“Tháng Sáu trời mưa, trời mưa không ngớt

Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa” – Nguyên Sa

“Tại vì nó dễ dàng!” – Ảnh cắt từ clip phỏng vấn “cậu bé mưa” VTV24

1. Cậu bé mưa

Giữa cơn mưa tháng Sáu trữ tình và thi vị đó, một cậu bé tên Ðạt, học sinh học lớp 6, ở Long An đi học về. Cậu chạy xe (đạp) giữa hai làn nước, trên đầu là nước mưa, dưới đất là nước cống đọng vũng. Ðạt như cái nhân biết nhúc nhích của chiếc bánh “hamburger” – làm bằng nước – khổng lồ.

Có lẽ Ðạt không muốn làm nhân bánh, nên dừng lại bên cống (nhưng không) thoát nước, dùng tay trần móc sạch rác rưởi, bùn đất bỏ lên vỉa hè, để miệng cống sạch hơn, với ước muốn một mặt của chiếc bánh “hamburger” nước thoát xuống cống. Làm sạch rác cái cống này xong, Ðạt lại đi đến cái cống tiếp theo, mần tiếp…

Vì người ta vô tình “rình” được hành động đẹp ở trên của cậu qua camera an ninh. – Loại camera chuyên “canh me” chuyện xấu của thiên hạ. – Họ cảm thấy ngưỡng mộ, quay lại đoạn phim, lan truyền lên cõi mạng, kèm theo những lời khen ngợi và một bài giảng về đạo đức cho nhân loài. Vì thế mà Ðạt nổi tiếng.

Sau đó, từ một cậu bé khép kín, vô danh, Ðạt nhận được mưa lời khen từ xã hội, trường học. Ðược phóng viên bu quanh phỏng vấn, được một số nhà hảo tâm và các nhà hảo… like để mắt đến. Cô hiệu trưởng của trường Ðạt học cũng “ban” cho em rất nhiều lời khen tặng trên báo, tỏ ra từng rất thân thiết với em. Chắc Ðạt bỡ ngỡ lắm, trước đó có ai thèm để ý đến một cậu học sinh đen đúa, gia cảnh nghèo, học lực trung bình, mồ côi (vì cha mẹ mạnh ai nấy tìm hạnh phúc riêng), ở với bà ngoại đâu, Ðạt nhỉ?

Ðạt nói với phóng viên: “Hôm đó lúc em đi học về gặp đường nhiều nước nên em mới làm sạch mấy cái cống để đi lại dễ. Nếu không làm thì nước sẽ ngập đầy đường và dẫn đến hậu quả xe không thể chạy qua được. Hôm đó em đi lấy rác ở 15 hay mười mấy cái cống em không nhớ. Lúc em làm em thấy rất nhiều rác, có lá, bịch nilon, bao giấy…”

Khi được hỏi về ước mơ của mình, Ðạt cho biết sau này lớn lên em muốn làm nghề điện, giúp đỡ để cho bà ngoại khỏe mạnh. Và: “Con muốn những cái cống này hết nước đi để cho đường khô ráo thật đẹp. Con mong muốn là xã hội này giữ gìn trái đất sạch sẽ, không nhiều rác”.

Khi hình ảnh tuổi học trò ở VN ngày càng xuống cấp. Ðứa thì “đam mê” chửi thề, đứa thì mê mẩn game online, đứa lại tập tành giết người, cướp của hoặc đè nhau “luyện chưởng”, xé đồ giữa sân trường vì giành bồ, giành người yêu, chướng mắt nhau… Thì hành động âm thầm và suy nghĩ rất đẹp của Ðạt đáng tuyên dương và ngưỡng mộ biết chừng nào.

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

Nhưng tuyên dương, ngưỡng mộ một thì người lớn, nhất là những người hay bỏ rác bừa bãi, phải cảm thấy ngượng ngùng và thẹn với lương tâm mình gấp trăm lần. Ðể ngày mai, những cái cống mà Ðạt đã dọn rác không còn bị đọng rác nữa.

Cảnh sát giao thông lượm rác – Ảnh: Báo Mới

Bên cạnh đó, những kẻ có nhiệm vụ làm “những cái cống này hết nước đi để cho đường khô ráo thật đẹp” – như ước mơ của Ðạt – Những kẻ mà mỗi lần ra tay dọn rác, có hàng trăm máy ảnh chĩa vào, ngày hôm sau, có hàng trăm tờ báo ca ngợi. Họ đáng xấu hổ gấp ngàn lần. Vì đáng lý ra, việc cống sạch rác, đường sạch nước không phải là một ước mơ đáng để ước giữa thế kỷ 21 này. Ðó phải là chuyện hiển nhiên, phải xảy ra trong cuộc đời em Ðạt, ngay từ lúc em chưa có ý thức bảo vệ môi trường.

Thời nào rồi, nét đẹp “búp măng non” của Việt Nam phải trông cậy vào đôi tay trần bé nhỏ đào rác từ cống lên, mà tung hô, mà tự hào, mà trông đợi cho “tương lai dân tộc”?

Những người khen cậu bé, ngày mai ra đường có còn vứt rác bừa bãi không? Những người phóng viên “chính thống” đang hân hoan phỏng vấn cậu bé, ngày mai có hân hoan đi phỏng vấn những người ăn tiền thuế của dân (trong đó có tiền thuế của người bà đang nuôi cậu bé), những kẻ chuyên trách về đường, về cống. Hỏi họ vì sao tiền chống ngập cứ “rót”, tiền nâng cấp cống cứ đổ hàng chục năm nay. Nhưng một cậu bé 12 tuổi phải mơ ước có con đường khô ráo?

“- Em thấy công việc móc cống có cực không?

– Dạ không

– Tại sao không cực?

– Tại vì nó dễ dàng…”

Một công việc theo lời “cậu bé mưa” Phạm Trọng Ðạt cho là dễ dàng, nhưng lại quá khó với những kẻ lấy “gù lưng” làm lẽ sống…

2. Cậu bé nấm

Bên cạnh “cậu bé mưa”, tháng Sáu còn có những “tấm gương” vẫn khoác áo học trò khác, trong đó có “cậu bé nấm”. Ngược lại hoàn toàn với Ðạt, “cậu bé nấm” có gia cảnh khá giả, được học trường nổi tiếng và nhiều năm liền là học sinh giỏi. Lý do nổi tiếng của “cậu bé nấm” cũng khác hẳn Ðạt, cậu nổi tiếng sau khi bị bắt vì “mua bán chất cấm”. Ðiểm giống nhau duy nhất giữa hai người, họ đều là “tấm gương” để người lớn “soi” lại hành vi của mình, một là về xã hội, hai là về gia đình!

“Cậu bé nấm” tên Nguyễn Trần Tuấn Phương (sinh năm 2001), đang là sinh viên năm thứ nhất ngành công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm tại Ðại học Bách khoa Hà Nội. Nhờ thông minh, học giỏi mà Phương bị nhiều áp lực từ gia đình, nhà trường.

“Cậu bé nấm” – Ảnh: Tiền Phong

Vì vậy, 2018, Phương bị stress nặng nên đã tìm đến “nấm thức thần”/”nấm ma túy”… để giải khuây. – “Nấm thức thần”, một loại cây chứa chất gây ảo giác mạnh, ảnh hưởng thần kinh. Chất này nằm trong danh mục các chất ma túy tuyệt đối cấm sử dụng trong y học và đời sống.

Xem thêm:   Đà Lạt & phượng tím

Sau khi dùng, thấy… ghiền. Bằng sự thông minh của mình, Phương tìm tài liệu bằng tiếng Anh, tự học công thức. Nghiên cứu quy trình và mua được phôi “nấm thức thần” về trồng tại nhà. Từ đó, Phương là một trong những sinh viên hiếm hoi ở Việt Nam có thể tự nghiên cứu, rồi trồng thành công “nấm thức thần”.

“Hưởng thụ” chán chê, Phương nghĩ đến việc “chia sẻ” cho những người “có cùng chí hướng”. Phương rao bán 30 gram thành phẩm “nấm thức thần” khô đầu tiên lên… mạng với giá 5 triệu đồng, bắt đầu “khởi nghiệp”. Nhưng không hiểu sao, khi đi giao hàng thì Phương bị… bắt! Có thể khách hàng đầu tiên của Phương là một vị công an?

Nhiều người thở dài tiếc nuối cho sự thông minh, học thức và sự giỏi giang của Phương. Vì lâu lắm rồi, Việt Nam mới có một tội phạm có “background tốt” như vậy! Nhưng cũng vì vậy mà nhiều người trách cứ Phương, cho rằng cậu có điều kiện tốt như rứa mà còn nghĩ quẩn. Ði làm chuyện phi pháp, dù biết “rủi ro” rất cao…

Riêng tôi tự hỏi, nếu số phận của “cậu bé nấm” và “cậu bé mưa” thay đổi cho nhau thì liệu “cậu bé mưa” sẽ như thế nào? Ðạt có stress đến độ phải tìm ma túy để giải khuây hay không? Cậu có dùng đôi bàn tay đã móc rác từ cống lên (với nguyện vọng bảo vệ môi trường) để trồng nấm ma túy và đem bán hay không? Theo phỏng vấn thì Ðạt có năng khiếu về điện, có ước mơ lớn lên làm trong ngành điện. Chắc sẽ không trồng ma túy. Nhưng cũng có thể, vì những áp lực học tập cộng với sự không quan tâm từ gia đình (bằng chứng là Phương dùng/trồng chất cấm từ 2018, gia đình vẫn không biết) mà Ðạt sẽ tìm đến ma túy như Phương… Rồi từ đó, “cậu bé mưa” tìm ra “chân lý”, xong đi theo “ngã rẽ” của “cậu bé nấm” luôn (?!)

Hôm rồi, một trường “chuyên” ở Hà Nội – trường Amsterdam vừa công bố danh sách học sinh đủ điều kiện ghi tên dự thi vào lớp 6 của trường này với học bạ toàn điểm 10. (Ðiểm 10 cho tất cả các môn học và bắt đầu từ lớp Một đến lớp 5). Làm thiên hạ được phen “nổi da gà”. Nhưng cũng có nhiều người xác nhận đó là “chuyện thường của huyện”. Ai không làm được cũng phải làm nếu đậu vô các trường điểm/trường chuyên, làm hoài không được thì… mua điểm, “nộp” tiền sửa học bạ. “Không chỉ sửa học bạ, để dễ dàng “đậu” hơn, các phụ huynh phải mua cho con mình vài giải thưởng cho có vẻ có năng khiếu hay đơn giản là đút tiền thẳng cho lãnh đạo trường…” – Tiến sĩ Nguyễn Ðức Thành. Cựu viện trưởng, nay là cố vấn cho Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Trường Ðại học Kinh tế, Ðại học Quốc gia Hà Nội). Cũng là cựu học sinh trường Amsterdam cho biết.

Xem thêm:   Trên cả tuyệt vời!

Nhưng cho dầu mua điểm, sửa học bạ, hay mua năng khiếu thì học sinh có thể đậu vô được các ngôi trường “chuyên” kiểu này vẫn phải chịu rất nhiều áp lực từ nhiều phía. Cuộc đời từ đó cũng tối đen, chỉ có ăn rồi học, học thêm… chứ làm gì còn thời gian thảnh thơi dạo mưa, dọn cống như cậu học sinh lớp 6, học lực trung bình. (Hay tối ngày hóng chuyện thiên hạ để đi mách lẻo như… tôi).

Từ đó, thử nghĩ xem với bảng “thành tích” nhiều năm liền làm học sinh giỏi của các trường nổi tiếng ở Hà Nội, giờ là một sinh viên Bách Khoa sáng giá. “Cậu bé nấm” Nguyễn Trần Tuấn Phương  đã chịu những áp lực như thế nào?

Không biết học ngu như tôi, là gù lưng hay khuyết tật! – Ảnh: Ohay.tv

Không phải tôi bao che hay ngụy biện cho một kẻ phạm tội (mà tôi cũng không quen biết), tôi chỉ nêu một ví dụ thật trong xã hội này mà thôi! Cũng có thể, “cậu bé nấm” tìm đến ma túy vì thích, không còn lý do hay áp lực nào khác. Nếu như vậy thì… thôi.

Hồi còn đi học, tôi đã không thông minh (lúc đó tôi nghĩ lớn lên sẽ “đỡ” một chút, nhưng không). Người ta nói nếu không giỏi văn thì có thể sẽ giỏi toán/lý/hóa, còn tôi, các môn tôi đều giỏi… ngủ. Cứ cầm cuốn sách là gà gà gật gật (có khi tôi còn nghĩ mình bị dị ứng… giấy). Mà ngặt cái là, tôi cũng không có gan. Mỗi lần có ý định “cọp dê” bài thi bạn ngồi kế bên hay lấy “tài liệu” ra gian lận là tôi lại nghĩ đến câu:

“Giám thị đứng ngay sau lưng nhà ngươi đó!”

Câu này do ông thầy dạy văn nhại lại câu nói của Thần Kim Quy “méc” An Dương Vương, nhắc nhở “nhân dịp” một lần bắt gặp tôi coi trộm “tài liệu”. Cho nên suốt nhiều năm học, năm nào hên lắm tôi mới đủ điểm để “qua” vài môn. Xui lắm, tôi mới được tận hưởng cảm giác làm học sinh giỏi.

Bạn tôi nói, nhờ vậy nên chừ tôi chỉ hơi “hâm hâm” mà thôi. Chưa stress đến phải tìm một loại thuốc “hòa giải” thần kinh như “cậu bé nấm”. Tôi cũng không hiểu được, cảm giác đó thế nào. Nhưng xung quanh tôi, có rất nhiều những đứa trẻ có cuộc sống những tưởng là hoàn hảo như Phương. Nhưng sau cánh cửa tâm hồn, là một trời áp lực từ gia đình/xã hội/thầy cô, vài đứa đã bỏ học, bỏ nhà đi, thậm chí tự tử vì áp lực thi cử.

Hồi xưa, lâu lâu tôi cũng bày đặt than trời trách đất, vì sao mình cứ mãi không bằng bạn bằng bè (số điểm). Có lần, thi xong bị điểm thấp quá, tôi khóc đến ngủ luôn. Trong mơ, tôi than phiền với Thượng Ðế:

– Thượng Ðế ơi! Tại sao người lại đối xử với con như vậy? Con đã làm sai điều gì?

Thượng Ðế mỉm cười: Con đã làm sai 13/15 câu trắc nghiệm.

DU