“Khổ quen rồi!” – là lời tâm sự của một anh tài xế tên Phong, chuyên lái taxi ở sân bay Cam Ranh…

Xe, xe và xe – (Ảnh: nld.com.vn) a   

1

“Khổ quen rồi!”

Anh Phong nói với tôi: “Anh lái xe ở phi trường, phải giữ chỗ để được mấy người quản lý các cuốc xe ưu tiên “điều” đi chở khách, nên anh phải ngủ trên xe liên tục bảy năm nay, lễ Tết càng ít về nhà vì khách đông. Chỉ có hồi dịch không có khách du lịch, ế ẩm, nên về nhà ngủ. Vậy mà vô phòng nệm ấm chăn êm lại ngủ không được. Phải ra xe ngồi ghế lái rồi ngủ mới được! Khổ quen rồi!”

Một anh bạn là kiến trúc sư kiêm thầu xây dựng cũng nói với tôi “Ði công trình dãi nắng nằm sương quen rồi, anh mà nằm nệm là không ngủ được, khổ quen rồi! Hồi mới lấy vợ, anh xuống đất nằm, cổ bị bất ngờ lắm, sau thì cổ cũng mua chiếu về cùng anh ngủ dưới đất luôn. Giờ cổ cũng quen chịu khổ chung với anh, đi du lịch mà nằm nệm khách sạn 5 sao, không thoải mái.”

May là tôi không bán nệm, nên tôi vẫn có thể cảm thông khi nghe họ tâm sự. Tuy nhiên, tôi vẫn yêu cái nệm có chục lớp lót của mình. Dầu nghĩ kỹ thì chính tôi cũng đôi lúc nghiến răng trách bản thân “Khổ quen rồi!” vài lần. Như hổm đi Tân Gia Ba, con nhỏ bạn thân phải liên tục túm… tóc tôi lôi lại lên lề, khi tôi với nó đi bộ tới một siêu thị để ăn trưa. Lúc đó, tôi quên mất là mình đang đi du lịch, không phải đang ở Sài Gòn, nên cứ thấy xe từ xa là tôi sợ nó chồm tới “hôn” tôi, tôi né xuống lòng đường luôn.

Nguyên nhân cũng dễ hiểu, tuy Sài Gòn cũng có lề đường rộng thênh thang chứ bộ. Nhưng trừ các khu trung tâm ngoài Quận 1 lớn được canh gác cẩn thận, còn lại là hiếm khi trên lề đường không có những “bãi giữ xe” của các quán xá hai bên đường, hiếm khi trên đó không có mấy “tiệm” hủ tiếu/bún riêu/bún bò/phở/cơm tấm/gỏi cuốn/bò pía… dã chiến, hiếm khi trên lề đường thiếu bóng vật cản trở… Người dân phải chọn đi dưới lòng đường để chính mình làm vật cản trở xe cộ, chớ đi trên lề đường, không khéo mà “quạt” trúng cái ghế, đụng trúng cái thau nhựa, quơ ngay cái bếp than hay nồi nước lèo bốc khói là “tới công chuyện” với các “chủ tiệm” liền. Nhẹ thì bị liếc háy, càm ràm, nặng thì bị thương, tất cả chỉ vì đi bộ trên lề, không đi bộ dưới lòng đường. Có hôm, tôi ngồi uống nước ở quán cà phê quen, nhìn ra đường nắng nôi vì thiếu cây xanh, thấy bà già lọm khọm – dáng mỏng manh cầm cọc vé số đi dưới lòng đường, xe máy xe hơi phần phật lướt qua, lòng cứ sợ bà bị hất bay lên lề, té vào nồi nước lèo đang sôi ùng ục…

Những buổi chiều giờ tan ca, ra đường sẽ thấy những dòng xe chen chúc, những gương mặt thất thần, mệt mỏi – chẳng biết vì lái xe căng thẳng hay vì cả ngày dài làm việc. Tưởng nhìn người đi bộ là thảnh thơi hơn, nhưng không, người đi bộ cũng căng thẳng vì phải né người lái xe. Nhiều khi trên lề đường không có vật cản, nhưng chính lề đường cũng trở thành một làn đường “dự phòng”, khi kẹt xe là các “tay lái lụa” tìm mọi cách luồn lách để leo lên lề – điền vào chỗ trống. Ðó là chưa kể những lúc mưa gió, đường vừa ngập xe, vừa ngập nước, người đi bộ coi như khỏi còn chỗ tồn tại.

Chàng trai giao hàng Huỳnh Hữu Phước, trong mắt tôi hiện thời còn lấp lánh hơn Mbappe (Ảnh: thanhnien.vn)

2

“Nghèo quen rồi!”

Xem thêm:   Dòng chuyển của Âm Thanh chương trình khơi niềm hy vọng

Hổm, tôi kể một người bạn ở Mỹ nghe chuyện tôi đi bộ lơ ngơ dưới lòng đường ở Tân Gia Ba bị túm tóc kéo lên. Bản cười cười khà khà, kêu qua Thành phố New York ở đi, ở đó thì tôi tha hồ đi bộ tới rã giò luôn, không ai “gầm gừ”, không ai xách cái máy bơm bánh xe ra cản trở. Vì nơi đó ưu tiên cho người đi bộ. Có luôn các tour du lịch chỉ toàn đi bộ cho khách du lịch ngắm thành phố trung tâm tài chính lớn nhất nước Mỹ, ăn hàng, mua sắm… Nước miếng tôi vừa chảy ròng ròng, vừa hẹn bạn khi nào trúng số đã! Bạn “đớp” lại liền một câu:

“Có cái chuyện này hay lắm nè, mày có biết một nghiên cứu của Mỹ nói là 70% người trúng xổ số lại về tay không sau 7 năm không? Vì “nghèo quen rồi giàu không quen đó.” Cũng như lúc mày đang đi bộ ở Sài Gòn, cái khi không quang cảnh biến thành New York, ai ai cũng thoải mái đi bộ, còn mày vẫn nhìn quanh tìm nồi nước lèo/cái bếp nướng, mấy cục phân chó để… né đó!”

Không hiểu sao cái chuyện đi bộ lại bị “trèo” qua cái chuyện trúng số, tuy nhiên tôi thấy bạn nói cũng phải. Gần đây có câu chuyện “ông hội đồng” ở Quảng Nam đánh một nhân viên sân Golf gãy cái cây dùng để đánh Golf, nhiều người cũng tiện thể lên án các trọc phú đương thời, cậy có tiền lên mặt. Tôi nghĩ nguyên do một phần bởi mấy ông trọc phú này “Nghèo quen rồi”, nên suy nghĩ cũng nghèo theo, định giá mọi thứ bằng tiền, kể cả phận người, họ cho ai nghèo hơn họ đều thấp kém hơn. Một phần nữa là do thiếu giáo dục – thiếu đạo đức cộng với quá khứ thiếu tiền/tự ti trước đó, muốn trả thù đời, muốn thử là người chèn ép người khác coi sao. Người có suy nghĩ không nghèo, họ sẽ tự điều chỉnh bản thân, không sang lên liền được nhưng cũng không hành xử hèn hạ như “ông hội đồng” mà tôi nhắc ở trên. Facebooker Hà Phan bày tỏ nỗi lòng về chuyện “Nghèo quen rồi” làm tôi thấy đồng cảm, xin trích ra đây:

Xem thêm:   Vai trò đồng minh của Nhật Bản

“Hồi mới được mời đi dự tiệc hay vào các nơi sang trọng, tôi lóng nga lóng ngóng và làm sai đủ thứ. Phải 3-4 năm mới quen dần nhưng thú thật nhiều khi không thấy hợp với mình lắm. Rồi có ngày chợt nhận ra có những chỗ không dành cho mình. Chẳng phải vì quá sang hay đắt tiền mà còn cần cả nhiều thứ khác mới thưởng thức, hòa vào trọn vẹn. Từ đó tôi cảm thông dần khi người thân hay ai đó từ chối những bữa tiệc hoặc buổi hòa nhạc mà nếu có đến họ chỉ góp mặt cho biết và có thể chuốc lấy những phiền muộn không đáng.

Nên giờ đây thấy những chuyện như trọc phú chơi golf oánh người phục vụ hay đại gia mới nổi đi siêu xe mở cửa nhổ toẹt xuống đường chẳng còn gì lạ. Từ xã hội từng thiếu thốn đủ thứ nhảy vọt lên tư bản, hoang dã vậy cũng là chuyện bình thường. Một bước lên bà hay từ thằng nhảy phóc lên ông dù có dát vàng, móc kim cương vào người, vung gậy vụt golf cũng rất khó để chen ngang vào hàng ngũ “quý tộc” thực thụ.

Kiếm tiền quá nhanh, hưởng thụ quá dễ làm cho người ta quên đi mọi thứ phải có nền tảng dần mới hình thành. Chẳng thể nào biến 1 kẻ mới 1-2 năm trước lóc cóc dầm mưa dãi nắng kiếm ăn, mánh mung ngược xuôi vất vả có tiền giờ phì phèo xì gà, nách cắp túi vào sân golf quất vài gậy lại thành ngay 1 quý ông. Cũng đừng bắt một madam vừa hôm nao còn chụp giựt bán buôn vỉa hè vớ được ông Tây lại thành ngay quý bà!

Tôi nghĩ mình cũng thế, nên đã biết bao lần thanh minh chỉ là người viết không phải nhà báo bởi đâu có phải viết được vài ba bài đăng báo chễm chệ vỗ ngực nhà báo! Giờ nhà báo thực thụ thật hiếm, ngay cả hàng loạt Tổng biên tập cũng có viết được bài nào ra hồn đâu mà vẫn lãnh đạo các báo đấy thôi. Ðời này cũng vậy, có tiền, có quyền với có văn hóa hay để người ta gọi là quý ông quý bà khó lắm, chẳng tiền nào mua nổi. Trừ trọc phú hoặc trưởng giả muốn học làm sang cứ vất xèng là xong tất!” – Hết trích.

Con người quá dễ sa ngã – khổ quá thì nói do khổ quá mà sa ngã. Sướng quá thì cũng la no thân ấm cật, chẳng biết làm gì, đành sa ngã. Nên lâu lâu, thấy một tấm gương tốt là tôi muốn lưu lại và lan tỏa tới cả thế giới ngay, để xã hội thấy “đời còn dễ thương”.

Như chàng trai Huỳnh Hữu Phước, một chàng trai nhỏ phải bỏ học ngang đi làm nghề giao hàng vì không tiền đóng tiền học, một hoàn cảnh quen thuộc giữa tầng tầng lớp lớp thanh niên trẻ hiện nay tại Việt Nam. Vậy mà Phước liên tục rực sáng, nhờ sự may mắn, cố gắng và quan trọng là nhờ tấm lòng, nhân cách của em. Ðầu tiên, em rực sáng sau khi nói tiếng Pháp ở Ðường sách Nguyễn Văn Bình (Quận 1, Sài Gòn) với nhà văn nổi tiếng Marc Levy, chỉ bằng vốn ngôn ngữ tự học sau giờ đi làm. Sau khi được biết tới, Phước được rất đông người tốt hỗ trợ tiền để tiếp tục việc học, từ đây cũng khiến em mang tai tiếng vì người ta lo là sau khi có tiền, Phước sẽ trở thành người không tốt (như những người có hoàn cảnh tương tự Phước được cộng đồng mạng giúp đỡ trước đó). Rất may, Phước có suy nghĩ “giàu” hơn người khác. Cách làm của em khiến em trưởng thành, sang cả hơn hẳn các trọc phú hay các ông hội đồng giàu xổi ở Việt Nam đương thời.

Xem thêm:   Ham & hố

Từ số tiền được người dân ủng hộ, Phước đã trích 280 triệu để “lá rách đùm lá nát” một học sinh lớp 4 ở Quận 8 – Sài Gòn cho đến khi em 18 tuổi, em này mồ côi cha vì COVID-19, gia cảnh khốn khó. Phước cũng đã dành 180 triệu gửi tặng 6 sinh viên năm nhất mồ côi cha hoặc mẹ sau đại dịch, mỗi bạn 30 triệu thêm tiền ăn học. Tiền Phước nói cho là cho đi ngay, không hề bắt người nghèo thêm khổ sở khi chờ hoài không thấy hỗ trợ như kẻ-mà-ai-cũng-biết từng hứa. Số còn lại trong khoản tiền được quyên tặng, ngoài những chi tiêu những năm Ðại học còn lại, Phước nhờ nhà hảo tâm gửi tiết kiệm 200 triệu để nối tiếp giấc mơ học cao hơn…

Kylian Mbappe – Ngôi sao túc cầu thế giới càng lấp lánh khi thường làm từ thiện (Ảnh: Facebook)

3

“Xấu quen rồi!”

Không biết từ bao giờ, cứ tới Tết nhứt, thiên hạ lại rủ nhau coi hình tượng “linh vật” của năm mới được các tỉnh ở Việt Nam dựng lên, rồi… cười. Có khi cười mỉa mai, có khi cười vô thú vị, có khi cười cho… vui chứ cũng không mắc cười lắm (vì tượng xấu đến hết… vui nổi). Có người còn khuyên nhau ráng nhịn cười, vì sợ mấy ông nhà nước lấy tiếp tiền thuế của dân để tiếp tục sửa và cho ra đời các loại linh vật quái thai F2, F3, F4… nữa, lúc đó vừa cười vừa mếu. Cũng có người phê phán những người cười chê, họ cho rằng phải lạc quan lên, nhìn mọi thứ tích cực lên. Kẹt xe thay vì bực bội thì hãy mua ly trà sữa, uống trong lúc kẹt xe. Gặp trọc phú thay vì khinh bỉ, dè bỉu, sao không học hỏi để giàu như họ (đâu phải ai cũng có thể “buôn chổi đót”, có dòng họ gửi tiền nhờ “giữ giùm”…). Hay thấy tượng linh vật xấu, hãy coi như trò mua vui… mắc tiền, tại sao phải chê, người Việt phải tự hào hàng Việt chứ, dầu nó xấu… Sống ở VN thì hãy nhập gia tuỳ tục, quen với cái xấu, thói xấu thì sẽ bớt thấy xấu, chứ chê bai thì cũng có thay đổi được gì đâu. Giống như là chịu cảnh khổ, nhìn cái xấu xưa giờ rồi, sao hông chịu luôn đi, kêu ca làm gì?

Cuộc sống là như vậy đó thưa quý vị, có những con ruồi phải ngập chìm trong bãi phân mới thấy ấm áp, ai chê tanh hôi, chúng cười khẩy nói “quen rồi, tao mà hít hương hoa là tao… chết”.

Tượng linh vật mèo ở Thanh Hóa – mèo có bờ mông sexy (Ảnh: Beatvn)

DU