Nhiều kỳ – kỳ 2

Dàn quân xong, chờ cho anh Trung úy Pháo Binh Mỹ đã đeo đôi mắt kính sẵn sàng, tôi mới nhờ anh ta gửi đơn xin không yểm.

Vào lúc hai chiếc máy bay Phantom F4 C bắt đầu oanh kích mục tiêu, tôi dẫn một trung đội, dò dẫm tiến lên.

Chưa tới bìa rừng, chúng tôi lại bị đủ loại súng cộng đồng chận lại.

Tuyến phòng thủ của Cộng quân có lẽ còn kéo dài xa về hướng Tây, dọc theo triền đồi.

Lúc này đã là bốn giờ chiều, tôi quyết định ngừng quân, không tiến thêm.

Ðại úy tiểu đoàn trưởng cho tôi hay, ông đã điều động thêm Ðại Ðội 3/11 tăng cường cho tôi.

Xưa nay đi hành quân nếu tiểu đoàn chia hai cánh thì tôi đương nhiên là người chỉ huy Cánh A gồm hai Ðại Ðội 1 và 3.

Tôi chạm trận thì Ðại Ðội 3/11 sẽ là đơn vị ưu tiên tiếp cứu.

Sau chiến dịch Chư Pa, Ðại Ðội 3/11 đã thiệt mất ông Trung úy đại đội trưởng và ông Thiếu úy đại đội phó tử trận.

Ðại đội này vừa có ông tân đại đội trưởng là một đại úy mới thuyên chuyển từ nơi khác về.

Ông đại úy này là người Bắc, tôi không nhớ họ ông ta, còn tên ông ta thì chỉ nghe qua một lần ai cũng không thể quên: “Ái Tình Nhớ”.

Ðại úy Ái mà hát “Tình Nhớ”của Trịnh Công Sơn thì hay hết chỗ chê! Có lẽ các ca sĩ chuyên nghiệp trình bày nhạc phẩm này đều thua xa “Ái Tình Nhớ” của Biệt Ðộng Quân chúng tôi.

Ngày Mùng Ba Tết tôi đã nghe ông Ái hát ở Câu Lạc Bộ Tiểu Ðoàn 11 Biệt Ðộng Quân trong bữa tiệc đầu năm của đơn vị. Bữa tiệc này có mặt gần hai chục cô em gái hậu phương, nữ sinh Trung Học Pleime.

Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 11 Biệt Động Quân năm 1968 Từ trái: Thiếu úy Lũy, Trung Úy Lạn,Trung Sĩ Attaya, Trung Úy Long, Đại Úy Hester, Đại Úy Đàm, Trung Úy Đa, Thiếu Úy Quý

Trong tiếng nhạc xập xình, dưới ánh đèn mờ ảo, với cái nón nâu giắt vai, vị thế chân sau chân trước, nửa tiến, nửa lùi, cánh tay trái buông xuôi, cánh tay phải giơ về phía trước như cố níu kéo một bóng hồng vừa bay đi mất, tiếng hát của Ái cất lên, nghẹn ngào:

“Tình ngỡ đã quên đi. Như lòng cố lạnh lùng …” (Nhạc TCS)

Hiện thời ông Ái là đại đội trưởng Ðại Ðội 3, ông ta đeo lon đại úy thì chắc chắn từ nay Liên Ðội Trưởng Liên Ðội A phải là ông Ái.

Một giờ sau, Ðại Ðội 3/11 theo con đường xe be từ ngoài Tỉnh lộ 509 từ từ tiến vào.

Người chỉ huy Ðại Ðội 3/11 là Thiếu úy Thung, tôi không nhớ họ của ông Thung. Thiếu úy Thung là sĩ quan độc nhất của Ðại Ðội 3/11 sống sót sau trận Chư Pa.

Tôi hỏi Thung,

– “Tình Nhớ” đâu Thung?

–  Trình Thái Sơn, Hoàng Mai giữ ông ấy lại bộ chỉ huy tiểu đoàn làm Ban 3 thay Trung úy Bé đi phép.

(Hoàng Mai = Ðại úy Hồ Khắc Ðàm Tiểu Ðoàn Trưởng)

Nghe Thiếu úy Thung nói, tôi biết ngay thâm ý của ông tiểu đoàn trưởng là tôi sẽ giữ vai trò chỉ huy Cánh A trong trận này.

Khi Ðại Ðội 3/11 bắt tay được hậu quân của tôi, tôi yêu cầu anh Thung tiến thật chậm vào vùng bên phải trảng trống để thăm dò địch. Tôi sẽ giữ an ninh bên trái cho đơn vị bạn.

Chỉ vài phút sau đó, súng cộng đồng lại nổ.

Trong máy truyền tin, xen lẫn tiếng đạn bay “Chiu chíu! Ðoàng! Ðoàng! …” là tiếng kêu thất thanh của Thiếu úy Thung:

“Chết hết rồi! Thái Sơn ơi!…”

Thấy phòng tuyến địch đầy vũ khí cộng đồng, tôi không dám mạo hiểm xua quân lên cứu bạn. Tôi ra lệnh cho Ðại Ðội 3/11 rút lui cấp kỳ, sau khi để lại trận địa bốn năm người chết.

Sau đó, lợi dụng lúc trời nhá nhem, Thiếu úy Thung dẫn quân núp theo bìa rừng hướng Bắc của con đường rút về phòng thủ chung tuyến với tôi.

Kịp khi người lính cuối cùng của Ðại Ðội 3/11 nhập vào phòng tuyến của Ðại Ðội 1/11 thì súng địch “Ðùng! Ðùng!” từ bìa rừng bắt đầu bắn như mưa.

Tiếp đó là tiếng “Xung phong!”

Thì ra địch tưởng Ðại Ðội 3/11 còn nằm trên mặt đường, chúng tác xạ ào ào rồi ôm súng tràn qua trảng trống, xung phong chiếm con đường!

Tới khi thấy mặt đường không có ai, địch bèn quay đầu chạy ngược trở lại.

Tôi cho hai khẩu đại liên bắn chéo nhau, cản đường quân địch đang hối hả rút.

Ðâu ngờ súng của ta vừa bắn chưa được nửa dâyđạn, thì nghe “Ðùng! Ðùng! Toác! Toác!”

Ðịch đáp trả đòn rất nhanh. Lần này là phòng không 12.7 ly.

Ðạn địch như mưa bão, tới tấp trút trên khu rừng quân bạn đang bố phòng.

Xưa nay đi hành quân tùng thiết, chúng tôi chỉ nghe quen tiếng 12.7 ly và Ðại liên 30 trên xe tank của ta tưới đạn trên đầu địch. Nghe tiếng súng 12.7 ly của quân mình bắn đi mà không thấy cảm giác gì lạ, cứ như nghe M 16 thôi!

Nay bị hai khẩu phòng không của Việt-Cộng bắn với khoảng cách rất gần, quét tới tấp trên đầu mình, tôi mới thấy ớn da gà.

Những tiếng “Toác! Toác!’ nổ chát chúa chói tai. Cây, cành đua nhau đổ gãy, liên tiếp đè lên đầu, lên lưng. Chỉ cần ngửng đầu cao cách mặt đất cỡ hai gang tay là vỡ óc ngay!

Biết mình không phải là địch thủ của lực lượng địch trước mặt, tôi đành phải tìm đường lui.

Trời đã tối, nếu đem quân ra Tỉnh lộ 509 thì thế nào cũng chạm mìn bẫy hay các toán phục kích của Dân Vệ Xã Plei Blang 3, mà nằm tại chỗ càng nguy hiểm hơn.

Nhân lúc địch ngưng bắn, tôi cho tất cả anh em mau mau theo nhau trườn về hướng Bắc con đường.

Tới triền dốc, chúng tôi chui vào rừng, lập một vòng tròn, đào hầm hố phòng thủ.

Tôi gọi Pháo binh Hoa-Kỳ liên tục bắn phủ trùm một diện tích rộng gần hai cây số vuông trên khu rừng thưa lá thấp kéo dài về Tây Bắc.

Ðúng 9 giờ tối, tuyến phòng thủ ngoài cùng, sát mặt lộ của Trung đội 3 phát giác địch từng toán nhỏ đi tuần tra mặt đường.

Rồi, bất ngờ, vài tên địch đâm sầm vào tuyến phòng thủ của ta, súng nổ.

Ta có hố chiến đấu để ẩn nấp, địch thì đi ngời ngời, địch trở thành những cái bia.

Hình như toán tuần tra của địch đã bị quân ta tiêu diệt hết, tiếng súng im…

Tiếng súng đã im, nhưng vị trí bố quân của ta lại bị lộ!

Không lâu sau, quân ta phải ngồi thu mình dưới hố để tránh đạn 12.7 ly.

Ðại liên địch dứt vài phút thì Việt-Cộng lại xông lên,

“Xung phong! Xung phong!”

Ta và địch lại bắn nhau, hai bên đánh nhau được chừng mười phút thì Hạ sĩ Trần Ðợi bị thương vào tay, Thiếu úy Ðinh Quang Biện trung đội trưởng Trung đội 3 xin tôi cho người thay.

Tôi chưa biết sẽ chỉ định ai đảm đương vai trò xạ thủ đại liên, thì Ngô Sanh nắm áo tôi,

– Thái Sơn cho em thay thằng Ðợi!

Tôi đồng ý,

– Ừ! Nhớ cẩn thận!

Tôi chưa dứt lời thì Ngô Sanh đã phóng đi rồi.

Ngay lập tức, khẩu M60 nổ giòn hơn, nhanh hơn.

Tôi vừa nhận ra, Ngô Sanh quả là một xạ thủ đại liên vô cùng xuất sắc! Vậy mà bao lâu nay tôi không biết!

Khẩu M60 của Ngô Sanh thật là lợi hại. Ðịch hết còn hô “Xung phong!” được nữa!

Mặt trận tạm yên, chúng tôi ngồi trong hố cá nhân, phập phồng chờ đợi…

Chừng nửa đêm, tôi nghe liên tiếp hai tiếng “Oành! Oành!” của B 40 pha lẫn nhiều tràng AK 47.

Sau đó, trên máy truyền tin, Thiếu úy Biện hốt hoảng gọi,

– Thái Sơn ơi! Nguy rồi! Thằng Ngô Sanh bị thương rồi!

Tôi vội kéo tay Binh 1 Nguyễn Thiên, hiệu thính viên PRC 25 cùng chạy ra tuyến ngoài, miệng tôi la,

– Thằng Bổng đem Thu Bình 2 sang tăng cường cho Thiếu úy Biện! Mau lên!

Khẩu M 60 của Ngô Sanh đã gãy làm đôi. Ngô Sanh nằm sõng soài trên miệng hố, bên cạnh đó, người tải đạn cho Ngô Sanh là Binh nhì Trần Vở cũng đang ôm cánh tay, miệng rên hừ hừ vì đau.

Ðợi cho khẩu M 60 (Thu Bình 2) của Hạ sĩ Bổng vào vị trí, tôi và chú Thiên hè nhau đỡ Ngô Sanh lên rồi chạy về ban chỉ huy dưới bờ suối.

Ngô Sanh yếu lắm rồi. Ngô Sanh bị cả chục viên AK xuyên vào ngực.

Dưới ánh đèn pin, tôi thấy môi Ngô Sanh mấp máy.

Ghé sát tai vào miệng Ngô Sanh, tôi nghe tiếng Ngô Sanh thì thào,

– Trung úy ơi! Em đi!

Vừa nghe xong lời vĩnh biệt của thằng em, tôi lại vội vàng nhào xuống hố vì đạn 12.7 ly bắt đầu giòn giã đốn gãy cây cành.

Ðạn địch ào ào như mưa đá vãi trên lá. Ðầu đạn khi ghim vào thân cây thì phát nổ lần thứ hai, những thân gỗ rừng to như bắp đùi người ta mà trúng một viên 12.7 ly thì lập tức bị đốn gục xuống liền.

Trước cảnh này, muốn ngăn địch, tôi phải gọi pháo binh đánh tiếp cận vì ta và địch cách nhau chừng hơn hai trăm mét thôi.

Sau hai hỏa tập tưới gần một trăm trái đạn nổ trên mục tiêu thì anh Trung úy Mỹ cho tôi hay, Pháo binh Hoa Kỳ đòi tôi phải thám sát trận địa, báo cáo kết quả đánh phá cho họ, sau đó họ mới thỏa mãn những nhu cầu kế đó.

Tôi nhờ anh cố vấn Mỹ giải thích với đơn vị yểm trợ rằng địch quá mạnh, tôi không thể tiến lên được. Tôi yêu cầu họ phải yểm trợ thêm nữa, rồi tôi sẽ cho quân tiến lên.

Thế là pháo yểm lại tiếp tục. Sau khi bắn vài tràng nữa thì pháo binh Mỹ ngừng luôn. Tôi cố nài nỉ, nhưng họ không chịu cho thêm.

Tôi nghĩ lại thì thấy, mình tiêu thụ hàng trăm viên đại bác mà không thông báo cho họ biết kết quả thì họ ngưng yểm trợ là phải rồi.

Tôi đành gọi về bộ chỉ huy tiểu đoàn, xin Pháo Binh Việt-Nam.

Lập tức, tôi có ngay hai mươi tràng 155 ly trên tọa độ yêu cầu. Nhưng sau đó Tiểu Ðoàn 37 Pháo Binh cũng ngưng bắn.

Lý do họ ngưng bắn là vì chúng tôi không ở trong tình trạng đang giao tranh, chúng tôi cũng không kiểm soát được mục tiêu, nếu họ bắn tiếp, hóa ra chỉ bắn vu vơ phí đạn!

Không còn pháo yểm, tôi quay qua xin Hỏa Long.

Máy bay lên vùng nhưng thấy khoảng cách giữa tôi và địch quá gần, địch lại nằm giữa tôi và hàng rào của xã Plei Bang 3 nên phi cơ AC 47 không dám tác xạ, lý do là không an toàn cho đơn vị bạn và cho dân chúng cư ngụ trong làng Plei Bang 3.

Chiếc Hỏa Long chỉ bay vòng vòng trên trời, thả vài trái hỏa châu, rồi bay đi yểm trợ cho mặt trận khác đang nóng bỏng hơn.

Sáng nay xuất quân, chúng tôi nhận lệnh đi, về trong ngày, do đó tôi chỉ cho anh em đem theo một ngày cơm vắt với hai cấp số đạn. Chúng tôi không đem theo đồ ngủ.

Sau một ngày giao chiến, đạn dược đã hao hụt, nếu phải đánh nhau tiếp, chúng tôi sẽ bị thiếu đạn.

Mới chạm địch, bắn nhau vài ba lần mà tôi đã bị thiệt mất hai người chết và sáu bị thương. Ðại Ðội 3/11 cũng đã có năm người chết và gần chục người bị thương.

Biết chắc chắn rằng nếu chấp nhận ra mặt đánh nhau tiếp thì thế nào mình cũng thua, nên tôi quyết định tránh đụng độ và tìm đường lánh xa vùng nguy hiểm.

Tôi phải để lại cái xác của Ngô Sanh nằm trên mặt cỏ, dự trù hôm sau tình hình thay đổi, sẽ lo tiếp.

Tôi sang vị trí đóng quân của Thiếu úy Thung, cho lệnh anh em cấp tốc rời vị trí.

Chúng tôi theo đuôi nhau đi thẳng về hướng Bắc.

Qua cái triền dốc, hai đại đội tụt xuống một con suối khá ớn.

Ðến bờ suối, tôi cho Ðại Ðội 3/11 vượt sang bờ bên kia, làm đầu cầu, quân tôi theo sau.

Qua hết cái thung lũng hẹp và dốc của suối Ia Thong chúng tôi leo lên một ngọn đồi trọc.

Từ đây tôi có thể nhìn thấy ánh đèn rực lên từ Phi Trường Cù-Hanh và từ phố xá Pleiku.

Tôi cho quân dừng lại, quây thành một vòng tròn.

Tôi báo cáo tổng kết tình hình cho đại úy tiểu đoàn trưởng. Ông tiểu đoàn trưởng cho tôi toàn quyền quyết định đánh hay lui tùy theo tình hình.

Khoảng 2 giờ sáng tôi đang ngồi dựa lưng một gốc cây thiu thiu ngủ thì giật mình bởi một loạt tiếng nổ xé màng tai, “Chang! Chang! Chang!…”

Thì ra đó là tiếng hỏa tiễn 122 ly vừa khởi động. Vị trí địch đặt giàn phóng nằm ngay bên kia suối, hướng chính Bắc của ngọn đồi mà tôi đang đóng quân.

Không lâu sau đó là sáu tiếng nổ vọng lại. Tôi không rõ hỏa tiễn rơi trên phi trường Cù Hanh hay trên Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn.

Trên máy truyền tin của anh tiền sát viên có tiếng nói léo nhéo. Tiếp đó, anh Trung úy Mỹ mở ba lô lấy cái đèn phát tín hiệu chớp chớp lóa lóa lên trời đánh dấu vị trí quân bạn.

Rồi có tiếng trực thăng võ trang “Bạch! Bạch! Bạch!” tiến lại gần.

Mấy phút sau thì, “Oành! Oành! Oành! Ồ! Ồ! Ồ!…” Hai chiếc trực thăng võ trang Cobras lượn vòng vòng, chiếu đèn pha sáng rực, rồi chúc xuống, ngóc lên, ào ào tưới đạn đại liên và rocket lên ngọn đồi bên kia.

Tôi nghĩ máy bay Mỹ bắn phá chỉ phí đạn thôi! Lâu nay địch thường dùng những giàn phóng tự động, đúng giờ thì hỏa tiễn bay đi, còn những tên Việt-Cộng gài hỏa tiễn đã chạy mất dạng từ lâu rồi.

Chừng 4 giờ sáng, súng địch lại nổ ran. Lần này Việt-Cộng sử dụng tất cả mọi loại vũ khí bắn thẳng, có cả tiếng không giựt 75 ly! Khu rừng mà tôi mới rời bỏ đêm qua là mục tiêu.

Cũng có nhiều tràng 12.7 ly bắn cao, đạn bay sát ngọn cây bông gòn đơn độc mọc giữa đỉnh đồi mà chúng tôi đang phòng thủ.

Tôi nghĩ, có lẽ Việt-Cộng sắp khai triển một cuộc tấn công rạng đông trên vị trí đóng quân cũ của tôi?

Nhưng không phải vậy! Cỡ nửa giờ sau thì địch không bắn nữa.Tôi chờ mãi vẫn không nghe thấy tiếng hô “Xung phong!” của địch.

Từ lúc đó tôi ngồi hút thuốc chờ đêm qua.

Trời mờ mờ hừng đông, tôi xin Pháo Binh Hoa-Kỳ và Pháo Binh Việt-Nam đánh T.O.T trên mục tiêu để mở đường. (TOT = Time on Target = Bắn từ nhiều vị trí súng cho đạn nổ cùng lúc trên một mục tiêu định trước)

Cùng lúc, tôi cũng xin phòng hờ bốn chiếc Cobras sẵn sàng cất cánh từ Căn cứ Oasis và từ Phi Trường Holloway.

Sương mù tan, quân của tôi vượt suối, dàn hàng ngang, thận trọng tiến lên.

Ðại đội 3/11 nằm lại bên bờ Nam của Ia Thong để làm thành phần trừ bị, sẵn sàng tiếp cứu chúng tôi khi cần.

Vào tới bìa rừng, tôi sợ toát mồ hôi. Ðịch đã rút đi rồi nhưng dấu vết còn để lại.

Cả một vùng rộng lớn nằm dưới rừng cây um tùm là một vị trí đóng quân của một đại đơn vị, cỡ hai tiểu đoàn.

Có ít nhất bốn vị trí phòng không 12.7 ly và hai vị trí DKZ 75 ly!

Mặt đất phủ đầy vỏ đạn đại liên 12.7 ly và 75 ly.

Thì ra trước lúc rút, địch đã giải tỏa gánh nặng đạn súng cộng đồng bằng cách bắn tự do gần nửa giờ đồng hồ!

Vậy mà tôi cứ tưởng, địch bắn để dọn đường cho một cuộc tấn công!

Rõ ràng là địch rất đông, nhưng chúng không cố ý giao tranh.

Chúng chỉ phản ứng khi chúng tôi bén mảng vào khu rừng mà chúng trú ẩn.

Nếu trưa hôm qua địch cố tình chạm mặt, thì đại đội tôi khó tránh một tổn thất nặng nề.

Bao quanh vòng đai phòng thủ là một hệ thống dẫn nước, chứng tỏ rằng đơn vị Cộng-Sản này đã đóng quân ở đây ít nhứt là một tuần lễ.

Giữa khu rừng có một mái tranh nhà bếp với bốn cái lò và bốn cái chảo gang thật lớn. Ðịch rút lui gấp gáp quá nên đã bỏ lại tất cả dụng cụ nhà bếp.

Sát nách nhà bếp là bốn năm ụ đất mới cao nghệu, đó là mồ chôn tập thể các cán binh Cộng-Sản vừa tử trận.

Trên mặt đất loang lổ vết đạn đại bác và hố bom, đầy máu và bông băng cứu thương. Có nhiều mảnh da thịt, cùng nhiều đoạn xương tay, chân người chết văng vãi trên nền đất và trên bờ, bụi.

(còn tiếp)