“Mưa cả ngày nên nước sông hơi lạnh, mọi người nhớ khởi động và làm nóng kỹ kỹ, nếu có thể thì uống thêm chén mắm nhĩ trước khi nhảy cho ấm bụng.” – Như một truyền thống, cứ mỗi mùa đá banh lớn là những lời dặn dò như vầy tràn ngập mạng xã hội Việt. Gần đây nhất là Giải Túc cầu Thế giới – World Cup 2022 diễn ra từ 20-11-2022 tới 18-12-2022. Vậy các mùa banh ở Việt Nam có gì mà ra nông nổi?

Bảo Huân
1. Cá độ
Tôi không biết gì về đá banh trừ các cầu thủ đẹp trai và nổi tiếng. Tôi cũng chưa coi trọn bao nhiêu trận đấu từ nhỏ tới giờ, trừ khi được coi với một anh đẹp trai nào đó. Nhưng xung quanh tôi, cũng có nhiều phụ nữ mê coi đá banh từ đời nào rồi, như chị nhà thơ Chiêu Anh Nguyễn, chỉ mới biên trên trang mạng xã hội của mình:
“Thực sự là tui rất mê bóng đá. Hồi 1988 là tui đã biết đau tim theo nhịp bóng lăn, 1990 đã biết khóc lên khóc xuống vì thần tượng Maradona. Tui thuộc lòng tên cầu thủ các đội hồi đó. Trốn bố, ban đêm theo anh trai qua hàng xóm coi ké mấy trận 2-3g sáng.
Vậy đó, rồi đến một lúc tui phát hiện ra… các đội banh có thể bán độ. Tui ngẫm nghĩ và tui tức. Vì sao ư? Vì cảm xúc của tui và của cả nhân loại yêu môn thể thao vua bị mang ra đùa cợt. Tại sao tui phải khóc cười theo trận đấu, đứng tim theo từng cú Penalty trong khi họ đã có trước tỉ số? Ðâu có gì tệ hại hơn cảm xúc thật của một người yêu điên cuồng bị mang ra đùa cợt. Vậy nên tui quyết định… dẹp mẹ đi ngủ cho lành.”
Tình yêu của phụ nữ chúng tôi mãnh liệt nhưng cũng mong manh như vậy đó, chỉ cần nhận ra có chút xíu mùi dối lừa, là chúng tôi xách váy chạy hụt hơi. Còn các anh, không biết các anh có nhận ra và tin vào chuyện bán độ của các đội banh lớn hay không, mà tới bây chừ, môn đá banh vẫn là môn thể thao vua trong mắt nhiều người, nhờ sự yêu mến của cánh nam nhân. Và có những thứ ai cũng biết nó xấu, nó bất hợp pháp, nó không tốt, nhưng không ai tin là nó bị tuyệt chủng – ví dụ như bán độ và cá độ trong đá banh. Cách thức của việc bán độ và cá độ thế nào, tôi không rõ, nhưng hậu quả của nó tôi được đọc và nhìn thấy tận mắt mỗi năm, khi “mùa banh” về (không chỉ là các giải World Cup). Trích một bài báo từ trang báo 24h.com.vn hồi World Cup 2018:
“Vòng chung kết World Cup đã đi được khoảng phân nửa chặng đường, với không ít những bất ngờ. Ðiều này cũng khiến cho nhiều đối tượng cá độ bóng đá trắng tay bởi tỷ số các lượt trận không như dự đoán của nhiều chuyên gia hay những linh vật tiên tri. Cũng nhờ thế mà nhiều cửa hàng cầm đồ đã luôn nhộn nhịp trong mùa World Cup này.
…
Sau mỗi trận đấu, các cửa hàng cầm đồ tấp nập người ra vào, chật kín cả chỗ để xe máy. Có chủ cửa hàng cho biết, mấy ngày qua đã nhận hàng trăm lượt xe máy, với tỷ lệ tiền cầm cố dao động từ 50-80% giá trị tài sản.

Cư dân mạng Việt Nam hiện thời khá nhạy cảm, ai tự tử hay đổ nợ là họ nghĩ ngay tới hai chữ “cá độ”, nên có luôn nội quy nhảy cầu – Facebook/tuoitre.vn
…
Nhiều tài sản khác như chứng minh thư, bằng cấp, xe sang… thậm chí cả thú cưng cũng được “đem gửi” ở tiệm cầm đồ. Khách chủ yếu là nam thanh niên ham mê cá độ bóng đá.
…
Theo ghi nhận, nhiều tiệm cầm đồ trên phố Ðặng Dung, Ðường Láng, Minh Khai… những ngày này đều hoạt động 24/24, nhân viên phải làm việc hết công suất để phục vụ nhu cầu cầm cố tài sản của khách. Ðáng chú ý, mùa World Cup 2018 mới diễn ra được hơn chục ngày, nhiều tiệm cầm đồ đã quá tải, bắt đầu sàng lọc các mặt hàng nhận cầm cố. Theo đó, họ chỉ cầm các mặt hàng “sang chảnh” có giá trị cao, dễ thanh lý.
…
Ngày 2-7 vừa qua, lãnh đạo Bệnh viện đa khoa TP Sa Ðéc (Ðồng Tháp) cho biết trong thời gian diễn ra World Cup 2018, số ca trường hợp nhập viện do tự tử có chiều hướng gia tăng…” – Hết trích.
Không phải ngẫu nhiên mà khi cư dân mạng Việt Nam đọc cái tựa bài báo ngày 21-11-2022 được nhiều báo trong nước đăng “Chỉ trong vài giờ, liên tiếp 2 vụ nhảy cầu ở TP.HCM”, họ khẳng định luôn nguyên do là thua cá độ đá banh, dầu chưa biết thực hư ra sao. Không biết có ai hối hận vì hồi tháng 5-2022 đã lên án những người gắn hơn 400 phao cứu hộ trên các cây cầu bắc qua sông Hồng/Hà Nội, khiến người gắn phao phải đi gỡ – nay mới biết những cái phao cứu hộ đó có công dụng gì. Trong cái rủi có cái may, nhờ “kinh nghiệm đầy mình”, bà con không ngừng dặn nhau những bí quyết hay ngay từ đầu mùa World Cup 2022.
Như Facebooker Hoàng Nguyên Vũ: “Bóng bánh khó lường, anh chị em lưu ý:
– Ai vay mượn tiền bằng những lý do lâm li bi đát như chưa từng, nên cẩn thận.
– Ai mượn xe đi một lúc hay thậm chí mượn điện thoại gọi cho người thân, cũng hết sức cẩn thận.
– Có tiền cũng bớt khoe lại. Bấy lâu nay nổ quen thì cũng chịu khó chịu khổ chút mà bớt nổ lại, không thì cái mồm làm hại cái thân.
– Thấy chồng hay trốn ra ngoài gọi điện hoặc gọi thậm thụt gì đó, nhắn nhít suốt ngày thì việc cần làm là có gì đáng giá cứ đem đi giấu sạch. Tranh tối tranh sáng như này không biết đằng nào mà lần.
– Sổ đỏ – luôn luôn giữ và kiểm tra thường xuyên
– Sử dụng quyền trợ giúp gọi điện cho người thân xem anh nhà có hay gọi vay mượn gì không và thường xuyên ra cầu để nhận diện các đôi dép!”

Chiếc phao cứu sinh từng được gắn trên cầu Chương Dương – nơi nhiều người buồn bã ở Hà Nội chọn để… tự tử – vnexpress.net
Hay Facebooker Sơn Vũ, tự xưng là Tèo, tận tình chỉ “cầu… xóa nợ”:
“Ðể hưởng ứng World Cup 2022, Tèo xin update một số cây cầu… xóa nợ cho các anh em thiện lành có nhu cầu trên toàn quốc.
– Khu vực Sài Gòn: cầu Bình Lợi, cầu Sài Gòn, cầu Phú Mỹ…
– Khu vực các tỉnh Ðông Nam bộ có cầu Phú Long, cầu Phú Cường, cầu Ðồng Nai, cầu Hóa An, cầu 38, cầu Cỏ May, cầu Gò Dầu…
– Khu vực miền Tây có cầu Bến Lức, cầu Rạch Miễu, cầu Mỹ Thuận, cầu Cao Lãnh, cầu Cần Thơ, cầu Cù Lao Dung, cầu Cổ Chiên, cầu Xẻo Vẹt, cầu Vàm Cống, cầu Quay…
– Khu vực Tây Nguyên có cầu Sêrêpôk, cầu Lệ Bắc, cầu treo Kon K’lor…
– Khu vực miền Trung có cầu Sông Lũy, cầu An Ðông, cầu Trần Phú, cầu Ðà Rằng, cầu Thị Nại, cầu Trà Khúc, cầu Ông Ðiền, cầu Rồng, cầu Thuận Phước, cầu Phú Xuân, cầu Hiền Lương, cầu Nhật Lệ, cầu Bến Thủy, cầu Hàm Rồng…
Khu vực miền Bắc có cầu Ngói Phát Diệm, cầu Bến Mới, cầu Ðình Vũ, cầu Nhật Tân, Long Biên, Vĩnh Tuy, cầu Vân Tiên, cầu Kỳ Cùng…
…..
95% số lượng cây cầu kể tên bên trên thì Tèo đã từng đi qua, nên bảo đảm nhảy bao… “đi die” nhé.”

Những vật dụng thông thường khi các “vận động viên” nhảy cầu để lại – Facebook Đỗ Dũng
2. Nhà đài
Vì các mùa banh, người Việt thua cá độ nhiều, mất tiền (có khi mất luôn mạng) cũng nhiều. Nhưng kẻ bị người coi đá banh tại Việt Nam mắng mỏ nhiều nhất mỗi năm không phải là mấy cầu thủ họ từng tin tưởng hay các nhà banh bị nghi ngờ bán độ, mà là nhà đài mua độc quyền để chiếu trực tiếp các trận banh tại Việt Nam, ví dụ như mùa World Cup 2022 là đài VTV – Ðài Truyền hình quốc gia Việt Nam. Thứ nhất, thiên hạ mắng VTV vì… độc quyền, không cho mấy đài khác chiếu các trận đấu. Thứ nhì, người ta mắng VTV độc quyền nhưng mướn mấy ông bình luận bóng đá chẳng có chuyên môn, hay phát biểu linh tinh kiểu như ‘Một bàn thắng có sự kết hợp giữa Tấn Tài và Hoàng Ðức, một bàn thắng Tài Ðức’’, ‘’Ba cầu thủ hậu vệ của Ðan Mạch rất giỏi dùng chân’’… Thứ ba, cái được lên án nhiều nhất trong những ngày qua, là Ðài Truyền hình quốc gia dùng các cô gái không hiểu/không có một chút kiến thức gì về đá banh lên ngồi bình luận các trận đấu với trang phục đi… biển.
Như Facebooker Hà Phan viết: “Thật ra tôi thấy tội nghiệp các hotgirl đang bị VTV đem ra làm trò mua vui cho thiên hạ qua cái gọi là bình luận bóng đá. Với kiến thức bóng đá hạn hẹp cùng sắc vóc nóng bỏng, họ chủ yếu phục vụ phần nhìn kèm các bình phẩm phần lớn khiếm nhã của các khán giả nam. Lướt trên mạng và vào bình luận thì không khó để thấy người ta coi thường và cợt nhả các cô ra sao. Họ không đáng bị vậy và nhà đài dịp World Cup không phải là sân chơi dành cho họ. Không chỉ bị thiếu tôn trọng, họ còn được xem như gia vị rẻ tiền cho những buổi bình luận thiếu muối của VTV.
Là đàn ông sẽ giả dối nếu nói tôi không thích nhìn ngắm các cô gái hấp dẫn như thế nhưng tôi muốn phụ nữ được tôn trọng hơn. Tôi nghĩ nên chấm dứt hoặc để các cô làm gì đó đúng sở trường của mình chứ đừng hạ thấp và rẻ hóa họ như thế VTV à!”
Và Facebooker Nguyen Phuong Mai “ước”: “Ước gì chương trình “Nóng cùng World Cup”, thay vì chọn 32 cô gái xinh đẹp đại diện cho 32 quốc gia, thì mời 32 nữ tuyển thủ Việt Nam, rồi thiết kế những nội dung tương tác phù hợp với tài năng của họ. Từ những thế hệ đầu tiên, họ đã luôn là những “cô gái vàng, những “chiến binh thực sự” trên sân cỏ (Ðội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đã 7 lần vô địch SEA Games). Họ đã đem vinh quang về cho bản thân, đội tuyển và quê hương. Cùng với những đôi chân vẫn ngày ngày cày sân cỏ, nhiều người tuy đã rời cuộc chiến, nhưng kinh nghiệm, máu lửa và đam mê vẫn còn rực cháy.
Ðưa họ lên chương trình quốc gia vừa văn minh, vừa có ý nghĩa, vừa tôn vinh tài năng của các tuyển thủ, vừa góp phần phá bỏ khuôn mẫu định kiến về phụ nữ và thể thao, vừa tạo niềm cảm hứng cho những cô gái nhỏ khác vươn lên theo đuổi đam mê sở thích của bản thân. Nó cũng không vô tình coi sắc đẹp phụ nữ như một thứ để trang trí cho bóng đá và hấp dẫn đàn ông. Một cách gián tiếp, nó từ chối việc coi thường đàn ông, cho rằng họ phải tí bản năng dục tính làm mồi nhử. Nó cũng tránh được cơ hội để vô số các comment thô bỉ, tục tĩu đổ vào quấy rối tình dục, zoom vào tận ngực từng cô gái, phát tán thông tin cá nhân và xâm phạm đời tư của các cô.”

Phụ nữ thành “gia vị” trước các trận banh ngay trên VTV- Facebook
3. Kết
Không biết từ khi nào, nhắc tới đá banh là người ta nghĩ tới cá độ, bán độ. Nhắc tới VTV là toàn các lời chê trách – từ các thông tin một chiều tới các trò lố lăng không dành cho Ðài Truyền hình mang đẳng cấp quốc gia. Chỉ biết là từ rất lâu, ngoài không coi đá banh, tôi còn không coi VTV, đá banh là do tôi không hiểu, VTV là do tôi không tin.
DU
Bà Tám ở Sài Gòn