Đàn ông hay đàn bà gì thì cũng hay tự thấy mình khổ nhất trần đời. Không cần phải ngồi liệt kê, cứ nhìn quanh là thấy ai cũng có cái khổ riêng, chẳng ai thua ai. Thành ra, có lúc tôi với mấy người xung quanh tôi cũng chụm đầu thầm ước: “Trời ơi, đổi giới tính một lần cho đỡ khổ đi!”. Dĩ nhiên, ước cho vui vậy thôi, chứ tôi mà làm thiệt chắc không nổi đâu, tại tôi… nhõng nhẽo lắm, làm trai kiểu gì nổi! Nhưng mà, trên đời này, có mấy người làm được chuyện khó tin đó thiệt nghen…

Trithipnipa Thippaphada ở các phiên bản – Nguồn: baophapluat.vn      

  1. Tôi đi tìm tôi

Alia Ismail ở Detroit, Mỹ, bản thể là một cô gái xinh đẹp. Vậy mà một bữa đẹp trời, khi không Alia Ismail tự nhiên nổi hứng muốn “thử làm đàn ông”, tưởng cổ thử chơi chơi, không ngờ cổ làm thiệt. Alia Ismail quyết định cắt phăng vòng một, tiêm hormone nam, đổi tên thành Issa, nuôi râu, làm giọng trầm, tập gym cho lên cơ bắp… Sau 6 năm kiên trì để râu, giọng trầm và cơ bắp phát triển, cô bắt đầu nhận ra rằng “Trời ơi, làm trai gì mà cực hơn đi biển gặp bão!”

Làm “anh” khó lắm, phải đâu chuyện đùa. Một bữa, Issa cảm giác như cả thế giới đè lên vai, anh-cô quyết định trở về làm con gái – làm Alia nguyên bản. Cô bỏ hormone, phẫu thuật tái tạo ngực, rồi tung tăng trở lại hình dáng mỹ miều ngày xưa. Alia chia sẻ rằng, cuộc sống trở nên nhẹ nhõm hơn, áp lực giảm đi rất nhiều.

Dù bị nhiều người trong cộng đồng LGBT chỉ trích, Alia vẫn mạnh dạn chia sẻ câu chuyện của mình với hy vọng rằng ai đó có thể tránh được những quyết định vội vàng rồi nhận ra sai lầm như cô, dầu thỏa mãn bản thân nhưng tốn tiền-sức khỏe-thời gian và hạnh phúc của bản thân lắm.

Alia Ismail “lời” hơn nhiều người vì đã sống cuộc đời phụ nữ, lẫn cuộc đời đàn ông – Nguồn: tuoitre.vn

Ở đất Thái Lan, cũng có một “nhân chứng sống” tương tự: Trithipnipa Thippaphada, sinh ra với giới tánh nam năm 1989. Do lớn lên trong cảnh nghèo khó ở Thái Lan, nên cô đã bỏ học và đã khởi đầu hành trình “đổi đời” từ năm 16 tuổi bằng cách nhảy nhót ở các quán bar Bangkok. Hòng kiếm tiền phẫu thuật chuyển giới thành nữ và gỡ gánh nợ cho gia đình.

Xem thêm:   "Trí lực siêu phàm" và...

Đến năm 2013, Trithipnipa chính thức “nâng cấp phần mềm” thành một mỹ nhân lộng lẫy, lọt vào danh sách những gương mặt nổi bật của cộng đồng chuyển giới ở Thái Lan. Nhờ nhan sắc sắc sảo, cô làm người mẫu, vũ công, Năm 2014, Trithipnipa đoạt Á quân Hoa hậu Chuyển giới Hoàn vũ Thái Lan, nhưng tham vọng chưa dừng lại. Đến 2019, cô đã thành công đội vương miện Hoa hậu Chuyển giới Thái Lan 2019. Truyền thông săn đón, fan hâm mộ phát cuồng, gọi cô là “mỹ nhân chuyển giới đẹp nhất xứ chùa Vàng”.

Tưởng đâu cô đã thỏa mãn và yên vị làm nữ hoàng sắc đẹp, nhưng chỉ một năm sau khi đội vương miện, Trithipnipa tuyên bố xanh rờn: “Tôi mệt rồi, tôi quay lại làm trai đây!” Quyết định phẫu thuật ngược về nam sau 6 năm làm nữ khiến cả cộng đồng chuyển giới Thái Lan ngã ngửa. Lý do cô đưa ra còn “bá cháy” hơn: “Tôi thích mặc đồ nam, để tóc ngắn, sống thoải mái hơn.”

Năm 2020, Trithipnipa bảnh bao trong vest, trao vương miện cho người kế nhiệm trên sân khấu Hoa hậu Chuyển giới Thái Lan. Để biến từ nữ hoàng gợi cảm thành nam vương phong độ, Trithipnipa chăm chỉ tập gym, bơm hormone nam để “lên cơ bắp”. Thỉnh thoảng, sợ thiên hạ quên mình từng là nữ, Trithipnipa lại… trang điểm, đội tóc giả… biến thành cô nàng nóng bỏng trên các trang mạng xã hội.

Trithipnipa tâm sự “Hãy là chính mình theo cách tốt nhất của bạn. Ngày nay, mọi người đề cập đến việc chuyển giới theo cả cách tích cực và tiêu cực. Đó có phải là việc chúng ta nhìn bản thân mình theo cách nhìn của người khác? Tôi không muốn là một người đàn ông điển trai, hay một người đàn bà đẹp. Tôi chỉ muốn hạnh phúc sống cuộc đời của mình. Tôi muốn mọi người hiểu về chính bản thân tôi, không dựa trên bản sắc giới tính.”

Trang sức mỹ ký nhưng tấm lòng vàng – Nguồn: Facebook

  1. Miễn hạnh phúc!

Trithipnipa nói đúng, tìm được chính mình đôi khi là cả một chuyến phiêu lưu dài, đâu phải ai cũng trúng ngay lần đầu. Quan trọng là trong quá trình đó, bạn có vui vẻ hay không? Làm con người, đàn ông hay đàn bà gì thì cũng vậy, miễn hạnh phúc là được. Chỉ khi hạnh phúc, người ta mới muốn sống, muốn người xung quanh vui, muốn xã hội ấm áp. Chứ sống trong đau khổ, tổn thương, có khi chẳng muốn sống nữa, hoặc chỉ muốn làm người khác khổ theo.

Xem thêm:   Trung Quốc ở thế thủ

Dù là con người, đàn ông hay đàn bà, có lẽ hạnh phúc nhất là khi tìm được một người muốn nắm tay cùng nhau vun đắp niềm vui. Dẫu bạn nghèo, bạn xấu, hay tương lai mịt mờ, chỉ cần gặp được người đồng hành tử tế, bạn sẽ thấy động lực để cố gắng – để đẹp hơn, bớt nghèo hơn, và mở ra một tương lai sáng sủa hơn, ít nhất là để người bên cạnh bạn mỉm cười hạnh phúc…

Như chuyện chú rể ở Đắk Lắk kia, cưới vợ mà túi rỗng tuếch, không một xu teng. Nghèo quá mà, làm sao dám mơ một đám cưới “đúng điệu” – khi mạng xã hội đầy hình cô dâu “nhà người ta” đeo vàng đỏ người (Giá vàng nay (21-3-2025) ở Việt Nam đã hơn 100 triệu đồng/lượng). Vì thương người phụ nữ đi bên mình nửa đời sau, anh nảy ra ý rồi bàn với cô dâu và hai bên gia đình, nhờ hàng xóm đặt giúp bộ trang sức mỹ ký cho cô dâu. Bộ vàng mỹ ký đầy đủ kiềng – bông tai – lắc tay-nhẫn… giá cỡ 1.2 triệu VND thôi, nhưng khiến nước mắt tủi thân của cô dâu không bị trào ra trước mặt bà con lối xóm. Có cái hình cưới “ra dẻ” với con cháu sau này. Đây cũng là câu chuyện đẹp để mốt tóc bạc, răng rụng ngồi kể cho con cháu nghe.

Tưởng chuyện êm xuôi, ai ngờ cái xóm đó có cha nội chuyên giao hàng, mần thêm nghề vlogger. Bộ vàng mỹ ký với giá 1.2 triệu VND cũng là một món hàng giá trị bự rồi, nên bà khách (cũng là bà hàng xóm mà anh chú rể nhờ mua vàng) mở ra kiểm tra tại chỗ cho chắc ăn. Thấy bộ trang sức lộng lẫy đầy đủ kiềng – bông tai – lắc tay – nhẫn… tinh xảo, anh giao hàng trầm trồ “Đẹp dữ á cô!”. Máu tám chuyện của bà hàng xóm nổi lên, bả kể vanh vách câu chuyện ở trên mà không để ý camera. Anh giao hàng nghe xong, tò mò hỏi lại: “Rồi lỡ nhà gái phát hiện ra sao?”. Bà hàng xóm xua tay liền, “Không có đâu mà, hai bên gặp nhau thống nhất hết trơn rồi. Nhà nó nghèo, nhà con bé cũng nghèo, cả xóm này nghèo… Đặt bộ này cho con bé lên sân khấu đỡ trống trơn cái cổ, chứ bộ này chắc cả trăm triệu, lấy đâu ra tiền!”

Xem thêm:   Căng thẳng

Mì 0 đồng nhưng tình 0 thể đếm – Nguồn: Huynh Anh Kiet

Rứa là cả nước biết xóm đó có một đám cưới xài hàng giả, người ta bàn ra tán vào đủ kiểu. Người thương, kẻ chê, trăm người trăm ý, nhưng đa số là thương cho đôi trẻ, mong sau này họ thành đạt, mua vàng thiệt bù vô. Anh giao hàng chắc vui nhất vì video đó là video hiếm hoi mà anh đạt “triệu view” kể từ khi “làm thêm” nghề vlogger.

Cùng khoảng thời gian này, có một cái đám cưới khác, không lộng lẫy, xa hoa như những đám cưới rình rang trên mạng đương thời, nhưng vẫn nhận được muôn vàn lời chúc phúc. Đó là đám cưới của đôi trẻ Đình Phúc với Kim Hằng – chú rể là đầu bếp chính cho cái quán “mì 0 đồng” nổi tiếng ở Hóc Môn. Họ không làm tiệc cưới thường tình như ai, lại nghĩ ra cái chuyện mặc đồ cưới, tay trong tay nấu mì đãi bà con nghèo miễn phí. Cô Tám ở ấp Hậu Lân, Bà Điểm, Hóc Môn cười tươi rói, kể: “Vừa ăn mì ngon, vừa ngó cô dâu chú rể lăng xăng trong bộ đồ cưới, hạnh phúc lây luôn. Chuyện này xưa nay hiếm á chèn ơi!”

Nghe đâu, cô dâu chú rể cưới xong không làm bể bình bông mà sẽ đem bình bông trao cho những cặp tân giai nhân khác, với những đám cưới 0 đồng đang lên kế hoạch. Hai đám cưới, hai số phận, một bên nghèo tiền tới mức mua vàng mỹ ký cho đỡ tủi, một bên giàu tình nghĩa tới nỗi áo cưới còn thơm mùi khói bếp mì 0 đồng. Nhưng chung quy là họ hạnh phúc, người xung quanh họ hạnh phúc, kẻ xa lạ như tôi cũng thấy hạnh phúc lây khi biết tới họ…

Cuộc sống muôn màu, mỗi người có một tiêu chí đánh giá hạnh phúc khác nhau. Có người loay hoay tìm kiếm hạnh phúc dầu ai cũng thấy họ may mắn, con cưng của trời. Có người chỉ cần còn thở là còn hạnh phúc. Có người ở ngôi cao mà thấy lạnh lẽo, cô đơn, có người dưới bùn mà nghe mùi sen thơm ngát. Riêng tôi, tôi thấy mình không mong cầu nhiều nên dễ hạnh phúc, dễ vui vẻ, đôi khi chỉ cần ăn bịch chè 6 ngàn VND thì tôi cũng thấy hạnh phúc. Lúc nào tôi cũng thấy tràn đầy năng lượng, trừ khi hết… tiền.

Anh bếp trưởng kiêm trưởng ban “cầm bảng quảng cáo” của tiệm mì 0 đồng “lên xe hoa” – Nguồn: Bảo Phan

DU