Có một việc mà cả thế giới không có ai chưa từng làm qua mà còn sống, đó là… ăn. Ăn cũng là việc tôi thích nhất trong hàng tỷ việc tôi đã làm từ khi biết thở. Bởi vậy mà vui – tôi ăn, buồn – tôi ăn, không vui không buồn – tôi ăn. Cũng bởi vậy mà từ giảm cân chưa bao giờ rời bỏ tôi từ khi thiếu nữ tới lúc dư… nữ!

Món ăn đạt “3 sao Michelin” của Du Uyên – Chai bia bên bờ biển, chả kẹp bánh dầy, một cái bánh… chỉ cần ăn với nụ cười… – Nguồn: Du Uyên
Chắc hiếm người không thích ăn, ẩm thực là điều hấp dẫn du khách đứng thứ ba, chỉ sau văn hóa và cảnh vật của điểm đến. Có lẽ vì vậy mà hãng vỏ xe Michelin cũng nổi tiếng với chương trình giới thiệu các tiệm ăn uống danh giá hơn 100 năm qua – The Michelin Guide – ra đời từ những năm 1900. Thậm chí, với những người không biết gì về xe (nhưng lại mê ăn) như tôi, sao Michelin được coi như là Oscar của điện ảnh, Grammy của âm nhạc vậy, vì các nhà hàng sau khi được gắn sao Michelin đều đông và mắc tiền, trở nên đặc biệt. Ðầu bếp nổi tiếng người Scotland – Gordon Ramsay đã từng khóc và buồn như “mất sổ gạo” khi nhà hàng của ông đã bị tước 2 ngôi sao Michelin.
Năm nay là năm đầu tiên Michelin Guide lên danh sách về các nhà hàng quán ăn tại Việt Nam. Nghe đồn, từ thời Ðông Dương, hãng vỏ xe Michelin đã từng thẩm định các nhà hàng tại xứ Ðông Dương cho đến 1975. Tới nay cuốn cẩm nang du lịch màu đỏ này mới quay trở lại Việt Nam chính thức. Cũng không biết khởi đầu này có suôn sẻ hay không mà sau ngày công bố danh sách các quán ăn đạt một sao Michelin tại Hà Nội và Sài Gòn, Michelin được cư dân mạng Việt Nam nhắc tới liên tục, nhưng chê nhiều hơn khen.
Thế giới phát triển nhanh chóng, mới đây thôi mà chuyện mỗi sáng nhìn ra quán cà phê, thấy mỗi người cầm một tờ báo đã xưa cũ. Nay, nhìn ra quán cà phê, tôi nhìn thấy mỗi người đều là một tờ báo. Ai cũng có thể có chính kiến riêng và có phương tiện lẫn quyền lợi nói ra điều đó (nếu họ muốn). Ai cũng ăn, nhưng mỗi người có một cái lưỡi và cái đầu khác nhau, bởi vậy mà đôi khi món này với người này là ngon nhất trên đời, nhưng với người kia là dở kinh thiên động địa. Chưa nói tới khẩu vị từng miền, dân tộc, địa lý… Như chính bản thân tôi, lên núi, xuống biển, vô hang… ai cho gì cũng ăn hết (trừ những món không ăn được), nhưng tôi đặc biệt sợ đồ ăn ở Hà Nội vì có quá nhiều đầu bếp có niềm đam mê với bột ngọt. Bởi vậy mà mấy ngày qua, Michelin bị cư dân mạng Việt Nam chê bai đến mức bão hòa, tôi lướt mạng xã hội chừng 10 bài viết thì có đủ 10 bài chê danh sách các quán ăn Việt Nam vừa lọt vào top Michelin Guide, các quán ăn đạt 1 sao Michelin càng bị chê nhiều.

Món ăn đạt “sao Michelin” của người lao động ở Sài Gòn – Nguồn: Du Uyên
Michelin nói, không đánh giá “nơi” (Sài Gòn, Hà Nội) mà đánh giá đồ ăn “ngon” để trao giải Michelin danh giá, nhưng thế nào là “ngon”? Một món ăn VN đối với cái lưỡi ông Tây Michelin có thể là ngon nhưng đối với người Việt chưa chắc. Và Michelin có quan tâm tới lưỡi dân địa phương không? Hình như là không. Thiệt ra, mỗi lần Michelin Guide đề cử nhà hàng, tiệm ăn ở nơi nào thì dân địa phương nơi đó thế nào cũng chê bai, bàn tán đủ kiểu y chang như Việt Nam mấy ngày nay. Theo giải thích của số đông thì Michelin Guide Book ra đời cho dân du lịch, dân lái xe đường dài… chứ không phải để phục vụ dân địa phương. Vì vậy mà những quán ăn lâu năm, nổi tiếng, “signature” của Sài Gòn hay Hà Nội đã không lọt danh sách đề cử và gắn sao như mong đợi của các thị dân. Với tôi, bún riêu ở nhà hàng 5 sao chưa bao giờ ngon bằng tô bún riêu của cô bán bún riêu gánh lâu đời trong xóm, dầu nhìn đơn sơ hơn. Như hôm rồi, tôi đi Cấp (Vũng Tàu) chơi, thấy rất nhiều dân địa phương lội từ biển lên, mặc luôn quần áo ướt, ngồi chồm hổm húp xì xụp tô bún riêu từ cái gánh giản dị, có phần cũ kỹ bên bờ biển mà thèm, nhưng không có can đảm ăn (dầu tôi tin là rất ngon). Hoặc ở gần khách sạn tôi ở có một quán cà phê đơn sơ so với phần lớn các quán cà phê dọc bờ biển này, thứ khiến tôi ghi nhớ là trước quán có cây bàng bự ơi là bự xòe tán ra phủ mát nửa quán. Quán nhìn đơn sơ, bán cà phê kiểu cũ, ghế cũng toàn ghế nhựa hoặc ghế bố mà lúc nào cũng đông kín bàn, tôi ghé hai lần (một lần trời mưa, một lần trời nắng) đều bít cửa, không còn chỗ ngồi. Tôi nghĩ bụng, có lẽ đây là hai chỗ được gắn «3 sao Michelin» bởi dân Vũng Tàu rồi.
Quay lại Michelin Guide tại Việt Nam, mặc dù còn nhiều tranh cãi nhưng đây là điều đáng mừng cho ngành du lịch trong nước. Chỉ mong các nhà hàng, quán ăn được vào danh sách đừng có tranh thủ tăng giá quá hớp, nhiều người không có cơ hội thưởng thức và đánh giá lại độ công tâm của những «thanh tra» Michelin trong lời đồn. Cũng đừng vì nổi tiếng mà để phẩm chất đi xuống, cái «sao» này chỉ có giá trị trong năm mà thôi. Mà không phải được gắn sao Michelin là hoàn toàn sướng đâu, rất nhiều người đã «xích mích» với cái sao này sau khi mang nó. Cụ thể là hồi năm 2018, chủ nhà hàng Le Suquet cho biết mình bị áp lực với gánh nặng từ Michelin sau khi giành đủ 3 ngôi sao vào năm 1999. «Bạn bị kiểm tra vài lần mỗi năm và chẳng biết khi nào thanh tra sẽ đến. Mỗi bữa ăn đều có thể bị đưa vào ghi chép», ông chia sẻ. Và ông đã miệt mài đòi Michelin Guide phải chấp nhận gỡ sao Michelin ra khỏi nhà hàng mình.

Một “tiệm” ăn đạt “sao Michelin” của người dân tại Vũng Tàu, giản dị nhưng rất đông dân địa phương (ăn sau khi tắm biển, thực khách còn bận phao) – Nguồn: Du Uyên
Du Uyên tuy mê ăn nhưng không sành ăn, món ăn chỉ cần tươi – khẩu vị vừa phải và được ăn lúc tâm trạng thoải mái là đạt «3 sao Michelin» của Du Uyên rồi. Vì có nhiều lần Du Uyên ngồi ăn nơi sang trọng, 5 sao ở tầng cao chót vót nhưng cảm thấy không ngon miệng bằng củ khoai nướng ở ngoài cái sân ngàn sao. Ðôi khi nhìn những người lao động núp dưới bàn, ngồi trên đống rau sống/quầy cá thịt sống hay nép bên đường… ăn ngấu nghiến và ngon lành tô bún đã nở, dĩa cơm đã lộn xộn sau ngày dài lặn lội, bận rộn buôn bán mà thèm. Họ vừa ăn vừa cười cười nói nói, đôi khi nhìn cách họ ăn mà tưởng đó là mỹ vị nhân gian. Có lẽ, một miếng khi đói đã là «3 sao Michelin» của họ!
Ðịnh kết ở đây rồi, nhưng vô tình đọc được câu chuyện có thật xảy ra gần đây, tôi nghĩ cần bỏ vào bài viết này: Ngày 1-6-2023, một sinh viên tại trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Thương mại Giang Tây (ở thành phố Nam Xương, miền đông nam Trung Cộng) đã vô cùng sốc khi phát hiện đầu chuột trong món cơm mà anh được phục vụ tại nhà ăn của trường (may mà anh có quay clip lại đăng lên mạng xã hội làm chứng). Nhưng chính phản ứng của nhà trường đã khiến hàng triệu người còn ngạc nhiên hơn nữa trên nền tảng Weibo (một Twitter của Trung Quốc). Nhà trường cho biết sinh vật trong phần cơm là cổ… vịt, không phải chuột, đồng thời cảnh báo học sinh không thảo luận về vụ việc trên mạng, chàng trai đăng clip cũng bị nhà trường triệu tập và gây rắc rối. Câu chuyện này đã thu hút hàng trăm triệu lượt xem trực tuyến. Nhiều người đặt câu hỏi: «Sao cổ vịt lại mọc răng vậy?» và câu chuyện này cũng thu hút dân mạng không kém chuyện sao Michelin.

Sự dối trá – Nguồn: RFA.org
DU
Bà Tám ở Sài Gòn