẻ xin xăm. Nhìn đền miếu đồ sộ long chầu hổ phục, tượng tạc uy nghi, tôi tưởng Quan Vũ là đệ nhất chiến tướng thời Tam Quốc. Sau này, tôi đọc đi đọc lại Tam Quốc Chí nhiều lần mới hiểu ra dù Quan Vũ đứng đầu Ngũ Hổ tướng của nhà Thục, nhưng đệ nhất chiến tướng thời đó không phải Quan Vũ, mà là “Ðơn thương độc mã” bất bại văn võ song toàn Triệu Tử Long. Tuy nhiên, người Trung Hoa xưa lại không thờ Triệu Tử Long, mà thờ Quan Vũ chính là thờ chữ Nghĩa, chữ Nhân, chữ Dũng, chữ Tín của Quan Vũ. Vì vậy, police Hồng Kông, Ðài Loan, kể cả dân xã hội đen “ngoài vòng pháp luật” xứ Cảng lẫn xứ Ðài đều lập bàn thờ “Quan Nhị ca” trong Tổng hành dinh và nhà riêng. Trước khi xuất binh, mọi người đốt một nén nhang trên bàn thờ, lúc trở về cũng đốt một nén nhang cắm vô lư hương cám ơn “Quan Nhị ca” đã phù hộ bình an. Ðiều này khác biệt với police Trung cộng đại lục chỉ thờ Mao mà thôi, còn Nhân, Nghĩa chẳng là cái quái gì.

Tôi thấy dân Việt nhiều người rất lạ. Ghét Tàu cộng (điều này đúng) rồi chửi tất cả những gì có liên quan tới Trung Hoa mà họ nhìn thấy, từ hình ảnh, con người đến chữ viết, không cần biết hình đó là hình gì, chữ đó nghĩa gì, nhân vật đó là ai. Thậm chí có Youtuber ngồi ra rả hàng tiếng đồng hồ phỉ nhổ vô văn hóa Nho giáo cổ truyền của người Việt mà họ quên rằng nhờ dòng văn hóa ấy mà sản sinh ra các bậc danh nhân hào kiệt như Trần Bình Trọng, Trần Quốc Tuấn (Hưng Ðạo Vương), Nguyễn Trãi, Lê Tư Thành (Lê Thánh Tôn), Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm v.v.

Tháng Tám vừa rồi, tôi có làm một video Youtube về đề tài “Phân biệt văn hóa Trung Hoa và văn hóa Trung cộng.” Thôi thì cứ cho là Tạ Phong Tần thuộc loại hủ nho thâm căn cố đế đi, nhưng tôi tự hào nhờ cái hủ nho “Kiến sự bất bình bạt đao tương trợ”, “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín”, “Sĩ khả sát bất khả nhục”… mà hôm nay có một Tạ Phong Tần ngồi ở Mỹ-đế này kể chuyện xưa-nay dông dài, đủ thứ trên trời dưới đất cho quý vị nghe. Bằng không thì Tạ Phong Tần cũng giống như phần lớn những kẻ “thấm nhuần tư tưởng Mác-Lê”, “vật chất quyết định ý thức”, “vật chất có trước, ý thức có sau”, chạy theo lối sống hưởng thụ và cũng cố sức bưng bô nhà cầm quyền Việt cộng độc tài để thủ lợi cá nhân rồi.

Món ăn của người Hồng Kông, Ðài Loan cũng từ gốc Trung Hoa mà ra. Tôi coi phim Hồng Kông, thấy người Trung Hoa ăn đậu hủ thối mà phát thèm. Có những cảnh phim người dân xếp hàng loi nhoi, kêu la um sùm để mua cho được một chén đậu hủ thối, sợ mua không kịp thì hết hàng. Ðậu hủ thối có mùi thối của bắp cải hoặc phân bón thối rữa. Nghe nói món ăn này có từ đời vua Khang Hy nhà Thanh. Một nho sinh nghèo tên Vương Trí Hòa, thi rớt nhưng không có lộ phí trở về nhà, đành ở lại kinh thành làm nghề bán đậu hủ kiếm sống chờ khoa thi sau. Có lần bán ế nhiều hàng, nho sinh xắt nhỏ đậu hủ ra cho vô hũ sành ướp muối để dành ăn. Không ngờ vài hôm sau đậu hủ lên men có mùi thối kinh dị nhưng lại ăn rất ngon, đến vua Khang Hy cũng thích nên hạ lệnh đưa món này vô thực đơn cung đình.

Tương, chao, tàu hủ… nói chung là các thực phẩm được chế biến ra từ đậu nành theo kiểu người Việt gốc Hoa xứ tôi thì tôi đã có ăn rồi. Tôi cũng biết đậu hủ thối cũng từ đậu hủ thông thường lên men mà ra, nhưng tôi chưa có hạnh phúc ăn thử món đặc sản Trung Hoa này lần nào hết. Bây giờ, quý vị đi du lịch đến Hồng Kông, Ðài Loan, nhất định phải thưởng thức cho được đặc sản nổi tiếng đậu hủ thối chiên giòn của họ, không thì phí cả chuyến đi.

Tất nhiên, món ăn này ở Trung cộng đại lục vẫn có, nhưng khách phải là người “điếc không sợ súng” mới dám ăn thực phẩm Tàu cộng bất kể có hóa chất độc hại hay không. Các chợ Việt ở Mỹ đều có bán trứng vịt bắc thảo, giá trứng bắc thảo Made in Taiwan mắc gấp đôi trứng bắc thảo Made in China mà khách mua vẫn chọn Taiwan vì không muốn bị ngộ độc. Theo nhiều nguồn tin trên mạng internet, quy trình để sản xuất trứng vịt bắc thảo từ trứng vịt tươi ngâm tẩm theo cách cổ truyền cho tới lúc ăn được mất 40 ngày. China dùng hóa chất tẩm vô để thúc đẩy quá trình lên men, rút ngắn thời gian ra thành phẩm còn 10 ngày để hạ giá thành. Mà họ dùng hóa chất gì, có độc không chẳng ai biết được, tốt nhất không ăn cho nó lành.

Cho nên chúng ta nhìn người Hồng Kông, người Ðài Loan hay người ở Trung cộng đại lục về hình dạng bên ngoài đều giống nhau, đều máu đỏ da vàng mũi tẹt, khác nhau ở bản sắc văn hóa trong nhận thức của họ mà thôi. Người Hồng Kông, Ðài Loan yêu tự do, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ quyền làm người, biết nghĩ cho người khác (trọng chữ Nghĩa, chữ Tín), hoàn toàn ngược với kiểu “Sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi” cộng sản nhồi sọ người dân sống trong chế độ Tàu cộng, Việt cộng.

Người xưa có câu “Quất sinh Hoài Nam tắc vi quất, sinh vu Hoài Bắc tắc vi chỉ”, nghĩa là cây quít khi trồng ở Hoài Nam nó là cây quít (trái ngọt và thơm), nhưng đem trồng ở Hoài Bắc thì nó thành cây chỉ (trái chua không thơm). Tố chất người dân Hồng Kông, món ăn truyền thống của người Hồng Kông hiện nay cũng giống như “quất sinh Hoài Nam” vậy.

TPT

(Little Sài Gòn, Ca)