Năm nay, thời tiết Nam Cali lạ lùng hơn năm ngoái, mùa Hè thiếu nắng, không đủ để cho cây ổi, cây mận trước nhà sai oằn trái. Chưa tới mùa Đông nhưng hơn 4 giờ chiều đã tối thui và lạnh như mùa Đông. Trong cái lạnh và tối của đêm, dù không phải là cuối tuần, tôi dò dẫm lết tới nhà thờ xếp hàng xưng tội cho đúng luật Giáo Hội.

Từ đây cho đến Christmas Day, tất cả các nhà thờ Công giáo buổi tối sẽ luôn đông đúc nườm nượp người đến xưng tội. Ðừng nghĩ là có phạm tội mới phải xưng tội, mà không phạm tội vẫn phải xưng tội ít nhất một lần một năm vào trước ngày Christmas, gọi là dọn mình thanh sạch đón Chúa Con ra đời.

Giải tội cho tôi hôm nay là một Cha già. Sau khi nghe tôi nói: “Thưa Cha, mỗi năm con đến xưng tội một lần đúng quy định luật Giáo Hội chớ xét theo 10 Ðiều Răn và 7 Ðiều Cấm thì không có tội, nhưng lỗi thì có.” Cha già hỏi: “Lỗi gì? Chị nói cho tôi nghe được không?” Trả lời: “Con thường hay lơ đãng khi dự Thánh lễ và thường xuyên lên mạng chửi Việt cộng.” Cha già mỉm cười, chắc Cha nghĩ chưa thấy ai xưng tội quái dị như tôi? Cha già đọc một kinh, làm phép ban phước lành cho tôi và dặn tôi về nhà đọc một Kinh Lạy Cha. Tôi cám ơn rồi ba chân bốn cẳng dông về viết bài này cho kịp yêu cầu của tòa soạn. Kinh Lạy Cha thì ngày nào mà tôi không đọc ít nhất một lần và cầu nguyện xin ơn Chúa trước khi ăn. Cha già dễ tánh không càm ràm gì khi nghe tôi nói tôi thường xuyên chửi Việt cộng. Tôi đã nghĩ rồi, Cha già mà kêu tôi phải cầu nguyện cho Việt cộng sửa đổi thành người tốt thì tôi sẽ nói “Ngày nào con cũng cầu nguyện cho chúng, nhưng là cầu cho chúng mau xuống hỏa ngục.”

Ðọc tới đây, chắc nhiều người sẽ nghĩ tôi là tín hữu Công giáo mà đùa cợt với bí tích xưng tội, là loại “con chiên lựu đạn”. Nhưng tôi lại nghĩ khác, Chúa Trời không khắt khe mà có khi lại thích khôi hài? Bằng chứng là tôi đã luôn như vậy từ ngày trở lại đạo đến nay hơn mười năm rồi, tôi thấy tôi luôn nhận được ơn dẫn dắt của Chúa.

Năm 2008, Văn phòng Luật sư nơi tôi làm việc (Sài Gòn) ký hợp đồng bào chữa cho tám giáo dân ở Giáo xứ Thái Hà (Hà Nội). Tôi ôm tập hồ sơ vụ án dày khoảng 600 tờ A4 chữ chi chít hai mặt, phải đọc và viết bài bào chữa cho tám giáo dân bị truy tố hình sự. Ðọc hết tất cả hồ sơ, lôi Pháp lệnh Tôn giáo- Tín ngưỡng ra đọc đi đọc lại (lúc này Pháp lệnh chưa sửa thành Luật). Giáo dân thì nói “Chúng tôi chỉ cầu nguyện, không vi phạm.” Cáo trạng buộc tội thì nói giáo dân “hành lễ trái phép” và viện dẫn Pháp lệnh quy định “hành lễ phải xin phép”. Tôi đọc nát cái Pháp lệnh đó cũng không thấy chỗ nào giải thích “hành lễ” là gì, càng ngạc nhiên hơn khi khái niệm “cầu nguyện” lại không có trong Pháp lệnh? Nút thắt của vụ án là chỗ này đây. Nếu tôi chứng minh được các bị cáo chỉ “cầu nguyện” mà không “hành lễ” thì bản Cáo trạng của Viện Kiểm sát Hà Nội phá sản. Tôi không quen biết ai là tín hữu Công giáo, hỏi ai đây? Chẳng lẽ phải bay ra Hà Nội? Thời gian mở phiên tòa đã sắp tới rồi mà bài luận cứ bào chữa chưa viết được. Sáng Chúa Nhật, tôi lấy xe máy đi lang thang, định tìm một nhà thờ nào đó vô hỏi cho ra lẽ, mà tôi lại không biết nhà thờ ở địa chỉ nào. Ðầu óc suy nghĩ miên man, cứ chạy xe theo quán tính, thấy người ta dừng thì tôi dừng, thấy người ta chạy thì tôi chạy. Tôi không có smartphone để tìm đường như bây giờ. Ðược một lúc, tôi phát hiện tôi đang trên đường Kỳ Ðồng và trước mặt tôi là nhà thờ Kỳ Ðồng-một nơi mà tôi chỉ đọc thấy trên internet chớ chưa tới lần nào. Tôi chạy ngay vô nhà thờ Kỳ Ðồng xin gặp linh mục. Thầy tiếp tân sau khi nghe tôi trình bày xong thì dẫn tôi lên phòng Mục Vụ ở tầng hai. Tình cờ, linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong (ở Thái Hà) mới vô Sài Gòn, Cha Phong liền giải thích cặn kẽ sự khác nhau “Một trời một vực” hai khái niệm (Cái này dân gian gọi là “Buồn ngủ gặp chiếu manh” nà). Tôi mừng quá, về mở computer ra gõ một mạch tới chiều tối thì hoàn thành bài luận cứ bào chữa gần 10 trang giấy A4.

Tôi bị giam trong tù cộng sản hơn bốn năm, mọi sự đều phó thác cho ơn trên, coi sự sống chết của bản thân tôi nhẹ như lông hồng mà tôi vượt qua một cách nhẹ nhàng (Tôi đã viết chi tiết trong Hồi ký “Ðứng Thẳng Làm Người”).

Sau khi tôi đến Mỹ, trong một lần ăn trưa với nghĩa huynh Tưởng Năng Tiến, ổng hỏi tôi đã viết chủ đề ẩm thực cho Tuần báo Trẻ bao nhiêu bài rồi? Tôi trả lời “Bốn bài một tháng, nhơn cho 12 tháng, cộng lại cũng khoảng trên dưới trăm bài.” Ổng ngồi suy tư rồi phán: “Cũng nhiều há. Món ăn Việt Nam đơn giản quá, tao hổng biết sắp tới mày viết thêm được bao nhiêu bài nữa? Hết món ăn rồi thì viết cái gì?”

Hai năm sau, cũng trong một lần ăn trưa, tôi nói với ổng: “Anh nói đúng, ẩm thực gốc Việt Nam mình đơn giản thiệt, nhiều lúc em bí quá không biết viết cái gì. Mà lạ lắm nghen, cứ mỗi lần đi lễ cuối tuần, vô ngồi gật gù lơ tơ mơ một lúc thì nghĩ ra một đề tài gì đó rồi viết được liền.” Ổng nói “Vậy mày nên đi lễ một tuần vài lần.” Tôi ngạc nhiên hỏi “Chi vậy?” Ổng cười nói “Thì mỗi lần đi lễ về viết được một bài, một tuần đi vài lần viết được thêm vài bài nữa. Nói chơi thôi, chớ người như anh em mình, viết nhiều quá biết bán cho ai?” Cho tới hôm nay là hơn bốn năm rồi, tôi vẫn cứ mỗi tuần viết một bài cho Tuần báo Trẻ, đó chẳng phải là “ơn khôn ngoan” Thiên Chúa cho hay sao?

Cũng là chuyện khi tôi mới tới nước Mỹ này, tôi học lái xe với một ông là cậu của bạn tôi (tôi cũng bắt chước kêu là cậu Long). Mỗi lần xe chạy từ ngoài nắng vô dưới gầm đường freeway thì tôi không nhìn thấy gì hết, từ trong đó chạy ra ngoài nắng cũng vậy. Nhưng tôi không sợ vì có ông thầy ngồi kế bên, ổng cũng không biết ra là tôi không thấy đường. Tôi cứ nghĩ là do ánh nắng buổi trưa chói quá nên bị vậy thôi. Thi lấy bằng lái xe xong, tôi đi học ESL ở một Trung tâm của người Việt vào buổi chiều, tan lớp cũng là lúc bên ngoài tối thui. Một mình tôi lái xe từ Little Sài Gòn về chỗ ở vào ban đêm (khoảng 8 miles), tôi giật mình nhận ra tôi không phân biệt được cái nào là đèn đỏ giao thông và cái nào là đèn đỏ ở đuôi xe trước, màu đỏ mờ mờ chập chờn chói lòa. Thì ra mắt tôi có vấn đề về cảm nhận ánh sáng, nên cố gắng lái thận trọng. Tôi cứ lái xe như thằng mù đi đêm hơn sáu tháng trời mà ban đêm không có ai đụng xe tôi, tôi cũng không đụng xe ai, quả là ơn Thiên Chúa che chở cho tôi toàn mạng suốt thời gian đó. Bây giờ thì mắt tôi đã nhìn rõ trở lại, đi đêm không còn dò dẫm nữa.

Ðức Jesus nói với ông Phao-lô: “Ơn Ta đủ cho con, vì sức mạnh của Ta được biểu lộ trong sự yếu đuối của con.” (2Cr 12,9- Công Vụ Tông Ðồ). Trải qua nhiều biến cố trong đời, tôi mới thấu hiểu mấy chữ đơn sơ “Ơn Ta đủ cho con.” Mùa Giáng sinh năm nay, chúng ta cùng nhau dọn mình thanh sạch để đón Chúa Hài Ðồng, cùng tạ ơn Thiên Chúa đã ban “Ơn Ta đủ cho con.

TPT

(Little Sài Gòn, CA)