Lòi Giới Thiệu:

“Một lần qua sông Đáy” là bức tranh sống động, mô tả thật chi tiết và rõ ràng một quãng đời đầy khổ ải, buồn đau, và tủi nhục sau ngày Miền Nam sụp đổ của những cựu chiến binh Việt-Nam Cộng-Hòa bị lưu đày nơi đất Bắc.

Diễn tiến sự việc theo từng thời gian và không gian đã được những người trong cuộc tường trình lại một cách thật chính xác. Vì thế, đây có thể coi như một tài liệu lịch sử đáng tin cậy để lưu truyền lại cho lớp hậu sinh. 

Thời gian trôi, tình hình coi như tạm yên.

Một mất, mười ngờ, sau vụ cái radio thì trong trại đã xảy ra nhiều vụ đánh ăng ten, đánh cò mồi. Ăng ten thứ thiệt bị đánh đã đành, ăng ten tình nghi cũng bị ăn đòn.

Ở Buồng 9 cải tạo viên Phú Dù, bị cải tạo viên Hùng Biệt Cách đánh sưng mỏ.

Trong Buồng 16 người đáng nghi nhất là cải tạo viên Lê Văn Tịnh.

Tôi không biết Lê Văn Tịnh mang cấp bậc gì và ở đơn vị nào.

Lê Văn Tịnh là nhân viên của phòng văn hóa.

Ai cũng nhìn anh ta với con mắt khinh khi và thù ghét.

Chỉ có một va chạm nhẹ khi lên thang, xuống thang trong phòng ngủ, Nguyễn Văn Ninh đã giáng cho Lê Văn Tịnh một trận đòn đau.

Bị hành hung, Lê Văn Tịnh chỉ ôm mặt sụt sịt chứ không chạy lên văn phòng để mách cán bộ trực trại.

Mỗi tối, anh em trong nhà đều tập trung nồi niêu giữa đường đi, sáng hôm sau thì của ai nấy cất.

Tới khi Lê Văn Tịnh cầm nồi cá kho của mình lên thì,

– Ui cha ơi! Anh nào ác quá vậy? Tội nghiệp tui!

Trong cầu tiêu có một thùng vôi bột để rắc trên cứt cho đỡ thối, vậy mà ai đó đã lấy vôi bột đổ đầy nồi cá kho của Lê Văn Tịnh.

Rồi cũng vào buổi sáng một ngày khác, vừa thức dậy, anh cựu Ðại úy Trần Văn Viên nằm cạnh Lê Văn Tịnh la toáng lên,

-Bà con nào xỏ nhầm dép của tôi thì cho tôi xin lại! Ði lao động mà không có dép thì sưng chân, sưng cẳng, làm sao tôi chịu nổi?

Chẳng có ai nhận đã xỏ nhầm dép của Viên, nên ngày đó Trần Văn Viên đi lao động mà không có dép, lúc về thì hai bàn chân sưng lên, anh chàng cứ bước chấm phết như một người bị thọt.

Sáng hôm sau anh Viên thấy đôi dép của mình trở về nằm chỗ cũ, nhưng Lê Văn Tịnh lại la lên,

– Bà con nào đi nhầm dép của tui thì cho tui xin lại!

Hóa ra đêm trước có người tưởng lầm đôi dép của Viên là của Tịnh nên đã lấy nó đi. Ðêm qua người đó đã điều chỉnh lỗi lầm, trả lại dép cho Viên rồi đem dép của Tịnh đi!

Giờ lao động, khi đi đổ thùng, Lê Văn Chánh phát giác ra trong thùng cứt trên xe có đôi dép của Tịnh.  Nhưng Chánh cũng chẳng ngu mà bỏ công moi nó ra làm gì.

Hơn bốn mươi năm sau, nhân lúc chuyện trò, nhắc lại kỷ niệm xưa ở trại cải tạo Nam Hà A. Nguyễn Văn Ninh hỏi tôi,

– Ông có nhớ thằng Tịnh ở Buồng 16 không nhỉ?

Tôi trả lời,

-Nhớ! Ngày đó tụi mình cứ nghi nó là ăng ten, mà không biết nó có phải ăng ten không?

Nghe tôi nói vậy thì Nguyễn Văn Ninh có vẻ ngậm ngùi,

– Lúc ấy mình nghi nó, nên tìm cớ gây chuyện đánh nó! Chứ thực tình mình không khẳng định rằng nó có là thằng xấu hay không? À! Mà ông có biết ai đã đổ vôi bột vào nồi cá của nó và ai đã ăn cắp đôi dép của nó không?

Tôi cười,

– Thì tôi đây chứ ai! Tôi đổ một lon vôi vào nồi cá của nó, cứ tưởng nó sẽ đổ cá đi, nhưng nó đã đem nồi cá ra giếng rửa cho sạch vôi, rồi đem đun lại. Nó thêm đường, thêm mắm, thêm dầu mỡ thơm lừng. Nó còn mời tôi ăn, nhưng tôi đâu dám ăn?

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 28 tháng 3 năm 2024

Ðêm trước vì có hai đôi dép giống nhau, nằm cạnh nhau, tôi đã lấy nhầm đôi dép của ông Viên. Hôm sau chỉ còn một đôi dép của nó nên không thể nhầm. Tôi đem dép của nó nhét xuống cầu tiêu ngay. Không ngờ từ đó nó lại đi đôi dép râu Trường Sơn, nhìn nó càng có vẻ giống Việt-Cộng!

Rồi thời gian cứ thế trôi, chúng tôi ngỡ rằng chuyện chiếc radio đã chìm xuồng. Nào ai có hay, địch vẫn âm thầm theo dõi, rồi bất ngờ ra tay.

Một hôm, tay xách gàu nước từ giếng trở về tôi thấy gần chục Công An áo vàng súng ngắn của Bộ Nội Vụ đột ngột xuất hiện trước sân trại và ra lệnh cho vệ binh bao vây Buồng số 3.

Có người bị bắt! Người bị còng tay dẫn đi là cải tạo viên Trần Hàn.

Trần Hàn ở Buồng 3, đa số là dân Cảnh Sát Quốc-Gia.

Trần Hàn là cựu thiếu tá Trưởng ty Cảnh Sát Tỉnh Quảng-Tín.

Nghe đâu anh Hàn bị bắt vì đang giữ một chiếc máy thu thanh.

Tôi nghe tin mà lấy làm lạ. Tôi biết rõ ràng, từ sau ngày kiểm tra toàn trại thì không còn nghe ai nói tới cái “đài” này nữa.

Vậy chiếc radio mà anh Hàn cất giữ từ đâu mà có? Nếu đó là chiếc radio mà tôi đã từng cất giấu ở Buồng 16 thì người ưu tiên bị bắt phải là anh Nguyễn Hữu May, vậy mà anh May vẫn bình yên.

Với tôi, sự việc anh Trần Hàn bị bắt là cả một bất ngờ!

Từ đó, cả trại xôn xao bàn tán sau cú bố ráp này.

Vào buổi sớm tinh mơ hai ngày sau khi cải tạo viên Trần Hàn bị bắt lên ban chỉ huy trại đã có một người tất tả đi vào sân Buồng 16.

Người vừa xuất hiện là cán bộ Hồng.

Cán bộ Hồng gõ “Cộc! Cộc!” vào một cánh cửa sổ,

– Anh Tuy dậy đi! Tôi có việc cần! Mau lên!

Anh Tuy nằm ngay sau cửa, ngồi bật dậy,

– Dạ! Có chuyện gì vậy cán bộ?

– Anh cử một người kéo cái xe cải tiến ra phòng trực ngoài cổng chính gặp tôi!

– Vâng! Tôi làm ngay!

Anh Tuy sắp quay lưng thì cán bộ Hồng gọi giựt lại,

– Hai người! Hai người thật khỏe mạnh!

Anh Tuy hướng về phía cuối buồng, gọi lớn,

– Anh Chánh chuẩn bị cái xe cải tiến! Anh Long đi theo anh Chánh làm công tác với cán bộ Hồng!

(Chánh là cựu Thiếu tá Lê Văn Chánh – Long là tôi, cựu Thiếu tá Vương Mộng Long.)

Lê Văn Chánh mắt nhắm, mắt mở, kiễng chân lên giựt chiếu của tôi, tôi nằm trên tầng hai,

– Long ơi! Long đừng ngủ nữa! Long dậy đi công tác với mình!

Tôi bị Tào Tháo đuổi suốt đêm qua nên thoái thác,

– Chánh tìm người khác, mình đang bị đau bụng.

Nghe biết tôi bị bịnh, anh Tuy nói với Chánh,

– Ông Chánh! Ông chọn ai đi với ông thì chọn. Tôi không ý kiến nữa.

Chánh lại kiễng chân giựt chiếu một người khác cũng nằm trên tầng hai,

– Hòa Voi! Hòa Voi dậy mau! Dậy đi công tác với mình! Nhanh lên!

Người bị Chánh đem theo phụ việc là Hòa Voi, tức là cựu Thiếu tá Hồ Văn Hòa, cựu Tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 35 Biệt Ðộng Quân.

Tôi, Hòa và Chánh là bạn quen. Giúp đỡ nhau là chuyện vụn vặt thường ngày.

Mấy giờ sau thì Hòa và Chánh trở về. Chánh lo rửa xe, còn Hòa thì ngồi kể cho tôi nghe chuyện công tác ngày hôm đó diễn tiến như thế này…

Xem thêm:   Mua đồ trang trí

Cánh cửa chính Buồng 16 được mở vừa đủ hẹp cho hai người nghiêng mình theo nhau len qua rồi đóng lại, khóa lại.

– Hai anh đi lấy xe! Tôi chờ ngoài cổng.

Cán bộ Hồng vừa ra lệnh cho Chánh và Hòa xong, liền quay gót.

Chánh nói,

– Hòa chờ mình chút!

Hòa lững thững cất bước lên con dốc để ra sân trại.

Chánh đi vòng ra sau cầu tiêu lấy cái xe cải tiến thường ngày dùng để chở phân.

Chánh chính là anh trại viên phụ trách công tác đổ thùng của Buồng 16 này.

Hôm nay là Chủ Nhật, không lao động, nên các buồng, các lán còn ngủ yên.

Chừng hai phút sau Chánh kéo xe tới gặp Hòa,

– Mẹ nó! Chẳng biết có chuyện gì, ngày nghỉ mà nó bắt mình đi sớm thế?

Hòa gật gù đoán mò,

– Chắc đi phụ nhà bếp chở gạo, củi, mắm muối, chứ gì?

– Mình nghĩ không phải đi chở đồ cho nhà bếp! Sức mấy mà cán bộ hậu cần chịu xuất kho vào ngày nghỉ! Chắc cha Hồng trưng dụng tụi mình đi chở cát, chở sạn cho ai đó ngoài Ba Sao để lấy tiền đút túi tiêu riêng…

Chiếc xe cải tiến lộc cộc bò tới cổng. Cán bộ Hồng mở một cánh cửa bên trái cho xe đi qua, rồi khóa lại. Hồng búng tay,

– Hai anh theo tôi!

Chánh kéo xe, Hòa đẩy phụ bằng một khúc tre dùng làm đòn.

Xe quẹo phải đi về hướng phân trại B. Qua một con dốc thì tới khu cách ly, nơi đây có cái nhà kỷ luật. Nếu đi sâu thêm vào trong núi thì tới một khu hang đá có cửa sắt và gông cùm bằng sắt. Nơi đây, ngày xưa dùng để giam giữ tù binh Mỹ.

Hồng chỉ tay vào vật gì đó để bên hiên nhà kỷ luật,

– Hai anh khiêng cái áo quan kia lên xe rồi đi theo tôi!

Hồ Văn Hòa thấy dưới hiên nhà giam có một cái hòm gỗ, chẳng biết ai là người đang nằm bên trong.

Gỗ quan tài hơi mỏng, người nằm trong đó chắc không mập lắm. Khiêng cái áo quan lên xe mà Hòa và Chánh không cần phải bặm môi, vận sức.

Xe đổ dốc, cán bộ Hồng le te dẫn đường đi về hướng phân trại C.

Xe xuống dốc để ra vườn rau.

Qua bãi đổ phân, bãi đổ phân thối quá! Hồ Văn Hòa muốn nghẹt thở. Vậy mà Hòa thấy mặt Lê Văn Chánh vẫn tỉnh bơ.

Ngày nào bạn Chánh cũng phải tới chỗ này một lần. Có lẽ vì vậy mà khứu giác của Chánh đã quen đi, hay là khứu giác của anh ấy đã bị đui, bị điếc rồi cũng nên!

Xe đi qua bãi phân, lên một cái dốc thì cán bộ Hồng giơ tay ra hiệu cho dừng,

– Lạc đường rồi! Quay lại!

Xe lại lộc cộc quay về, đi vòng ra phía sau ngọn đồi có ban chỉ huy rồi tới nghĩa trang chôn tù chết.

Xe vào nghĩa địa thì ở đây đã có sẵn bốn năm tù hình sự ngồi chờ, họ đang vây quanh một cái điếu cày thuốc lào.

Hồng ra lệnh cho Chánh và Hòa hạ chiếc quan tài xuống, rồi đem xe về.

Chiếc xe quay về trại mà không có cán bộ quản giáo đi theo…

Hòa vừa kể chuyện cho tôi nghe xong thì các buồng bắt đầu mở cửa, tù túa ra sân.

Việc đầu tiên trong ngày nghỉ của tù là ào ra giếng tranh nhau múc nước.

Giếng thì rộng nhưng không sâu, nếu chậm chân, chậm tay, có khi vét không còn một giọt. Tôi cũng vác gầu chạy nhanh ra giếng…

Qua cổng dẫn vào Buồng 1, Buồng 2, tôi chạm mặt cựu Ðại tá Ngô, ông Ngô vẫy tay chào, tôi vẫy tay chào lại.

Xem thêm:   1 giàu to 2 vướng nợ

Ðại tá Ngô là bạn của Ðại tá Ủy, Ðại tá Ủy là đàn anh thân thiết của tôi.

Cách nay không lâu, bác Ngô bị anh Bảy Xe Lửa hành hung, đánh cho sưng cả mặt, chỉ vì anh ta nhìn nhầm bác Ngô với một ông đại tá cò mồi.

Một buổi nhá nhem tối, Bảy Xe Lửa đè ông Ngô ra mà thụi, ông Ngô la oai oái!

Anh Nghĩa Âm Phủ đứng bên thấy thế mới can,

– Ê! Bảy Xe Lửa! Sao mày lại đánh bác Ngô! Bác Ngô có làm gì sai mà mày đánh bác ấy?

Bảy vội dừng tay rồi ớ người ra,

– Ủa! Không phải cha này là cò mồi hả? Chết cha! Tui đánh lộn người rồi! Tui xin lỗi đại tá! Tui xin lỗi đại tá!

Ðược thằng Bảy xin lỗi thì Ðại tá Ngô đã sưng cả mặt mũi rồi!

Thời gian này ở Nam Hà A phong trào diệt ăng ten, diệt cò mồi đang dâng cao. Bảy Xe Lửa là thành viên của nhóm “diệt trừ ăng ten”

Thành viên của nhóm này anh nào cũng có võ.

Họ cứ lựa những ngày mưa bão hay vào buổi nhá nhem là ra tay.

Họ thẳng tay đấm bể mõm những tên nịnh hót cán bộ hoặc những tên làm ăng ten đặt điều báo cáo, làm hại anh em.

Những tên nhân viên văn hóa, đội trưởng, hay cò mồi, thấy mấy hung thần này thì sợ đái ra quần.

Tôi trở về buồng, rửa mặt, đánh răng xong thì thấy anh em gọi nhau ra tụ tập giữa sân để nghe tên Công An tên là Chèo Lực thông báo tin tức gì đó.

Len lỏi tới gần, tôi nghe được tiếng Chèo Lực,

– Ðêm qua cải tạo viên Trần Hàn đã trốn học tập lao động bằng cách treo cổ tự tử…

Tôi vỡ lẽ ra, cái xác mà Lê Văn Chánh và Hồ Văn Hòa chở trên xe cải tiến đem đi chôn sáng nay là xác của Thiếu tá Trần Hàn.

Anh Hàn bị biệt giam mấy ngày rồi, vì liên lụy tới chuyện chiếc radio.

Thiếu tá Trần Hàn đã chết vì cái radio.

Tới trưa, tôi chui vào Buồng 2 thăm cựu Ðại tá Cao Văn Ủy. Anh Ủy đang ngồi tập Yoga với cựu Thiếu tướng Huỳnh Văn Cao và cựu Ðại tá Nguyễn Thành Trí.

Ông bà cựu Đại tá Nguyễn Thành Trí và Ông bà cựu Thiếu tá Vương Mộng Long, USA 2016 

Anh Ủy kéo tôi ngồi xuống chiếu,

– Sáng nay thằng cán bộ quản giáo Ðội 32 vào rỉ tai cho thằng Liễu biết rằng đêm qua chúng nó đã treo cổ người tù giữ cái radio để dằn mặt anh em chúng mình.

(Thằng Liễu: là cựu Ðại tá Trần Công Liễu, đội trưởng đội lao động số 32 Trại Nam Hà A. Ông Ủy xuất thân khóa 7 Ðà-Lạt, ông Liễu xuất thân khóa 8, nên ông Ủy có gọi ông Liễu là “thằng” thì cũng chẳng sao.)

Anh Ủy cũng cho tôi hay tên cán bộ này còn bắt Ðại tá Trần Quang Tiến, là người trực Buồng 2 và hai người khác đi sang Trại Nam Hà B làm vệ sinh sạch sẽ căn phòng kỷ luật đã nhốt anh Hàn.

Cựu Thiếu tá Vương Mộng Long và Cựu Đại tá Trần Quang Tiến, USA 2011

Anh Ủy chỉ tay vào cái bát nhôm để sát tường, cái bát còn chứa một khẩu phần bo bo, giọng anh bùi ngùi,

– Ông Tiến có đem về đây di vật độc nhất của chú Hàn là cái bát đựng cơm này. Có lẽ chú ấy chết đi mà bụng còn đói!

Anh chợt thấp giọng,

– Ông Tiến nghi tụi cán bộ đã giết chú Hàn. Trong lúc quét dọn ông ấy thấy xà nhà cao lắm, muốn tự tử phải đứng trên ghế mới với tới xà nhà. Một người bị cùm chân, còng tay thì làm cách gì mà có thể leo lên xà nhà được? Còn sợi dây dù treo cổ, tự dưng mà có ư?

Tôi ngậm ngùi, vậy là đêm qua anh Hàn đã bị cai tù giết.

(còn tiếp)