Chuyện những người hôm nay là tỷ phú, vài năm sau thì sụp tiệm, chỉ còn ít tiền lẻ để mua big mac, uống cà phê Donut… là sự thật đã xảy ra trên đất nước Mỹ. Vậy! Chúng ta hãy coi thử, họ đã làm gì để mau “phát” nghèo như vậy!
Những tỷ phú đã chứng kiến tận mắt tài sản của mình cuốn gói ra đi.
Allen Stanford
Ông là người đã tận hưởng tới nơi tới chốn khối tài sản $2.2 tỷ, như đam mê máy bay riêng và du thuyền hạng sang trong thời kỳ vàng son của mình. Allen Stanford là một nhà tài chánh Mỹ và là người bảo trợ cho nhiều môn thể thao nhà nghề.
Nhưng vào năm 2009, ông đã bị lật tẩy là số tài sản có được do thu lợi bất chính trong màn lường gạt Ponzi lớn hạng nhì thế giới (Ponzi là màn lường gạt tài chánh kiểu “Kim tự tháp” phổ biến khắp nước Mỹ, Canada trước đây, mấy năm sau này có tới Việt Nam, với hình thức bán hàng tự quản, người sau mua hàng, trả tiền cho người trước như hình thức kim tự tháp).
Hiện nay Allen Stanford không còn một xu dính túi, năm 2012 bị xử gỡ 100 quyển lịch.

Allen Stanford. Nguồn. Tom shaw, Getty Images
Aubrey McClendon
Năm 2011, Aubrey McClendon nằm trên đống tài sản trị giá $1.2 tỷ, và là đồng sáng lập công ty Năng Lượng Chesapeake, một công ty tiên phong trong việc sử dụng công nghệ mới về ngành dầu khí thiên nhiên.
5 năm sau đó, ông được tạp chí Forbes gọi là “Tỷ phú liều mạng nhất nước Mỹ” khi ông mất hàng tỷ đô vì bị truy tố về tội âm mưu tổ chức đấu thầu các giàn khoan dầu và khí đốt vào tháng 3-2016. Ông chết ngay hôm sau vì tai nạn xe hơi.

Aubrey McClendon. Nguồn. Hunter Martin, Getty Images
Bernard Madoff
Bernard Madoff đã qua đời. Ông từng đẻ ra bao nhiêu tỷ đô la với tư cách là cố vấn tài chánh thành công vang danh của công ty chứng khoán Bernard L. Madoff Investment Securities. Năm 2009, ông bị buộc tội và cũng đã nhận tội lừa đảo những nhà đầu tư với số tiền lên tới 65 tỷ đô vì đã điều hành kế hoạch lường gạt kiểu “Kim Tự Tháp” lớn nhất thế giới trong suốt 2 thập niên. Ông bị tóm và xử 150 năm gỡ lịch với hệ thống an ninh tối đa, nhưng ông đã chết bất tử trong tù sau đó (!)

Bernard Madoff. Nguồn. Stephen Chernin.Getty Images
Elizabeth Holmes
Lúc ban đầu cô được ca tụng là giám đốc điều hành ngoại hạng của Theranos, một công ty mới ra đời có nhiều hứa hẹn trong cuộc cách mạng hóa về y tế với cách xét nghiệm máu rẻ tiền. Số cổ phần của cô trong công ty ước tính khoảng 4.5 tỷ đô, và ở lứa tuổi 30, Elizabeth Holmes được tạp chí Forbes vinh danh là cô gái tự làm ra tiền giàu nhất nước Mỹ.
Nhưng cả một loạt tố cáo, thưa kiện về những khai báo man trá với những yếu tố không chính đáng trong các cuộc thử nghiệm các phương pháp y tế mới trên bệnh nhân đã làm cho tương lai của Elizabeth Holmes tan tành mây khói. Cô và công ty bị buộc tội “Gian lận quá lớn” và tức nhiên là tiền bạc của cô thành khói mây trong nháy mắt, tạp chí Forbes đã liệt kê tài sản của cô ở số 0. Hiện nay cô đang bị đưa ra tòa xét xử.

Elizabeth Holmes. Nguồn. Lisa Lake. Getty Images
Bjorgolfur Gudmundsson
Ông là người đầu tư vốn liếng một cách khôn ngoan từ khi còn là cầu thủ túc cầu có hạng bằng cách nhào vô kinh doanh thức uống. Thị trường này đã làm cho ông trở thành tỷ phú với giá trị tài sản ròng $3.4 tỷ. Ông chơi ngon, đứng ra mua 2 đội banh của Anh, West Ham United và ngân hàng Icelandic bank Landsbanki. Nhưng Bjorgolfur Gudmundsson lại là nạn nhân chính của cuộc khủng hoảng ngân hàng tại Iceland năm 2008, và ông đã vi phạm một số thống kê kế toán, điều này đã khiến ông mất đi một số tiền lớn cho việc chống án, nên đến năm 2009, ông khai phá sản vì không có khả năng trả số nợ kếch xù.

Bjorgolfur Gudmundsson. Nguồn. The guardian
Eike Batista
Từng là một trong những người giàu nứt đố đổ vách của Ba Tây và chiếm hạng 7 trong danh sách các người giàu nhất thế giới. Hầu như ông kiếm khá tiền qua công ty tài nguyên thiên nhiên của mình. Năm 2012 tài sản của ông lên tới 30 tỷ đô. Theo CNBC, thì ông gần như thành “Trần văn trụi” 2 năm sau đó. Thật ra thì vào năm 2013 ông đã mất đi 19 tỷ đô. Và sau đó ông phải trả những món nợ lớn cho ngân hàng khi tổng công ty tài nguyên thiên nhiên của ông sập tiệm.Cuối cùng thì Eike Batista phải nộp đơn xin phá sản.

Eike Batista. Nguồn. FREDERIC J. BROWNAFP.Getty Images
Jocelyn Wildenstein
Jocelyn Wildenstein ở New York, nhưng sinh ra ở Thụy Sĩ, bà đã có tài sản ròng cỡ 2.5 tỷ đô từ cuộc ly dị với người chồng tỷ phú đã qua đời, chuyên buôn bán tranh nghệ thuật Alec Wildenstein. Jocelyn Wildenstein được gọi là “Người mèo” vì việc giải phẫu thẩm mỹ quá nhiều cho khuôn mặt của mình (nhìn giống con mèo), và nổi tiếng vì mức ăn xài 1 triệu đô mỗi tháng. Vào giữa năm 2018, bà chơi màn bankruptcy vì đã nợ hàng triệu đô, theo Fox News.

Jocelyn Wildenstein. Nguồn. Grant Lamos IV. Getty Images
Vijay Mallya
Tỷ phú nổi tiếng thích tiệc tùng của những năm 90. Vijay Mallya kiếm được 1.5 tỷ đô, là Nam tước giàu nhất Ấn Ðộ và chủ hãng hàng không Kingfisher. Nhưng vào năm 2012, ông bị rơi vô hoàn cảnh khó khăn vì hãng hàng không mang nợ hơn 1 tỷ đô. Những ăn chơi xa hoa đã khiến ông mang nợ ngân hàng quá nhiều, nhưng ông đã biến khỏi Ấn Ðộ và đang chống lại việc bị dẫn độ từ Luân Ðôn về Ấn để ra tòa và trả nợ.

Vijay Mallya. Nguồn. Jack Taylor. Getty Images
Adolf Merckle
Ông sở hữu 9 tỷ đô và thường có tên trong danh sách những người giàu của thế giới. Ông hái ra tiền với tư cách là tay trùm về thuốc và chế tạo thuốc hỗn hợp. Năm 2008 khủng hoảng tài chánh, công ty thuốc VEM đã mang nợ hơn 6 tỷ đô. Tới năm 2009 thì ông trắng tay và tự kết liễu đời mình bằng cách nhảy vô đoàn tàu hỏa đang chạy, để lại mảnh giấy “Tôi xin lỗi”

Adolf Merckle. Nguồn.Claus Felix. DPAPA
Patricia Kluge
Bà kết hôn với John Kluge, tỷ phú, ông trùm Tivi vào năm 1981, người đàn ông giàu nhất lúc đó ở Châu Mỹ với tài sản trị giá 5 tỷ đô. Họ ly dị năm 1990. Theo Tạp Chí Forbes, bà trở thành nhân vật được chia của khi ly dị giàu nhất nước Mỹ. Tài sản bao gồm khu bất động sản Albemarle estate lớn nhất ở Virginia. Tuy vậy, số tiền đầu tư vào nhà máy sản xuất rượu nho và khu đồn điền gần khu bất động sản gần Albemarle chưa được trả hết, nên vào năm 2008 bà tuyên bố bán ra thị trường. Hằng loạt các món nợ chồng chất chưa thanh toán và tình trạng tuột dốc của tài chánh đã khiến Patricia bắt đầu bán bớt nữ trang và những đồ nội thất đắt tiền nhằm ngăn chặn tình trạng phá sản, nhưng điều đó không thấm thía vô đâu. Khi người bạn cũ Donald Trump mua khu đồn điền nho vào năm 2011, ông có cho bà việc làm tại đó, nhưng bà cũng không làm được bao lâu.

Patricia Kluge (giữa). Nguồn. Lars Niki. Getty Images-
HĐV