Rất ít sản phẩm tại Việt Nam bán chạy nhờ phẩm chất sản phẩm hay quy trình sản xuất, hầu hết sản phẩm bán chạy do: Người đại diện có hình ảnh hoặc chức vụ nhìn có vẻ uy tín + câu chuyện về sản phẩm phải thiệt truyền cảm hứng để nhận nhiều niềm tin + nguồn gốc sản phẩm phải từ nước ngoài hoặc trong nước thì phải kèm thông điệp mang ý nghĩa lớn lao như: Giải cứu nông sản Việt, người Việt dùng hàng Việt + tác dụng của sản phẩm phải được quảng cáo vô địch vũ trụ… Ví dụ như:

Một người tiêu dùng đã kiểm nghiệm ra kết quả hộp 30 viên kẹo có lượng chất xơ bằng 1/5 trái chuối – Nguồn: Sư Tử Ăn Chay
Một cuộc cách mạng dinh dưỡng đã nổ ra ở Việt Nam: Chỉ cần nuốt ngay một cục kẹo nhỏ xinh, bạn đã có ngay một dĩa rau đầy đủ chất xơ trong bụng. Không cần rau muống, không cần cải xanh, cũng chẳng cần ăn chuối – tất cả gói gọn trong một viên kẹo dẻo thần kỳ mang thương hiệu Kera! Ba nhân vật đưa sản phẩm Kera ra công chúng luôn khuyên mọi người không nên ăn nhiều kẹo này vì coi chừng “té re” (không biết “té re” vì “tốt bụng” sau khi ăn nhiều “rau” trong kẹo hay vì bị dị ứng đường hóa học trong kẹo), 3 người này là ai mà chu đáo như vậy? Xin thưa:
- Nguyễn Thúc Thùy Tiên: Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2021, từ đại sứ sắc đẹp tới đại sứ… chất xơ. Theo cô quảng cáo: không biết ăn rau nên sáng tạo kẹo KERA dành cho chính mình và những người không thích ăn rau.
- Quang Linh Vlog: Chàng trai “vàng” của làng YouTube, nổi tiếng chân chất thành thật, nhân hậu với hành trình thiện nguyện ở châu Phi. Ngoài việc quảng cáo “một viên kẹo bằng một dĩa rau”, Quang Linh còn đăng video trong phòng đóng gói của công ty Asia Life (nơi sản xuất kẹo KERA).
- Hằng Du Mục: TikToker triệu view, nổi tiếng sau cuộc ly hôn với chồng người Trung Quốc, chuyên bán hàng có nguồn gốc từ Trung Quốc. Ngoài thề thốt kẹo rau thay được cả bó rau, Hằng còn bán kẹo Việt quất với quảng cáo nuốt 2 viên kẹo bằng với (ăn mòn răng) 12 ký trái Việt quất (Việt quất ở Việt Nam giá từ 1-2 triệu VND một ký)…

Hộp kẹo KERA (giá 153 ngàn VND) và một hộp kẹo hiệu khác ở website Trung Quốc (có giá chỉ 11 nhân dân tệ – khoảng 39 ngàn VND) – Nguồn: Facebook
Nếu công nghệ trên là đúng, thế giới không sợ tận thế nữa. Từ bây giờ người ta dễ dàng nén mọi thứ thành kẹo và dự trữ… Nhưng đời không như là mơ, khi một người tiêu dùng thấy ngứa mắt nên đem gửi sản phẩm Kera đi Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1 (Quatest1) kiểm định, thực tế lại phũ phàng: một hộp kẹo 30 viên chỉ chứa 0.51g chất xơ, tương đương… 1/5 trái chuối hoặc nửa cọng rau muống. Như vậy, để đạt lượng chất xơ khuyến nghị cho em bé, mỗi ngày bạn phải ăn từ 882 đến 1,764 viên kẹo – một thử thách không dành cho người yếu răng và sợ tiểu đường. Chưa hết, khi tìm trên các sàn thương mại của Tàu bằng hình ảnh của sản phẩm Kera (30 cục kẹo, giá 149 ngàn VND), không ngờ ra hàng loạt sản phẩm giống y chang từ cách chụp hình, thiết kế bao bì lẫn hình dáng của cục kẹo… chỉ có giá chưa tới 50 ngàn VND.
Ngoài những lời quảng cáo thần kỳ, thì những cảnh quay tươi xanh của 3 người đại diện (ở trên) giữa nông trại bạt ngàn, cùng những người nông dân chân chất, những em bé hồn nhiên cầm hộp kẹo hiệu Kera cũng giúp nhiều người có cảm tình, móc hầu bao ra mua kẹo. Vậy mà đùng một cái, khi câu chuyện được dư luận chú ý, báo chí phỏng vấn đại diện Công ty Asia Life (nơi được quảng cáo là xưởng sản xuất kẹo KERA) lên tiếng: “Chúng tôi không có trang trại hay vườn rau nào cả. Các công bố trên sản phẩm đều do công ty đối tác thực hiện, đơn vị chỉ gia công, đóng gói theo yêu cầu. Việc họ quảng cáo, bán sản phẩm như thế nào cũng không phải là trách nhiệm của đơn vị.”

Hình ảnh Thùy Tiên, Quang Linh Vlog, Hằng Du Mục khoe vườn rau củ xanh mướt (mà 3 người này nói Công ty Asia Life trồng nguyên liệu để sản xuất kẹo KERA) – Nguồn: Facebook
Ba người quảng cáo sản phẩm Kera đều đang cố gắng “bỏ của chạy lấy người”, phủi bỏ trách nhiệm khi câu chuyện được nhìn nhận dưới góc độ chuyên gia, loại kẹo trên bị các cơ quan hữu trách vào cuộc kiểm tra. Họ đang bị đem ra chỉ trích vì quảng cáo lố, nhưng thật ra họ chỉ là hạt cát giữa sa mạc quảng cáo lố ở Việt Nam. Đã có rất, rất nhiều diễn viên có tuổi lẫn có tên quảng cáo nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng ở Việt Nam từng bị bóc mẽ vì quảng cáo quá đà, gắn mác chữa bệnh, thực tế chỉ là thực phẩm hỗ trợ có công dụng bằng 0, thậm chí có hại cho sức khỏe. Khi bị truy cứu thì họ nhẹ nhàng phủi tay, nói bản thân chỉ làm nhiệm vụ truyền đạt ý của nhà sản xuất và lấy tiền. Người quảng cáo thuốc tăng sinh lý có yếu sinh lý không thì tôi không rành nhưng chắc chắn người quảng cáo thuốc trị ung thư chưa chắc bị ung thư. Điển hình như những người đẹp sẵn mới được chọn quảng cáo các loại viên uống giảm cân, tăng chiều cao, tăng vòng 1 với quảng cáo “uống xong đẹp ngay” (nhưng khi kiểm định thì chứa toàn chất cấm hoặc không có tác dụng gì). Những người nhìn có vẻ khỏe mạnh, sung mãn mới được chọn quảng cáo thực phẩm chức năng hỗ trợ sinh lý (quảng cáo như Viagra nhưng thực chất toàn thảo dược vô thưởng vô phạt. Thua cả cái kính… lúp trong một câu chuyện cười.) Thiệt ra, những “diễn viên” này chỉ là tấm bia đỡ đạn cho những kẻ đếm tiền mòn cả vân tay sau lưng mà thôi.
Vụ án kẹo Kera đang được mạng xã hội tranh cãi kịch kiệt có “quy trình” tới với công chúng hơi giống vụ đại án nâng khống giá Kit-Test COVID-19 của công ty Việt Á, lúc lại hao hao vụ án Công ty VN Pharma bán thuốc chống ung thư giả H-Capita hồi 2017. Một bên là kit xét nghiệm COVID-19 “thần thánh”, thuốc chống ung thư giả cứu nhân độ thế, một bên là viên kẹo rau “nén cả đĩa rau” bổ sung chất xơ, tưởng như không liên quan lại liên quan không tưởng.

Trụ sở Công ty Asia Life tại Thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk rất nhỏ, không có mảnh vườn nào – Nguồn: Minh Phương/tuoitre.vn
Vụ Việt Á chắc quá nổi tiếng và quen thuộc rồi (Kit-test từ Trung Quốc có giá rẻ được nhập về nâng khống giá cao với ý nghĩa cao cả: Sản phẩm Việt được thế giới công nhận giữa mùa dịch cúm Tàu). Còn vụ thuốc ung thư giả H-Capita là thuốc được quảng bá là “thần dược” chữa ung thư, nhập từ Canada với giá cắt cổ – Nhưng khi bị phanh phui, hóa ra là hàng Trung Quốc, không đạt tiêu chuẩn, giấy tờ nhập cảng được giả mạo từ A đến Z, giả từ chữ ký chuyên gia đến hồ sơ kỹ thuật. Khi bị phanh phui, lãnh đạo VN Pharma thanh minh: “Chúng tôi cũng không biết thuốc giả”.
Điểm chung giữa H-Capita với Việt Á: Sản phẩm “dỏm” được thổi phồng, đội giá, có người chống lưng là quan chức cấp cao. Còn điểm chung giữa H-Capita với Việt Á và Kera: Sản phẩm “dỏm” nhập từ Trung Quốc, được thổi phồng, đội giá, người bị hại cuối cùng từ tiền bạc tới sức khỏe là dân đen. Điểm… riêng duy nhất chắc là nằm ở quy mô. Như ở trên tôi đã nói, một bên là hộp xét nghiệm COVID-19 “thần thánh”, thuốc chống ung thư cứu nhân độ thế, một bên là cục kẹo “nhuận tràng”, tưởng như không liên quan lại liên quan không tưởng.
Nhiều khi tôi thầm nghĩ, ở Việt Nam người bình thường có đông bằng người lừa đảo không?

Tóm tắt đại án kit test COVID-19 của Công ty Việt Á – Nguồn: baodautu.vn, vietnamnet.vn, chinhsachcuocsong.vnanet.vn
Đất nước chưa tới 100 triệu dân mà mấy bữa lại hiện ra một “thần y” chuyên trị câm điếc, bại liệt, thoát vị đĩa đệm chỉ bằng… vài cú bẻ cổ, vỗ lưng. Mở cả trung tâm chữa trị lớn, kêu gọi quyên góp, được mời đi ra nước ngoài “hành y” giống như chuyên gia y học hàng đầu thế giới, bể chuyện mới biết lang băm bể nợ, không trị xẹp bệnh người bệnh mà trị xẹp túi mạnh thường quân.
Đất nước chưa tới 100 triệu dân mà mấy bữa lại hiện ra một “thánh cô” có khả năng nhìn thấy bệnh qua màn hình điện thoại, chữa bệnh bằng cách đọc thần chú vào chai nước rồi đưa cho bệnh nhân uống. – Người bệnh không cần đến bệnh viện, chỉ cần cúng tiền và uống nước “thánh”, bệnh nhân chưa chắc hết bệnh nhưng mà tài khoản của “thánh cô” chắc chắn “mạnh như trâu”…
Đất nước chưa tới 100 triệu dân mà mấy bữa lại hiện ra vài công ty sản xuất những loại thực phẩm chức năng hoặc thuốc có công dụng mang tầm cỡ quốc tế, xứng đáng nhận Nobel Y học danh giá… Uống vô có thể đội đá vá trời.
Không dám trông chờ khi nào dân Việt bớt lừa nhau, cũng không dám tìm lương tâm của những kẻ đi lừa (họ cần ra tòa và vạch cái lương tâm đó ra chứng minh với công chúng). Chỉ muốn biết những ai, những đơn vị, tổ chức, cơ quan nào đã kiểm tra và cấp phép cho sản phẩm dỏm được lưu hành ở thị trường Việt Nam? Những đơn vị, tổ chức, cơ quan bảo vệ người tiêu dụng ở đâu lúc này? Trong khi chỉ cần một bình luận mang tính “khi quân”, “kỳ thị” các nghị định mới là có thể dễ dàng bị truy cứu, phạt tiền, tại sao những kẻ lừa đảo, quảng cáo lố công khai vẫn còn đất sống? Hay là…
DU
Bà Tám ở Sài Gòn