Bên cạnh những hốt hoảng và bi quan trong mùa dịch. Nhà nước Việt Nam luôn giúp người dân có những phút giây khuây khỏa bằng những sáng kiến tuyệt vời, ngộ nghĩnh. Ví dụ như mấy câu chuyện về việc quyên góp, ủng hộ “quỹ phòng chống dịch” của nhà nước được kể trên báo chí. Tìm tới tìm lui, không có chuyện nào… bình thường cả!

Hai em học sinh đập heo, góp 200 triệu – Nguồn: Vietnamnet    

Không bình thường” ở đây là không… bình thường thiệt. Tôi không cố nói xấu ai đâu! Ðể rõ hơn, xin kể mấy câu chuyện có thật, trích từ báo chí chính thống trong nước.

1. Ngày 1-4, em Trần Ðức Phương và Bùi Lê Thảo Vy, học lớp 9 ở tỉnh Bình Phước được cha mẹ đưa đến Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh ủng hộ số tiền 200 triệu đồng để chống dịch. Em Trần Ðức Phương chia sẻ:
“Số tiền này 2 đứa cháu dành dụm từ nhiều năm qua, nào là tiền ba mẹ cho chúng cháu chi tiêu hằng ngày, tiền lì xì Tết, cả tiền ăn sáng nữa… Chúng cháu dành dụm tiền này để sau này đi du học.”

Sau khi ủng hộ số tiền, hai em ngồi chờ  Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh đi làm bảng cảm ơn nền đỏ chữ vàng, có in tên hai đứa luôn, chụp vài “pô” ảnh để đăng báo, rồi về.

2. Ngày 4-4 – một ngày mưa tầm tã, cụ Trần Thị Lương (90 tuổi, Nghệ An) đội mưa, đi bộ, mang theo xấp tiền đến ủng hộ quỹ phòng, chống Corona Vũ Hán. Xấp tiền (không hiểu sao không bị ướt) được chị Nguyễn Thị Thu Hiền – Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc thị trấn đếm cẩn thận. Tổng cộng 198 ngàn đồng. Có 164 tờ 1 ngàn đồng, còn lại là 17 tờ 2 ngàn đồng.

Có lẽ do số tiền không nhiều, cụ không có bảng cảm ơn.

Cụ Trần Thị Lương (90 tuổi) đội mưa, mang theo xấp tiền lẻ đến ủng hộ quỹ phòng chống dịch COVID-19 – Nguồn: Tiền Phong

3. Sáng 30-3 (không thấy báo nói về thời tiết), cụ Nguyễn Văn Thái (89 tuổi, ở Hà Tĩnh) cùng vợ ra vườn hái quả bầu, bó rau muống và một ít rau vặt rồi vào nhà lấy số tiền 20,000 đồng mà cụ dành dụm bấy lâu nay cùng 1 kg gạo.

Cụ Thái mang khẩu trang, để mọi thứ trên lên xe đạp rồi đạp xe đến một điểm cách ly tập trung gần nhà. Hình ảnh cụ già gầy gò, mặc quần áo đơn sơ, giản dị dắt chiếc xe đạp chở rau, gạo ra ủng hộ khiến các chú cán bộ ở đó xúc động, rưng rưng. Nhưng vẫn lấy cho cụ vui.

Do mãi xúc động, không ai đi làm cái bảng cảm ơn cụ cả!

4. Ngày 6-4, năm cụ bà neo đơn ở Cà Mau, gồm: Quách Thị Chao (84 tuổi); Nguyễn Thị Phương (81 tuổi); Phan Thanh Nhàn (78 tuổi); Nguyễn Thị Mười (75 tuổi) và Võ Ánh Nguyệt (62 tuổi) đã gom hết tiền “hậu sự’” của mình (tổng cộng 23 triệu đồng) đưa cho nhà nước chống dịch.

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Theo báo trong nước, các cụ bà có hoàn cảnh khá giống nhau khi đều thuộc diện hưu trí, thương binh hoặc nhiễm chất độc hóa học, không chồng, không con… sống nương nhờ sự đùm bọc, chăm sóc từ Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau từ nhiều năm qua. Hai trong năm cụ bà nêu trên có thâm niên 55 tuổi Ðảng (Mấy chục năm tuổi Ðảng vậy mà… nghèo, các cụ thật hiếm thấy!). Ðược biết người ủng hộ nhiều nhất 5 triệu đồng, người ít nhất 3 triệu đồng. (Không thấy ai đếm được bao nhiêu tờ?)

Số tiền trên chắc đã đủ để chi phí in ấn, các bà được phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Cà Mau trao bằng khen. Có lẽ vì thương các bà đã gom hết tiền “hậu sự” chống dịch, sợ các bà lên báo nhợt nhạt quá. “Ê kíp” của Ủy ban đã cho các bà mượn nhẫn (tận mấy cái), dây chuyền vàng, bông tai vàng, đồng hồ xịn đeo để chụp hình với cái bằng khen của Ủy ban cho thêm phần long trọng. Cái này tôi đoán mò thôi. Vì tôi tin, nếu là vàng của các bà, thì các bà đã sớm bán hết để ủng hộ phòng chống dịch rồi.

Nhiều người hay sân si, khi thấy phục sức của các bà như vậy đã ước được… “cơ nhỡ, neo đơn” như bà. Giận hết sức!

“Cụ” bà neo đơn, vô gia cư, đưa hết tiền “hậu sự” ủng hộ phòng chống dịch – Nguồn: Tuổi Trẻ

5. Chiều 2-4, ông Lê Xuân Chung – một xóm trưởng ở Nghệ An cùng một số người trong xóm đi đến từng nhà gõ cửa để “vận động”, “kêu gọi” quyên góp chống dịch. Hôm rồi đọc bài báo ở hải ngoại, nói ở nhiều nơi, từng nhà dân bị cán bộ gõ cửa để thu tiền “ủng hộ chống dịch”, tôi tưởng tin vịt không à. Vậy mà có thiệt…

Theo ông Chung, khi đi qua nhà cụ Lê Thị Thanh (73 tuổi), đoàn định bỏ qua không vào, vì gia cảnh cụ Thanh rất khó khăn. Nhưng có lẽ vì hơi phân vân (?) nên đoàn người ông Chung đi hơi chậm. Vì vậy, khi họ vừa lướt qua, cụ Thanh đã lom khom đứng ở phía sau họ, hỏi: “Các chú chê bà nghèo, không cho bà ủng hộ chống dịch à”. Nói rồi cụ mang ra 50,000 đồng gửi ủng hộ. Cụ Thanh nói đây là khoản tiền mới bán con gà “chiến” có được.

Ông Chung cũng cho hay chưa bao giờ người dân lại nhiệt tình hưởng ứng (khi cán bộ gõ cửa từng nhà) kêu gọi ủng hộ như bây giờ. Người góp tiền, người mang nông sản của “nhà trồng, nuôi được” từ mớ rau xanh, buồng chuối, quả bí, trứng, gạo… ủng hộ. (Phải chi bà Thanh góp luôn con gà cho đủ… chất, khỏi đi bán mất công, còn bị ép giá.)

Xem thêm:   Chó...

6. Không chỉ gõ cửa từng nhà “kêu gọi chung tay chống dịch” như một số tỉnh, chính phủ Việt Nam năm nay đã tân tiến hơn. Tạo riêng số tài khoản, số tổng đài nhận tiền ủng hộ chống dịch trực tuyến cho những tấm lòng thơm thảo tiện bề quyên góp. Không phân biệt phản động hay dư luận viên.

Nhờ vậy, chúng ta lại có những tấm gương mới. Ví như một bạn tên Yến (ở Nghệ An), rất được báo trong nước tôn vinh. Bởi bạn này tuy đang thất nghiệp vì dịch bệnh nhưng “Trong thẻ còn 200,000 đồng, bị trừ hết các khoản phí dịch vụ, nên chỉ còn đúng 139,000 đồng, mình quyết định góp hết”. Yến nói.

Nhà báo tin Yến, cư dân mạng tin Yến, tôi tin Yến (Ai cũng tin, tôi không tin thấy kỳ!)

Bán được con gà, cụ Thanh ủng hộ 50,000 đồng – Nguồn: VOV

Vì tin nên hơi lo, Yến thất nghiệp, giờ hết tiền, vậy Yến sống sao? Phải chi Yến ở Saigon, còn có thể ra mấy cây ATM gạo lấy về chút lương thực sống tạm qua ngày… Còn ở Nghệ An, nơi Yến ở, tôi không biết có cây ATM gạo nào không? Nếu có, thì mấy người tạo ra cây ATM gạo đó có bắt Yến phải chụp hình chứng minh nhân dân, mặt để nhận diện như ở Hà Nội hay không? Hay xung quanh đó có những người luôn rình rập chụp hình/quay phim Yến đăng lên mạng bêu rếu không? Ở Saigon, mấy cây ATM gạo như vậy cũng có, nhưng ế hết rồi…

Không biết ở đâu chứ trên… báo Việt Nam, còn rất nhiều, rất nhiều những tấm gương sáng chói tương tự như những câu chuyện ở trên. Nhưng vì sợ hư… mắt (bởi sáng quá) nên tôi tạm gác lại, để nói về những tấm gương khác. Tôi nghĩ nếu có lương tâm, mấy ông “golfer”, quan chức ở biệt phủ, mấy ông tham nhũng (nhưng chưa bị lộ) sẽ lấy họ làm gương. Về nhà gom tiền “hậu sự” mà đóng góp cho có với người ta. Chứ nhiều khi đọc mấy vụ án tham nhũng hàng chục ngàn tỷ đồng xong lật qua thấy những “tấm gương” trên trong cùng một tờ báo, tôi cứ có cảm giác cán bộ đi lừa tiền của mấy cụ già, con nít bỏ vô “quỹ” vậy!

Vì không thấy bài báo nào (dù là bịa) kể mấy ông cán bộ, quan chức bán gà (bằng vàng), đội mưa (dưới dù của trợ lý), đi xe (biển xanh)… đến Ủy ban mặt trận tổ quốc, Ủy ban nhân dân nào đó quyên góp vào quỹ phòng chống dịch bệnh cả! Chỉ thấy mua máy xét nghiệm 2.3 tỷ, báo giá 7 tỷ. Chỉ thấy toa rập tham nhũng. Chỉ thấy xử án oan sai. Chỉ thấy sai phạm chỗ này, rút kinh nghiệm chỗ kia…

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

Người ta nói “làm ơn thì làm cho trót”, nên không chỉ ở đầu mùa dịch, dân tình mới xông xáo như vậy đâu. Bây chừ, ở giữa mùa dịch, khi gói hỗ trợ khó khăn mùa dịch trị giá 62,000 tỷ của chính phủ vẫn còn trên tivi đối với nhiều người. Nhiều người khác (may mắn được tiệm cận gói 62 ngàn tỷ ở ngoài) phải vò tay bứt tóc nghĩ làm thế nào điền vô cho hết một xấp đơn, rồi đi đóng mộc, ký tên sao cho hợp pháp… Ðể chứng minh mình nghèo, mình thất nghiệp, mình không đủ ăn, hòng nhận 1 triệu từ chính phủ. Bỗng hàng loạt báo trong nước rầm rộ đăng tin “nhiều cá nhân, gia đình khó khăn đã làm đơn xin không nhận tiền hỗ trợ từ gói hỗ trợ người bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhằm chia sẻ khó khăn với Chính phủ trong giai đoạn hiện nay”.

Xấp “thủ tục” để xin 1 triệu trong gói 62,000 tỷ – Nguồn: Facebook

Nổi bật trong những người dân “gương mẫu” đó là gia đình ông Nguyễn Văn Thiện (48 tuổi) và bà Trương Thị Nương (45 tuổi, vợ ông Thiện, ngụ tại thôn Hợp Tân, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa). Theo báo trong nước, dù hoàn cảnh còn khó khăn, là hộ cận nghèo và được hỗ trợ 2,175,000 đồng (3 tháng hỗ trợ theo Nghị quyết 45 của Chính phủ), nhưng trước ngày nhận tiền, vợ chồng ông Thiện đã chủ động làm đơn xin không nhận tiền hỗ trợ, “để bớt gánh nặng cho Chính phủ”.

Kết bài báo còn “đế” thêm một câu, đọc mà nhột dễ sợ. Xin “xách” nguyên văn ra (cho có người nhột cùng): “Dù mỗi gia đình, cá nhân có các điều kiện kinh tế khác nhau, nhưng hành động đẹp của họ đã là những việc làm đầy ý nghĩa, nhân văn khi không trông chờ, ỷ lại vào việc hỗ trợ của nhà nước, góp sức cùng cả nước từng ngày vượt qua đại dịch”.

Mặc dầu hơi thắc mắc tại sao những người này phải làm đơn xin… không lấy tiền? Trong khi đâu có “đoàn cán bộ” nào tụ tập tốp năm, tốp bảy “gõ cửa từng nhà” ép lấy cứu trợ đâu? Ngược lại, muốn lấy 1 triệu từ nhà nước phải làm đơn, đi chứng đủ thứ. Nhưng tôi cũng tội nghiệp chính phủ, thuế thì lấy đủ, viện trợ nước ngoài lấy đủ, đóng góp của người dân và doanh nghiệp cũng lấy đủ nhưng không đủ trang trải khó khăn. Ðể người dân lo cho từng ly từng tý. Phận cũng là dân, tôi (cũng bày đặt) xót lắm.

Nhưng nhà nước, chính phủ, cán bộ thông cảm. Tôi nghèo. Không có gì đóng góp. Không những nghèo mà tôi còn hơi… tham. Nên tôi không thể chối từ nhận cứu trợ. Dù tới bây chừ, chưa có ai hỏi tôi có cần cứu trợ hay không! Nên ai rành cho tôi hỏi, giờ tôi làm đơn xin nhận cứu trợ thay những người đang từ chối kia, thì nộp ở đâu?

DU

Saigon