Người ta hay nói “Có tiền thì làm việc tốt, không có tiền thì ta làm người tốt”. Nhưng người ta cũng hay nói “thông minh là thiên phú, tử tế là lựa chọn”.

Cậu bé đem xấp tiền lẻ tới mua cơm dầu chủ tiệm năn nỉ cho – Nguồn: tiemcomthanhnien    

Nói chung, để chọn làm người tốt, làm điều tử tế giữa xã hội đang bão hòa cái xấu vốn khó rồi, nói chi là làm việc tốt ngay lúc không tiền – đó là suy nghĩ chung của rất, rất nhiều người trưởng thành giữa thời đại “đồ đểu” hiện tại. Bởi vậy, rất nhiều người lớn thấy xấu hổ trước cậu bé nhỏ dưới đây:

Một bữa không đẹp trời, vì Sài Gòn mưa dai dẳng mấy ngày mấy đêm, đường ngập cây úng hết, vậy mà anh Thành Công – chủ tiệm cơm tấm ở miệt Hóc Môn (ngoại thành Sài Gòn) đăng lên mạng một bài viết đẹp lòng cư dân mạng lung lắm: “Hôm trước mình có cho bà cháu 2 phần cơm, nay thấy em cầm tiền qua, em nói “chú bán cho con hộp cơm đi, chứ chú đừng cho, hôm nay con xin có tiền rồi… bà con dặn vậy á!” Nhiều lúc chỉ cần như vậy thôi, là thấy mình cho đi là không bao giờ đủ cả.”

Kèm theo những dòng chữ trên là một video quay cảnh cậu bé bán vé số dáng người nhỏ bé, quần áo mỏng manh và ướt nhẹp dưới mưa đang đi vào một tiệm cơm, giơ những đồng bạc lẻ cho chủ quán để mua hai phần cơm, chủ quán hỏi “Con có bao nhiêu tiền?” Cậu bé “Dạ, con hổng biết!” Thiệt là thứ dữ, vô tiệm người ta mua cơm mà không biết phải trả bao nhiêu, rồi trong người có bao nhiêu, nhưng người ta biếu không thì chê, nhất quyết phải trả tiền vì “bà con dặn vậy á!”

2 trong số 23 quyền của trẻ em, theo Luật trẻ em Việt Nam – Nguồn: google.com

Trả lời báo chí sau khi video nhận được nhiều sự quan tâm, anh chủ quán cơm trên cho biết đây là lần thứ 3 có duyên được gặp lại cậu bé bán vé số. Cách đây không lâu, anh Công thấy hai bà cháu ngồi xin ăn bên đường nên đã làm 2 phần cơm đem qua ủng hộ.

Xem thêm:   Toàn Nobel y học... hụt

“Lúc qua thì thấy bé cầm sẵn tiền lẻ, bà ngồi bên có nói là nó thèm cơm, đang định qua mua nhưng mà chỉ có tờ 1 ngàn, 2 ngàn… tiền cũng bị rách nữa, sợ qua chủ quán không chịu bán.
Lần thứ 2, mình dặn nhân viên đem cơm qua, nói là quán tụi con cũng hay cho cơm vậy lắm, bà đừng ngại gì hết.
Rồi lần thứ 3, hôm đó trời mưa, quán mình cũng vắng khách, em bé mới cầm tiền qua, nói hôm nay con mua ủng hộ chú, nay bà cháu con xin được nên có tiền rồi” – Anh Công (chủ tiệm cơm trên) nói.

Phóng viên không sẵn dịp qua phỏng vấn cả hai bà cháu tử tế kia luôn cho trọn vẹn câu chuyện nên tôi cũng không biết thêm diễn biến câu chuyện, chỉ thấy thương cậu bé mới bây lớn không được tới trường mà phải vất vả mưu sinh, dầm mưa dãi nắng. Và, thật tiếc, đi bất kỳ con đường nào ở Sài Gòn cũng dễ dàng thấy những đứa trẻ chừng 5, 6 tuổi bán vé số, bán kẹo, làm mướn… Dầu Việt Nam có Luật trẻ em, dầu theo Luật Trẻ em 2016 và Quyết định số 856/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ VN thì Việt Nam hiện có hơn 18 cơ quan, tổ chức, nhóm tổ chức công có chức năng bảo vệ quyền trẻ em ở các cấp độ khác nhau.

Bà cụ bán rau nhìn bạn đồng trang lứa đang tập thể dục dưỡng sinh – Nguồn: Facebook

Khi tôi hỏi bạn tôi về câu chuyện trên, bạn phán ngay: “Chuyện không có gì… tử tế hết! Tử tế ở chỗ tao là sau khi thấy đứa bé bị dầm mưa dãi nắng như vậy là phải gọi liền cho cảnh sát, Hội bảo vệ trẻ em hoặc cái gì đó giống vậy để báo… án, coi đứa trẻ này là ai, có máu mủ gì với người bà kia, có phải bị bắt cóc không… Chứ không phải chụp ảnh cậu bé đăng lên mạng, đó là vi phạm quyền cá nhân của cậu bé.”

Xem thêm:   Miễn hạnh phúc...

Nếu câu chuyện này không được lan tỏa thì cậu bé giờ này vẫn vô gia cư và vô… danh, không ai quan tâm, có khi tới chết… hai bà cháu khó mà nhận được nhiều sự quan tâm lẫn những cánh tay chìa ra giúp đỡ như bây giờ. Mày có biết mới đây có thêm 6 người phụ nữ (trong đó có 4 người Việt Nam) vừa được cảnh sát Pháp giải cứu khỏi thùng xe tải đông lạnh đang trên đường đến Anh hoặc Ireland không? Họ bất chấp có thể thành thi thể như thảm kịch 39 thi thể trong container ở Anh năm 2019… Họ vì điều gì, họ ra đi vì hy vọng đổi đời, hy vọng con cái họ về sau được bảo vệ thật sự từ các cơ quan nhà nước mà họ đã đóng thuế nuôi dưỡng và duy trì, chứ không phải chỉ tìm công lý trên báo, họ tin nếu đẻ con ở đó, con họ không bao giờ phải dãi nắng dầm mưa bán vé số… Những người đã chết hoặc mém chết vì muốn tìm cơ hội mới ở vùng trời tự do này chắc cũng không nghèo, họ chỉ nghèo kiến thức, nghèo sự công bằng.

Còn về chuyện hình ảnh của cậu bé bị đăng lên mạng, chuyện không của riêng ai… Người nghèo ở Việt Nam làm như không có nhân quyền, vừa khổ vì nghèo mà còn khổ vì bị chụp hình rồi bêu sự khổ lên mạng mà chưa xin phép nữa. Như hồi tháng 5, cộng đồng mạng đã chia sẻ loạt ảnh về một cụ già bán rau, ngồi trên cái ghế đẩu dựa lòng đường. Ðó là một buổi chập choạng tối, theo người đăng bài (không biết quen cụ bà bán rau hay không?) văn thơ lai láng, tả cảnh một bà già đau khổ đang phóng tầm mắt hướng về nhóm tập thể dục dưỡng sinh phía xa. Người đăng cho rằng, có lẽ bà cụ bán rau và những người đang tập bên kia trạc tuổi nhau nhưng đang ở trong trạng thái đối lập: Một bên vất vả mưu sinh, một bên đang thư thả tận hưởng thời gian nghỉ ngơi…

Trong khi đó: “Bà cụ 78 tuổi bán rau làm chủ siêu biệt thự 60 tỷ VND giữa làng quê Hà Tĩnh” Nguồn: phunutoday.vn

Tôi đã nhìn ảnh và thầm đặt câu hỏi: “Biết đâu, bà bán rau cũng đang vui với chuyện bán rau của mình và đang vui vẻ vì không cần giảm cân như “mấy mụ sồn sồn” bên kia đường?” Ở Hà Tĩnh, có bà cụ bán rau mà xây được biệt phủ lộng lẫy, nên cũng chưa chắc bà cụ trong câu chuyện này nghèo. Nên tốt nhất là hỏi ý kiến người trong cuộc trước khi đăng hình, dầu đưa hình ảnh họ lên với một con tim tử tế đi chăng nữa…

Xem thêm:   "Trí lực siêu phàm" và...

Làm người tử tế khó lắm, phải đâu chuyện đùa, đôi khi muốn làm người tử tế cũng không được phép, vì có nhiều nơi, sự tử tế cũng bị kiểm duyệt, ví dụ như chuyện về cái “lưỡi bò”:

Trong trận đấu giữa cơ thủ Trần Quyết Chiến và Dick Jaspers tại giải giao hữu thành lập Liên Ðoàn Billiards Carom Trung Quốc, nhà đài Thượng Hải đã cố tình lồng ghép hình ảnh đường lưỡi bò phi pháp vào sóng trực tiếp một cách vô cùng bất ngờ và không thông báo trước. Ngay khi nhận ra điều này, Huấn luyện viên Nguyễn Việt Hòa yêu cầu Trần Quyết Chiến phải lập tức bỏ giải, quay về Việt Nam để phản đối “đường lưỡi bò” của Tàu cộng. Trần Quyết Chiến đã hỏi có cần phải giải thích gì với ban tổ chức không? Huấn luyện viên Nguyễn Việt Hòa dứt khoát “không cần!”. Nhờ quyết định của vị huấn luyện viên quả quyết mà cả hai thầy trò cứu được sự nghiệp, danh tiếng của mình. Cơ thủ Trần Quyết Chiến được mọi người quen mặt vì báo chí đăng quá nhiều, không thắng một trận Billiards mà thắng được lòng dân. Và chắc chắn, đây là một việc tử tế, đáng hoang nghênh. Nhưng, những cư dân mạng nhớ dai như Facebooker Nguyễn Vũ lại có thắc mắc trúng ý tôi:

“Phản đối đường lưỡi bò của giặc Tàu thì nhiều người cũng phản đối, với nhiều cách khác nhau. Nhưng có người được báo chí ca ngợi lên mây như thầy trò cơ thủ Trần Quyết Chiến, có người bị lôi về đồn quánh má nhìn không ra. Tại sao?”

Cơ thủ Trần Quyết Chiến bỏ giải billiards vì hình ảnh đường lưỡi bò – Nguồn:  sggp.org.vn

DU