Nếu là một quý cô, Sài Gòn chắc chắn là một quý cô vừa nhiều chuyện vừa đa nhân cách, ngoài ra, nàng sẽ có nguyên một tủ đồ bự. Mỗi thời điểm, nàng luôn khoác trên mình một tấm áo mới, một tâm trạng khó đoán và một câu chuyện bỏ ngỏ. Phút trước, bạn cứ tưởng mình đã hiểu nàng dưới cái nắng giòn tan không một bóng cây che – vì bị chặt hết rồi, phút sau bạn phải nép mình trước hiên nhà ai đó để tránh cơn giông tố bất chợt…

Bảo Huân     

Ðèn Sài Gòn ngọn tỏ ngọn lu, không khí Sài Gòn khi thì sôi động đến rã rời, lúc lại trầm lắng đến cô độc, khi thì hiền hòa cam chịu như cô Tấm, khi lại cay đắng, đáng sợ như… cô Tấm lúc trả thù. Con người Sài Gòn cũng đa dạng, họ chia nhau “sống” ở nhiều thời điểm khác, khi người này đi ngủ cũng có thể là lúc người kia thức dậy, khi nơi này mở cửa cũng là lúc chỗ kia tắt đèn, giải tán. Khi người này khóc thì đâu đó sẽ có kẻ cười, khi chỗ này đèn đỏ thì chỗ khác đèn xanh, đèn vàng. Vì vậy mà Sài Gòn… ồn. Hổm ngồi nói chuyện bâng quơ, bạn tôi nói thành phố thiết kế cho 3 triệu dân mà mười mấy triệu người dzô ở, lấy gì hổng ồn, nghe cũng có lý ghê lắm!

Sài Gòn ồn tiếng nhắc nhở của người lạ “đá chống kìa con ơi”, “tắt xi nhan kìa em”, “đừng quẹo ở đây đường một chiều đó”, “phía trên có công an nha”… Sài Gòn ồn tiếng la thất thanh “cướp cướp” chìm vào khói xe và bụi mịn. Sài Gòn ồn tiếng gõ cửa “có miếng quà quê, ăn lấy thảo”. Sài Gòn ồn giọng chửi của cô bán hàng lảnh lót như nhịp trống đồng, tiếng đòi nợ râm ran như pháo mùa xuân của anh em du đãng. Sài Gòn ồn tiếng xì xầm, tiếng cười rộn, tiếng còi xe, tiếng xe máy rồ ga, tiếng nắp cống bể chông chênh khều vào bánh xe lạch cạch, tiếng ông bà già dậy sớm í ới gọi nhau tập thể dục, tiếng đôi bạn trẻ rù rì giữa nắng trưa… Và Sài Gòn ồn vì không bao giờ dứt những tiếng rao.

Việc bán hàng rong là chuyện thường ở mọi nơi, nhưng có lẽ chỉ ở vài nước Châu Á, cụ thể như Việt Nam, hàng rong trở nên thiết yếu và đa dạng như vậy. Người bán hàng rong ở Việt Nam cũng đa dạng, họ chen lấn vào các ngõ nhỏ, họ thong thả trên cao tốc, họ giàu có ở khu trung tâm… trên các loại phương tiện khác nhau: đòn gánh, xe đẩy, xe đạp, xe máy, cuốc bộ… đặc biệt đi cùng họ là những tiếng rao. Tiếng rao ngái ngủ như còn ngậm sương sớm. Tiếng rao run rẩy giữa đêm chen tiếng mèo kêu ướt át, tiếng rao lảnh lót át luôn cái nắng trưa, tiếng rao rè rè như giọng vọng ra từ radio buổi sáng, tiếng rao đều đều như giọng loa phường, tiếng rao ngọt như mía lùi trồi lên giữa chợ đời tấp nập người buôn kẻ bán. Nhiều người coi thường những gánh hàng rong vì cho rằng họ có thu nhập thấp, không đóng góp gì nhiều cho xã hội, nhưng đã có rất nhiều kỹ sư, bác sĩ, học giả… Việt đã trưởng thành nhờ những tiếng rao như vậy. Quan trọng là những gánh hàng rong tạo nên nét đặc biệt cho thị thành, góp vào nền kinh tế phong phú một ngành kinh doanh nhỏ, người bán hàng rong không bòn rút thuế dân, cũng chẳng làm xã hội nghèo đi…

Không chỉ tiếng rao bằng miệng có thể ngọng, in ra cũng có thể ngọng – Facebook

Trước khi người ta chuyển đổi số, đòi kéo “đám mây” (cloud computing) về Việt Nam, thì tiếng rao của Sài Gòn đã “chết đi sống lại” theo những món ăn hàng đã gần như tuyệt chủng hoặc không còn ai xách đi bán dạo, tiếng rao cũng được “update” không biết bao nhiêu lần mà kể. Từ chạy bằng cơm:

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

“Ve chai, dép đứt, thau nhôm, mũ bể đồ bán không?”

“Ai bánh tét chuối đậu hôn?”

“Ai xôi không, bắp giã không?”

“Mài dao mài kéo đây…”

“Da-ua (yaourt) ế hôngggg?”

“Ai ăn chè bánh lọt, nước dừa, đường cát hông?”

“Mía hấp…đê…đê..”

“Ai bánh bông lan, bánh bò thốt nốt đê…”

“Ði xe hôn…”

“Khổ qua cà ớt đê…”

“Ai lộn hôngggg…”

Tới tiếng rao bằng vật dụng như tiếng mì gõ, tiếng chuông leng keng của ông bán cà rem/bong bóng/kẹo kéo, tiếng “lắt xắt” tiếng xóc đồng xu/nắp phén từ chiếc xe đạp cà tàng của mấy chàng “bắc kỳ” đấm bóp dạo, tiếng kẽo kẹt tan rã của chiếc xe đạp cổ lỗ sĩ của xe cháo lòng mười mấy năm lăn lộn khắp quận Tư…

“Bưởi da xanh 15 ngàn/ký bao ngọt, không ngọt thì chấm đường” – Chụp màn hình video

Giữa giấc mơ trưa, tiếng rao trầm khàn như tiếng gõ, làm mở toang cặp cửa sổ tâm hồn, phóng ra cửa tìm ăn. Giữa cơn nắng hè, tiếng rao ngọt ngào như rót nước đường vào tai người lỡ bước. Giữa trầm lắng gió đêm, tiếng lắc cắc khi chậm khi nhanh như đánh lô tô vào… bụng người đang giảm cân, thèm thảm thiết một tô hủ tiếu khô cho thêm muỗng tép mỡ/hành phi… Nhưng sức người cũng có hạn, tiếng rao còi cọc của người đi dưới gió sương hay tiếng rao vật lý lắc cắc leng keng không đều sao năng suất bằng tiếng vọng từ cái loa “hại điện”? Vậy là, chúng ta có những tiếng rao ồn ào, rộn rã nhưng vô hồn và lặp đi lặp lại một nội dung không dứt, y như tiếng loa phường:

Xem thêm:   75 tuổi NATO

“Bánh giò, bánh chưng. Chưng gai, bánh giò đây”

“Con cá vàng… con cá vàng… con cá vàng màu xanh lá cây” – “Không có tiền, không có tiền, không có tiền thì không có kem”.

“Trung tâm hóa mỹ phẩm xin trân trọng giới thiệu sản phẩm mới, không độc hại không gây ô nhiễm môi trường… sản phẩm có thể tái sử dụng nhiều lần đó là keo dính chuột… diệt ruồi diệt muỗi diệt kiến và gián…”

“Hột gà nướng, hột vịt lộn, hột vịt vữa, trứng cút lộn, bắp xào đâyyy…”

“Bánh mì Sài Gòn, đặc biệt thơm ngon, năm ngàn một ổ”.

Người Việt Nam tinh ý, cần cù và sáng tạo, nên lâu lâu, cũng có những lời rao đặc biệt được chế ra, nghe cũng vui tai (nếu chỉ lướt qua một/hai lần):

“Áo sơ mi nam 20 ngàn một cái, bán xổ bán đổ bán tháo đây…”

“Nay bán mai nghỉ mốt đi Mỹ”

“Bưởi da xanh 15 ngàn/ký bao ngọt, không ngọt thì chấm đường”

“Nghêu gò công, ông nội tôi nuôi, bà ngoại tôi bắt nên tôi bán rẻ 25 ngàn một ký”

“Keo dính chuột, keo bao chắc, nếu không chắc thì đứng giữ”

“Hột gà nướng, hột vịt lộn, hột vịt vữa, trứng cút lộn, bắp xào đây”.

Sài Gòn ngày càng ồn ào, tiếng rao hàng từ những cái loa di động ngày càng to để tranh giành tai của khách, tiếng rao hàng bằng miệng đã ít lại càng ít vì không tranh nổi với những chát chúa phố thị. Nên lâu lâu, nghe tiếng ai đó rao bằng giọng thiệt là bụng tôi nôn nao, chân tôi ngứa ngáy, chạy ào ra mua ủng hộ liền. Dầu tôi chẳng thích ăn xôi, ăn chè, mài dao, mài kéo… Vậy mà cũng có khi hớ, nghe tiếng rao “sương sa sương sáo, hột lựu, sâm bổ lượng chị em ơiiii…” thiệt ngọt ngào vậy mà chạy ra lại thấy một anh chàng thịt bắp vai u, ảnh cũng thu tiếng sẵn nhưng lọc âm kỹ, nghe không chát chúa như những tiếng rao máy khác, cứ ngỡ như thiệt. Nhiều năm gần đây, tôi thấy chỉ có những người già mới rao bằng  giọng thật, còn tiếng rao trẻ trung khí thế đa số là từ những cái loa di động hoặc đầu máy ghi âm, người trẻ ít ai còn tin vào tương lai của gánh hàng rong nữa. Nhiều khi tôi nghĩ, tiếng rao bền nhất còn được vài ba cô gái trẻ ở Sài Gòn còn xài, chắc chỉ còn câu mà các nàng hay thỏ thẻ sau gốc cây, dưới chân tường khuất bóng đèn nào đó vang vào đôi tai người thanh niên lạc vào đêm lạnh: “đi hông anh”.

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

Người ta nói có không giữ, mất đừng tìm. Khi có tiếng rao bằng miệng thì không ủng hộ, khi có tiếng rao bằng tay thì lại vờ không nghe, khi có tiếng rao bằng loa thì lại chê ồn/thiếu tình cảm… Bởi, đã có lúc, nguyên Sài Gòn chìm trong thinh lặng mà bão tố trong lòng, tứ phía giăng dây, mở cửa ra chỉ có tiếng xe cứu thương chạy liên tục. Tiếng khiêng hòm gỗ dội vào sương đêm… Thiệt chết thèm một tiếng rao nhức óc, để kéo linh hồn ra khỏi những lo lắng của dịch bệnh, chọt mũi, chích hay không chích vaccine, bay hay không bay “chuyến bay giải cứu”… Sài Gòn, xin cứ ồn hoài như vậy đi!

Gần hết… giấy, xin mượn câu chuyện vui để kết bài:

“Một ông vua ngồi trong hoàng cung nghe thấy tiếng rao ngoài cửa sổ: “vú sữa nào, vú sữa ngon đây!” Nhà vua nhìn ra thấy một ông già đẩy chiếc xe bán vú sữa và xung quanh đông người mua.

Vua thấy thèm ăn bèn gọi quan Nhất phẩm đến và nói: “Ðây là năm đồng tiền vàng, hãy đi mua vú sữa cho ta”.

Quan Nhất phẩm cho gọi quan Cửu phẩm và nói: “Ðây là bốn đồng tiền vàng, hãy chạy đi mua vú sữa”.

Quan Cửu phẩm gọi quan bộ Lễ và nói: “Ðây là ba đồng vàng, hãy chạy đi mua vú sữa”.

Quan bộ Lễ gọi đội trưởng thị vệ và nói: “Ðây là hai đồng tiền vàng, hãy chạy đi mua vú sữa.”

(Tiệm) Hạnh Phúc dời vào trong hẻm – Facebook

Nghề mới ở Việt Nam – hút đinh (mà các “đinh tặc” rải) – Facebook

Ðội trưởng thị vệ gọi một người lính canh và nói: “Ðây là một đồng tiền vàng, hãy chạy đi mua vú sữa”.

Tên thị vệ bước ra và tóm cổ ông già: “Này, ông đang hò hét cái gì vậy, xéo khỏi đây ngay, tịch thu hết vú sữa.”

Thị vệ quay trở về và nói: “Ðây, thưa đội trưởng. Một đồng tiền vàng được một nửa xe vú sữa”.

Ðội trưởng đem đến quan bộ Lễ: “Ðây, thưa ngài, hai đồng tiền vàng được một bao tải vú sữa”.

Quan bộ Lễ gặp quan Cửu phẩm: “Ðây, ba đồng tiền vàng được một túi vú sữa”.

Quan Cửu phẩm đến gặp quan Nhất phẩm: “Ðây, bốn đồng tiền vàng được một nửa túi vú sữa. Biết làm sao được, thưa ngài, lạm phát mà.”

Quan Nhất phẩm xuất hiện trước mặt vua: “Thưa bệ hạ, như ngài đã ra lệnh, năm quả vú sữa đây ạ.”

Vua ngồi trong cung điện ngẫm nghĩ: “Năm quả vú sữa, năm đồng tiền vàng, mỗi quả vú sữa một đồng tiền vàng mà dân chúng tranh giành để mua. Cần tăng thuế đánh vào dân. Thế là điện tăng, xăng tăng, cái “con mẹ” gì cũng… tăng!”

DU