Nhiều kỳ – kỳ 1

Chuyện ở đầu nguồn Da Dung…

Tôi ngồi chen vai cùng bảy người lính Biệt Ðộng Quân khác trên sàn chiếc trực thăng thứ nhì trong đội hình của mười hai chiếc UH1 D chở quân tham chiến ngày hôm đó.

Dưới bụng con tàu là một dải bạt ngàn, tre nứa màu xanh.

Chúng tôi đang bay trên vùng rừng già của Cao Nguyên Bảo-Lộc. Dưới kia là con sông Da Dung (Ðọc là: Ða Dung) uốn mình qua một khúc quanh.

Ðoàn tàu lượn vòng vòng trong khi trực thăng võ trang bắn phá ầm ầm để dọn bãi.

Từ tọa độ của bãi đáp này, con sông bắt đầu có thêm cái tên mới là Ðồng Nai nằm kế cái tên Da Dung. Tên Ðồng Nai còn đóng trong ngoặc đơn (Ðồng Nai).

Hai cái tên Da Dung và Ðồng Nai còn đeo theo nhau trên một đoạn đường dài, tới địa phận ranh giới Trung Phần và Nam Phần thì địa danh Da Dung biến mất, chỉ còn lại tên Ðồng Nai thôi.

Chúng tôi đổ bộ trên một bãi cát ven bờ Bắc.

Trên bản đồ thì đây là một vạt cát trắng bất di dịch, nhưng trên thực tế thì vào mùa mưa, bãi hẹp hơn mùa khô.

Hôm ấy là một ngày đầu tháng Tám, giữa mùa mưa năm 1968, mực nước sông dâng cao, sắp tràn bờ.

Bên hướng Ðông bãi đáp là một dãy đồi cao, rừng tre, dốc đứng.

Ðoàn quân 96 người dàn hàng ngang tiến lên ngọn đồi gần nhất.

Tôi cứ leo lên được hai bước, thì lại bị tụt xuống một bước; đường trơn như mỡ, đất đỏ quánh như hồ.

Chúng tôi yên tâm leo, vì tin tưởng vào hỏa lực hùng hậu của bốn chiếc trực thăng vũ trang Cobras đang “Bập!Bùng! Oành! Oành!” nổ ngay trước mặt.

Không lâu sau, chúng tôi làm chủ ngọn đồi; trên đồi không có địch!

Chiếm xong ngọn đồi, để bảo đảm an ninh, tôi liền cho một toán tiền sát thăm dò dấu vết địch dưới con suối và ngọn đồi trước mặt. Vì nếu không mở rộng vòng đai an ninh xa, có nhiều khi quân ta và quân địch nằm cách nhau chỉ vài chục thước mà ta không hay.

Có những cấp chỉ huy ơ hờ không đề phòng, cứ ngừng quân là hạ trại qua đêm liền, đâu ngờ trước đó, địch đã ở sẵn sát bên. Tới khi bị địch tập kích bất ngờ thì không tài nào trở tay kịp.

Sau khi ra lệnh cho Thiếu úy Ðặng Hữu Duyên lo việc kiểm quân, tôi mồi một điếu thuốc Lucky rồi ngồi xuống nghỉ.

Chợt từ phía hậu quân, tôi nghe léo nhéo, “Ông cho đếm lại đi!” tiếng Thiếu úy Duyên ra lệnh cho một vị trung đội trưởng.

Rồi tiếp đó, “Tụi mày ngồi im tại chỗ để tau đếm. Một, hai, ba, bốn, năm… Trình Thiếu úy mới có hăm ba, thiếu hai đứa!” 

tiếng Thượng sĩ Nguyễn Lược, Trung đội phó, Trung đội 3.

Một phút sau, “Thiếu úy ơi! Thiếu thằng Ðông và thằng Hậu.” tiếng ông Lược.

“Ông cho anh em khói lửa đi! Tôi sẽ trình với Trung úy phái người xuống kiếm hai thằng này.” tiếng ông Duyên(Khói lửa: nấu cơm, nấu bếp)

Anh Duyên trở về ban chỉ huy, nói nhỏ với tôi,

– Tôi kiểm quân rồi, cả đại đội thiếu hai người, là thằng Ðông và thằng Hậu của Trung đội 3. 

Tôi ra lệnh,

– Ông cho toàn bộ Trung đội 3 quay lại bãi đáp tìm hai thằng đó ngay!

Nhận lệnh của tôi, cả Trung đội 3 vội dẹp bếp núc, nồi niêu, nhanh chóng xuống đồi.

Mười phút sau trong máy truyền tin có tiếng Thượng sĩ Lược,

– Lạ quá! Thái Sơn xuống mà coi! 

– Gì vậy?

– Thái Sơn xuống coi đi! Hình như hai thằng này bỏ trốn chứ không phải đi lạc!

Ủa? Chờ đó đi! Tôi xuống ngay!

Ðội mưa, tụt xuống dốc, chỉ mấy phút sau tôi và ba anh lính hộ tống đã tới bờ sông.

Trung đội 3 đang bố quân hướng cuối nguồn. Thượng sĩ Lược đưa tay vẫy,

Trung úy ơi! Lại đây!

Tôi tiến nhanh về phía ông Lược.

Vì có rừng cây cao che chở, nên mưa chưa xóa mờ dấu chân giày in trên cát. Rõ ràng có hai dấu giày đi rừng, một lớn, một nhỏ, đè lên nhau nhắm hướng một ngọn đồi hướng Tây Bắc của bãi đổ quân. Trong khi đó thì dấu chân của đơn vị tôi lại quần nát cả một vùng rộng lớn trải dài từ bãi đáp trực thăng tới chân ngọn đồi hướng Ðông Bắc.

Chắc chắn hai anh lính này đã bỏ ngũ giữa rừng già. Họ đi ngược đường của đơn vị.

Tôi ra dấu cho Trung đội 3 chia hai cánh theo sát dấu giày phía trước. Tới chỗ chân dốc, tôi cho quân ngừng lại.

Nơi này còn cách Liên Tỉnh Lộ 8 B gần hai cây số.

Muốn tới Gia-Nghĩa, Quảng-Ðức, phải đi qua một đoạn đường dài hơn hai chục cây số nữa.

Xem thêm:   Bên hồ Thác Bà

Con đường Liên Tỉnh Lộ 8 B từ Gia-Nghĩa, Quảng- Ðức đến Di-Linh, Lâm-Ðồng đã bị bỏ hoang lâu lắm rồi. Nếu hai anh lính này mà mò ra đường chắc chắn sẽ gặp Việt-Cộng.

Tuy trong bụng tôi nghi hai anh tân binh này đã trốn đi, nhưng bắt buộc tôi phải cho Trung đội 3 ém quân bên bãi đáp, phòng khi hai anh này quay trở lại.

Trung đội 3 vào vùng kỳ này không có trung đội trưởng, Chuẩn úy Ðinh Quang Biện bị sốt rét phải nằm bệnh viện Ðà-Lạt.

Ông Thượng sĩ già đành phải thay ông Chuẩn úy trẻ để đảm nhận chức vụ chỉ huy.

Tôi nói với Thượng sĩ Lược,

– Ông cho anh em nằm trong bìa rừng. Nếu có động tĩnh gì thì cho tôi hay.

Leo lên đồi, tôi báo chuyện này cho Ðại úy tiểu đoàn trưởng. Tôi xin ông cho phép tôi tiến quân chậm lại một vài ngày.

Sáng hôm sau, tôi cho lệnh Trung đội 3 bắn cầm chừng, vài ba phút một viên về hướng Tây Bắc, hy vọng nghe tiếng súng, hai anh tân binh sẽ quay lại.

Một ngày dài qua đi, tôi không có tin tức gì về hai người lính mất tích.

Ngày tiếp theo, để bảo đảm an ninh vị trí đóng quân, tôi ra lệnh cho Thiếu úy Duyên dẫn Trung đội 1 của Thượng sĩ Ngọ và Trung đội 2 của Thiếu úy Vi tiến về hướng chính Bắc để thăm dò tình hình địch trên hai ngọn đồi cao trước mặt.

Trung đội 1 và Trung đội 2 đi rồi, Trung đội 3 còn ở dưới suối, nên trên đồi hiện giờ chỉ còn Trung đội chỉ huy, với khẩu đội cối 60 ly và hai khẩu đội đại liên M60.

Phút chốc tôi cảm thấy ngọn đồi như rộng thêm ra, tiếng thác đổ từ dưới chân đồi vọng lại nghe như rõ hơn, gần hơn.

Tôi ngồi bên một bếp lửa hồng, mặt tôi nóng bừng bừng, nhưng lưng tôi lại lạnh toát như đang có một cục nước đá trượt qua, trượt lại dọc theo xương sống.

Suốt hai ngày dầm mưa, thêm một đêm thức trắng, có lẽ tôi đã bị cảm mạo mất rồi!

Bỗng tôi nghe dưới bãi đáp có tiếng súng nổ ran, rồi tiếng Thượng sĩ Lược trên tần số,

-Trình Thái Sơn! Tụi nó giả trang làm Biệt Ðộng Quân! Thái Sơn coi chừng cẩn thận!

Nghe ông Lược nói, tôi chẳng hiểu gì cả, nên gặng lại,

– Cái gì? Ai giả dạng? Có gì mà bắn phá tùm lum dưới đó vậy?

Dạ! Việt-Cộng nó giả dạng Biệt Ðộng Quân! Chúng nó chui ra khỏi rừng bắn nhau với tụi tui mấy viên rồi chạy mất!

– Kết quả ra sao?

– Dạ! Bên ta vô sự! Bên địch cũng … vô sự!

– Thôi! Cuốn gói về đây!

– Dạ!

Tôi gọi Y tá Ðức lên, xin mấy viên thuốc cảm, rồi ngồi chờ ông Lược.

Chừng mười lăm phút sau thì Trung đội 3 về tới vị trí trú quân.

Thượng sĩ Lược vừa thở, vừa tóm lược chuyện xảy ra cho tôi nghe.

Thì ra sáng nay lính gác thấy thấp thoáng bóng người xuất hiện nơi bìa rừng Tây Bắc bèn cho lệnh báo động. Sau đó có tiếng la:

“Ðừng bắn! Tôi đi lạc, trở về! Ðừng bắn!”

Cũng may là, lúc đó Thượng sĩ Lược có mặt ở phòng tuyến ngoài, ông Lược nhìn thấy hai người mặc quần áo rằn ri, nhưng tay lại thủ súng AK47, tiếng nói lại là giọng Bắc.

Ông Lược biết chắc chắn rằng, hai anh tân binh thất lạc là người Nam, không thể đổi thành giọng Bắc rặt như thế được!

Rồi ông đã có phản ứng thật nhanh. Tay ông bóp cò khẩu M 16, miệng ông la lớn,

-Việt-Cộng! Bắn đi! Bắn đi! Anh em ơi!

Mấy anh lính trong trung đội, nghe người chỉ huy la thất thanh ra lệnh bắn, nên vội ôm súng tác xạ văng mạng, miệng cũng thét vang,

– Việt-Cộng! Việt-Cộng! Bắn! Bắn!

Hai mươi ba khẩu M 16 liên thanh đua nhau nổ rền.

Tiếc thay! Quân của ông thượng sĩ già phản ứng nhanh như vậy mà địch cũng chẳng chết thằng nào!

Ngày kế đó tôi cho Trung đội 2 của Thiếu úy Vi thay thế Trung đội 3, tiếp tục phục kích các ngã đường dẫn về bãi đáp, nhưng không phát giác động tĩnh gì.

Tôi báo cho tiểu đoàn biết chuyện địch giả trang người của ta để đánh ta, và đề nghị ông tiểu đoàn trưởng thông báo chuyện này cho các đơn vị bạn để đề phòng.

Quả nhiên hai ngày sau, đại đội của Trung úy Nguyễn Văn Cơ thuộc Tiểu Ðoàn 22 Biệt Ðộng Quân hoạt động cách tôi ba cây số về hướng Tây cũng bị địch giả dạng Biệt Ðộng Quân để đột kích.

Xem thêm:   Bên hồ Thác Bà

Vì đã được thông báo đề phòng, nên quân bạn đã bắn chết ngay hai tên Việt-Cộng mặc quân phục rằn ri đi đầu, còn bọn giặc núp theo sau cũng phải ùa nhau chạy bán mạng.

Kỳ hành quân này nhiệm vụ của đại đội tôi là tìm và phá hủy các căn cứ tăng gia sản xuất của địch trong rừng núi vùng ba mươi cây số Ðông Nam thị trấn Gia-Nghĩa tỉnh Quảng-Ðức. Vì chuyện hai người lính thất lạc mà mấy ngày nay, chúng tôi cứ loanh quanh gần khu vực bãi đáp, không tiến lên được bước nào.

Tới ngày thứ năm tôi cho đơn vị nhổ neo nhắm hướng chính Ðông.

Mục tiêu chúng tôi phải tới ngày hôm đó có tên là “Bravo” điểm xa nhất trên phóng đồ hành quân trong tay tôi. Bravo là làng Bích-Khê nằm cách nơi tôi đạp đất gần năm cây số.

Qua một cái thông thủy, chúng tôi leo lên một ngọn đồi, mặt đất thoai thoải về Ðông Bắc, tre rừng đã bị phát quang, dọn thành từng đống, sẵn sàng đốt để làm nương lúa lốc.

Như vậy những người chặt nương, phát rẫy ở cách đây không xa. Vùng này không có dân, người khai nương phải là cán binh trực thuộc một đơn vị tăng gia của địch.

Tôi bị cơn sốt rét rừng hành hạ gần bốn ngày rồi. Mặt tôi thì nóng phừng phừng, còn hai chân tôi lại nặng như đeo chì. Tôi phải nhờ vào một cái gậy chống để bước đi không bị lảo đảo.

Ngày nào Y tá Ðức cũng phải chích cho tôi một liều thuốc ký ninh chống sốt rét cùng một mũi Calcium cho ấm phổi.

Dù đã cố gắng hết sức để chữa trị cho tôi, nhưng chú Ðức bắt đầu nản lòng rồi; Ðức khuyên tôi xin máy bay tải thương để về Bệnh Viện Ðà-Lạt chữa bệnh.

Bình thường thì tôi đã nghe lời chú Ðức rồi, nhưng với tình hình hiện giờ, đơn vị tôi có thể chạm trận bất cứ lúc nào, nên tôi không dám xin tản thương mà để đại đội lại cho người khác chỉ huy. Tôi hy vọng không có gì bất trắc xảy ra trên đoạn đường từ đây cho tới Bravo. Tới Bravo sẽ không còn bị rừng già che phủ, bớt sơn lam, chướng khí thì người bệnh sẽ dễ thở hơn.

Chúng tôi ẩn mình trong rừng để di chuyển.

Tới cuối dốc, tai tôi bỗng nghe tiếng tre uốn, “Ken két! Rào rào!” như có bão.

Tiếng động không ào lên như cơn gió lốc, mà di chuyển thành luồng, giống như có con trăn hay con giồng khổng lồ đang uốn khúc lượn qua các ngọn tre.

Tôi cho anh em dừng lại, ghìm súng chờ. Lần đầu thuộc cấp của tôi thấy tôi làm điều mà ít khi họ thấy, tôi rút cây Colt 45 ra, quỳ gối, thủ thế sẵn sàng bóp cò!

Rồi thì, “Vèo! Vèo! Ào! Ào!” trên ngọn tre có những vật đen bay từ cây này sang cây khác.

Mỗi vật đen to bằng cái balô mang vai của lính.

Hóa ra đó là một đàn vượn rừng. Chúng di chuyển bằng cách đu mình theo đà nhún của những cây tre.

Thân tre oằn xuống, rồi tưng lên, cành tre đập vào nhau nghe,“Ken két! Rào! Rào!” từng đợt.

Khi đu mình ngang chỗ đoàn quân đang núp dưới gốc tre, lũ vượn phát giác ra sự hiện diện của con người, chúng kêu lên,“Khẹc! Khẹc! Chí! Chí! Oé! Oé!” báo động cho nhau, rồi rẽ sang hướng khác.

Bất thình lình, từ ống liên hợp của máy truyền tin PRC 25 phát ra tiếng kêu,

“Thái Sơn đây Linh Hồ gọi!”

Trong máy, ai đó tự nhiên xuống giọng ở cuối câu, khiến cho hai tiếng “Linh Hồ” nghe giống như “Linh Hồn”

“Thái Sơn! Ðây Linh Hồn gọi!”

Tôi thót bụng.

Trời đất!

Bộ chỉ huy tiểu đoàn gọi tôi vào đúng lúc tôi đang “lên ruột”

Những khi tinh thần căng thẳng như thế này mà nghe ba tiếng “Linh Hồn gọi!” thấy ớn quá!

Mấy ông thảo ra đặc lệnh truyền tin không chịu để ý tới ảnh hưởng tâm lý khi người nghe đang ở trong vị thế chuẩn bị đánh nhau.

Sắp sửa đánh nhau, sắp sửa nổ súng, mà nghe “Linh Hồn gọi” thì sợ lắm!

Sao các ông ấy không đặt cho tiểu đoàn tôi cái tên “Giao Linh” hay “Chế Linh” có phải là dễ nghe hơn, đỡ sợ hơn không?

Xem thêm:   Bên hồ Thác Bà

Khi biết người đầu máy bên kia là sĩ quan Ban 3 tiểu đoàn; anh bạn này cùng khóa với tôi; tôi cằn nhằn,

– Mày nói với Hoàng Mai bỏ cái tên “Linh Hồ” đi! Tao nghe “Linh Hồ gọi” mà cứ tưởng là “Linh Hồn gọi” tao ớn quá!

(Hoàng Mai là danh hiệu của ông tiểu đoàn trưởng)

Anh bạn tôi cười hì hì,

– Ừ! Ðể tao nói với Hoàng Mai cho đổi tên ngay tối nay theo yêu cầu của màyCòn bây giờ thì nghe đây: Nội nhật ngày mai mày phải có mặt trên Bravo. Mày trễ mất ba ngày rồi đó!

Tôi nói,

– Yên chí đi! Chiều nay tao sẽ có mặt trên mục tiêu.

– Mày có cần tiền oanh kích thì tao xin cho mày ngay.

– Không cần! Tao biết, chỉ mười lăm, hai mươi phút sau khi chạm địch, mình đã có Cobra rồi.

Sau khi vượt qua một con suối sâu tới bụng và một cái dốc đứng, chúng tôi đặt chân lên một bình nguyên cỏ tranh. Cuối bãi, dưới dốc là một buôn Thượng đã bỏ hoang nằm bên phải cây cầu gãy trên Liên Tỉnh Lộ 8B.

Từ buôn Thượng này đi theo liên tỉnh lộ chừng một cây số nữa về hướng Ðông Nam thì tới Bích-Khê.

Tôi dàn quân trên cao, sẵn sàng yểm trợ cho Trung đội 2 thám sát cái buôn Thượng.

Sau khi lục soát kỹ buôn Thượng này, tôi cho lệnh Trung đội 2 chốt giữ nơi đó luôn, nhưng tuyệt đối cấm đốt khói và gây tiếng động.

Thành phần còn lại của đại đội lập tức dàn hàng tiến theo trục lộ. Ðường Liên Tỉnh 8B đi xuyên qua thôn Bích-Khê.

Khi họp hành quân chúng tôi được Ban 2 liên đoàn cho biết, thời Cụ Diệm làng Bích-Khê là một khu dinh điền trù phú, nay thì nó đã bị bỏ hoang lâu rồi.

Làng Bích-Khê này tọa lạc trên đỉnh một ngọn đồi. Từ đỉnh đồi, tôi có thể nhìn bao quát một vùng xa. Phong cảnh ở đây thật là tuyệt đẹp!

Hướng Ðông, con đường đổ xuống một thung lũng rộng; hướng Nam là dốc đứng; hướng Bắc có con suối lớn và sâu bao quanh.

Nhìn con suối xanh biếc chảy xiết trong cái thung lũng cũng là một đồng cỏ xanh bạt ngàn, tôi chợt hiểu, vì sao người ta đặt tên cho cái làng này là “Bích Khê”. Bích Khê có nghĩa là “Suối Biếc”.

Dưới kia, suối biếc bắt nguồn từ một cái hồ ngợp bóng chim đang săn cá. Mặt hồ gợn sóng lăn tăn.

Nhìn qua cấu trúc của làng Bích-Khê, tôi đoán chừng xưa kia làng này là một Ấp Chiến Lược 5 cạnh có hàng rào bằng tre đực.

Nay Bích-Khê đã thực sự điêu tàn. Di tích văn minh thời Ðệ Nhất Cộng-Hoà còn lại là dăm gốc xoài, gốc ổi bên mấy cái nền nhà cũ.

Không những vườn tược trong thôn đã thành rừng um tùm, trên mặt liên tỉnh lộ cũng đã có nhiều cây loại thân mộc mọc cao.

Ðáng ngại nhất là con đường mòn chạy từ Tây Nam lên Ðông Bắc, xuyên qua ngay giữa làng. Ðường mòn này đang được sử dụng thường xuyên nên cỏ không mọc nổi.

Vô tình, con đường mòn này và đường Liên Tỉnh 8B đã giao nhau, cắt Bích-Khê Thôn thành bốn mảnh.

Về hướng Bắc thì con đường đâm xuống suối.

Về hướng Nam, con đường chui vào cái khe giữa hai ngọn đồi có cao độ tương đương với cao độ của làng Bích-Khê; hướng Tây của hai ngọn đồi đó là một vùng ao hồ và đầm lầy.

Nhìn địa thế này, tôi chợt nảy ra một ý định mới, thay vì cho đặt một toán tiền đồn báo động trên ngọn đồi hướng Nam, tôi thay bằng một ổ phục kích ngay chân con dốc ngoài rào ấp chiến lược Bích-Khê.

Ba người được tôi giao trọng trách làm công tác phục kích ngày hôm đó là ba tay súng cự phách của đại đội: Hạ sĩ 1 Nguyễn Lác, người nấu cơm của Thiếu úy Duyên, cùng hai anh lính cật ruột của tôi là Hạ sĩ Nguyễn Phượng Hoàng và Binh 1 Phạm Công Cường.

Tôi đã đích thân đi cùng một tiểu đội hộ tống ba người này vào vị trí tác chiến xong xuôi rồi chúng tôi mới rút về.

Thế rồi, xế trưa hôm sau súng nổ, và chuyện được ba anh lính đi phục kích về kể lại…

Ðịch có khoảng mười tên. Một khinh binh ôm AK47 đi đầu. Phía dưới dốc, đằng sau nó là một đoàn bộ đội vừa đi vừa trò chuyện râm ran.

(còn tiếp)