Chiến tranh Việt-Nam chấm dứt đã gần nửa thế kỷ rồi.

Nhưng đối với những cựu chiến binh Việt-Nam Cộng-Hòa, thì kỷ niệm của những ngày gian khổ ấy không dễ gì có thể bị xóa nhòa trong ký ức của họ.

Mỗi trang hồi ký của những người tham chiến chính là những tiểu đoạn của bộ phim dài ghi lại toàn bộ những gì đã xảy ra trong cuộc chiến đẫm máu kéo dài hai mươi năm trên đất nước chúng ta.

(tiếp theo – kỳ 9)

– Qua biết Biệt Ðộng Quân đối với em không tốt! Em xin về với qua, qua sẽ trình với đại tướng duyệt xét lại chiến công trận Pleime của em, điều chỉnh cho em lên trung tá, sau đó qua sẽ giao một trung đoàn cho em chỉ huy.

Tôi đã được Tướng Toàn và Ðại tá Tất hứa rằng tất cả quân nhân trực thuộc Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân sẽ đương nhiên thăng một cấp đặc cách sau chiến thắng Pleime 1974, nên khi nghe Tướng Niệm nói những lời trên, tôi chẳng hiểu gì cả. Tôi bèn cười cười, đáp lời Tướng Niệm,

– Cám ơn Thiếu tướng! Tôi còn yêu mến binh chủng Biệt Ðộng Quân. Tôi chưa muốn đi đơn vị khác!

Bốn mươi sáu năm sau, tháng 10 năm 2020, tôi còn nhớ như in trong óc những lời Tướng Phan Ðình Niệm nói với tôi lúc giữa trưa ngày 10 tháng 10 năm 1974, cũng là dịp Kỷ Niệm 22 Năm Ngày Thành Lập Quân Ðoàn II.

Chiều 11 tháng 10 năm 1974 tôi về tới Kiến-Ðức thì được báo tin rằng trong thời gian tôi vắng nhà, Trung úy Nguyễn Công Minh và Thiếu úy Trần Văn Phước đã được thuyên chuyển lên làm việc ở Bộ Chỉ Huy Liên Ðoàn 24 Biệt Ðộng Quân.

Trung úy Minh được giữ chức Trưởng Ban Truyền Tin, và Thiếu úy Phước đảm nhiệm chức vụ Trưởng Ban 2.

Cũng trong thời gian này Thiếu úy Lý Ngọc Châu đã mãn khóa Chiến Tranh Chính Trị Ðà-Lạt.

Vừa trở về hôm trước, hôm sau chú Châu đã đôn đốc mấy ông Lao Công Ðào Binh hoàn tất một ngôi nhà lá Câu Lạc Bộ rất khang trang.

Ông Tàu Hỷ đầu bếp, kiêm thủ quỹ của Câu Lạc Bộ đã liên lạc được với một cửa hàng chạp phô dưới Nhơn-Cơ cung ứng mọi thứ hàng cần dùng để bán cho anh em. Chủ cửa hàng này là vợ chồng ông Lâm Văn Cáo người gốc Hoa Chợ Lớn.

Hiện thời, tình hình Tây Quảng-Ðức hoàn toàn lắng dịu, ta không thấy tên địch nào xuất hiện trong vùng, mà địch cũng không dám bén mảng tới gần để quấy rối ta.

Bỗng một hôm, tôi đang ngồi trong hầm hành quân chỉ dạy cho Thượng sĩ Nguyễn Phường, Hạ sĩ quan Ban 2 cách điều hành công tác tham mưu tình báo tiểu đoàn thì Trung úy Trần Dân Chủ, Ban 3 chạy vào báo cho tôi biết Chuẩn úy Trần Quảng, vừa quá giang xe đò từ Gia-Nghĩa tới Kiến-Ðức và muốn gặp mặt tôi để thông báo một tin quan trọng.

Chuẩn úy Quảng đang đứng dưới đường. Tôi cho phép chú Quảng vào Câu Lạc Bộ của tiểu đoàn chờ gặp.

Thấy tôi, Quảng liên tục phát ngôn,

– Anh Long ơi! Sáng nay ông Thiếu úy Trần Văn Phước đã vác súng đuổi bắn Ðại tá Vấn và Trung úy Hạp làm cho hai ông này chạy bán sống, bán chết!

Tôi ngạc nhiên,

Vì lý do gì vậy? Chẳng lẽ thằng Phước lại say rượu nữa hay sao?

Dạ không! Anh Phước tỉnh táo lắm! Sáng nay em trực hành quân, em thấy anh Phước mắt đỏ ngầu, tay cầm khẩu Colt 45 bước vào phòng họp, miệng la oang oang, “Ðại tá Vấn đâu? Ra đây! Tui cho ông biết thế nào là chạy! Thế nào là chết!” Nghe tiếng hét của anh Phước, Ðại tá Liên đoàn trưởng sợ quá, vội chạy ra khỏi phòng tránh mặt. Ông Trung úy Hạp, Trưởng Ban 3 Liên đoàn, tiến tới khuyên can thì bị anh Phước bắn bốn phát sượt qua vai. Ông Hạp phóng ra sân, anh Phước đuổi theo, nhưng bị vấp ngã, khẩu súng văng khỏi tay. Lập tức, anh Phước bị mấy người lính ôm vật rồi trói lại. Ðại tá đã chuyển anh Phước đi Gia-Nghĩa nhốt trong Ty An-Ninh Quân-Ðội. Biết chuyện này, em phải chạy ngay về đây báo cho anh hay ngay.

Chuẩn úy Trần Quảng trước đây là trung đội trưởng của Tiểu Ðoàn 82. Trong trận Căn cứ 711 tháng 4 năm 1974, Quảng bị thương, sau khi xuất viện, Quảng được chỉ định làm Sĩ quan Phụ tá Ban 3 của Liên Ðoàn 24.

Xem thêm:   Chuyện xứ Mỹ của tôi

Khác với những quân nhân trong đơn vị, lúc nào gặp tôi, Quảng cứ gọi tôi bằng đại danh từ “Anh” vì Trần Quảng là em của Trần Ðờn, một anh bạn cùng trường, cùng lớp của tôi từ thời 1956 ở Hội-An. Tôi biết Quảng từ ngày chú ấy còn mặc quần thủng đít. Tôi nhìn Quảng gặng hỏi,

– Vậy chú có biết vì lý do gì mà thằng Phước lại nổi điên như thế không?

– Em nghe nói anh Phước muốn giết ông đại tá là vì trong thời gian Tiểu Ðoàn 82 bị vây ở Pleime, ông Vấn có than phiền và “trù ẻo” cho Tiểu Ðoàn 82 sớm chết mất xác, sớm bỏ đồn gì đó! Vì thế mà anh Phước muốn trả thù ông Vấn!

Nghe Quảng giải thích, tôi nhớ lại ngay chuyện Ðại tá Từ Vấn đã “trù ẻo” chúng tôi như thế nào trong thời gian ấy.

Số là, hồi tháng 8 vừa qua, vòng vây của địch quanh Pleime càng lúc càng siết chặt, số mệnh của Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân lâm vào tình trạng mong manh như ngàn cân treo sợi tóc, khiến cho ông Ðại tá Liên đoàn trưởng phải vất vả, âu lo với nhiều đêm thức trắng. Một hôm, quá nản lòng, thối chí, ông đã buột miệng than:

“Mẹ nó! Chết thì không chết! Chạy thì không chạy!  Cứ dở dở, ương ương, làm cho người ta mất ăn, mất ngủ!”

Lúc mới nghe được chuyện này tôi cũng bất mãn và tức giận lắm, sau này tôi bỏ nó ra ngoài tai, vì tôi nghĩ rằng ông Ðại tá Từ Vấn là người ăn nói vung vít, bụng để ngoài da, phát ngôn vô tội vạ, chứ cũng chẳng có ác ý gì.

Ðâu ngờ người đàn em của tôi cũng biết chuyện này, nên ghìm nỗi uất hận trong ruột, nay có dịp là bùng phát ra ngay.

Thiếu úy Trần Văn Phước là một trong những đàn em mà tôi đem theo từ ngày đầu nhận chức vụ Tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân.

Tính tình của Phước rất là vui vẻ, dễ thương, nhưng cũng không ai dễ dàng bắt nạt được chú ấy.

Phước có cái tật thích uống rượu, rượu vào rồi, dù có việc phải nhảy vào lửa đỏ, chú ấy cũng không từ nan.

Thêm vào đó, là cái lòng cương trực thẳng băng như ruột ngựa, khiến cho những người quen chú ấy đã thương thì thật là thương, đã ghét thì thật là ghét.

Ở Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân/ Quân Khu 2 chỉ có mình tôi là người độc nhất chỉ huy được con ngựa bất kham này.

Cuối năm 1972, sau khi tốt nghiệp Khóa Tình Báo Căn Bản từ Trường Quân Báo Cây Mai, Chuẩn úy Trần Văn Phước đáo nhậm Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân/ Quân Khu 2 và theo chân tôi từ đó.

Thời gian ở Pleiku, Phước chỉ huy Biệt Ðội Biên Vụ, có 18 anh Viễn Thám trực thuộc Phòng 2 dưới quyền tôi.

Có một tối cuối năm 1973, trong quán bún bò cũng là nhà riêng của ông Ðại úy Hải, Sĩ quan Phòng vệ của Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân/ Quân Khu 2, Phước mở tiệc khoản đãi một toán Biên Vụ vừa thoát chết trở về.

Xem thêm:   Đầm Môn, Đèo Cả, Vũng Rô & Hòn Nưa

Tới khuya mà bọn này còn cười nói oang oang, khiến cho ông Sĩ quan Tổng trực, cũng là Thiếu tá Trưởng Phòng 3 của Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân/ Quân Khu 2 nghe được.

Ông thiếu tá này bước vào quán, ra lệnh cho mấy anh lính Phòng 2 giải tán.

Gia đình Th/tá Vương Mộng Long tại Đà Lạt – tháng 10/1974.

Thiếu úy Phước và Ðại úy Hải chủ quán vội vàng lên tiếng năn nỉ,

– Xin Thiếu tá cho phép anh em được ngồi thêm vài phút nữa để ăn cho xong mỗi người một tô bún bò.

Nghe xong, ông Sĩ quan Tổng trực tức quá hét lên,

– Không được! Phải dẹp ngay! Mai tôi sẽ làm phúc trình đề nghị đại tá ra lệnh đóng cửa vĩnh viễn cái quán bún bò này của ông Hải! Ngày nào cũng bán tới khuya, ồn ào, mất trật tự!

Cùng lúc đó, bà vợ Ðại úy Hải bưng ra mâm bún bò bốc khói để trên bàn ăn.

Vị Sĩ quan Tổng trực thấy mấy chàng lính Thượng râu ria xồm xoàm, tóc dài, ngổ ngáo, cứ giương mắt nhìn ông, ông bèn ra oai, cầm tô bún bò nóng bốc hơi, đổ lên đầu anh chàng Phước, miệng ông la,

– Ðủ mẻ! Tao ra lệnh cho tụi mi giải tán mà tụi mi cứ trơ mắt ngó! Không thi hành lệnh của tao hả!

Kết quả hành động oai hùng của ông thiếu tá đã đưa tới một kết cục không hay. Thiếu úy Trần Văn Phước sau khi giơ hai tay vuốt cho sạch mớ bún trên đầu tóc, đã thẳng tay đấm vào mặt ông thiếu tá một cú thôi sơn, khiến ông thiếu tá lăn quay ra đất, nằm giãy đành đạch.

Bi hài kịch này xảy ra vào lúc khá khuya, trong quán bún bò ông Hải, khán giả chỉ có trên dưới mười người. Xóm giềng của ông Hải đã ngủ yên. Giờ đó gia đình tôi cũng ngủ lâu rồi.

Sáng hôm sau, ông Thiếu tá Trưởng Phòng 3 mặt mày bầm tím, bước vào Phòng 2 gặp mặt tôi,

– Tui biết Trường An (Ðại tá Tất) thương Long, nhưng lính của Long kiêu binh quá! Ðêm qua lính của Long mới đánh tôi đây! 

Nhìn cái mặt bầm giập của ông Trưởng Phòng 3, tôi tá hỏa, ngạc nhiên,

– Chuyện xảy ra làm sao? Anh cho tôi biết để tôi trừng trị bọn hỗn hào, bá láp này!

– Tối qua tụi nó tụ tập nhậu nhẹt la hét om sòm trong quán bún nhà ông Hải. Tôi tới ra lệnh cho tụi nó giải tán, tụi nó xúm nhau vào đánh tôi! Cầm đầu là thằng Phước!

Tôi ra lệnh cho anh Viễn Thám gác cửa,

– Thằng Ba đi gọi Thiếu úy Phước lên đây trình diện tao!

Ba mươi giây sau, Thiếu úy Phước lấm lét đứng trước mặt tôi,

– Tối qua ông Sĩ quan Tổng trực làm nhục em, em chỉ phản ứng tự vệ!

Tôi nhìn thẳng vào mặt Thiếu úy Phước rồi dõng dạc,

– Kể hết đầu đuôi câu chuyện cho tôi nghe! Sau đó phải có lời xin lỗi ông Thiếu tá Sĩ quan Tổng trực!

Phước có vẻ nửa bất mãn, nửa sợ sệt, kể lại toàn bộ diễn tiến sự việc xảy ra tối hôm trước cho tôi nghe, cuối cùng Phước nhìn tôi buồn bã,

-Thái Sơn có thể đá đít, bạt tai em, hay đem em đi nhốt, vì tội lỗ mãng, nhưng Thái Sơn đừng bắt em phải xin lỗi ông thiếu tá này.

Nghe hiểu chuyện, tôi thấy nóng mặt, giơ ngón tay trỏ, chỉ ngay trán Thiếu úy Phước rồi hét lên,

– Mi là thằng hèn! Mi là thằng hèn!

Phước giật mình thụt lui lại đằng sau một bước run lẩy bẩy, miệng lắp bắp,

Xem thêm:   mê tín dị đoan

– Em …Em…

Tôi quát tiếp,

– Em! Em! Em cái gì? Em là một thằng hèn! Người ta đổ bát bún lên đầu em mà em chỉ dám đánh người ta! Em có súng mà không dám bắn người hạ nhục em thì em không xứng đáng là em của Thái Sơn! Ðáng lý ra em phải bắn vỡ đầu nó! Em là một thằng hèn! Nghe rõ chưa! Cút đi!

Tôi bực tức quay lưng bước vào ngồi trên chiếc ghế sau bàn làm việc.

Lúc tôi quay mặt lại thì không còn thấy bóng dáng ông Thiếu tá Trưởng Phòng 3 và anh Thiếu úy Trần Văn Phước đâu cả.

Ít ngày sau, tôi cho Thiếu úy Phước vào Pleime trước chờ tôi.

Gần hai tháng sau đó, tôi nhận chức chỉ huy căn cứ này.

Từ ấy tới nay chú Phước sống vào khuôn vào phép, không làm mích lòng ai.

Vậy mà mới sểnh tay tôi ra vài ngày là có chuyện!

Tôi chưa biết làm cách nào để cứu thằng em thì Trung sĩ 1 Lưu Ðức Hoàn, Hạ sĩ quan Ban 3 tiểu đoàn xuống đồi tìm gặp,

– Hai Lẻ Chín mời Thái Sơn về liên đoàn có việc cần.

Tôi tới bộ chỉ huy liên đoàn thì phòng hội đã đầy người.

Trung tá Hoàng Kim Thanh đứng giữa phòng họp, thấy tôi xuất hiện thì ông vỗ hai tay vào nhau, rồi cao giọng, tuyên bố,

– Ðại tá liên đoàn trưởng bận đi họp trên tiểu khu, ủy quyền cho tôi chủ tọa buổi họp này. Tất cả anh em đang chờ Thiếu tá Long, giờ này mình bắt đầu khai mạc hội đồng kỷ luật được rồi!

Tôi ngồi xuống ghế thắc mắc,

– Kỷ luật ai vậy?

– Thì mình xử anh sĩ quan vô kỷ luật là Thiếu úy Trần Văn Phước của Tiểu Ðoàn 82 chứ ai?

– Thiếu úy Phước không phải là sĩ quan của Tiểu Ðoàn 82!

Trung tá Thanh nhìn sững ngay mặt tôi,

– Vậy chứ anh Phước là lính của ai?

– Thiếu úy Trần Văn Phước đã thuyên chuyển về Bộ Chỉ Huy Liên Ðoàn, không còn thuộc quân số của Tiểu Ðoàn 82 nữa!

– Sáng nay Thiếu úy Trần Văn Phước đã bắn phá lung tung ở đây, nguyên nhân gây ra bắt nguồn từ Tiểu Ðoàn 82, Thiếu tá Long là Tiểu đoàn trưởng nên liên đới chịu trách nhiệm!

Tôi đứng dậy, gằn từng tiếng,

– Tôi đã biết rồi! Chuyện này là thù hằn riêng tư giữa Ðại tá Vấn và Thiếu úy Phước, không liên quan gì tới tôi!

Dứt lời, tôi đứng dậy bước ra ngoài, trước con mắt ngạc nhiên của mọi người có mặt.

Nửa giờ sau tôi đã về tới Kiến-Ðức, có vài lần Trung tá Thanh gọi tôi vào máy để nói chuyện. Tôi bắt máy nhưng chỉ ậm ừ vài tiếng rồi dứt khoát,

– Nếu không phải chuyện hành quân, tôi sẽ không tiếp ai cả.

Hôm sau Trung tá Thanh lên Kiến-Ðức tìm gặp tôi, anh Thanh nói,

Ông Hai Lẻ Chín ra lệnh cho chú tới An-Ninh Quân-Ðội Quảng-Ðức ký giấy lãnh thằng Phước ra.

Tôi lắc đầu,

–  Ông Vấn nhốt nó thì ông Vấn phải ký giấy thả nó! Tôi không rảnh mà làm chuyện này!

Thấy tôi nhất mực từ chối, Trung tá Thanh bèn vào hầm truyền tin nói chuyện với Ðại tá Vấn một lúc lâu rồi kéo tôi vào Câu Lạc Bộ.

– Nếu bây giờ liên đoàn hoàn trả nó cho 82 thì chú có lãnh nó không?

– Ông Vấn ký lệnh thuyên chuyển cho nó về lại 82 thì tôi sẽ lãnh nó ngay!

– Chú có dám bảo đảm rằng được tha ra, nó sẽ không làm loạn nữa chứ?

– Tôi bảo đảm, với điều kiện ông Vấn không phạt nó, và bỏ qua chuyện vừa rồi.

– Thì ông Vấn hứa với anh rằng ông ấy cũng có ý định như thế!

Tôi nhìn ngay mặt Trung tá Thanh,

(còn tiếp)