Thường thì những vụ án liên quan đến đồ lậu thường gây bất bình, vì ai cũng ghét cái xấu, cái ác mà – ngay cả kẻ xấu – kẻ ác (khi chưa bị vạch mặt) cũng hay lên mạng, lên tivi rao giảng đạo đức, phê phán cái ác đó thôi. Vậy mà ở một vụ án về đồ lậu gần đây, đa số giới trẻ lại đứng về phe “bị cáo”.

Bảo Huân 

Ngày 19-8-2021, Công an TP.HCM chính thức công bố sẽ khởi tố hình sự Nguyễn Tuấn Tú (quê Lâm Ðồng) với tội “Xâm phạm quyền tác giả”. Vì công an cho rằng Tú là người cầm đầu website phimmoi.net. Hiện công an TP.HCM vẫn chỉ đăng thông tin trên lên báo và kêu gọi Tú cùng đồng bọn ra đầu thú, nên vụ “đại án” (trên) mạng này chưa tới hồi kết. Tuy nhiên, tôi muốn nói về website phimmoi.net – trang phim lậu lớn nhất Việt Nam, đồng thời là trang phim lậu có lượng người truy cập nhiều nhất Việt Nam. Theo thống kê của SimilarWeb, Phimmoi đứng vị trí thứ 13 trong danh sách những trang web được người Việt truy cập nhiều nhất năm 2019. Vào thời gian cao điểm, mỗi tháng website xem phim lậu này có tới hơn 100 triệu lượt truy cập trang. Có thể mùa dịch này, lượng truy cập sẽ nhiều hơn vì toàn dân ở nhà ôm máy tính, điện thoại.

Ngoài nhiều người truy cập, website phim lậu này còn có nhiều “kỷ lục” khác, ví dụ như là website phim lậu nhiều… tên miền nhất. Tên miền Phimmoi.net được ghi danh vào năm 2012, tuy nhiên đã bị chặn truy cập từ phía chính phủ Việt Nam tháng 6-2020. Sau khi tên miền chính không thể truy cập được tại Việt Nam, người sáng tạo trang web này nhiều lần đổi tên miền để lách luật. Trong vòng một năm, trang này đã đổi tên miền ít nhất 5 lần bao gồm: phimmoiz.net, phimmoizz.net, phimmoizzz.net và zphimmoi.net, zzphimmoi.net và tên miền mới nhất (sau khi có thông cáo khởi tố ở trên) là phimmoiplus.net (hiện vẫn còn truy cập được).

Sau nhiều lần đổi tên miền, trang web phim lậu này được giới… coi phim lậu đặt tên là “vua lỳ đòn”. Thậm chí, sau thông tin công an TP.HCM đang truy tìm những người đứng sau website này, nhiều người đã bình luận trên các trang mạng xã hội rằng họ vẫn sẽ tiếp tục ủng hộ phiên bản mới nhất của phimmoi.net, với nhiều lý do như:

  1. Ða số người coi các trang website lậu hay dùng software lậu thường là người trẻ chưa làm ra tiền hoặc là chưa dư dả để đóng phí hàng tháng vào các website phim chính thống.

Một lý do cốt lõi là tinh thần tôn trọng công sức, tác quyền bên trong người Việt chưa được cao, cho dầu trẻ hay hết trẻ, thậm chí có những người Việt đã ở xứ văn minh rất lâu nhưng cũng chưa quen với việc tôn trọng tác quyền, luật pháp về bản quyền. Một người bạn tôi ở Mỹ, kể kỷ niệm rất dễ thương về chuyện này: Hồi Thúy Nga Paris, Vân Sơn, Aisa còn phát hành, cứ mỗi lần băng ra, là có người mua băng gốc (tạm cho cho là $20), xong copy vô đĩa bán lại chừng $5/đĩa. Những người chép lậu này mang “chào hàng” ở các nơi có đông người Việt lui tới (tiệm nails là phổ biến nhất). Nhiều người mua về xem và bị… con cái (sanh ra tại Mỹ) cự nự: “Sao cha/mẹ mua cái này, nó là illegal (không hợp pháp)!” Ngoài ra còn giải thích cho cha/mẹ nghe, như vậy là không công bằng (fair), là giết chết nhà sản xuất… Thành ra, nhiều người ham rẻ, mua về phải giấu con cái, sợ con cháu càm ràm. Ngay cả trong các chương trình hài hải ngoại, các tài tử cũng hay “nhắc khéo” khán giả đừng mua đĩa lậu.

Xem thêm:   Ham & hố

Tuy nhiên, nạn dùng software lậu (từ Windows, cho đến photoshop, Illustrator, các trang web nghe/tải nhạc lậu… bất cứ thứ gì, miễn không phải trả tiền) cũng còn khá phổ biến ở Mỹ cho đến nay, dầu các nhà mạng đã tìm rất nhiều cách để ngăn chặn. Nhất là nạn «crack» game lậu trong giới trẻ, nhiều khi họ coi đó là niềm vui chứ không phải vì lợi nhuận.

  1. Có những người có tiền mua web bản quyền hợp pháp tại Việt Nam nhưng vẫn “phải” tìm coi web phim lậu vì:

Các trang web lậu chuyên cung cấp đến người xem những bộ phim “bom tấn” của nhiều nước trên thế giới nhanh chóng nhất, có phụ đề tiếng Việt rất hay và chuẩn. Trong khi các trang web bản quyền, phí cao nhưng phim ra rất trễ, chưa kể là phần chuyển ngữ rất tệ, ngay cả phim chiếu rạp tại Việt Nam cũng hay bị chê phần chuyển ngữ (làm giảm độ hay, thậm chí làm sai lệch nội dung phim rất nhiều).

Ðặc biệt là những bộ phim bị cấm chiếu tại Việt Nam hay những cảnh phim bị cắt bỏ trên các website phim không lậu ở Việt Nam (sau khi qua khâu kiểm duyệt gắt gao) lại được chiếu toàn bộ – không che, không làm mờ trên các website phim lậu, khiến cho người xem cảm thấy thỏa mãn hơn. Tuy Netflix đã về Việt Nam nhưng vẫn bị nhiều người dùng Việt “chê” bởi cái khâu “kiểm duyệt” này, nhiều người phải vượt tường lửa để coi phim không hiển thị trên Netflix Việt Nam, dầu họ đã bỏ tiền hàng tháng để tập làm người văn minh. Cụ thể là… tôi, vừa có tài khoản Netflix, vừa mua một năm tiền coi phim trên 2 website phim “chính thống” tại Việt Nam (tôi thích học ngoại ngữ qua phim), nhưng rất nhiều khi buộc phải coi phim trên các web phim lậu vì không tìm được phim mình cần ở các web trên, hoặc tìm được nhưng nó đã bị cắt hết nửa nội dung phim, phim bị ai đó cố tình phiên dịch sai lệch… – có nên cho rằng nhà kiểm duyệt Việt cũng không tôn trọng tác quyền không?

  1. Khán giả của các web phim lậu tại Việt Nam không chỉ có người Việt. Có một vụ khá ồn ào hồi 2018 – khi nhiều website phim lậu tại VN bắt buộc người xem (có IP truy cập không phải từ Việt Nam) phải trả lời 4 câu hỏi xác nhận mình là người Việt, trong đó có câu “Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc nước nào?” – trong các giải đáp lại không có Trung Quốc, có web thì tất cả giải đáp đều là Việt Nam. Lúc đó, phim «Diên Hy công lược» đang là bộ phim cổ trang «gây sốt» (viral) ở cả Việt Nam lẫn Trung Quốc, nhưng vì lý do nào đó, nhiều website phim “lậu” tại Việt Nam đã phát trước 10 tập (có vietsub/lồng tiếng hẳn hoi) so với sóng truyền hình Trung Quốc. Dầu phim này 100% được “sản xuất” tại Trung Quốc (Ðiều này cũng minh chứng cho các mục tôi đã nói ở trên). Và rất nhiều người Trung Quốc đã “ngậm đắng nuốt cay” bỏ qua “niềm tự hào dân tộc” để “vượt tường” vô xem phim, bằng chứng là trên Weibo – trang mạng xã hội phổ biến nhất của Trung Quốc – lúc đó đã xuất hiện nhiều clip phim “Diên Hy công lược” có phụ đề tiếng Việt.
Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

Ngoài “vượt tường lửa” để vào website phim lậu của Việt Nam coi phim Trung Quốc, người Trung Quốc còn vượt tường lửa để coi phim/các tác phẩm nghệ thuật từ Hollywood và các nước văn minh khác. Vì Trung Quốc cấm cửa rất nhiều nghệ sĩ, phim ảnh nào có khả năng “ảnh hưởng” đến nền chính trị độc tài và hệ tư tưởng ngu dân của họ. Cũng giống như cách nhà cầm quyền Việt Nam đang chặn hầu hết các website tin tức từ hải ngoại và các trang cá nhân, fanpage của người bất đồng chính kiến ở Việt Nam, kiểm duyệt gắt gao phim ảnh từ nước ngoài đến trong nước.

  1. Một lý do tưởng chừng như không “lan quyên”: Phim Việt không hay. Hơn 99% người tìm đến web phim lậu đều không tìm coi phim Việt Nam.

Thắng làm vua, thua đổ thừa – Từ Facebook

Phim Việt dở một phần do diễn xuất, dầu không ít tài tử Việt có khả năng diễn xuất, nhưng hình như họ không được chào đón? Rồi không biết từ bao giờ, các diễn viên hài lại được săn đón hơn là các diễn viên chính kịch, những gương mặt tai tiếng nhất/nổi đình nổi đám nhất những năm gần đây đa số là những diễn viên hài. Thế nhưng cái hài của nước mình lại khác với nước ngoài, nhất là ở câu thoại – đa số gây cười bằng cách nhắm vào ngoại hình nhân vật, nói chuyện tình dục, lặp lại những câu nói nổi tiếng trên mạng… – vô tình làm mất đi cái duyên, làm tăng lên sự nhảm nhí và vô vị… Cùng một thời lượng nhưng phim quốc tế họ dẫn chuyện rất nuột nà, đơn giản nhưng vẫn níu chân người xem đến giây cuối cùng.

Tuy thích copy nội dung của phim nước ngoài nhưng không copy luôn tinh thần tự do của người làm phim nước ngoài, nên phim Việt ít khi lột tả ý nghĩa phim rõ ràng qua cách kể chuyện, mà luôn thích chen vào những lời thoại sáo rỗng khuôn mẫu để lồng ghép đạo lý ba xu, các nhân vật trong phim nói chuyện với nhau với giọng điệu như đang đọc bảng cửu chương. Phim Việt Nam toàn xoay quanh nào là tình yêu, hôn nhân, ngoại tình, gia đình xào xáo hoặc tôn vinh chính quyền/ngành công an… không hề có những sự kiện đương đại như cá chết Formosa, biển Ðông bị xâm lấn, dân đói do phong tỏa lâu ngày…

Cái quan trọng nhất, cũng là lưỡi dao sắc bén nhất đã giết nền điện ảnh Việt là “ kiểm duyệt phim”, rất nhiều phim không thể qua được kiểm duyệt, hoặc ra đến rạp chiếu phim thì đã bị cắt xén tùm lum (Ðó là lý do các đoàn làm phim không dám đầu tư các nội dung-cảnh quay đắt tiền vì sợ “cắt” là “bay” luôn tiền tỷ). Làm nghệ thuật mà cứ phải suy nghĩ làm thế nào để vừa lòng mấy nhà kiểm duyệt phim thì tâm trí đâu thỏa sức sáng tạo được nữa?

Trong khi các nhà làm phim ở các nước văn minh có thể nói/kể chính kiến của mình về một cuộc chiến bằng tác phẩm nghệ thuật dù nó không đúng với một số người, thì nhà làm phim Việt chỉ có thể nói chính kiến của mình khi họ không làm phim và không chơi Facebook. Bởi vậy dẫn đến các nhà làm phim Việt lười biếng trong việc sáng tạo, thay vào đó chạy theo xu thế làm phim “mì ăn liền” hoặc “remake” lại những phim đã thành công của nước ngoài để doanh thu của phim được bảo đảm hơn, sự thật đã chứng minh bằng con số – đa số các phim ăn khách nhất Việt Nam là phim có kịch bản từ nước ngoài.

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

Ở Việt Nam, khi một cô gái bị sàm sỡ, đa số sẽ cho rằng, nguyên nhân nằm ở chỗ cô gái bận đồ không kín đáo. Bởi vậy, khi nền điện ảnh Việt chậm tiến, nhiều người đổ thừa cho thị hiếu, sự cảm nhận phim của khán giả Việt Nam ngày càng kém, dễ dãi tiếp nhận những phim hài có nội dung nhảm nhí có tính chất ăn liền ở ngoài rạp. Coi phim vì tánh giải trí chứ ít ai quan tâm tới tính nghệ thuật trong đó. Trong khi đó, chính người Việt cũng ngao ngán, chê bai liên tục nhiều năm nay mà vẫn không thấy được sự thay đổi.

Khi coi phim ở các website chính thống ở Việt Nam, khán giả có cảm tưởng như mình đang đọc báo… chính thống. Ðâm ra, họ buộc tìm tới các website phim nước ngoài (như Netflix), hoặc phải chấp nhận các website phim lậu (dầu dư dả tiền bạc coi phim từ web «chính thống»). Từ đó, các nội dung pirated content (vi phạm bản quyền) hay nội dung «câu trộm» vẫn còn sống khỏe, các cuộc chiến giữa liên minh ngành giải trí với giới «tuồng» và xem phim lậu tại Việt Nam vẫn còn dài… Và khán giả sẽ bị “đánh giá” nhân phẩm đầu tiên, chứ không phải các nhà kiểm duyệt.

Hoặc khi xã hội trở nên tồi tệ, kẻ đáng lý phải đứng ra nhận lỗi thì lại trở thành quan tòa, ngồi phán xử và đổ tội. Như mới đây, giới làm phim lẫn khán giả bàng hoàng vì có ông tướng công an cho rằng phải… kiểm duyệt phim ảnh ngặt hơn, vì theo ông, sau khi VTV chiếu một phim về xã hội đen, tội phạm đã tăng lên! Ông đưa ra ví dụ về việc trong phim có người “phạm tội nhưng không bị xử lý, một số phim phản ánh quá chân thực, quá chi tiết về sự tự diễn biến, tự chuyển hóa làm cho người xem nhận thức sai và bắt chước làm theo”.

Một phát hiện vĩ đại! Hóa ra sự tha hóa của cán bộ-đảng viên trong thời gian qua là do tác động của phim ảnh? Bởi vậy, không ít người “tham mưu” ngay dưới bình luận: “Tôi đồng ý với vị tướng tài ba này, hy vọng sắp tới nền điện ảnh Việt cấm cửa mấy phim về dịch bệnh đi, tại nó mà nước mình bị dịch đó!”

Ngoài ra, còn phải cấm tác phẩm Lão Hạc vì cổ xúy bán thịt chó. Cấm “Chí Phèo” vì cổ xúy làm tình nơi công cộng. Cấm “Tắt Ðèn” vì cổ xúy nạn buôn người và phản ảnh không đúng sự thực: quan nào mà thèm phụ nữ có gia đình. Cấm “Truyện Kiều” vì cổ xúy làm gái. Cấm “Chinh phụ ngâm” vì ủy mị, làm nhụt chí người “tuyến đầu”. Cấm “Tấm Cám” vì cổ vũ trả thù tàn độc. Cấm “Sống chết mặc bay” vì ám chỉ quan bỏ dân chết đói mà không cứu trợ.

Cấm hết.

DU