Mặt trận Xuân Lộc – Long Khánh. Nguồn: Dòng Sông Cũ – WordPress.com

Nhiều kỳ – kỳ 8

Tôi giao cho đại đội bộ binh tăng phái đóng quân dọc theo khu nhà chứa máy bay L19, thay thế cho Ðại Ðội Ðịa Phương Quân Bình-Long. Ðại đội bộ binh này sẽ giữ vai trò trừ bị. Còn Ðại Ðội Ðịa Phương Quân Bình -Long chuyển sang trấn giữ đoạn đường từ bìa rào trại 181 Pháo Binh tới đầu cầu, bắt tay với Ðại Ðội 4/82.

Giữa trưa bỗng có một chiếc tank T54 đơn độc đi cặp theo bờ đất phòng thủ của Xuân-Lộc rồi tiến vào vùng phục kích của Ðại Ðội 1/82. Chiếc tank bị bắn cháy ngay lập tức.

Tôi đang ngồi ăn cơm thì nghe ông phóng viên nhà báo và Binh nhì Phan Thọ hí hửng gọi nhau rồi theo nhau nhanh chân chạy vào vòng rào Trại 181.

Không lâu sau có tiếng phòng không 12.8 ly giòn giã phía ngoài xa. Rồi có tiếng Thiếu úy Học trong máy,

– Trình Thái Sơn! Thằng Thọ bị thương lủng ruột, máu ra nhiều lắm!

Binh nhì Phan Thọ thấy chiếc T54 nằm cách hàng rào không xa, nên rủ anh nhà báo ra đó để chụp cho nó cái hình kỷ niệm ghi lại cảnh nó hiên ngang đứng bên pháo tháp, chuẩn bị tháo khẩu đại liên đem về sân bay làm chiến lợi phẩm. Ðâu ngờ, chiếc tank thứ nhì vừa trờ tới, lập tức đạn đại liên vãi như mưa.

Chỉ trúng có một viên đại liên thôi, Binh nhì Thọ đã bị vỡ bụng, lộn cổ xuống đất rồi. Anh chàng phóng viên vứt máy chụp hình bò lê bò càng, nằm nép sau lưng chiếc xe bị cháy để tránh đạn.

Cũng may, lúc này pháo binh từ vòng đai kịp thời yểm trợ, bắn ào ào về hướng chiếc tank thứ hai khiến cho nó trở đầu chạy vào vườn chuối.

Tôi phải cho đại đội bộ binh tăng phái mở rộng vòng đai an ninh để Ðại Ðội 1/82 yên tâm làm công tác tải thương và kéo thép gai vòng quanh chiếc T54 vừa cháy, không cho địch kéo nó đi.

Tản thương xong, tôi cho Ðại Ðội 1/82 rút ra ngoài sân bay, đại đội bộ binh vào giữ trại Pháo Binh 181.

Xế chiều địch mở một cú đột kích bằng hỏa lực, với đủ loại súng bắn thẳng từ trong bìa rừng nhắm vào bờ rào trại. Tiếp sau đó là một đợt tấn công bằng bộ binh.

Mục tiêu của đợt tấn kích này là bờ rào chính Ðông của trại 181 Pháo Binh.

Chắc chắn đơn vị Việt-Cộng có mặt chiều nay là thành phần của E 209 Sư Ðoàn 7, vì cách tiến sát và tác xạ không khác những cán binh đã xuất hiện ở đây ba ngày trước. Kỳ này địch không có chiến xa tham chiến.

Lúc này hai phần ba quân số của tôi đã trải dài trên bờ Bắc con suối, nên tôi chỉ còn trông cậy vào những khẩu M16 của anh em Ðịa Phương Quân Bình-Long đang trấn giữ ngoài đầu cầu bắn tập trung về hướng Ðông Bắc để chi viện cho đại đội phòng thủ.

Tôi cũng gọi được anh Thiếu tá Dư, và yêu cầu anh cho khẩu cối 81 ly yểm trợ tối đa cho tôi.

Sau đó, không rõ do lệnh của ai mà trên đầu tôi có hai chiếc trực thăng võ trang xuất hiện rồi cứ vần vũ trên cao như có ý chờ.

Hình như hai chiếc tàu này đang giữ nhiệm vụ hộ tống cho hợp đoàn trực thăng nào đó, nay bất ngờ được chuyển vùng để yểm trợ cho chúng tôi.

Tới khi chiếc UH1 chỉ huy có mặt trên vùng thì tôi mới được người trên tàu gọi trong tần số của Chiến Ðoàn 43 Bộ Binh.

Hỏa lực hùng hậu của hai chiếc trực thăng võ trang đã khiến mũi tấn kích của địch bị bẻ gãy ngay. Vì không thấy khẩu phòng không nào của địch ló dạng, nên tôi yêu cầu trực thăng vũ trang tiếp tục đánh dọc theo hướng địch rút chạy, xa về hướng Ðông. Không lâu sau thì tiếng súng im.

Xem thêm:   Bên hồ Thác Bà

Kết quả lần chạm súng này đã khiến cho đại đội bộ binh bị thiệt hại khá nặng, với năm người chết và hơn chục người khác bị thương. Công tác vận chuyển gần hai chục thương binh, tử sĩ ra khỏi vùng cũng tốn một thời gian khá lâu mới hoàn tất.

Tới tối, Ðại tá Chiến đoàn trưởng Chiến Ðoàn 43 báo cho tôi một tin vui là Lữ Ðoàn 1 Nhảy Dù Việt-Nam Cộng-Hòa đã vào vùng để tiếp viện cho Xuân-Lộc. Ông cũng yêu cầu tôi cố gắng cầm cự, chịu đựng thêm vài ngày nữa, hy vọng tình hình sẽ sáng sủa hơn.

Sáng 13 tháng Tư, nhiều cụm khói bốc lên trên vùng trời của xã Bảo-Ðịnh hướng Nam, cùng với tiếng nổ ì ầm của đại bác. Có lẽ giao tranh đã bắt đầu giữa quân Dù và đơn vị Việt-Cộng đã từng đánh nhau với tôi ngày trước đây.

Tới trưa thì nhiều đợt máy bay F5 và A37 luân phiên nhau nhào lộn trên trời.

Chiều 13 tháng Tư, trong tần số của Hằng Minh, tôi nghe được lời nhắn của Trung tá Nguyễn Văn Ðỉnh, Lữ đoàn trưởng Lữ Ðoàn 1 Dù,

– “Nhí” yên chí giữ vững vị trí! Có anh vào tiếp tay với chú đây!

Trung tá Nguyễn Văn Ðỉnh xuất thân khóa 15 Võ Bị, tôi tốt nghiệp khóa 20, anh Ðỉnh gọi tôi là “Nhí” cũng là đúng thôi!

Bốn ngày nay, nguyên mặt trận hướng chính Ðông tôi chống đỡ đã khờ rồi, hai ngày vừa qua, tôi lại phải đối diện thêm một trung đoàn địch tiến đánh từ hướng Nam. Tôi nghĩ, không chóng thì chày Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân của tôi cũng tan hàng mất!

Nay được tin có một lữ đoàn Dù vào tiếp viện tôi mừng quá!

Những ngày kế đó, mặt chính Bắc và chính Ðông của tôi thật là yên tĩnh.

Tôi đã cho người đi vào khu vườn chuối, tìm được xác năm người lính chết trong rừng vì xe tank mấy ngày trước.

Ðại úy Hoàn nảy ra sáng kiến dùng lựu đạn khói màu vàng xịt trên thành chiếc PT76 và bốn chiếc T54 nằm sát hàng rào những giòng chữ “Tiểu Đoàn 82 BĐQ diệt tank”

Sáng 14 tháng Tư năm 1975 Ðại tá Hiếu ra lệnh cho tôi phải chuẩn bị đón tiếp một phái đoàn nghị sĩ và dân biểu Quốc Hội từ Sài-Gòn sẽ tới thăm chiến sĩ tiền tuyến.

Phái đoàn này dự trù sẽ tới quan sát những chiếc chiến xa bị Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân bắn cháy.

Tôi cho Ðại Ðội 1/82 bung ra xa để giữ an ninh cho quý vị đại diện dân muốn có chứng tích chiến trường thì ra đứng chụp hình, chụp ảnh bên xác mấy chiếc chiến xa rồi đem về văn phòng mà treo.

Tới trưa thì phái đoàn Quốc Hội tới cổng trại 181 Pháo Binh trên chiếc xe GMC mười bánh.

Phái đoàn có bảy ông, ba bà, quần lượt, áo là thẳng nếp, lịch sự vô cùng.

Tôi dẫn phái đoàn đi một vòng quanh bờ Bắc con suối để các ông bà đại diện dân thăm hỏi và trao những gói quà tượng trưng cho những anh em hiện diện.

Phái đoàn còn đem cho chúng tôi một thùng sách báo Sài-Gòn. Chúng tôi lấy làm ngạc nhiên và thích thú khi thấy trên mặt báo Chính Luận, Trắng Ðen và Tiền Tuyến có in hình những chiếc T54 được các báo ghi chú rõ ràng là do Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân bắn cháy.

Thì ra những hình ảnh này đã được chụp và gửi đi do anh phóng viên đang có mặt ngay bên cạnh tôi kể từ ngày 10 tháng Tư năm 1975. Ngày nào anh ta cũng thậm thụt đi về giữa sân bay và tòa hành chánh để nhờ xe của Tiểu Khu chuyển tin ra Tân Phong.

Tin tức và hình ảnh từ Tân Phong sẽ bay về Sài-Gòn trên những chiếc trực thăng liên lạc, tiếp tế, tản thương. Ðôi khi tin tức còn được “quá giang” trên chiếc C&C của Chuẩn tướng Tư lệnh chiến trường.

Thấy quý vị dân biểu, nghị sĩ có vẻ háo hức muốn đi xem những chiếc chiến xa T54 đã bị bắn cháy, nên tôi giao cho ông tiểu đoàn phó nhiệm vụ hướng dẫn họ ra ngoài rào để chụp ảnh.

Xem thêm:   Bên hồ Thác Bà

Vì con hẻm đã bị rào, khách quý đành phải khom lưng chui qua lỗ bò, lỗ dê mà ra.

Có vài vị thượng khách sau khi chụp hình xong, còn nhanh tay túm được mấy cái vỏ đạn đồng của đại bác, tính đem về văn phòng cắm hoa cho đẹp.

Trong khi chờ đợi quý vị dân biểu trở về, tôi đi một vòng quanh trại. Tới bên cái lô cốt hướng Ðông tôi giật mình khi bị một cháu bé bất thình lình níu tay,

– Chú ơi! Chú ơi! Ba con đâu rồi? Ba con đâu rồi? Con đói quá chú ơi!

Tôi cúi xuống nhìn mặt cháu bé, cháu gái cỡ chừng 5 hay 6 tuổi, mặt cháu xanh xao vì đói. Thấy cháu, tôi bỗng nhớ con tôi, đứa con gái đầu của tôi còn nhỏ hơn cháu gái này, tôi ôn tồn,

– Ba cháu đi hành quân chưa về! Cháu đói lắm hả? Ðể chú lấy cơm cho cháu ăn nhé!

Cháu bé dang hai tay ôm chân tôi rồi nức nở,

– Con đói! Con đói! Chú ơi!

Tôi bế cháu lên rồi thò đầu vào cửa lô cốt quan sát. Mùi hôi thối xông ra làm cho tôi nghẹt mũi. Có lẽ từ ngày đầu chiến trận, số gia đình binh sĩ trú ẩn trong cái pháo đài này đã không dám đi ra ngoài. Họ đã phóng uế ngay trên vị trí ăn ngủ của họ. Diện tích của cái lô cốt này chỉ chừng hơn một sải tay mỗi chiều mà chứa tới gần chục nhân mạng.

Một chị vợ lính tóc tai bù xù, ló đầu ra cửa sụt sùi,

– Thiếu tá ơi! Mấy ngày nay tụi em đói quá! Thiếu tá có gì cho mấy đứa bé ăn! Nếu không tụi nó chết mất!

Tôi quay qua ra lệnh cho anh lính cận vệ,

– Thằng Bích đem nồi cơm trưa của thầy trò mình ra chỗ nhà chứa L 19 chờ tao!

Vợ chồng Th/Tá Vương Mộng Long & Th/Tướng Lê Minh Đảo (USA-2009)

Cũng may là, trong thời gian qua Ðặc-Công của Việt-Cộng không nhắm vào cái trại 181 Pháo Binh bé tí này.

Nếu chúng nó vào được đây thì chỉ cần một trái bộc phá ném qua lỗ châu mai thì gần chục nhân mạng nằm trong cái lô cốt hướng Ðông chắc chắn đã đi đời!

Tôi vội vàng bảo các chị vợ lính thu xếp những thứ cần thiết rồi đem con cái ra sân bay chuẩn bị di tản.

Nồi cơm trưa của ba thầy trò tôi chia không đủ một chén nhỏ cho mỗi thân nhân binh sĩ.

Những đứa bé ăn xong bát cơm rồi mà miệng vẫn còn nhóp nhép, thòm thèm. Dù đã vét sạch mấy hộp thịt Quân Tiếp Vụ, các cháu vẫn còn le lưỡi cố liếm láp những cái vỏ hộp mà chẳng chịu vứt đi.

Tôi ra lệnh cho ông tài xế sắp xếp chỗ cho ba bà vợ lính và mấy cháu nhỏ quá giang chiếc GMC này để về Tân-Phong lánh nạn.

Ðoàn quan khách đi thăm chiến trường đã quay trở lại. Tôi thấy mặt mũi vị nào cũng hớn hở, tươi vui.

Sẵn có ông phóng viên nhà báo đang ở đây, quý vị dân biểu, nghị sĩ đua nhau phát biểu những lời tuyên bố thật hùng hồn nhằm khích lệ tinh thần binh sĩ và trấn an dân chúng đô thành.

Bỗng đâu, từ hướng Ðông, một trái 75 ly bay “Vèo!” qua đầu phái đoàn, rơi xuống cuối phi trường hướng Tây, rồi nổ một tiếng “Ùm!”

Thế là quý vị đại diện cho dân miệng la chí chóe, chúi đầu xuống đất, nằm đè lên nhau ngay trên mặt lộ!

Tôi hét,

– Tất cả lên xe!

Ông hạ sĩ tài xế lập tức nổ máy, bóp còi, “Te! Te! Te!”

Bảy ông, ba bà dân biểu, nghị sĩ, vội vàng chen nhau leo lên xe, có người đánh rơi cả máy chụp hình và giày dép.

Chiếc xe lao đi, trên mặt đất còn lại năm sáu cái vỏ đạn 100 ly bằng đồng nằm chỏng chơ.

Xem thêm:   Bên hồ Thác Bà

Quý vị dân cử mãi lo chụp ảnh, chụp hình, nên đã quên, không trao cho tôi số tiền mà Quốc Hội đã hứa thưởng cho mỗi chiếc chiến xa bắn được là 30 ngàn đồng một cái.

Tính tới ngày 14 tháng Tư năm 1975, Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân đã bắn cháy và bắn hư hại trên một chục chiến xa địch, nhưng chúng tôi chỉ kiểm soát được sáu chiếc tank bị cháy ở gần vòng rào Trại 181 Pháo Binh.

Mỗi chiến xa Việt-Cộng chỉ có một khẩu 12.8 ly thôi, do đó chúng tôi chỉ gỡ được 6 khẩu phòng không đem về trưng bày nơi đầu phi đạo. Như vậy là Quốc Hội đã nợ Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân 180 ngàn đồng!

Nhưng ngày chúng tôi rút quân về tới Long-Bình, tôi chỉ nhận được 30 ngàn đồng tiền thưởng, gọi là tiền thưởng “tượng trưng”.

Tôi đã giao cho ông Ðại đội trưởng Ðại Ðội Ðịa Phương Quân Bình-Long 7 ngàn đồng, số tiền còn lại tôi chia đều cho các đại đội của tôi, vừa đủ cho mỗi người mua một bao thuốc lá!

Từ 15 tháng Tư tới 20 tháng Tư năm 1975 vùng trách nhiệm của tôi không có gì biến động lớn.

Sau khi Lữ Ðoàn 1 Dù tái chiếm xã Bảo-Ðịnh, thì đơn vị tôi chỉ còn giữ vai trò của một cái đe, yên tâm án ngữ mặt Tây Bắc suối Gia Liêu để cho quân Dù giáng những nhát búa chí tử lên lực lượng địch đang đóng chốt trong đồn điền của Thống tướng Lê Văn Tỵ.

Từ khi Lữ Ðoàn 1 Dù lâm trận thì ngày nào pháo binh của quân bạn cũng bắn liên tục vùng hướng Nam, rồi cứ thế tiến dần lên hướng Bắc.

Khi Pháo binh và Không quân oanh kích gần tuyến phòng thủ của Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân hơn thì Việt-Cộng bắt đầu thoát chạy ra bờ suối.

Con suối không lớn lắm, và cũng không sâu lắm, nhưng những cán binh Bắc-Việt đã không thể vượt qua, vì nơi bờ bên này hàng chục khẩu súng của Biệt Ðộng Quân đã sẵn sàng.

Những toán Việt-Cộng vượt thoát sau này đã biết bên bờ Bắc con suối có người, nên thay vì cắm đầu chạy thục mạng, chúng đã khôn hơn, biết cởi áo lót ra làm cờ trắng đầu hàng, rồi theo chân nhau từ từ bước tới.

Những tên bộ đội Bắc-Việt còn rất trẻ, mặt không còn hột máu, mắt không dám nhìn lên mỗi khi tôi và anh phóng viên nhà báo có lời hỏi han. Tên tù binh nào khai cũng giống nhau:

“Thưa Thủ trưởng, nhà cháu mới mười lăm. Nhà cháu là thanh niên xung phong, sau đổi thành tình nguyện quân đi giải phóng Miền Nam. Nhà cháu được học tập là vào Nam chỉ để tiếp thu, không cần đánh nhau! Nhà cháu sợ đánh nhau lắm!”

Ðại khái, cung từ khai thác tù binh, ngoài tên tuổi, đơn vị và ngày xâm nhập của chúng, chúng tôi không còn biết gì hơn. Cũng may là thời gian canh giữ tù không lâu, chỉ vừa nghe chúng tôi thông báo, thì vài ba phút sau ông Tỉnh trưởng đã cho xe ra mang chúng đi rồi.

Chúng tôi tiếp tục làm đe cho quân Dù làm búa, cho tới một hôm, pháo binh Dù “Xè! Xè! Oành! Oành!” nổ ngay trên tuyến phòng ngự của tôi!

Gặp cảnh tản đạn này thì chỉ còn cách vắt giò lên cổ mà chạy, chần chờ gọi máy liên lạc được với quân bạn, chờ cho họ ngưng tác xạ, thì mình đã chết hết rồi!

Tôi cho quân cấp tốc bỏ tuyến lui vào giữ sân bay.

Bố trí xong, tôi quay đầu nhìn lại thì thấy sau lưng mình có vài người lạ đang đuổi theo. Hóa ra đó là một tốp Việt-Cộng bị pháo dội trên đầu, nên bỏ hàng ngũ mà chạy chết.

Bọn này vứt súng, cùng nhau phóng về hướng Bắc, ào qua suối rồi theo chân Biệt Ðộng Quân!  Tới đầu phi đạo thì bốn tên bộ đội Bắc-Việt vội vàng giơ hai tay lên trời đầu hàng!

Ðợt pháo tập trung của quân Dù sáng hôm đó đã khiến cho Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân của tôi thiệt mất ba người chết, bốn bị thương!

(còn tiếp)