Ở Việt Nam, không ai oan bằng… gió. Đã có một thời gian dài, khi có người ra đi đột ngột khi đang ngủ hoặc ngã quỵ dầu nhìn rất khỏe mạnh, dân tình liền thở dài phán: nó trúng gió.

Phương pháp đặt stent động mạch vành cứu sống nhiều người có nguy cơ “trúng gió” – Nguồn: tamanhhospital.vn
Một người bạn cao niên của tôi giải thích do lúc đó khoa học chưa phát triển, ngoài “trúng gió” ra, người ta không biết làm cách nào giải thích cho những cái chết đột ngột. Chính bạn, tận sau khi bạn qua Mỹ, được tiếp cận nền y học tiên tiến hơn, được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, có nhiều kiến thức hơn mới biết được nhiều bệnh khiến con người ta ra đi đột ngột hơn là cơn gió độc, ví dụ như đột quỵ, ví dụ như đau thắt tim, ví dụ như ngưng thở khi ngủ, hoặc cơ thể kiệt quệ sau thời gian dài căng thẳng, bệnh tâm lý cũng khiến người ta ra đi bất đắc…
Riêng phần bạn, không phẫu thuật thẩm mỹ nhưng bên trong cơ thể cũng có ngoại vật. Sau một lần đau nhói ở tim, bạn đi khám liền và bị chẩn đoán bị đau ở đâu đó ở tim, bác sĩ cấy cho bạn món gì đó vào tim để giúp tim làm việc hiệu quả. Cũng như sau nhiều giấc ngủ không ngon của bà xã vì bạn ngáy to quá, bạn đi khám và được bác sĩ tư vấn mua máy trợ thở khi ngủ, vừa giúp ngủ ngon vừa giúp sống dai hơn, bởi đôi khi ngáy to có thể do bạn khó thở và thậm chí có thể ngưng thở gián đoạn khi ngủ. Nếu không được quan tâm kịp thời, có thể bạn sẽ ra đi mãi mãi trong một giấc ngủ nào đó. (Thông cảm cho cách giải mã của hai người không biết gì về y học.) Bạn nói ở đây (ở Mỹ), nhà nước lẫn các công ty bảo hiểm sợ mình bệnh còn hơn bản thân mình, họ luôn khuyến khích người dân giữ gìn sức khỏe, từ tập luyện tới ăn uống, sống ở đây rồi rất dễ… ngoan và khỏe, nếu chịu làm theo khuyến cáo của họ.
Ngoài ra, để bảo vệ nhân loài, chính phủ Mỹ và phương Tây còn quan tâm sức khỏe của môi trường, thiên nhiên xung quanh, phòng ngừa mọi cách để mong môi trường khỏe mạnh, không “trúng gió” bất đắc kỳ tử. Cơ thể con người thường được ví như một cỗ máy hoàn hảo. Trừ những bệnh tật “gia truyền”, khiếm khuyết bẩm sanh thì theo thời gian, với có nhiều nguyên nhân mà cơ thể sẽ bị hư chỗ này hỏng chỗ kia, nếu được chăm sóc tốt, đúng cách và can thiệp kịp thời, bộ máy đó sẽ khó “trúng gió” hơn. Còn cứ xài thả ga, bạt mạng, thì chuyện gì tới cũng sẽ tới. Môi trường cũng vậy, được bảo tồn kỹ càng, khỏe mạnh mới cung cấp đủ không khí trong lành, hoa thơm cỏ đẹp cho nhân loài sống tốt, bớt nguy cơ “trúng gió”. Facebooker Thai Vu kể:

Lý do của những trận “trúng gió” của thiên nhiên VN – Nguồn: Chụp màn hình báo trong nước
“Chỗ tôi gọi là Garden community, họ ưu tiên diện tích cây cỏ, nên trên 1 diện tích property, phần diện tích dành cho cây cỏ sân vườn phải là 60%. Xây nhà chiếm 41% là DPW (Department of Public Works: Cơ quan Công chánh) tới giật sập nhà.
Tôi muốn xây thêm 1 cái gọi là sunroom (một phòng dính liền với nhà và có cửa kính, tôi ước mơ lắm, để có không gian vui chơi vào mùa Ðông), chỉ trong khu vực back deck, là cái khoảng bê tông sân sau nhà, nó thuộc diện tích xây dựng. Tôi điền đơn xin phép, thanh tra thành phố tới đo đo đạc đạc rồi… lắc đầu vì không an toàn cho… chính tôi.
Bảo một ông người Việt chuyên thầu làm mấy cái này: “chắc không sao đâu, ông cứ làm cho tôi, cùng lắm thì phá bỏ”. Tay kia cũng… lắc đầu: “làm không phép cho anh thì tôi mất giấy phép của tôi, rồi đi tù à?”.
Tôi muốn dựng 1 cái nhà kho để chứa đồ. Ra Menards mua cái nhà kho mang về lắp đặt, tháo ra rồi loay hoay nhìn cuốn sách hướng dẫn, thấy khó quá, gọi thằng bạn Mỹ thành thạo tới lắp giùm. Nó tới nó phán một hồi thì tôi hãi, lại cho các thứ vào thùng rồi đem trả. Tốn gần 100 đô tiền thuê xe tải chở tới chở lui.
Hàng xóm có cái cây cổ thụ sau vườn chết khô. Thuê người chặt. Có 2 mức giá tiền công là 500-700 đô và 3,000 đô. Tay hàng xóm phải thuê với cái giá 3,000 đô. Vì sao vậy? Vì 500-700 đô là giá của bọn không có license, không có bảo hiểm. Xảy ra chuyện gì thì mình chịu.
Hay thay bếp điện bằng bếp gas, phải đi đường dẫn ga. Tự làm hay nhờ ai biết làm rồi trả tiền, có thể cao lắm vài trăm đô, nhưng xảy ra cái gì là mình chịu trách nhiệm. Thuê bọn certified, nó có thể chém vài ngàn nhưng sẽ bảo đảm các đền bù nếu xảy ra cái gì.
Ðó cũng là văn hóa.
Một nề nép văn hóa xây dựng trên nền tảng luật pháp chứ không phải từ tiền hàng trăm vạn tỉ xây tượng đài, thư viện, bảo tàng, nhà hát, công viên mà đòi thành có văn hóa…” – Hết trích.

Trời mưa lớn, một sinh viên ở Trung Quốc bước xuống hồ vì tưởng đó là con đường bị ngập nước – Nguồn: Facebook
Hay như chuyện chặt cây ở Ba Lan, nơi Facebooker Mạc Việt Hồng sanh sống: “Chuyện chặt cây ở bên Tây mình đã có lần kể trên Facebook rồi và nhà văn rảnh rỗi nhất thế gian, anh Tưởng Năng Tiến, còn tỉ mẩn trích dẫn (tùm lum) vào bài viết của ảnh
Quãng hơn chục năm trước, nhà mình mua 1 mảnh đất gần 500m2 để xây nhà. Trên mảnh đất đó có 1 cây phong, cây mà lá của nó là biểu tượng trên cờ Canada. Cây phong không có tội tình gì ngoài chuyện đứng chình ình giữa vườn, nên nhà mình quyết định chặt đi; giá nó đứng ở góc thì sẽ không chặt chiếc gì
Trước đó mình đã biết vài ba câu chuyện xương máu trong cộng đồng về chuyện tự đốn hạ cây trong vườn sau khi mua nhà, trong đó có người bị phạt tới 100,000 đô la vì cưa nguyên 1 rặng cây cho… thoáng vườn; nên mình tới quận để xin.
Mình điền đơn, nhân viên ở đó hỏi mình chi tiết về cái cây: Loại gì, chu vi gốc khoảng bao nhiêu; mình trả lời trôi chảy, vì chuẩn bị sẵn rồi. Nhưng khi họ hỏi, trên cây có tổ chim không, thì mình tịt ngóm, vì hoàn toàn bất ngờ.
Sau chừng mươi ngày có một ông tới xem cái cây rất kỹ càng, đeo ống nhòm dài nhìn ngó lên trên để chắc chắn là không có tổ chim và cuối cùng quận cấp quyết định đồng ý. Cùng với quyết định này, họ bắt trồng bù 10 cây khác và mình trồng 1 rặng thông quanh vườn
Em kể câu chuyện này để các cụ thấy Tây họ quản lý cây cối, họ chăm lo cho môi trường thế nào. Mấy hôm nay coi tin thấy Bình Thuận muốn phá 600 ha rừng nguyên sinh mà không thằng hay con đại biểu quốc hội nào xuống nhòm xem nó ra sao thì không bằng anh nhân viên quèn ở quận Bemowo nhà em.” – Hết trích.

Khu dân cư ở Marj, Libya bị ngập lụt hôm 11-9. – Nguồn: AP
Không phải khi không mà chính quyền Mỹ và Phương Tây họ bảo vệ từng cọng lông chim, từng gốc cây như vậy, tất cả là nhờ quá trình dài nghiên cứu và không ngừng rút kinh nghiệm. Gần đây, 25% diện tích thành phố Derna ở miền Ðông Libya đã bị nước lũ cuốn trôi, sau khi các con đập vỡ do bão Daniel, dòng nước cuộn vào thành phố xóa sạch nhiều dấu tích con người. Dự tính có ít nhất 20,000 mạng người sẽ không còn cơ hội ngắm mặt trời. Trong khi truyền thông đổ thừa cơn bão, người dân thì cho rằng thiên nhiên tức giận, thiên nhiên hấp hối, thiên nhiên trúng gió… thì sự thật được các chuyên gia phơi ra: Ðập ở Lybia thấp và không ngăn được lũ lớn nhưng sau cuộc nổi dậy vào năm 2011, Libya bị chia rẽ về mặt chính trị với 2 chính quyền tồn tại song song, 2 chính quyền này mắc bận đấu đá nhau nên không ai rảnh để chăm sóc cơ sở hạ tầng. Trước chiến tranh 2011, Lybia là nước giàu nhất Châu Phi, và bây giờ mọi thứ thụt lùi tận mạng. Nghe qua thấy quen quen, như nước nào đó… cứ tưởng kết thúc chiến tranh là hòa bình, không ngờ kết thúc chiến tranh là hòa tấu nhạc đám tang.
Không nói đâu xa, vài tháng gần đây, dân Việt phải nói là chìm trong tang tóc khi các trận sạt lở núi xảy ra liên tục ở các vùng cao nguyên, nhấn chìm nhà+tài sản+tánh mạng người dân, một bốt cảnh sát giao thông cũng bị đất trên đồi sạt lở, đè chết 3 cảnh sát giao thông và một người dân thường. Hay những trận hỏa hoạn lớn xảy ra gần đây, như cháy tiệm karaoke cháy quán karaoke 32 người chết ở Bình Dương hoặc cháy thứ gọi là “chung cư mini” (nói đúng hơn là nhà tập thể) ở Hà Nội (khiến 56 người mất mạng, 37 người bị thương nặng hoặc hấp hối). Ðây không phải là những tai nạn bất ngờ, những cú “trúng gió” của số phận. Ðây là trận “trúng gió” của niềm tin. Khi luật pháp bị coi thường, người hành pháp dễ dàng phân lô bán nền, nhận tiền lót tay để mặc kệ những ngọn đồi thiếu cây dư ra các biệt phủ, những ngôi nhà dư tầng thiếu cửa thoát hiểm, những cánh chim không còn chỗ trú… thì không chỉ thiên nhiên, cả con người cũng không thể thoát cảnh “trúng gió”.

The Dream is Different Here – Nguồn: Facebook
DU
Bà Tám ở Sài Gòn