Hai người say rượu đang lái xe về nhà. A bỗng hét lên: “Mày phóng vừa thôi, tao chưa muốn chết đâu.”

B: “Tao có cầm lái đâu?”

A: “Ủa tao tưởng mày lái! Nãy giờ sợ gần chết mà không dám nói.”

Thử nghĩ xem, chuyện gì sẽ xảy ra khi ngoài hai người bạn say xỉn ra, trên xe hổng còn ai cả? Những lúc này mới nhận ra tầm quan trọng, sự vĩ đại của các bác tài xế chuyên nghiệp.

“Tạp hóa” di động” – Facebook   

Tôi hoàn toàn trông cậy vào các bác tài xế từ di chuyển tới mua sắm… (Thật ra tôi thích tự lái xe lắm, nhưng 100% người quen/người thân đều khuyên tôi nên đi xe ngoài – cho những người lái xe khác cảm thấy an toàn và để không phải đi lạc vì tôi là ma mù đường). Nên đôi khi tôi nghĩ, đáng lý ở Việt Nam, bên cạnh các danh hiệu “công an nhân dân”, “nghệ sĩ nhân dân”, “nhà báo nhân dân” (ngân hàng thì nhà nước) phải thêm các danh hiệu “tài xế nhân dân”, “shipper nhân dân” mới đúng. Một phần để xã hội công nhận sự khổ cực của họ không hề kém các nghề kia (ngoài ra, trình độ của các vị tài xế, shipper ở Việt Nam cũng rất cao. Vì đa số học đại học ra không tìm được việc hoặc làm ăn thua lỗ nên chuyển nghề). Một phần là để giới tài xế tại Việt Nam thêm yêu đời, yêu nghề, có mục tiêu phấn đấu mà tập trung chuyên môn của mình hơn. Chứ ngoài lái xe kiêm giao hàng, nhiều vị cũng hay làm những việc ngoài chuyên môn (mà hổng ai mượn) lắm. Như… điều tra khách hàng.

Hầu như 80% khách hàng Việt đi xe ôm hay taxi ở VN đều sẽ bị tra khảo từ nghề nghiệp, tiền lương mỗi tháng tới tình trạng hôn nhân – những thứ khá riêng tư. Ngoài hỏi han cặn kẽ ra, các bác tài Việt còn thích đưa ra những lời khuyên không cần thiết, như: Khách ế thì khuyên khách lấy chồng, khách nói lấy chồng rồi thì khuyên khách sanh con, khách nói có con rồi thì lại hỏi khách sao có chồng có con chi sớm vậy? (Còn khách bỏ chồng rồi thì lại khuyên khách tìm duyên mới…) Tôi không ít lần được khuyên là nên mua… xe để tự lái đi cho… đỡ tốn tiền. Có lẽ vì mỗi lần các bác tài xế hỏi tôi: “Con làm nghề gì?”

Tôi đều trả lời cho xong: “Dạ con viết lách.”

Họ (thường sẽ tỏ vẻ ngạc nhiên): “Con viết báo à?”

Tôi: “Dạ, không. Mỗi tháng con viết thư về nhà xin tiền.”

Hồi sáng nay, tôi cũng bị người giao hàng khuyên phải ngủ dậy sớm. Tại lúc chàng tới giao hàng, tôi đã lỡ xuống lấy đồ với vẻ mặt lờ đờ, còn ngái ngủ. Chàng hỏi: “Trời giờ này mà chưa tỉnh ngủ hả em?”

Tôi: “Dạ, đêm qua em thức khuya…”

Cảnh sát giao thông kiểm tra giày ảnh đã mua, trước sự dè chừng của anh giao hàng – Facebook

Ảnh có vẻ không hài lòng: “Trời ơi ai mà giờ này mà còn ngủ? Em coi mấy giờ rồi… blah blah (lược bớt một trăm rưỡi chữ).”

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

Tôi mệt mỏi, xua tay nói với ảnh: “Thôi anh mang đồ về đi, ai mà giao đồ giờ người ta ngủ đâu…” (Thật ra tôi vẫn phải lấy hàng vì trót trả tiền rồi, cũng không muốn làm khó anh ta.)

Có lẽ nhờ các anh các chú các chị tài xế, giao hàng mà tôi ngày càng ăn nói xéo xắt hơn chăng?!

Dĩ nhiên tôi không phải là người cá biệt gặp những tài xế nói nhiều, có nhiều người còn bị xúc phạm bằng lời nói, ánh mắt của những vị tài xế khiếm nhã. Chỉ cần lên mạng tìm là dễ dàng thấy hàng tỷ bài viết mắng vốn từ cư dân mạng Việt Nam dành cho giới tài xế. Cũng từ việc khách mắng vốn quá nhiều về vấn đề này, nhiều hãng xe coi đây như một cơ hội, vì vậy mà họ tạo ra những “chiêu” mới để lôi kéo khách book xe hãng mình. Như hãng xe ôm/taxi điện tử “Grab” vừa tạo ra “Chuyến xe yên lặng” cho thị trường Việt.

Cụ thể là khi các khách hàng không muốn giao tiếp thì có thể yêu cầu tài xế hãng này giữ im lặng trong suốt chuyến đi, kể cả việc tài xế nói chuyện điện thoại hay mở nhạc/radio cũng sẽ không xảy ra (Vì có nhiều tài xế không nói chuyện với khách hàng nhưng “alo” nói chuyện điện thoại với anh em bằng hữu, cãi nhau với người nhà từ khi khách bước lên cho đến khi rời khỏi xe. Hoặc có bác tài thì im lặng đấy nhưng lại mở nhạc đùng đùng, khách góp ý thì hậm hực tắt nhạc, trả lại cho chuyến xe một bầu không khí… chiến tranh lạnh. Rất tiếc là tôi đều từng gặp những trường hợp như vầy). Khi khách hàng chọn “Chuyến xe yên lặng”, ngoài những cuộc gọi điện khẩn cấp, các bác tài vẫn được chào hỏi, xác nhận thông tin chuyến xe, lời nhắc an toàn (thắt dây an toàn, đội nón bảo hiểm hoặc mở/đóng cửa xuống xe bên phải), xác nhận lộ trình… với khách.

Tuy vẫn có nhiều người phản đối “Chuyến xe yên lặng”, vì họ cho như vậy là xúc phạm giới tài xế, làm người làm nghề lái xe thấy tổn thương… Nhưng phần đông khách hàng Việt cảm thấy vui vẻ và chào đón lựa chọn mới này, nhiều tài xế cũng ủng hộ vì chính họ cũng đâu biết khách nào muốn “Chuyến xe ồn ào”, khách nào muốn “Chuyến xe yên lặng”, hay phải vất vả nặn óc kiếm chuyện để nói vì tưởng khách thích “chuyến xe ồn ào”.

Một ngõ ở Hà Nội “Cấm shipper, đồng nát (ve chai) vào ngõ, nếu vào tịch thu xe” – Facebook

Bản thân tôi, tuy đôi lúc cũng không vui bởi những lời hỏi han khiếm nhã từ các tài xế, nhưng tôi vẫn thích nói chuyện với họ, vì họ rong ruổi khắp nơi mỗi ngày, gặp nhiều người nên sẽ có nhiều chuyện hay, nói chuyện với họ xong, tôi lại có chuyện để… nhiều chuyện.

Xem thêm:   Vai trò đồng minh của Nhật Bản

Như một anh tài xế kiêm thêm nghề giao hàng kể: Tôi đi giao hàng, khi vừa đến ngã tư gần chỗ giao đôi giày, tôi móc điện thoại ra gọi khách thì bỗng có chú áo vàng (cảnh sát giao thông) lái xe đi đến. Tuy không làm gì sai, nhưng cứ thấy các ảnh là sợ, máu rồi cô ơi, cũng tại mấy ổng cứ canh dân làm khó hoài. Nên tôi bỏ chạy gấp. Không biết sao càng chạy thì ông nội cảnh sát giao thông càng đuổi theo, lại còn thổi còi. Tôi nhủ thầm trong bụng “Trời đất ơi, tha cho con, sáng giờ con chỉ mới giao có ba đơn hàng, chở có ba người khách, được mới hai trăm mấy (cỡ 10USD).” Tới đèn đỏ, tôi định bọc cua đi mất, thì ảnh gào lên: “Shipper, tôi đặt giày nè! Phải anh gọi tôi không? Chạy gì dữ vậy cha nội.” Ta nói, vừa đưa đôi giày cho ổng mà vừa run, sợ ổng kiểm giày không vừa ý, kiểm luôn xe với giấy tờ của tôi.

Hay hôm rồi, tôi được một bác tài xế lớn tuổi – chuyên lái xe ở khu phố Tây – chở. Rồi tôi vô tình thành khách du lịch ở quê mình luôn, bác rất hay, biết tiếng Anh, tiếng Pháp luôn. Mỗi lần đi qua địa danh nào của Sài Gòn là bác nói cho tôi nghe chỗ này tiếng Anh kêu sao, tiếng Pháp kêu sao, trước 1975 kêu sao… Vì thích thú mà tôi với bác đi luôn một vòng quận 1, thay vì đoạn đường nhỏ mà tôi định đi từ trước.

Ngoài ra, với một khách hàng vô dụng như tôi, các bác tài còn kiêm luôn việc… sát sanh giùm nữa. Vì tôi hay mua cua sống ăn (vừa tươi, vừa chắc ăn là cua không… chết), nhưng tôi lại không dám giết tụi cua (dầu hấp lên rồi thì tôi ăn ngon lành). Nên mỗi lần đặt cua là tôi thủ sẵn cây… dao, shipper giao tới là tôi chìa cây dao ra, nói: “Anh đâm nó giùm em nha.” Rất may là tôi có gương mặt thánh thiện, nên chưa bạn nào bỏ chạy khi thấy tôi chìa dao ra cả. Chỉ có một lần, một bạn nữ giao cua tới cho tôi, bạn cũng như tôi, không dám sát… cua. Thế là cả hai đứa nhìn nhau, rồi nhìn bịch cua, rồi cùng lên mạng tìm cách giết cua mà không cần đâm nó. Từ đó, tôi biết thêm một mẹo là bỏ cua vào ngăn đông của tủ lạnh, nó lạnh quá thì nó sẽ xỉu…

Ở nơi khác thì tôi chưa thấy, nhưng tại Sài Gòn, lâu lâu lại gặp những tài xế siêng năng, mở luôn cái tạp hóa ngay trên xe của mình luôn. Nhìn cách họ chào hàng cũng dễ thương lắm. Như Facebooker Dau Tuan kể: “Trưa đi xe Grab, lên xe thấy như một cửa hàng nhỏ, thơm lừng, bác tài bày bán đủ các loại tinh dầu. Hỏi chuyện thì đây là hàng của ông bạn tự làm, cách đây mấy năm tình cờ được ông bạn cho một lọ tinh dầu để trên xe, có người hỏi mua nên nghĩ bụng sao không làm biển bán luôn? Có vẻ doanh số cũng tốt. Mình hỏi thế tiền chạy Grab là chính hay tiền bán tinh dầu là chính thì ảnh cười. Khoe cuốn sổ ghi chi chít từng ngày, bảo khi nào rỗi khách thì anh lại lấy bút ghi lại, ngày bán cũng kha khá. Ảnh kể chuyện từ khi bày bán đến nay học được bao nhiêu bài học về bán hàng từ chính khách đi xe, có hẳn chuyên gia về marketing khuyên nên ghi rõ giá nên hiện tại anh đã niêm yết giá lên từng lọ. Mình cũng góp ý nên có thêm tiếng Anh khi người nước ngoài đi sẽ tiện hơn và nên đổi bảng quảng cáo sang màu xanh, có ảnh hoa minh hoạ nhìn cho thiên nhiên, anh tài xế bảo hôm nào anh sẽ làm như vậy. Rồi mình cũng mua 2 lọ tinh dầu quế và tinh dầu hoa nhài. Tiền mua hàng gấp 4 lần tiền cước chuyến xe. Dân mình giỏi phết!”

“Xe ôm gia truyền đời thứ 18” – Facebook

Thử nghĩ xem, lỡ sa chân vô một cái tạp hóa di động như trên, mà hông ai nói với ai lời nào, thì còn gì vui nữa? Tôi cũng không biết ở các nước khác, khách hàng có hay bị làm phiền bởi các câu hỏi/lời khuyên vô lý (đôi khi phải nói là vô duyên) từ tài xế không? Và có nơi nào tạo ra dịch vụ “Chuyến xe yên lặng” tương tự ở Việt Nam không? Vì không biết, nên tôi hỏi, đa số bạn người nước ngoài cho đây là quy định vô lý, tuy nhiên, các bạn không phản đối nếu có luật “Chuyến xe yên lặng” khi đi với… vợ.

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

Tuy tôi nhiều chuyện, nhưng tôi không phản đối “Chuyến xe yên lặng”, vì đôi khi chính tôi cũng cần nó. Tôi tin, các hãng xe khác ở Việt Nam sẽ mau chóng học “Grab” tạo ra các  “Chuyến xe yên lặng” thôi – vì cách giao tiếp ở Việt Nam còn quá là kém. Không chỉ kém ở vị trí tài xế mà còn kém ở vị trí khách hàng. Lâu lâu lại có vài vụ tài xế bị khách hàng hành hung, quỵt tiền, hỏi “biết bố mày là ai không” hoặc làm khó làm dễ. Chuyện các tài xế giao hàng bị “boom” hàng cũng là chuyện cơm bữa. “Boom hàng” (dùng chỉ người đặt hàng mà không lấy – đôi khi cố tình đặt rồi không thèm lấy). Rồi các đãi ngộ dành cho tài xế cũng rất thấp, khiến cho họ áp lực và bất cần, dễ giận cá chém… khách. Nói chung là quá nhiều lý do để có những “Chuyến xe yên lặng” ở Việt Nam, tuy không thể trị phần gốc, nhưng giảm được phần nào các “chuyến xe bão tố”, các bài viết tố nhau trên mạng xã hội. Khi mệt tôi sẽ book một “Chuyến xe yên lặng” để đi một vòng ngắm trời mây, thay vì tự xách xe rồi:

Một cảnh sát chặn một chiếc xe lại vì phóng với tốc độ quá cao. Người lái là một cô gái. Cảnh sát hỏi: Tại sao chị lại đi xe với tốc độ chóng mặt như vậy?

Tài xế: Anh cảnh sát ơi, tôi lái xe rất tồi nên mới vội vã quay về nhà vì sợ đâm phải ai đó trên đường.

Ngoài áp lực từ khách hàng/công ty, các tài xế Việt còn chịu áp lực từ nhà nước – Facebook

DU