Sài Gòn còn sặc sỡ là Sài Gòn còn thở!

Mưa hay nắng, Sài Gòn vẫn cà phê – Nguồn: Du Uyên      

Sài Gòn mấy tuần nay mưa rả rích, phơi cái đầm ba bữa không khô! Có lẽ do đang vào mùa giỗ lớn của cả nước, Sài Gòn khóc thương những linh hồn oan khuất đã mất do đại dịch Vũ Hán và những sai lầm của những người mang danh chống dịch vào cùng khoảng thời gian này năm 2020, 2021. Không biết có phải trùng hợp hay vô tình, vụ án “chuyến bay giải cứu” cũng được xử sơ thẩm trong khoảng thời gian này, tuy kết quả không thể khiến người yêu công lý hài lòng, nhưng cũng nhắc nhẹ bà con vài gương mặt đã từng “mừng công” vì “chống dịch giỏi”, không đồng… nào bị bỏ lại phía sau) dầu đó là tiền của du học sinh, thực tập sinh, công nhân “xuất khẩu lao động” nghèo hay tiền của người bị nước bạn bỏ tù vì nhập cư/làm việc bất hợp pháp, thậm chí tiền của mấy hũ cốt lạnh lẽo). Cũng nhắc bà con rằng sức khỏe của công lý ở Việt Nam vẫn đang kiệt quệ!

Bầu trời u ám phủ lên tâm trạng một màu ủ dột, nhìn đâu cũng thấy khó ưa. Khó ưa nhất là mấy tấm giấy in chữ “nhà cho thuê chính chủ” được dán chi chít trước cửa những ngôi nhà từng là cửa hàng xa hoa hoặc tiệm ăn đông khách. Mỗi tờ “chính chủ” lại có một số điện thoại khác nhau, nếu muốn thuê cũng không biết gọi số nào.

Gần nhà tôi có một ngôi nhà như vậy, mỗi lần nhìn qua là thấy hiu quạnh. Hiu quạnh vì cái tiệm đó từng rất đông khách, giờ chỉ còn ông bán ve chai nằm chèo queo ngoài cửa, co quắp tránh mưa lạnh mỗi tối. Hiu quạnh vì sợ người cần cho thuê thì không cho thuê được, người cần mở tiệm mới thì không mở được, bởi không biết gọi cho số “chính chủ” nào trên cái mặt tiền bị dán chi chít giấy như những vết tàn nhang trên khuôn mặt mỹ nhân. Hiu quạnh vì không có tiền thuê luôn cái nhà đó cho xong, đỡ nhìn rồi thấy… quạnh hiu.

Múa lân khai trương – Nguồn: Du Uyên

Ði một vòng các quận Sài Gòn, những ngôi nhà bị ế như trên rất nhiều, không biết chủ của chúng bỏ chạy đâu hết rồi? Không khí này làm tôi nghĩ đến cảnh từng đoàn người bỏ chạy khỏi Sài Gòn, cô bé Lọ Lem hốt hoảng bỏ chạy khỏi vòng tay hoàng tử trước 12 giờ để không bị lộ nguyên hình “nhà nghèo” trước mặt người trong mộng hồi đại dịch xâm chiếm nặng nề nhất. Sau dịch, những quán quen đổi chủ hơi nhiều, có chỗ vì chủ cũ «bỏ của chạy lấy người», có chỗ vì chủ cũ mạng người cũng bỏ mà không mang theo của, gia đình thay mặt quản lý. Tiệm vẫn vậy nhưng thiếu chút gia vị đậm đà, thiếu những lời mời gọi thân yêu, thiếu người đầu bếp nhìn mặt khách nhớ cái nết ăn… Bởi vậy, mỗi khi ghé quán nào mà nghe người bán đon đả “Trời ơi, lâu quá mới gặp, khỏe hôn cưng?” là mát lòng mát dạ, dầu người bán nêm lộn hai muỗng muối cũng thấy… ngọt.

Xem thêm:   Thế-giới đó-đây...

Cũng thật may mắn, ngay cả trong những ngày tang thương nhất trong đại dịch cúm Vũ Hán, vẫn có rất nhiều người có thể ra đi vẫn quyết bám trụ Sài Gòn, cùng nhau giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hơn, cùng cỗ vũ nhau vượt qua những ngày gian khó. Tôi biết ơn họ, dầu đôi khi phật ý khi đọc các bài viết sướt mướt kiểu “Sài Gòn trọng thương”, “Sài Gòn hấp hối”… Không, Sài Gòn khỏe re, thứ “trọng thương”, “hấp hối” chính là lòng người! Con cúm Vũ Hán coi vậy mà hay, không chỉ khiến nhân loài quý trọng sanh mạng mà còn khiến nhân loài sáng mắt sáng lòng hơn. Vì sáng mắt, sáng lòng mà thị dân đau lòng, càng đau lòng thì thị dân càng trân trọng từng mầm sống được đâm chồi.

Bởi vậy, cho dầu mây đen đang giăng lối, cho dầu thị dân lặc lè thở dốc khi nhìn những cao ốc lộng lẫy, những hàng quán xôm tụ… ngã quỵ trước cơn đại suy thoái, những tấm bảng “nhà cho thuê chánh chủ” vùng dậy, làm bá chủ thành thị. Những người yêu thành phố này như tôi có lẽ đều sẽ dễ dàng cảm thấy vui mừng khi được nhìn thấy những cái bong bóng đủ sắc màu báo hiệu những cửa tiệm mới được khai trương. Sài Gòn còn sặc sỡ là Sài Gòn còn thở!

Người khúm núm, mặc áo sọc lại là người đúng  – Nguồn: Du Uyên

Dầu đôi khi xen lẫn ngọt ngào cũng có đắng cay… Như hôm rồi, vô tình tôi bắt gặp một «tiểu phẩm» rất là điện ảnh, rất là báo chí ngoài đời thật, nhưng không hài hước chút nào!

Xem thêm:   "Có giấy"

Trong lúc lon ton đi công chuyện về, tôi bị hấp dẫn bởi tiếng “xèng xèng”, tiếng “thùng thùng” từ đội múa lân ở bên kia đường, nhìn qua thấy một quán cà phê mới được khai trương. Dầu tính nết không ưa náo nhiệt nhưng tôi vẫn đứng bên đường vừa coi vừa vui lây với niềm vui gia chủ. Nghĩ bụng lát nữa sẽ băng qua đường ủng hộ một ly cà phê chúc mừng cho sự can đảm của gia chủ, khi dám mở quán ở con đường đắt đỏ này giữa lúc cả xã hội dẹp tiệm, mà lại là quán cà phê, phải nói là nhân 10 sự can đảm.

Bởi ở Sài Gòn, quán cà phê và quán bia phải nói là đông nhất. Quán bia thì nặng vốn và nhiều sự phức tạp (từ mấy ông nhậu) xảy ra hơn, bởi vậy trong suy nghĩ đa số người Việt, khi không biết khởi nghiệp bán món gì, sơ hở là người Việt đi mở quầy, mở tiệm bán cà phê. Kế nhà tôi có một ngôi nhà lớn, hai năm đã thay 3 người thuê nhà, họ đều mở bán… cà phê. Việt Nam là quốc gia sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới, đứng thứ 2 về sản lượng xuất cảng (sau Brazil) nên giá cà phê khá rẻ, trong thực đơn nước của đa số quán xá ở VN thì một ly cà phê pha phin thông thường sẽ rẻ nhì – chỉ sau nước suối (các loại cà phê pha máy, ủ lạnh – Cold Brew sẽ mắc hơn). Bởi vậy, để bán cà phê mở tiệm bự có khi không cạnh tranh lại một cái xe đẩy có trang trí đẹp, có cái máy pha cà phê nhìn “uy tín nhà may Tèo” kèm một người pha chế duyên dáng. Người Sài Gòn lại không hay câu nệ tiểu tiết, uống cà phê ở đâu cũng được miễn cà phê ngon, chủ khách giao dịch vui vẻ. Bởi vậy mới nói chủ quán trên quá can đảm khi mở một tiệm cà phê vừa vừa giữa con đường nhiều quán cà phê không vừa, trang trí hiện đại và rộng rãi hơn. Nhưng không sao, miễn là cà phê ngon, thường… khuyến mại, tôi sẽ ủng hộ dài dài.

Ủng hộ quán một ly cà phê “mở hàng” – Nguồn: Du Uyên

Trong khi các con lân, ông địa, ông thần tài cùng đội trống chiêng đang hăng say múa, tôi và người xung quanh đang hăng say coi, hai tấm vải nền đỏ chữ vàng ghi tám chữ «đại cát đại lợi», «khai trương hồng phát» vừa được giăng ra thì… đùng một tiếng – một người lái xe hơi chở hàng nhỏ vô tình quẹt vô đít xe người đi xe máy phía trước, bởi chàng lái chậm lại để coi múa lân (mà không chịu tấp vô lề rồi coi). Tiếng cãi vã vang lên, người lái xe máy dù sai trước nhưng hung dữ hơn, nên người lái xe hơi xuống nước, thật may mắn không phải cả hai cùng «căng», lúc đó chủ quán chỉ có nước khóc ngất. Con người bây chừ nóng nảy quá, nhất là sau những biến cố lớn, xã hội Việt Nam như thay đổi, nhiều chuyện xấu xảy ra hơn… với những lý do thật là vô tri. Ví dụ như lúc này, lượng người coi cãi nhau đông hơn lượng người coi múa lân hồi nãy gấp mười lần, tôi trộm nghĩ, mốt có mở quán sẽ mướn người tới… cãi nhau thay vì mướn đội múa lân.

Xem thêm:   Hoa Kỳ & Đông Á

Tiếng cãi nhỏ dần khi một bên càng «sôi cơm», một bên càng từ tốn «bớt lửa», mọi người dân giải tán, hai đương sự cũng chia tay, ai về nhà nấy vì chưa thiệt hại gì. Tiếng trống, tiếng chiêng lại vang lên, đít con lân lại lúc lắc chúc tụng, mà mặt chủ quán coi bộ hơi rầu, coi bộ sợ «xui xẻo». Tôi bỏ luôn ý định bỏ về ngang (cách sanh tồn ở Việt Nam của tôi: thấy người ta cãi nhau, gây gổ ngoài đường thì nên bỏ chạy xa xa rồi mới kêu công an). Tôi chờ vắng người hóng chuyện rồi băng qua đường, mua một ly cà phê ủng hộ quán. Tôi tin, tất cả sự đon đả, quý mến của buổi sáng hôm đó, chủ tiệm và nhân viên đã dành hết cho tôi.

Chuyện kinh khủng hơn việc một bệnh dịch đang âm thầm lây lan hay cơn đại suy thoái đang từ từ bành trướng (ai cũng có thể chết đột ngột, ai cũng có thể nghèo đột ngột) là những suy nghĩ xấu xâm chiếm, làm người ta mệt mỏi, trở nên xấu tính. Tôi xấu tánh sẵn, nhưng luôn cố gắng sống tốt hơn mỗi ngày, vì tôi may mắn còn sống sau đại dịch, may mắn còn việc làm trong cơn đại suy thoái, may mắn còn nhìn thấy cái tốt, cái đẹp, cái sặc sỡ của Sài Gòn khi nó âm u nhất.

Sài Gòn còn sặc sỡ là Sài Gòn còn thở, mà còn thở thì còn gỡ, nhớ hông?

Sài Gòn còn sặc sỡ là Sài Gòn còn thở! – Nguồn: Du Uyên

DU