Tôi có khá nhiều tên: Tên hồi cúng cơm, tên trong giấy tờ, “nickname” bạn bè đặt, “nickname” người thân đặt, tên để dưới các bài viết (bút danh), tên tôi thích và những cái tên tôi tình cờ nghĩ ra khi muốn bỏ vô một tác phẩm (muốn) ẩn danh nào đó của mình… Tuy không nhiều bằng số tên của Nguyễn Ái Quốc, nhưng tôi cũng không nhớ nổi những cái tên mình đã tự đặt cho bản thân.

Đường Lê Văn Duyệt trước 1975 – Saigon.com    

Trong đó, cái tên tôi không thích nhất là cái tên trong giấy tờ hiện tại. Tên đó được đặt vì cái tên cúng cơm mà ban đầu ba má muốn đặt cho tôi – cũng là cái tên tôi thích nhất – trùng với tên một người lớn trong họ hàng, bị cho là “kỵ húy”, rứa là tôi mất “phần” vì phận hậu bối, “sanh sau đẻ muộn”.

  1. Tên người

Với nhiều người, cái tên chỉ là một thứ dùng để định danh, gọi nhau cho thuận tiện, họ sẽ không quan tâm khi người khác gọi sai tên của mình hay khi có ai đó trùng tên với mình. Nhưng với những kẻ “nhiều chuyện” như tôi, tên là một thứ rất đặc biệt. Hồi nhỏ, lúc còn đi học, tôi từng ghét cay ghét đắng một đứa trong lớp vì tên “nó” giống mình. Mỗi lần ai đó kêu tên “nó” là trái tim tôi tan nát. Vì bỗng thấy mình không còn đặc biệt nữa, chẳng còn là duy nhất nữa. Năm nào còn học chung, tôi đều thầm ước “nó” ở lại lớp.

Tôi cũng từng rất “kỳ thị” ông thầy dạy môn Sử hồi cấp 2. Ổng là dân Bắc mà hay thích “nhái” giọng Nam, nhất là mỗi lần đọc tên học trò, ổng hay cố đọc chệch theo phương ngữ miền Nam (với cái giọng khàn đậm đặc vị thuốc lào), ví dụ: Duyên thì ổng đọc là Diên, Tuyền thì ổng đọc là Tiền… Rất nhiều bạn học của tôi thấy thú vị trước sự bông đùa này, trừ tôi. Vì vậy, không ít lần tôi tỏ vẻ ghét bỏ ra mặt, giả lơ mỗi lần ổng gọi tên, có lần tôi còn méc cô chủ nhiệm rồi méc luôn thầy hiệu trưởng về “trường hợp đáng quan ngại” này (dù không ai quan tâm – y như lúc người phát ngôn Bộ Ngoại Giao VN tỏ ra “quan ngại” trước sự vô lối của các “đối tượng” tàu “lạ” vậy). “Nhờ” vậy, cũng không ít lần tôi được ổng cho điểm xấu để “báo thù” (chắc chắn là vậy, không phải do tôi học dở đâu!)

Lớn lên, cái tánh “sân si” đó cũng đỡ nhiều rồi. Có lẽ do tôi ít “được” thấy người giống tên mình hơn và cũng không có chàng trai “xấu số” nào gọi nhầm tên tôi bằng tên người khác. Thay vào đó là lâu lâu tôi lại giật mình khi đọc báo, thấy những tội phạm có tên giống mình (không biết có ai trong số họ là nhỏ bạn học của tôi thời xưa không?). Tuy không quá mê tín, nhưng tôi từng nghĩ: Những người có tên tương tự đều là những kẻ hiền lành, xinh đẹp, ngọt ngào, ngoan hiền, đằm thắm, thông minh, đáng yêu, tài giỏi và hơi… hoang tưởng giống mình. Gì cũng có lý do, ngày xưa, tôi từng đọc và tin vào các bài viết đầy dẫn chứng khoa học nói về ảnh hưởng của cái tên đến vận mệnh và tính cách con người. Tuy nhiên, càng lớn, tôi càng nhận ra điều đó là sai trái, không phải ai tên Phúc cũng có phúc, ai tên Minh cũng thông minh, ai tên Sang cũng sang trọng, ai tên Phóng cũng hào phóng, ai tên Duyên cũng có duyên… Rất ít người tên Ngân có nhiều “ngân lượng” may hàng trăm bộ áo dài bạc tỷ như bà Chủ tịch Quốc hội nước VN đương thời. (Ðọc truyện hồi xưa, không hiểu sao mấy người tên Giàu hay làm ở đợ dễ sợ!)

Cái tên rất quan trọng khi làm giấy tờ – Từ Facebook

Ngoài ra, rất may mắn cho tôi là đến lúc này, tên tôi chưa trùng với ông/bà quan lớn nào của chánh quyền sở tại. Ở VN, đôi khi tên của bạn giống một vài tên tội phạm cũng “đỡ” hơn khi tên bạn “bị” giống những vị “cán bộ” hay lên báo. Vì bạn sẽ không biết tên bạn sẽ trở thành cái bia ngắm bắn bất kỳ lúc nào trên khắp cõi mạng – khi ông/bà quan có tên giống bạn bị lột trần những hành vi sai trái. Tội phạm thì chỉ bị một vài người liên quan ghét bỏ hoặc chỉ bị dư luận réo tên một thời gian (sau khi họ đọc tin tức). Chứ còn “cán bộ” một khi đã thành “củi” rồi thì đi dân nhớ, ở dân… ghim. Không chỉ tên họ bị lôi ra mà có khi, tên của cả dòng họ đều “được” đem ra “tế” sống. Nguy hiểm lắm. (Bằng chứng là tôi có một người bạn tên… Trọng, nó rất khổ tâm vì việc này.)

Xem thêm:   "Phim cúng cụ"

Bởi vậy, đôi khi tôi thầm ước, phải chi tên người cũng giống như tên… email, không ai có thể đặt trùng. Nhưng sau khi nghĩ đi nghĩ lại, tôi thấy cái ước muốn này cũng “sai sai” giữa xã hội tôi đang sống. Vì nếu điều ước “hoang đường” của tôi thành sự thật thì: những cái tên đẹp sẽ thuộc về những người có tiền, có quyền. Ngoài “cò đất”, “cò giấy tờ”, “cò chức”. cò này cò nọ thì chúng ta có thêm cò… tên. Rứa là thế giới này lại càng phức tạp. Sẽ có rất nhiều người giống như tôi, không được dùng cái tên mình yêu thích. Có khi, lúc đó, bỗng dưng tên bạn sẽ bị ai đó “cưỡng chế” y như cách Sài Gòn mất tên vậy…

  1. Tên Người

Gần đây có một sự khiến dân Sài Gòn rần rần luận bàn là sáng 16-9-2020, nhân danh lễ giỗ lần thứ 188 của Ðức Tả quân Lê Văn Duyệt, chính quyền “ta” đổi tên đoạn đường Ðinh Tiên Hoàng nằm cạnh Lăng Ông Bà Chiểu (Chính điện thờ đức Tả quân Lê Văn Duyệt) thành đường Lê Văn Duyệt mới. Việc này khiến truyền thông trong nước rần rần ca tụng “công đức” và sự “nhân văn” của chính quyền với bậc tiền nhân, sau 45 năm đem tên đường Sài Gòn đổi ráo trọi. Làm cho việc đối chiếu tài liệu, hình ảnh của Sài Gòn xưa và nay gặp khó khăn. Làm “người cũ” về “quê” mà như đi tới nước ngoài. Làm không ít đôi tình nhân lạc lối tìm nhau, như tác giả Nguyễn Ðình Toàn từng than thở:

Xem thêm:   Mất mạng

“Sài Gòn ơi! Ta mất người như người đã mất tên

mất từng con phố đổi tên đường

khi hẹn nhau ta lạc lối tìm

ôi tình buồn như đã sống thêm…» – Nước Mắt Cho Sài Gòn (Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên).

Nhà thiết kế Võ Việt Chung, người bán áo dài cho bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, không phải ai tên Ngân cũng có “ngân lượng” mua được – Từ bazaarvietnam.vn

Thiệt tình, cũng… tội cho chánh quyền CSVN. Khác với những mong đợi sẽ nhận được những câu cảm thán, những lời “biết ơn” từ phía thị dân Sài Gòn chân chánh, họ đọc được những lời mỉa mai như: “Sau 45 năm học tập cải tạo tốt, có nhiều tiến bộ… Hôm nay, Ông Lê Văn Duyệt được trả quyền Công dân, miễn chấp hành quản chế!” Hay những “théc méc” như: “Vậy khi nào trả tên Sài Gòn cho… thành Hồ?”, “Trả lại giùm luôn mấy tên đường Gia Long, Tự Do, Công Lý… giùm luôn nhé!”…

Trong cái rủi (cho chánh quyền) thì có cái may (cho tôi). Nhờ sự kiện trên mà nhiều người “share” lại các bài viết về ý nghĩa tên Sài Gòn, tên đường ở Sài Gòn. Và những kẻ “hậu bối” như tôi mới biết được cách đặt tên đường của Sài Gòn trước 1975 rất hay, rất có dụng ý. Xin trích dẫn lại:

“Người đi từ cửa ngõ vào tới trung tâm Sài Gòn, nếu để ý sẽ thấy cả một chiều dài 4000 năm lịch sử của dân tộc trên từng bước chân.

– Khởi đầu từ Bến xe Miền Tây ta sẽ có Hồng Bàng, An Dương Vương, Triệu Ðà… Bà Triệu… rồi thì có Lý Nam Ðế, Triệu Quang Phục… Tiếp đến là Mai Hắc Ðế, Phùng Hưng, Ngô Quyền, Ðinh Bộ Lĩnh… Lý Chiêu Hoàng. Nhà Trần thì Trần Nhân Tông, Trần Hưng Ðạo và các tướng quây quần Phạm Ngũ Lão, Trần Khánh Dư…

– Các bến sông gồm có Vạn Kiếp, Hàm Tử… Bến cảng lớn nhất thì đặt tên Bạch Ðằng…

– Cứ thế vào càng gần trung tâm thì càng tiệm cận đến hiện tại như Lê Lợi, Lê Lai, Nguyễn Trãi… Nhà Nguyễn lại càng gần trung tâm hơn nữa như Nguyễn Hoàng, Minh Mạng, Tự Ðức cùng các tướng lãnh như Võ Tánh, Lê Văn Duyệt…

– Chệch qua phía bắc khu trung tâm (phía Quận 3) ta có triều Tây Sơn và các nhà văn, nhà thơ, học sĩ: Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương… Cùng với các võ tướng Tây Sơn: Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu…

Chân dung Tả quân Lê Văn Duyệt in trên tờ tiền 100 đồng của Sài Gòn trước năm 1975 – thanhnien.vn

Phải nói rằng một người đi từ bến xe vào trung tâm nếu thuộc Sử Việt và để ý tên đường thì rất dễ hình dung mình đang ở khu vực nào trong Thành phố.

Xem thêm:   Mối đe dọa từ Bắc Hàn

Hay nhất là sau dòng chảy 4000 năm lịch sử, thì tất cả đều tập trung vào một đại lộ mang tên Thống Nhứt, đẹp và rộng với quảng trường bao la dẫn thẳng vào cơ quan quyền lực cao nhất thời đó (trước 1975) – Dinh Ðộc Lập.

Con đường nhỏ hơn một chiều, chạy ngang Toà án và cổng chính Dinh mang tên Công Lý (Công Lý thì không thể nào 2 chiều được nhỉ!). Hai con đường song song với Ðại Lộ Thống Nhứt được mang tên của hai danh nhân đã tạo ra chữ viết của Việt Nam là Hàn Thuyên và Alexandre de Rhodes với hàm ý biết ơn sâu sắc…”

Từ đó, tôi càng hiểu sâu sắc câu thơ châm biếm  (có người cho là của nhà thơ Vũ Hoàng Chương?): “Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý. Ðồng Khởi vùng lên mất Tự Do” – Hai câu thơ tiếc nuối những con đường mang tên Người (nhiều thế hệ tôn sùng, kính trọng) bị người ta thay bằng tên người (không mấy ai quen biết). Những cái tên mà nói tới, rất dễ bị vu cho tội “phản động”, bị gắn cho cái “động cơ” gọi là chánh trị. Xin kết bài bằng câu chuyện của tác giả Trịnh Thanh Hùng:

“Thấy dân Hà Nội mở quán bún chả Obama rồi mở thêm ra nhiều chi nhánh rất đông khách. Tôi cũng tập tành về mở quán thịt cầy tơ lấy hiệu là “bác hồ”. Vừa làm xong cái bảng hiệu, mấy anh công an phường kéo đến rồi chỉ mặt mình:

Đường Lê Văn Duyệt sau khi “học tập cải tạo” 45 năm – baomoi.com

– Ðộng cơ chính trị của anh là gì mà mở quán này?

– Ủa, đói thì mở quán ra buôn bán kiếm tiền chứ, chẳng lẽ đi ăn cướp?

– Nhưng tại sao lại lấy thương hiệu “bác hồ”?

– Mấy anh đăng ký bản quyền rồi à? “Bác Hồ” cũng là bác của tôi nhe.

– Không có bản quyền bản quyết gì hết. Nhưng không được lấy ra kinh doanh.

– Thôi được rồi, để tôi xóa dấu huyền thành “bác hô”.

– Ðộng cơ chính trị của anh là gì mà để “bác hô”?

– “Bác hô” cũng có động cơ chính trị nữa hả?

– Sao không có. Anh có biết ở VN chỉ duy nhất một người hô được gọi là bác không?

– Ừa biết! Sắt, chì, kẽm gì đó quên rồi. Thôi, để “bác ho” vậy.

– Anh lại có động cơ chính trị. Bác bệnh gì mà ho?

– Thôi dẹp mẹ đi. Muốn thu hay muốn tháo bảng hiệu gì thì làm đi. Ho mà cũng có động cơ chính trị thì làm sao thở mấy ông nội.”

Tự nhiên đọc xong câu chuyện trên tôi chột dạ. Nhớ hôm rồi, tôi định mua đồ mà người bán nói “em ở TP.HCM”. Thế là tôi không mua nữa. Bạn bán hàng hỏi tại sao, tôi thiệt thà: “Xa quá, chị ở tuốt Sài Gòn!” Không biết bản có báo công an không? Thề có Ðức Tả Quân Lê Văn Duyệt, người tôi bằng xương bằng thịt, không có gắn “động cơ” gì hết nhe!

DU