Chiến tranh Việt-Nam chấm dứt đã gần nửa thế kỷ rồi.

Nhưng đối với những cựu chiến binh Việt-Nam Cộng-Hòa, thì kỷ niệm của những ngày gian khổ ấy không dễ gì có thể bị xóa nhòa trong ký ức của họ.

Mỗi trang hồi ký của những người tham chiến chính là những tiểu đoạn của bộ phim dài ghi lại toàn bộ những gì đã xảy ra trong cuộc chiến đẫm máu kéo dài hai mươi năm trên đất nước chúng ta.

Phi trường dân sự Pleiku – 1970s. Ảnh do tác giả cung cấp

(tiếp theo – kỳ 4)

Tôi chọn vị trí đóng quân cho hai Ðại Ðội 1/82 và 3/82 cùng Bộ Chỉ Huy Tiểu Ðoàn 82 là một ngọn đồi nhỏ và hẹp nằm bên hướng Tây của Liên Tỉnh Lộ 8 B và cách vị trí pháo binh ba trăm mét về hướng Bắc.

Ngọn đồi này có lợi thế ngụy trang vì có cây cao che khuất tầm nhìn từ xa của địch.

Bên trái ngọn đồi này là một thông thủy tuy không sâu lắm, nhưng dốc hơi đứng, rất khó xung phong.

Chỉ còn một hướng chính Bắc là cần chốt chặn nơi ngã ba giao tiếp Liên Tỉnh Lộ và con đường xe be. Ông đại úy tiểu đoàn phó cùng với hai Ðại Ðội 2/82 và 4/82 sẽ trấn thủ cái ngã ba này.

Bố quân xong, tôi đang ngồi trên bãi cỏ ven đường chuẩn bị mồi một điếu thuốc lá thì một quân nhân tới đứng nghiêm chào xin trình diện. Người này chính là anh Trung sĩ Nguyễn Minh, mới được bổ sung.

Minh vừa xoa hai bàn tay vào nhau, vừa cười cầu tài, rồi năn nỉ tôi,

– Nhà em ở Nghi-Xuân, sau chuyến hành quân này Thái Sơn du di cho em nghỉ vài ngày thăm nhà.

Tôi gật đầu,

– Nơi này cách Nghi-Xuân hơn mười cây số thôi, nhưng đường lại bị Việt-Cộng đóng chốt. Chờ hôm nào bứng xong mấy cái chốt, trên đường về Gia-Nghĩa anh sẽ thả chú xuống, cho chú ghé thăm gia đình vài bữa.

– Cám ơn Thái Sơn! 

Minh lí nhí, chào tôi rồi lui về khu trú quân của đơn vị anh ta.

Hai phút sau Trung sĩ Minh quay trở lại, anh ta có vẻ như muốn nói với tôi chuyện gì đó.

Tôi mở lời,

– Gì đó Minh?

Minh gãi đầu, cúi gằm mặt xuống, miệng lí nhí,

– Dạ! Em muốn trình bày với Thái Sơn một chuyện.

Có gì cứ nói đi! Tôi từ tốn.

Minh rụt rè nhìn tôi rồi ấp úng,

– Trình Thái Sơn! Em không phải là nội tuyến đâu! Em bị nghi oan!

Tôi lấy làm lạ, tại sao Trung sĩ Minh lại tự ý tới gặp tôi để nói chuyện này, vì tôi có để lộ cho anh ta biết rằng tôi đã đọc biết lý lịch của anh ta đâu?

– Nội tuyến cái gì? Ai nói chú là nội tuyến mà chú phải phân trần với anh?

– Dạ! Em nghe mấy anh bạn trong ban Truyền Tin của Liên Ðoàn 23 nói rằng em bị xuất ngành vì bị tình nghi làm nội tuyến.

– Chắc tụi nó đồn bậy đó! Ðừng có lo nghĩ gì cho mệt xác! Ở đây có anh! Anh tin rằng chú không làm bậy là được rồi!

– Em cám ơn Thái Sơn!

Miệng trả lời tôi mà đầu Minh vẫn cúi nhìn xuống đất. Vài phút sau anh trung sĩ ngửng mặt lên, tôi thấy hai dòng nước mắt đang lăn xuống má anh ta.

Tôi chợt thấy lòng xót xa. Người đứng trước mặt tôi không thể là một tay giỏi đóng kịch. Những giọt nước mắt kia chắc chắn là kết quả của những ưu tư, lo sợ, muộn phiền, và uất ức tạo nên.

Tôi chỉ tay xuống bãi cỏ trước mặt,

– Chú ngồi xuống đây anh có chuyện cần hỏi.

Minh từ từ ngồi xuống trước mặt tôi. Tôi bắt đầu tìm hiểu con người trước mặt với câu,

Xem thêm:   Bên hồ Thác Bà

– Trước khi đi lính, chú có gia nhập đảng phái hay đoàn thể nào không?

– Dạ không! Em học xong chương trình Ðệ Nhất Cấp thì đi làm thợ hàn để giúp đỡ mẹ em. Tới năm 1971 em xin được cái Chứng Chỉ Ðệ Nhị rồi tình nguyện theo học khóa Hạ sĩ quan của trường Ðồng-Ðế. Ra trường, em được chọn về Biệt Ðộng Quân, rồi bị đưa đi Vũng-Tàu, thụ huấn lớp Hạ sĩ quan Truyền Tin. Mãn khóa học, em được phân phối về Ðại Ðội Truyền Tin của Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân/ Quân Khu 2, dưới quyền Ðại úy Táo. Ngày đó Thái Sơn còn là Ðại úy Trưởng Phòng 2.

Cựu Th/tá Trần Đình Đàng và cựu Th/tá Vương Mộng Long – 2004 USA 

Tôi đổi đề tài,

– Thân nhân của chú có ai đi tập kết không?

– Trình Thái Sơn! Bố em đi tập kết năm em vừa lên bốn. Em còn hai đứa em, một đứa em trai sinh năm 1952, một đứa em gái sinh năm 1953. Em không nhớ bố tên gì. Em đã nhiều lần thắc mắc với mẹ nhưng mẹ cứ trả lời rằng mẹ đã quên rồi! Trên giấy tờ thì mẹ khai tụi em có cha vô danh nên tụi em mang họ mẹ. Hiện thời mẹ em và hai em của em sinh sống ở Nghi-Xuân. Gia đình em vào đó từ thời cụ Diệm thành lập các khu Dinh Ðiền.

Tôi hỏi tiếp,

– Ở Ðại Ðội 2 Truyền Tin chú giữ công việc gì?

– Em là hạ sĩ quan mật mã, mỗi ngày em mã hoá các công điện gửi đi, giải mã các công điện mật từ nơi khác chuyển về.

– Chú có vào máy chuyển công điện hằng đêm, hằng ngày hay không?

– Dạ không! Từ tháng Giêng 1972 cho tới ngày có lệnh ra Liên Ðoàn 23. Ban ngày em chỉ làm công tác chuyên môn, ban đêm em phải trực gác pháo đài hay cổng chính của đại đội.

Tôi vỗ vai Minh ôn tồn,

– Ðược rồi! Anh sẽ giải oan cho chú! Chú về lều đi! Ðừng lo nghĩ gì nữa!

Sở dĩ tôi quả quyết người hạ sĩ quan này không phải là kẻ gian chỉ vì ngay từ đầu, tôi chưa cật vấn, anh ta đã thành tâm, tự ý cho tôi biết gia phả của anh ta.

Anh ta không phải là người trực tiếp chuyển công điện; nếu anh ta muốn chuyển tin cho địch bằng phương cách khác thì cũng vài ba ngày sau, tin mới tới tay người nhận.

Trong khi đó thì, hằng đêm, các đài kiểm thính của ta đều báo cáo rằng Việt-Cộng có trong tay toàn bộ điểm đóng quân đêm của các đơn vị Biệt Ðộng Quân Vùng 2 chỉ vài giờ sau khi Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân/ Quân Khu 2 gửi bản tổng kết lên Quân Ðoàn II.

Trước đây, mỗi lần về Pleiku, tôi thường vào gặp Ðại tá Tất để lưu ý ông chuyện này. Ông Tất đã ra lệnh cho Phòng An-Ninh của Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân/ Quân Khu 2 mở những cuộc điều tra theo dõi những kẻ tình nghi.

Ðã xảy ra nhiều chuyện thay đổi nhân sự ở các phòng, ban liên quan tới đặc lệnh truyền tin hay khóa mật mã.

Trung sĩ Nguyễn Minh và một vài nhân viên văn phòng khác đã bị xuất ngành và thuyên chuyển lâu rồi, mà tình trạng tin tức bị tiết lộ vẫn còn tiếp tục thì nhất định người chuyển tin cho địch vẫn chưa bị phát giác.

Tôi có cảm tưởng rằng, tên nội tuyến ấy vẫn còn sống phây phây đâu đó ngay trong Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân/ Quân Khu 2 ở Pleiku chứ không đâu xa.

Xem thêm:   Bên hồ Thác Bà

Bốn mươi năm sau chiến tranh, ở Mỹ, qua điện thoại, ông Cựu Chuẩn tướng Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ Huy Biệt Ðộng Quân/ Quân Khu 2 than phiền với tôi rằng ông không ngờ viên Ðại úy Ðại đội trưởng Ðại Ðội Truyền Tin Biệt Ðộng Quân/ Quân Khu 2 lại là một thượng úy nội tuyến của Việt-Cộng!

Trong hai ngày 25 và 26 tháng 9 có ít nhất năm, sáu vụ bắn tỉa nhắm vào Căn cứ Ðạo-Trung.  Về phía Tiểu Ðoàn 82 Biệt Ðộng Quân không có đe dọa gì. Có thể vì chúng tôi tới đây bằng chân, không có xe cộ rầm rộ, nên địch chưa phát giác ra vị trí trú quân của tôi. Lý do thứ nhì là anh em chỉ nấu nướng một lần vào lúc chạng vạng tối, sương mù che khói lửa, địch không nhìn ra.

Trưa ngày 27 tháng 9 năm 1974 Ðại tá Từ Vấn đáp xuống mặt tỉnh lộ, cách lều của tôi vài chục thước.

Sau ba ngày nghỉ phép đặc biệt ở Sài-Gòn, ông Vấn đã bay ra Nhơn-Cơ bằng Air Việt-Nam rồi nhờ trực thăng của Ðại tá Nghìn để tới đây.

Máy bay vừa trở đầu cất cánh thì phòng không Việt-Cộng đã “Choang choác!” từ khe suối bên hướng Tây bắn sang.

Ông đại tá chạy vội vào lều của tôi rồi lấy máy truyền tin của tôi để ban lệnh cho các đơn vị thuộc quyền.

Nửa giờ sau, bộ chỉ huy Tiểu Ðoàn Ðịa Phương Quân của Thiếu tá Bùi Ngọc Long phải di chuyển sang trú quân trên một ngọn đồi ở hướng Ðông liên tỉnh lộ để nhường chỗ cho Biệt Ðộng Quân thiết lập Bộ Chỉ Huy Hành Quân của Liên Ðoàn 24.

Trong khi các quân nhân Biệt Ðộng Quân đang căng võng đào hầm, thì đạn đại bác của Cộng-Quân từ hướng Tây ào ào bay tới. Gần hai chục viên 105 ly đã rơi trên mặt Liên Tỉnh Lộ 8B, may mắn là không có ai bị thương.

Chiều 27 tháng 9 năm 1974 tôi được lệnh sang Căn cứ Ðạo-Trung để họp hành quân.

Cựu Th/tá Vương Mộng Long và cựu Tr/tá Hoàng Kim Thanh – USA 2007

Trong phòng họp chỉ có năm người cầm đầu liên đoàn. Ðại tá liên đoàn trưởng mở đầu buổi họp với giọng thật là nhỏ nhẹ,

– “Tông Tông” bắt tụi mình phải khai thông con đường này trước ngày lễ thành lập Quân Ðoàn II để ổng ra thăm Pleiku và Quảng-Ðức, rồi gắn huy chương cho các chiến sĩ hữu công. Ông Nghìn cho mình 10 ngày, nhưng tôi thấy, nếu cố gắng, mình có thể hoàn tất công việc này trong vòng một tuần.  (Tông Tông: Tổng Thống)

Nghe ông liên đoàn trưởng ban lệnh, tôi nhớ lại, trong buổi họp hành quân cách đây ba ngày thì, Tiểu Ðoàn 63 sẽ là nỗ lực chính, còn Tiểu Ðoàn 82 là thành phần trừ bị, tôi bèn giơ tay vỗ nhẹ lên vai Thiếu tá Trần Ðình Ðàng, Tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 63 Biệt Ðộng Quân, để an ủi,

– Ông tổng thống ra lệnh hoàn thành công tác trong vòng 2 tuần lễ, tức là 14 ngày, ông tỉnh trưởng rút xuống còn 10 ngày, ông liên đoàn trưởng trả giá thấp chút nữa thành …7 ngày! Thế thì kỳ này niên trưởng Ðàng của tôi hơi mệt đó!

Tôi kêu Thiếu tá Trần Ðình Ðàng là “niên trưởng” chỉ vì ông thiếu tá này xuất thân từ Khóa 15 Ðà-Lạt, ngang vai với các ông thầy dạy tôi trong trường Võ-Bị Quốc-Gia Việt-Nam.

Nào ngờ tôi vừa dứt lời, Ðại tá Từ Vấn đã giơ tay, quơ quơ trước mặt,

– Khoan! Khoan! Các ông im lặng nghe tôi nói đây! Lệnh hành quân bây giờ đổi lại là, Tiểu Ðoàn 82 sẽ đảm nhận vai trò nỗ lực chính, dồn sức bứng các chốt chặn hướng Tây tỉnh lộ; Tiểu Ðoàn 81 có nhiệm vụ thám sát mặt lộ, rà mìn và đặt các trạm an ninh; Tiểu Ðoàn 63 vì có ông tiểu đoàn trưởng mới từ Vùng 3 thuyên chuyển ra, chưa quen địa thế Vùng 2 nên được đi sau bộ chỉ huy liên đoàn và là thành phần trừ bị!

Tôi sững người ngồi im không phản ứng ngay được. Sao lại có chuyện kỳ vậy nè? Rõ ràng ba ngày trước ông Vấn nói, vì chúng tôi mới bị vây lâu ngày, có nhiều người chết và nhiều người bị thương chưa xuất viện, nhiều tân binh vừa bổ sung chưa quen trận mạc, nên ông ta cho 82 làm trừ bị, nay chẳng hiểu vì duyên cớ gì mà đột nhiên ông ta đổi ý bắt 82 làm nỗ lực chính?

Xem thêm:   Bên hồ Thác Bà

Tôi đứng dậy, trợn mắt nhìn Ðại tá Vấn, rồi lớn tiếng,

– Ba ngày trước Ðại tá cho tôi làm trừ bị, ba ngày sau ông lại bắt tôi “húc” ông làm cái gì mà kỳ vậy?

Thấy tôi nổi dóa, Ðại tá Từ Vấn bèn ra dấu cho hai vị tiểu đoàn trưởng kia lui ra rồi đấu dịu,

– Không phải trận này anh cố ý ép Long. Chỉ vì anh biết khả năng hai ông tiểu đoàn trưởng kia không thể hoàn thành công tác đúng thời hạn mà tổng thống giao, rồi cuối cùng chú vẫn phải vào trận. Chi bằng anh giao việc này cho chú ngay từ đầu.

Tôi vùng vằng bước ra khỏi phòng họp, cúi đầu đi về lều, không thèm đôi co thêm tiếng nào.

Lúc đó mặt tôi nóng bừng bừng, hai tay run lên vì giận. Rõ ràng ông Vấn là một cấp chỉ huy không công bằng! Trận Pleime tiểu đoàn tôi chịu trận hơn một tháng trời, bị chết chóc, thương tật cả trăm người, Tiểu Ðoàn 81 đánh nhau vừa đúng một ngày thì tan hàng, bỏ chạy, Tiểu Ðoàn 63 từ ấy tới nay không phải bắn một phát súng nào vì cứ núp ở đàng sau xa.

Nay thấy lệnh của tổng thống ban ra, các ông chỉ huy sợ không hoàn thành nhiệm vụ thì sẽ bị khiển trách nên bắt Tiểu Ðoàn 82 “húc” tiếp!

Tới sẩm tối, thằng Bích vào báo cho tôi hay trung tá liên đoàn phó đang đứng dưới đường chờ vào gặp tôi có việc cần. Tôi bảo nó,

– Mi xuống nói với ông trung tá rằng thiếu tá mệt, đi ngủ rồi!

Vừa lúc đó Trung tá Hoàng Kim Thanh đã chui vào lều, ngồi nơi đầu võng của tôi, vừa cười vừa nói,

– Bớt nóng đi chú em! Anh sang nói chuyện với chú vài phút, nghe xong, chắc chú sẽ hết giận ngay thôi!

Tôi miễn cưỡng ngồi dậy,

– Anh có gì cần thì nói đi! Tôi bực cái ông Vấn này quá! Tiền hậu bất nhất!

Trung tá Thanh ra dấu cho Binh 1 Nguyễn Bích đi ra ngoài, rồi hạ giọng,

-Trưa nay anh và ông Hai Lẻ Chín có họp riêng với Ðại tá Nghìn. Ông Nghìn cho biết nếu không khai thông được con đường này đúng thời hạn thì ông ta sẽ mất việc, nên ông ta cứ nài nỉ ông Vấn cố gắng lên. (Hai Lẻ Chín hay 209, là danh xưng truyền tin của Ðại tá Từ Vấn)

Tôi cự nự,

– Bộ cứ sợ ông Nghìn bị mất việc là các ông bắt tiểu đoàn tôi phải đâm đầu vào chỗ chết hay sao?

– Không phải thế đâu! Anh với ông Vấn sợ Thằng 63 vào trận, chưa chi đã chạy thì quân ta sẽ mất tinh thần. Việc này sẽ ảnh hưởng tâm lý tới các tiểu đoàn khác. Cuối cùng cũng phải nhờ tới chú. Chi bằng cho chú đánh từ đầu, chắc chắn sẽ xong việc thôi!

– Thế còn Thằng 81?

Anh Thanh lắc đầu,

– Sau khi thằng Lân (Tiểu đoàn trưởng 81) bị Việt-Cộng chặt đầu, thằng Ngọc (Tiểu đoàn phó 81) mất tích, thì tinh thần binh sĩ của Tiểu Ðoàn 81 sa sút trầm trọng lắm! Không còn ngon lành như trước đây nữa đâu! Chúng nó đang chờ ngày đi tái huấn luyện dưới Dục-Mỹ.

(còn tiếp)