Theo tôi, nếu các loài chim đều biết chữ của nhân loài. Thì chim Vẹt sẽ là loài đau lòng nhất.

3 trong số 5 anh em Vẹt thuộc “team hỗn hào” là Tyson, Elsie và Jade. – Ảnh: Lincolnshire Wildlife Park.     

Trong khi các loài chim nhỏ, chim to, chim rừng, chim biển, chim vườn, chim phố, chim nhà, chim khách, chim vô gia cư, chim có cánh lẫn chim cánh… cụt, thậm chí chim Sáo (loài có khả năng gần bằng chim Vẹt) đều được mô tả sinh động, đẹp đẽ, hoa mỹ, tình cảm trong những bài hát, lời thơ. Là những nhân vật đáng yêu, nhiều hình ảnh, tính cách khác nhau trong những câu chuyện thiếu nhi. Thì chim Vẹt được nhắc đến rất ít, đa số toàn mang trên mình những ý nghĩa, tính cách không tốt do nhân loài “cài đặt”. Ví dụ ở Việt Nam thì có: “nói như vẹt”, “học vẹt”… Hoặc khi dân tình Việt coi ông quan nào phát biểu cũng đem lũ Vẹt ra so sánh. Nghe đồn, hồi xưa trong trại tù giam mấy vị sĩ quan VNCH, mấy vị “tù nhân” hay nói lóng là “cán bộ” là “Vẹt” (Chúng mà biết được, chắc không vui chút nào đâu.) – Tất cả chỉ vì “tài ăn nói” của chúng mà ra.

Quả tình, đời loài Vẹt vinh hay nhục cũng bởi cái “tài” này. Vì nó mà chúng nổi danh khắp chốn, được (hoặc bị) con người lùng sục, đem về “bao nuôi”, sưu tầm, bảo tồn… Nhưng cũng vì nó mà có nhiều con Vẹt bị lợi dụng, “bạo hành”, hất hủi, kỳ thị, thậm chí bị đưa về… đồn. Tạo nên những câu chuyện dở khóc dở cười cho khổ chủ (Vẹt) và nhân loài:

Ví dụ như hồi 2019, ở Brazil, có một con Vẹt “bad boy” bị bắt giữ vì “làm nghề” gác cửa cho một băng nhóm ma túy tại khu Vila Irma Dulce, bang Piaui. Lúc cảnh sát bố ráp tòa nhà của “trùm” băng nhóm tội phạm trên, “tên tội phạm lông vũ”  đã kêu to: “Mẹ ơi, cảnh sát!” (Mama, Police!). Mặc dù được «huấn luyện» rất tốt cho nhiệm vụ cảnh báo, nhưng những kẻ trả «lương» cho chú Vẹt này vẫn bị bắt, khiến chú ta cũng bị liên lụy. Tuy được cảnh sát “tha bổng” tội «tòng phạm» của «trùm» ma túy, nhưng chú cũng bị đưa đến một sở thú địa phương – nơi những người chăm sóc vườn thú hy vọng có thể “phục hồi Vẹt phẩm” được cho “bad boy” này.

Chú vẹt “ca sĩ” Chico. Ảnh: Daily Mail

Rồi hồi đầu năm, tại Florida, “Mỹ đế”. Một “trung niên” Vẹt 40 tuổi, tên Rambo đã “giúp” cho chủ nhà mình nổi tiếng toàn thế giới vì liên tục gào thét, “kêu cứu” thảm thiết trong nhà. Những vị hàng xóm tốt bụng và tôn trọng pháp luật đã gọi 911 sau khi nhiều lần nghe thấy tiếng kêu thất thanh: “Hãy thả tôi ra!”. 4 vị cảnh sát trang bị đầy đủ vũ khí đã đến ngay lập tức. Vì để “minh oan”, người chủ phải mang “trung niên hư hỏng” Rambo ra “đối chất” 6 mặt một lời. Video quay lại vụ việc sau đó đã được Sở Cảnh sát hạt Palm Beach đăng lên Twitter hòng cảnh cáo những chú Vẹt (có ý định hư hỏng) trên toàn thế giới.

Xem thêm:   Ăn năn - mặc kệ

Hay mới đây, tại Công viên Ðộng vật Hoang dã Lincolnshire (ở Anh), 5 con Vẹt đã bị “tạm giam” vì “khẩu nghiệp” với khách du lịch. Phát biểu với truyền thông, ông Steve Nichols – Giám đốc điều hành sở thú Lincolnshire – cho hay, 5 con Vẹt xám châu Phi này được chuyển đến đây từ ngày 15-8-2020 và được cho sống cùng nhau trong một phòng lớn để cách ly. Nhưng chúng không hề an phận. Lũ chim bất lịch sự này đã nhanh chóng làm quen, “hẹn ước keo sơn”, rồi tranh thủ khoảng thời gian cách ly để “dạy nhau” tiếng nhân loài. Không may, tất cả đều là những lời tục tĩu. Bởi vậy, chỉ sau 20 phút “5 anh em trong một chiếc phòng” được thả ra khỏi khu cách ly, «trình diện» với khách khứa. Chúng đã bị nhiều người «tố cáo» về «khả năng” nói bậy thượng thừa.

“Chúng tôi thấy mấy con chim khá thú vị và khách cũng cảm thấy ổn, họ chẳng thấy vấn đề gì cả. Nhưng chúng tôi lo lắng vào cuối tuần sẽ có trẻ em và trẻ em thì không nên tiếp xúc với mấy con vẹt hư hỏng như thế. – Ông Steve Nichols cho biết.

Sở thú hiện có kế hoạch thả chúng vào 5 khu vực riêng biệt để chúng không thể dạy hư nhau nữa, nhưng nhiều người lại lo rằng chúng sẽ tiếp tục “truyền bá” thói xấu này cho các “hàng xóm” khác. Bởi công viên này đang “tàng trữ” 1,500 con Vẹt khác, mỗi con trong số đó “nhiều chuyện” không kém. Vào cuối tháng 8, một chú Vẹt tên Chico, 9 tuổi (cũng ở công viên này) đã nổi tiếng khắp thế giới vì các video “hát” những bài hát của nhiều danh ca nổi tiếng, như bài “If I Were A Boy” của nữ tài tử Beyonce.

Chú vẹt “kêu cứu thảm thiết” 6 mặt một lời cùng cảnh sát để chủ khỏi bị bắt. Chụp màn hình từ video

Tuy những câu chuyện trên có phần “giải trí” vì sự hài hước và “vi diệu” của nó (đối với loài người, chứ với loài Vẹt thì tôi không chắc). Nhưng cũng cho chúng ta thấy một sự thật, sự tốt hay xấu từ “tài ăn nói” (mà người ta đang cố gắng “ngăn chặn” hoặc “phát huy”) của loài Vẹt, đều bắt nguồn từ nhân loài. Chỉ vì chúng được thiên phú cho trí nhớ tốt và khả năng nói nhại theo tiếng nói của người (hay bất kỳ loài nào chúng có hứng thú). Nhưng khổ cái là chúng không thể hiểu nghĩa những câu nói/lời bài hát mà chúng học được. Chắc chúng nghĩ đó toàn là “lời hay ý đẹp” mà thôi (con người là “động vật cấp cao” mà). Bởi vậy, khi người ta dùng “nói như vẹt” để châm biếm những kẻ dốt mà hay khoe chữ, hay ăn theo nói leo, hay bắt chước người đời buông ra lời đạo lý… khuyên họ biết thì nói, không biết thì “dựa cột mà nghe”, thấy cũng tội cho Vẹt. Tại nhân loài, khi nói thì có tính toán chứ Vẹt nói có tính toán chi đâu. Chúng non nớt y như những khách hàng nhỏ tuổi mà sở thú Lincolnshire sợ 5 anh em Vẹt thuộc “team hỗn hào” trên “dạy hư”.

Xem thêm:   Hậu quả của chính sách một con

Nên việc của loài người cần làm nhất là, ngay từ đầu hãy cách xa loài Vẹt ra, cho chúng tự do với thế giới của mình. Rứa là chúng sẽ không “hư hỏng” nữa. Ðừng cố gắng “cải tạo”, “phục hồi Vẹt phẩm” của chúng – bằng cách giam giữ riêng, hoặc dạy chồng lên một loạt những “lời hay ý đẹp” khác – để “tẩy não”. Chẳng khác gì bọn buôn ma túy, chúng ta đang «lợi dụng» chúng một lần nữa, để làm niềm vui/phục vụ các mục đích khác cho loài người, bằng một cách khác.

Tính ra, loài Vẹt cũng khá may mắn trong những con vật nằm trong danh sách “có giá trị lợi dụng” với nhân loài, trong đó có cả con… người. Ví dụ, Vẹt tuy không được vào thơ, ca, nhạc với những lời hoa mỹ. Nhưng đa số chúng được nuôi, buôn bán, trao đổi… với mục đích nhẹ nhàng hơn – chúng chỉ đem tự do, “lời ăn tiếng nói” đổi về thức ăn và sự sống. Chúng không bị làm thịt hàng loạt như các loài chim/loài vật khác, chúng không bị “vỗ béo” lấy mật như Gấu, không bị rình phá nhà/cướp con như Ong, không bị lột da như Cá Sấu, không bị cướp ngà/sừng như Voi/Tê Giác, đổ rác vào nhà rồi tận diệt như với các loài sinh vật sống dưới nước…

Nhân loài quăng rác vào “nhà” của các sinh vật biển – Từ Facebook

Con người hại con người, không hề mới. Thậm chí, nó bao quát hết mọi cách tàn nhẫn nhất (mà con người đối xử với muôn loài). Tuy việc con người làm thịt nhau chưa được công khai nhưng người ta dùng bào thai để làm thuốc, bắt cóc/dụ dỗ/nuôi người để lấy “nội tạng” (như với loài Gấu, Cá Sấu, Voi, Tê Giác) đã tồn tại nhiều năm nay. Việc con người (không thèm rình) xông vào đốt/phá nhà nhau (như với loài Ong) cũng không xa lạ. Việc con người “tẩy não” nhau (như với loài Vẹt), để lợi dụng đồng loại mua vui, mua danh, mua sự tồn tại cho chính mình… được viết luôn thành sách, lưu truyền nhiều thế hệ. Người có quyền, có chức mặc sức ép kẻ yếu “bán” cho họ tự do, “lời ăn tiếng nói” để đổi về thức ăn và sự sống.

Trong tập phim Arkangel (trong bộ phim “Black Mirror”), một người mẹ đồng ý cấy một “con chip” vào người con mình để giám sát. Nhờ “con chip” này mà người mẹ có thể thấy những gì mà đứa con thấy. Cũng như là điều chỉnh, làm mờ những hình ảnh mà bà cho là không phù hợp với con. Ngoài ra, «con chip» cũng có thể theo dõi vị trí, tình hình sức khỏe, nhịp tim sức khỏe của người mang nó. Bà cho  điều đó là tốt, là bảo vệ con. Nhưng quên luôn là chính bà đã xâm phạm vào quyền riêng tư và cuộc đời của con mình.

Xem thêm:   "Phim cúng cụ"

Từ khi có “con chip” trong người, đứa con sẽ không thể nhìn thấy máu, nước mắt hay những cuộc cãi vã của người xung quanh vì mọi thứ đã bị làm mờ (y như cách các nhà kiểm duyệt phim Việt Nam làm mờ cảnh máu me, hút thuốc, uống rượu trên các bộ phim nước ngoài được chiếu ở rạp VN vậy). Ngay cả khi đi học, cô bé cũng không thể nhìn thấy con chó hung dữ đang sủa mình. Chính vì không nhìn thấy, cô lớn lên với những sự tò mò. Việc này khuyến khích cô tò mò với những trò mạo hiểm, cuối cùng là từ việc cô tự tổn hại bản thân đến việc cô đâm luôn mẹ mình, khi mọi thứ trước mắt bị làm mờ…

Lúc coi phim này, tôi chợt nhớ đến “thân phận” của những con Vẹt bị tẩy não. Và thân phận của những con người đang bị đồng loại cố tẩy não cho thành… Vẹt. Trong đó có những người thân cận nhất.

Gấu bị nuôi nhốt và hút mật ở Hải Phòng. – Từ nld.com.vn

Tuy không có nhiều sự “phân biệt đối xử”. Nhưng quả tình, loài người dù sao cũng thẳng thắn với loài Vẹt (và các loài khác) hơn với đồng loại của mình. Con người khi làm chuyện xấu với đồng loại, họ không công khai mục đích mà dùng mọi lý lẽ để biện hộ, che giấu cho hành động của mình, đôi khi dùng những lý lẽ đó để bắt các “nạn nhân” phải “biết ơn” họ. Ví dụ, “họ” dùng lý lẽ “khai khẩn”, “phát triển kinh tế” để phá rừng, làm hư hại môi trường, hệ sinh thái (song song với việc phá tan tương lai của những thế hệ sau này). “Họ” đem lý lẽ “bảo vệ hòa bình – tình hữu nghị” để “nắm tay” giặc ngoại xâm, “mời” vào chia chác lãnh thổ của đồng bào… Cuối cùng, để che đậy mọi thứ. “họ” dùng những chữ hoa mỹ như “yêu nước”, chống “phản động”/kẻ ngoại xâm để tẩy não từng lớp người, biến con/em/cháu của đồng loại thành “Vẹt”. Rồi họ hỏi những con Vẹt “nhân tạo”: “Bạn đã làm gì cho đất nước chưa?”

Dĩ nhiên, “đất nước” ở đây không phải là cái lồng đang nhốt từng con Vẹt, hay cái lồng lớn đang “đóng thùng” hết tất cả các con Vẹt. Mà “đất nước” đó là chính họ, một nhóm người mà thôi. Vì với họ, không gì quan trọng hơn…

Hai con Vẹt hỏi chuyện nhau trong tù:

Vẹt  A: Anh bị giam bao lâu rồi?

Vẹt  B: Khoảng 10 năm.

Vẹt  A: Thế anh bị tội gì?

Vẹt  B: Chẳng có tội gì cả.

Vẹt A: Không lẽ họ đã đổi luật, thông thường không có tội gì thì chỉ có 7 năm thôi mà.

DU