Lời giới thiệu: Hồi ký “Ngày Ta Bỏ Núi” đã được viết cách đây 16 năm. Nhưng khi phổ biến, nó đã bị cắt xén và che giấu nhiều điều. Tác giả Thiếu tá Vương Mộng Long đã bỏ công nhuận sắc lại toàn bộ bài viết này. “Ngày Ta Bỏ Núi” với đầy đủ chi tiết từng ngày, từng sự kiện diễn ra trong suốt cuộc lui binh, kể cả những bí mật mà trước đây bị che đậy và giấu nhẹm.

Đôi bờ Đa Dung năm 2021. Nguồn: PGĐ 2021

Nhiều kỳ – Kỳ 5

Tôi lái xe ngược chiều về xưởng cưa thăm vị trí của ông Hoàn.

Bỗng tai tôi nghe có tiếng động cơ từ hướng Kiến-Ðức vọng về.

Sợ xe tank của địch sẽ tiến tới tấn công, tôi quyết định cho cánh quân của Ðại úy Tiểu đoàn phó rút qua mặt Bộ chỉ huy tiểu đoàn rồi ngủ đêm bên bờ con sông hướng Bắc trục lộ, cách tôi độ nửa cây số, hướng Gia-Nghĩa.

Tôi xuống xe đi bộ cùng với ông Hoàn.

Khi đi ngang xóm nhà của Khu Dinh Ðiền Nhơn-Cơ, nơi Tiểu Ðoàn 81 Biệt Ðộng Quân và địch đã giao chiến suốt đêm 18 và sáng 19 tháng Ba, chúng tôi nghe mấy người lính đi bên trái báo có một thương binh bạn nằm bên lề đường.

Một Biệt Ðộng Quân mang phù hiệu Tiểu Ðoàn 81 Biệt Ðộng Quân nằm trên bờ cỏ sát suối. Ruột gan anh đổ trên mặt cát. Ðầu mặt, tay chân anh máu đã khô. Kiến lửa và ruồi nhặng lúc nhúc bu trên người anh.

Người chiến sĩ Tiểu Ðoàn 81 Biệt Ðộng Quân chỉ còn thoi thóp nhẹ.

Tôi lần tay vào cò khẩu súng Colt 45. Tôi nghĩ tới viên đạn giải thoát cho bạn mình.

Tay tôi run run. Tôi không đủ can đảm làm việc này!

Tôi chợt nghĩ, anh chiến sĩ đã hôn mê; chắc anh ta không còn biết đau đớn là gì nữa cả. Chắc anh không cần đến viên đạn giải thoát của tôi.

Tôi và Ðại úy Hoàn lấy một cái poncho phủ lên người anh. Hai chúng tôi đứng nghiêm chào vĩnh biệt người bạn trẻ cùng binh chủng.

Cách chỗ anh Biệt Ðộng Quân nằm chừng năm chục mét trên dốc là hai cái xác Việt-Cộng đã sình. Hai cái xác trương to như hai con bò, áo quần căng cứng.

Nắng hầm hập. Một vùng ngập chìm trong tử khí.

Trưa 25 tháng Ba năm 1975, đứng trên đồi cao, tôi nhìn thấy khói đen bốc lên hướng thị xã Gia-Nghĩa. Trung tá Liên đoàn trưởng báo cho tôi biết tin Tiểu Khu Quảng- Ðức đang bắt đầu rút về Blao.

Trung tá Thanh còn cho tôi hay, người chỉ huy cuộc hành quân triệt thoái khỏi Quảng-Ðức không phải là Ðại tá Phạm Văn Nghìn, Tỉnh trưởng Quảng-Ðức, mà là ông Trung tá Phạm Ðức Dư, Tham mưu trưởng Tiểu khu.

Trung tá Dư xuất thân là một sĩ quan tài chánh, từng làm Tham mưu trưởng Tiểu Khu Lâm Ðồng từ khi còn là đại úy cho đến khi chuyển qua làm Tham mưu trưởng Tiểu khu Quảng Ðức mới được gần một tháng. Ông Trung tá Phạm Ðức Dư chưa từng có dịp ra trận, chưa cầm súng bắn một viên đạn thật lần nào, nên đành phải giao cho Thiếu tá Trần Văn Bường, Tham mưu phó hành quân Tiểu khu Quảng-Ðức đảm đương nhiệm vụ điều quân.

Vì thế, Trung tá Hoàng Kim Thanh ra lệnh cho Bộ chỉ huy Liên Ðoàn 24 và hai Tiểu Ðoàn 63 & 81 Biệt Ðộng Quân án binh tại chỗ, chờ tôi về rồi mới tính sau.

Tôi lên xe chạy về Gia-Nghĩa. Trên đường, tôi phải ngừng xe nhiều lần để dẹp những khúc gỗ súc lớn mà các bạn Ðịa Phương Quân và Nghĩa Quân Quảng-Ðức đã trải đầy mặt lộ. Ðó là những chướng ngại vật chống tank cấp thời của các đơn vị bạn còn để lại.

Nơi đầu tỉnh, gặp mặt Trung tá Thanh, tôi cùng ông duyệt lại tình hình Quảng-Ðức.

Xem thêm:   Thương Hoa Tiếc Ngọc

Chúng tôi thấy những ngày trước đó, quân ta chưa có gì sứt mẻ. Tinh thần còn vững vàng. Tiếp liệu còn đầy kho. Chỉ có Kiến-Ðức, Nhơn-Cơ là nóng bỏng. Hai Tiểu Ðoàn 81& 82 Biệt Ðộng Quân và Ðịa Phương Quân của quận Nhơn-Cơ còn đứng vững, chưa cần tới tiếp viện.

Tôi không hiểu vì sao ông tỉnh trưởng bắt chúng tôi lui binh từ từ, bỏ hết điểm này tới điểm nọ.

Bây giờ ông ta lại bỏ cả tỉnh lỵ khi địch chưa tỏ ý định đánh chiếm nó.

Kho tàng đã bị đốt hết. Chúng tôi có tử thủ cũng chỉ vài ngày là hết đạn, hết cơm. Chúng tôi không rút cũng không được.

Tôi vội kêu Trung úy Ðăng giao Ðại Ðội 2/82 lại cho Chuẩn úy Gấm rồi dùng chiếc xe GMC của tiểu đoàn chạy về liên đoàn gặp tôi.

Tôi giao cho Trung úy Ðăng hai trăm ngàn tiền ăn và dặn dò anh dùng xe GMC đi theo đoàn xe của Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Quảng-Ðức. Tới Blao, anh chuẩn bị lương thực tiếp tế sẵn cho đơn vị.

Ra khỏi liên đoàn, tôi ghé chợ Gia-Nghĩa. Chợ quán thưa vắng.

Tôi vào khu bán chạp phô. Tôi mua hai ký tép khô. Giá ba trăm đồng một ký. Tôi đưa cho chị bán hàng tờ giấy một nghìn, không nhận tiền thối lại. Tôi hỏi những người bán hàng,

– Sao bà con còn nấn ná ở đây? Người ta đi hết rồi! 

Chị bán tép sụt sịt,

Biết đi đâu bây giờ Thiếu tá ơi! Con thì nhỏ, đường thì xa. Em sợ tên bay đạn lạc. Thôi ở lại đây có chết cũng đành!

Tôi buồn bã nói với bà con đôi lời từ giã.

Lúc đó có tiếng ồn ào nơi khu phố đối diện, cạnh Phòng Ngủ Gia-Nghĩa, nơi có hai tiệm vàng. Cửa hàng bên phải có tiếng khóc than. Cửa hàng bên trái có bóng đi ra, đi vô của một bộ quần áo rằn ri.

Tôi hỏi chị bán tép chuyện gì huyên náo, chị nói,

– Cướp, có hai anh lính Biệt Ðộng Quân ăn cướp! Họ ném lựu đạn vào tiệm bên phải, cướp vàng. Họ đang khảo tra chủ tiệm bên trái.

Tôi ra xe phất tay cho Trung sĩ Nguyễn Chi và Hạ sĩ Mom Sol sẵn sàng. Hai người này và anh tài xế đã rõ câu chuyện ăn cướp. Họ thủ thế chờ lệnh.

Tôi đứng trước đầu xe hét to:

“Ê! Hai anh kia đi ra không tôi bắn!”

Một tên tóc tai dài lượt thượt ló đầu ra cửa. Hắn giơ tay lên nhứ nhứ quả M 26.

Tôi ra lệnh:

Bắn!”

Hai viên M16 trúng đầu thằng ăn cướp.

Nó nằm giãy tê tê trước bục cửa ra vào của tiệm kim hoàn. Quả lựu đạn chưa mở chốt văng trước thềm. Thằng thứ nhì cũng mặc quân phục Biệt Ðộng Quân từ trong nhà chạy ra, trên tay cũng có hai trái M 26.

Tôi hét lớn,

Ném hai quả lựu đạn ra vườn!

Tên cướp ném hai trái M26 ra sân cỏ sau nhà. Chỉ một trái đã bị rút chốt an toàn.

Một tiếng “Ùm!” làm bay tấm tôle trên mái.

Tôi ra lệnh tiếp,

Nằm úp mặt xuống đất, hai tay dang ra!

Hắn riu ríu làm theo lệnh. Tôi lại la lớn,

– Còn ai trong nhà nữa không? Ra hết đi!

Một cặp vợ chồng già run lập cập nắm áo nhau chạy ra sân chợ.

Ba thầy trò tôi tiến lên chỗ tên cướp đang run như cầy sấy.

– Mày ở đơn vị nào?

– Dạ em là Lao Công Ðào Binh của Sư Ðoàn 23 Bộ Binh chạy lạc về đây!

Tôi hỏi vặn,

– Quần áo Biệt Ðộng Quân tụi mày lấy ở đâu ra?

– Dạ nhiều lắm! Trong tiệm giặt ủi đàng kia!

Tôi co chân đá vào mặt thằng ăn cướp một cái. Miệng nó phun máu. Tôi ra hiệu cho chú Chi lục túi nó và túi thằng đã chết, gom tang vật lại rồi gọi nạn nhân ra trao cho họ.

Xem thêm:   Ngày Cuối Tháng Tư

Gia chủ căn nhà bên phải chạy ra nhận lại số vàng. Họ vừa khóc vừa cám ơn.

Tôi đá liên tiếp vào mặt thằng ăn cướp mấy cái nữa, nó ôm mặt lăn lộn trên mặt đường khóc lóc xin tha mạng.

Tôi quát,

– Cút đi!

Nó lồm cồm bò dậy, chạy một mạch xuống triền đồi khuất dạng.

Tôi phân trần với dân phố đang bu quanh,

– Tụi này là lính giả. Chúng nó là quân phạm chứ không phải Biệt Ðộng Quân. Biệt Ðộng Quân không có những hạng người đốn mạt như tụi này!

Nói xong câu đó, tôi nghĩ tới ngày mai, chúng tôi không còn hiện diện ở nơi đây nữa. Ai sẽ thanh minh cho chúng tôi những sự mạo nhận như thế?

Tôi buồn bã lên xe hướng về Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Quảng- Ðức.

Tòa Hành Chánh bị đốt hư hại nhẹ. Khói từ các cửa sổ ăn loang lổ tường vôi.

Khu Trung-Tâm Yểm-Trợ Tiếp-Vận chỉ có kho xăng đã cháy, vài căn nhà chứa lương thực và đạn dược bị đốt lam nham. Những chỗ khác vẫn còn nguyên vẹn.

Trên mặt đất, quân trang, quân dụng, lương thực vương vãi khắp nơi.

Tôi quay xe xuống đồi. Tôi hẹn với Trung tá Liên đoàn trưởng, sáng mai tôi sẽ rút quân thẳng về bờ sông Kinh-Ðà chờ bộ chỉ huy và hai tiểu đoàn. Ðiểm vượt sông tôi sẽ định sau.

Sáng ngày 26 tháng Ba năm 1975, tôi ra lệnh phá hủy hai khẩu 105 ly ngay trên sân miếu thổ thần sau khi bắn hết gần một ngàn viên đạn về hướng Kiến-Ðức.

Khẩu 106 ly được ném xuống dòng sông bên đường, đạn của khẩu súng này cũng đã được gởi (bắn) hết qua bờ Nam đập nước.

Mười giờ sáng, đại đội đi đầu ra tới bờ sông. Trước khi tới bờ sông, tôi gặp một trạm gác của Nghĩa Quân Khiêm-Ðức.

Tôi thấy một Nghĩa Quân ngồi trên chòi gác giặc. Anh lính đang chăm chú quan sát khu rừng rậm dưới dốc.

Tôi hỏi anh Nghĩa Quân,

– Sao em còn ngồi đây? Người ta đi hết rồi!

Anh lính ngơ ngác,

Ủa! Chứ người ta đi đâu Thiếu tá?

– Người ta rút về Blao hết rồi! Em đi đi!

Anh Nghĩa Quân nhìn tôi bán tín bán nghi. Ðến lúc thấy quân lính theo tôi đông ngời ngời, anh phát hoảng, co giò chạy về hướng thị xã.

Ðể tránh sự quan sát của địch, tôi cho tiểu đoàn đi song song với bờ sông Ða-Dung xuôi về hướng Tây. Càng tránh xa những con lộ chính hay đường xe be, càng đỡ lo chuyện rủi ro trên bờ đối diện.

Tới một khúc quanh, dòng chảy đổi thành Bắc Nam.

Cuối nguồn một ngọn thác thì mặt sông Da Dung phình ra, vận tốc nước trôi không còn nhanh lắm. Tôi quyết định vượt sông

Tôi chọn hai anh lính gốc dân chài cùng tôi bơi qua sông làm đầu cầu.

Ba khẩu M16, ba băng đạn, ba cuộn dây nylon, ba thầy trò tôi bu theo ba cái phao poncho độn bằng cành lá.

Chỉ có tôi và một anh lính tới bờ bình yên. Người lính bơi trên thượng nguồn bên trái tôi chìm nghỉm giữa dòng, sau một tiếng “Ối!” thất thanh. Ða-Dung nổi tiếng là sông nhiều cá sấu!

Qua tới bờ Ðông, tôi thủ thế khẩu M16 gác giặc để anh Biệt Ðộng Quân bạn yên tâm cột dây cho các toán viễn thám của tiểu đoàn theo chân nhau qua sông. Sau đó các đại đội được lệnh chặt tre làm mảng.

Ai biết bơi thì chỉ cần ôm một khúc tre lồ ô là có thể nương theo dòng chảy, tới bờ đối diện không khó khăn lắm.

Lúc này cả một khúc sông ồn ào như cái chợ. Nếu có con cá sấu nào bơi gần đó chắc cũng thất kinh hồn vía lo tìm đường tẩu thoát.

Xem thêm:   Allen PAC

Tiểu đoàn tôi hoàn tất cuộc vượt sông với một thời gian rất ngắn. Khi Bộ chỉ huy Liên đoàn bắt đầu xuống mảng thì Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân cũng bắt đầu di chuyển. Tôi cho đơn vị đi ngược về Ðông Bắc, hướng tới một ngọn đồi xanh khá cao.

Cách bãi vượt sông chưa tới hai trăm mét là một bãi sình rộng. Cả chục con cá sấu lớn nhỏ đang nằm phơi mình dưới nắng. Thấy đoàn người đi tới gần, chúng hoảng sợ lao mình xuống nước, lội ngược dòng về thượng nguồn.

Ngọn đồi xanh mà chúng tôi đang chiếm lĩnh là một rừng tre. Tôi cho quân vượt cái yên ngựa, bố trí trên đỉnh Ðông Bắc của yên ngựa, nhường cái đuôi yên ngựa cho những đơn vị lên sau.

Dưới bờ sông có tiếng lựu đạn nổ. Truyền tin báo cho tôi hay, Trung tá Hoàng Kim Thanh, Liên đoàn trưởng, Trung úy Nguyễn Công Minh, Sĩ quan Truyền tin Liên đoàn và ba người khác bị thương.

Ơ hờ khi sưởi ấm đã gây ra tai nạn lựu đạn nổ. Lựu đạn nổ vì sợi dây thun cột mỏ vịt lựu đạn bị cháy trong lúc kíp an toàn đã bị tháo mất rồi. Trung tá Liên đoàn trưởng bị mảnh lựu đạn văng trúng ngực và trán.

Sau khi băng bó, Trung tá Thanh và những người bị thương được cáng lên chỗ tôi đóng quân.

Sáng ngày 27 tháng Ba năm 1975, trực thăng từ Ðà-Lạt tới bốc những quân nhân bị thương. Cùng đi trên chuyến tải thương này còn có Thiếu tá Hoàng Ðình Mẫn Tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 81 Biệt Ðộng Quân. Ông Mẫn bị sốt rét cấp tính.

Như vậy là chỉ trong vòng hai mươi bốn giờ sau khi rời Quảng-Ðức, hai vị sĩ quan chỉ huy của liên đoàn đã ra khỏi vùng.

Sau khi Trung tá Hoàng Kim Thanh được tải thương thì ông Trung tá Liên đoàn phó trở thành sĩ quan Xử Lý Thường Vụ chức vụ Liên đoàn trưởng Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân.

Tôi ở tiền quân, cách xa bộ chỉ huy liên đoàn gần nửa cây số nên không biết ông liên đoàn phó đang đi với tiểu đoàn nào.

Tôi thấy mới ra quân mà đã bỏ phí hai ngày đường, nên sau khi tải thương xong, tôi cho lệnh đơn vị gấp rút đổ dốc tiến về hướng Ðông Nam.

Chiều đó đang đi trên một lối mòn, chúng tôi nghe tiếng gà nhà gáy trong rừng. Vậy là có mật khu Việt-Cộng gần đâu đây?

Tôi báo cáo tình hình cho liên đoàn, đề nghị những cánh quân theo sau tôi dừng lại để tôi tập kích cái mật khu trước mặt.

Cái khu sản xuất của Thượng Cộng nhỏ tí, với hai chú du kích Thượng đang ngồi ngậm ống vố, không đáng cho một cú xung phong của một đại đội Biệt Ðộng Quân.

Hai tên du kích chưa kịp đứng dậy cầm súng đã bị bắn vỡ óc, nằm thẳng cẳng bên lò lửa than nghi ngút khói dưới chân một cái nhà sàn.

Tối đó chúng tôi dừng quân ngay trong mật khu địch. Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân bố trí một vòng cung hướng về Ðông, các tiểu đoàn bạn hạ trại bao quanh bộ chỉ huy liên đoàn, chịu trách nhiệm phòng thủ hướng Tây.

Cả liên đoàn không còn cái xẻng cá nhân nào, chúng tôi ngủ lộ thiên trên poncho. Tôi có cảm tưởng như mình là một Hướng Ðạo Sinh thời còn đi học, đang tham gia một đêm cắm trại mùa Hè.

Khoảng bảy giờ đêm, tôi nghe tiếng người cười đùa huyên náo trong rừng, khu Ðại Ðội 3/82. Tôi và Binh nhì Phan Thọ lần bước về chỗ tiếng cười nói ồn ào.

(còn tiếp)