Lực lượng tác chiến đặc biệt của Mỹ đã chuyển đến Alaska để huấn luyện. Sự kiện này cho thấy Mỹ rất quan tâm tới vùng băng giá. Họ chú trọng việc huấn luyện trong môi trường mà có thể họ sẽ chiến đấu trong tương lai.

Một đơn vị TQLC Mỹ tham gia tập trận Bắc Cực. Nguồn. hireaveteran
Cuộc tập trận quy mô tại Bắc Cực
Ðược biết, tham gia huấn luyện tại vùng băng giá này gồm lực lượng đặc biệt của Hải quân, các lực lượng tác chiến đặc biệt, lực lượng Mũ Xanh, các phi công ưu tú và lực lượng đặc biệt của Không quân. Họ đã trải qua cả tháng huấn luyện tại đây.
Trước đó, từ cuối tháng 2 tới giữa tháng 3, các đơn vị quân đội thông thường và đặc nhiệm đã cùng có mặt trong chiến dịch Arctic Edge 22 – cuộc thực tập hàng đầu về tác chiến tại Bắc Cực của quân đội Mỹ. Ðây là cuộc tập trận quy mô nhất của các lực lượng đặc biệt, quân đội địa phương, tiểu bang và lực lượng hành pháp tại Alaska. Ðơn vị Mũ Xanh thứ 10 và lực lượng đặc biệt 19 đã tiến hành cuộc tuần tra mục tiêu xa bằng xe trượt tuyết suốt bờ biển Bắc Cực và eo biển Bering.
Theo chương trình huấn luyện, đơn vị Mũ Xanh thực tập theo dõi ngày đêm với trung đoàn không quân đặc biệt 160 và các đơn vị kết hợp với lực lượng địa phương, liên bang với mục đích bảo vệ đất nước.
Về phía Hải quân, đơn vị SEAL tập luyện kỹ thuật mưu sinh thoát hiểm ở Bắc Cực và huấn luyện trinh sát. Lực lượng đặc biệt của Hải quân đã cùng với đơn vị phòng vệ bờ biển thực tập bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng tại đây.
Ðáng chú ý là cuộc huấn luyện nhảy tự do từ máy bay xuống dòng băng tuyết Bắc Cực của đơn vị Hải quân SEALS để bắt liên lạc với tàu ngầm tấn công USS Pasadena, kiểu Los Angeles, đang hoạt động tại đây.
Cuối cùng là đơn vị đặc biệt của không lực Mỹ huấn luyện yểm trợ không vận cho các đơn vị tham gia cuộc tập trận.
Tất cả kế hoạch và diễn biến của cuộc tập trận được Bộ Chỉ huy Chiến dịch Ðặc biệt của quân đội Mỹ vùng Bắc giám sát do Tướng Shawn Satterfield chỉ huy.
“Các lực lượng đặc biệt đã thử nghiệm những chiến cụ và xem xét cách thức tồn tại và phát triển mạnh ở Bắc Cực”, Tướng Shawn Satterfield cho biết. Ông còn nhấn mạnh rằng, các lực lượng tham dự không chỉ được huấn luyện các nhiệm vụ đặc biệt mà còn phát triển mối quan hệ với cộng đồng địa phương, kể cả thổ dân Alaska để học cách sinh sống và hoạt động trong điều kiện thời tiết băng giá của vùng Bắc Cực.

Đơn vị SEALS của Hải quân Mỹ, nhảy dù tự do từ máy bay xuống. Nguồn. upexampaper.com
Tầm nhìn mới về an ninh quốc gia của Mỹ
Mục đích của cuộc tập trận là để các lực lượng chiến đấu Mỹ làm quen và thuần thục với thời tiết băng giá. Ðúng như tên của chiến dịch, SOWMOC (Special Operations Winter Mountain Operator Course – Khóa Huấn luyện Tác chiến Ðặc biệt mùa Ðông ở vùng núi) các đơn vị tham gia học về kỹ thuật mưu sinh trong mùa Ðông tại núi rừng như cách định hướng trong điều kiện tuyết phủ, chiến thuật tác chiến của một đơn vị nhỏ tại Bắc Cực và cách xâm nhập môi trường chiến tranh vùng núi bằng ván trượt, giày đi tuyết, và xe trượt tuyết.
Ðây cũng là tầm nhìn mới về an ninh quốc gia của Mỹ nhằm đối phó tại những chiến trường có thời tiết, khí hậu đặc biệt.

Đơn vị Mũ Xanh Mỹ trong cuộc tập trận đặc biệt. Nguồn. US Army Staff Sgt. Travis Fontane.
Sự hợp tác của các quốc gia đồng minh trong trong chiến dịch SOCNORTH (Special Operations Command North – Bộ Tư lệnh Chiến dịch Đặc biệt miền Bắc)
Mỹ không phải là quốc gia duy nhất tập trận tại vùng băng giá. Họ không đơn độc trong chiến dịch này. Bộ Tư lệnh Chiến dịch Ðặc biệt miền Bắc được mở rộng và tăng cường bởi các đơn vị ngoại quốc như lực lượng biệt kích Canada, Ðan Mạch.
“Chúng tôi huấn luyện và phối hợp với Lực lượng Ðặc biệt Canada, Ðan Mạch quan sát vùng Bắc Cực”, Tướng Satterfield cho biết.
Hiện nay, nguồn tài nguyên phong phú và các tuyến đường biển trực tiếp ở Bắc Cực đã làm cho khu vực này trở nên dễ dàng giao thương và trở thành một vị trí địa lý chính trị quan trọng. Chính vì vậy, Mỹ đã chia sẻ Bắc Cực với 6 nước đồng minh thân cận là Canada, Ðan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Thụy Ðiển, Iceland và 2 kẻ thù chính là Nga, Trung Quốc. Ðiều này đã làm cho số lượng các quốc gia có lãnh thổ ở vùng băng giá này lên tới 8 nước. Trong sự cạnh tranh với Nga và Trung Quốc, Mỹ càng quan tâm tới Bắc Cực và chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu tại khu vực đó trong tương lai.
“Chúng tôi muốn liên kết với các nước đồng minh để cùng bảo vệ những lợi ích tại vùng Bắc Cực. Sự hợp tác đóng vai trò quan trọng trong xây dựng và phòng bị toàn vùng thuộc Bộ Tư lệnh miền Bắc của Mỹ. Chúng ta đang ở vào thời kỳ quan trọng tại Bắc Cực, chuyện phải làm bây giờ là chuẩn bị chiến đấu và bảo vệ khu này”, Trung tướng David Krumm, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Alaska phát biểu năm 2020.
Ai cũng biết, Bắc Cực là nơi có môi trường băng giá khắc nghiệt, khó tới, khó ở. Tuy vậy, vùng hoang vu này đang trở thành khu vực cạnh tranh vì dưới lớp băng, Bắc Cực là nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, những tuyến hàng hải mới, rút ngắn giao thương với nhiều quốc gia. Ðiều này không chỉ gây ra cạnh tranh tài nguyên mà còn đưa tới cạnh tranh quân sự. Thật sự, “chiến tranh lạnh” đã ngấm ngầm xung đột tại Bắc Cực. Mỹ phải hành động ngay để giữ vị trí cạnh tranh và duy trì sự tự do liên lạc của toàn vùng, cũng như ngăn cản những cuộc xung đột sai trái ngay ngưỡng cửa phía Bắc của đất nước mình.
Trước đây, Nga đã công khai sở hữu 70% vùng biển Bắc Cực, mở rộng hoạt động quân sự hằng ngày. Mùa Thu năm ngoái, Nga chơi luôn cuộc tập trận ở vùng biển Bering, nằm trong khu vực kinh tế của Mỹ, với các đơn vị hải và không quân lớn nhất mà Nga có thể huy động trong mấy mươi năm. Chính điều này đã là tín hiệu rõ ràng mục đích thâu tóm Bắc Cực của họ.
Sự có mặt của lực lượng Hải quân trong cuộc tập trận này đã cản trở việc làm ăn của các tàu đánh cá và thương mại của Nga trong khu vực, nơi mà Nga muốn biểu dương lực lượng. Họ duy trì một hạm đội với trên 45 chiếc tàu phá băng để giữ lợi ích của mình trong khu vực Bắc Cực. Trong khi Mỹ chỉ có 2 tàu phá băng tại Alaska. Ngay cả Trung Quốc cũng đang ráo riết giành giựt nguồn tài nguyên tại đây. Họ tự khai, mình là quốc gia “sát nách Bắc Cực” và tự chế ra “Con đường tơ lụa Bắc Cực”.
Do đó, chiến lược năm 2021-2022 của quân đội Mỹ là “Giành lại quyền thống trị Bắc Cực” bằng việc đào tạo và trang bị cho quân đội Mỹ tại Alaska mà không hao tốn nhiều về nhân lực và tài chánh. Kế hoạch sẽ thành công hơn khi họ tăng cường hợp tác với các quốc gia đồng minh quanh vùng Bắc Cực.
Hiện nay, quân đội Mỹ tại Alaska luôn tăng cường trao đổi quân lính, thực tập chiến đấu trong thời tiết băng giá khắc nghiệt, kể cả vùng núi cao với những đơn vị của các quốc gia đồng minh: Canada, Ðan Mạch, Phần Lan, Na Uy và Thụy Ðiển. Họ cũng liên kết với các quốc gia vùng núi băng tuyết như Nepal, Ấn Ðộ, Mông Cổ, Nam Hàn, Nhật Bản, để chia sẻ chuyên môn và kinh nghiệm hầu khống chế sự hăm he, trấn áp của Nga và Trung Quốc tại vùng băng giá Bắc Cực này.

Đơn vị đặc biệt Không quân Mỹ thực tập di chuyển bằng xe trượt tuyết. Nguồn.www.af.mil
HĐV
(Nguồn: Stavros Atlamazoglou. insider@insider.com. 2022)