Cuộc sống muôn màu muôn vẻ, cùng một chủ đề về “Bảo vệ môi trường”. Nhưng tuần qua, mỗi nhóm người ở Việt Nam lại bàn luận về một việc khác nhau. Đó là sự kiện lũ lụt, sạt lở ở miền Trung và sự kiện… Apple đã chính thức ra mắt các mẫu iPhone 12 mới.

Người Việt vạ vật ở Singapore chờ mua iPhone X năm 2017 – Nguồn: congly.vn    

Chắc đọc qua có nhiều người hờn giận, vì sao tôi lại đem một mẫu điện thoại ra đặt chung “mâm” với cảnh tượng người bị nạn, chết, nát nhà trôi cửa ở Miền Trung? Xin thưa, thứ nhất là vì nó là sự việc lặp đi lặp lại có hạn kỳ. Thứ hai, thứ ba, thứ tư… thì mời đọc tiếp.

Sài Gòn năm nay dường như mưa nhiều hơn những năm trước, không khí nhẹ nhàng hơn, nhưng vì vậy mà lòng người thì nặng nề hơn. Vì thời tiết ở Sài Gòn mà “dễ chịu” có nghĩa là thời tiết ở những nơi khác “khó ưa”. Ðó là lý do, bên cạnh những thở dài của con buôn Apple. Thì có những tiếng thở dài khác, nặng nề hơn, của những người có lòng nhân từ với nỗi đau của đồng loại. Kèm theo đó là những hình ảnh đau lòng, những câu chuyện ám ảnh, tang tóc bao trùm mạng xã hội. Nhưng, có một sự thật tôi phải nói ra, nó không hề xa lạ hay “mới mẻ” gì hết, với những người quan tâm tin tức xã hội VN.

Chúng ta thừa khả năng cảm nhận được. Trong khi, Việt Nam ngày càng nhiều các Bộ/Cục có chức vụ bảo vệ môi trường, phòng/tránh thiên tai. Song song đó, các Bộ/Cục có nhiệm vụ “giải quyết”, cứu nạn, cứu hộ người bị ảnh hưởng bởi thiên tai… cũng ngày càng nhiều. Số tiền thuế dùng cho những cơ quan này ngày một cao. Nhưng, sự thật là thiên tai ở VN xảy ra một cách đều đặn và thường xuyên, ngày càng nặng nề, thậm chí “đa dạng” hơn: Hạn hán miền Tây, xả lũ miền Trung, ngập nặng miền Nam, ô nhiễm miền Bắc, sự bành trướng của Trung Cộng từ biển Ðông và các “đặc khu”… Từ đó, số người gặp nạn (từ thiên tai lẫn nhân tai) cũng ngày một đông hơn. Kéo theo sự gia tăng của các hội nhóm… từ thiện “tự phát”. Ða số từ miền Nam, cụ thể là Sài Gòn – Nơi bị nhà nước “hút máu” 82 phần trăm thuế mỗi năm. Năm nào thị dân cũng vừa lầm bầm chửi vừa quyên góp đủ thứ từ hạn hán miền Tây, thiên tai miền Bắc/miền Trung… Nhưng khi người nhận nói lời cảm ơn thì trên giấy tờ/báo chí lại ghi: “Cảm ơn chính quyền nhân dân các cấp, cảm ơn đảng và nhà nước, cảm ơn lãnh đạo…” Ta nói, giận tím người!

Dù bị “chê trách” quá trời, nhưng iPhone 12 vẫn gây chú ý – Nguồn: Facebook

Trong khi đại hội đảng, cờ hoa kín lối thì dân đen phải cứu nhau, rồi tự cứu mình. Không còn thời gian để nhìn lại điều gì đưa họ đến nông nỗi này. Chỉ còn những cánh tay ít ỏi và bất lực, không đủ làm nên một cơn gợn sóng.

Vì vậy, iPhone 12 “ra đời” như một “cứu cánh” cho những người ngán ngẩm giữa rừng các tin tức tang thương đang “chiếm sóng” trên mạng xã hội. Nó không khiến người ta tốt hơn, văn minh hơn, nhưng ít ra nó thú vị hơn, có cải tiến và khác biệt hơn dù nó cũng diễn ra theo hạn kỳ. Ðặc biệt là, người ta có thể “nói xấu”, phê phán thoải mái cái công ty Apple, nơi tạo ra “cơn bão” công nghệ tốn kém và “se sua” này. Ðừng trách thiên hạ “thiểu năng”. Ðôi khi, mong cầu của những con người bình thường nó tầm thường như vậy!

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

Rạng sáng 14-10 (giờ VN), Apple chính thức “trình làng” 4 mẫu iPhone 12 mới cùng loa thông minh HomePod mini. Sự kiện này khiến không ít người ở VN thức trắng đêm “hóng hớt”, dù không có tiền và nhu cầu mua. Sau sự kiện, thì các bài viết về sự kiện này càng đông hơn, kèm theo rất nhiều tiếng thở dài.

Ðầu tiên, là do sự ảnh hưởng “kinh tế” trên “diện rộng” – Ở đâu tôi không rành, nhưng ở VN thì mọi việc, đa số người ta đều nhìn về hướng “kinh tế” trước, đơn giản vì nơi đây là một đất nước có người nghèo nhiều hơn người có mức sống… vừa vừa, còn số người có mức sống trên trung bình đến cao cấp chỉ là thiểu số. Tuy có mức sống không cao, nhưng đa số người Việt hướng về những món vật chất tốt nhất (cũng đúng thôi, đó là mưu cầu cơ bản của con người mà).  Tuy đôi khi có nhiều món không thực sự cần thiết (hoặc phù hợp) ở Việt Nam (ví dụ mua siêu xe Rolls-Royce để “lội nước” mùa mưa, chen chúc kẹt xe mùa nắng).

Tiếc là chữ “tốt nhất” này chỉ dừng ở vật chất, không nhiều người VN có đòi hỏi hai chữ “tốt nhất” với những mong cầu cơ bản khác mà loài người nên có ở thế giới văn minh hiện nay, thậm chí họ còn cản trở khi thấy người khác mong cầu, cho người ta “mơ mộng”, nặng hơn là “phản động”.

Một vòng lẩn quẩn – Nguồn: Facebook

Vì vậy, tuy ở VN tràn lan hàng Tàu, tràn lan các hãng điện thoại khác, không hề có cái “Apple Store” chính hãng nào. Nhưng hàng năm, Apple luôn là nhãn hàng đứng đầu doanh số, dù là điện thoại cũ hay mới.

Ðối với người mê công nghệ tại VN, thì ai cũng biết Singapore là địa chỉ quen thuộc cho giới buôn “iPhone xách tay” Việt Nam. Những năm trước, việc xếp hàng mua iPhone trong ngày mở bán mang về nguồn thu lớn cho họ. Mỗi chiếc iPhone “về” sớm (trong ngày ra mắt hoặc một/hai bữa sau đó), người bán có thể kiếm được 5 đến nhiều chục triệu đồng. Với những người mới kinh doanh iPhone, đây là cơ hội kiếm tiền tốt, nhiều người khác cũng coi đây là một chuyến du lịch miễn phí. Năm nay bởi cúm Vũ Hán, những “con buôn” Apple đã thất thu nặng nề. Vì họ không thể bay qua các nước có “Apple Store” chính thức như Singapore, xếp hàng mua những chiếc iPhone đầu tiên, mang về VN bán “độn giá” kiếm lời cao như mọi năm.

Ngoài ra, tại Việt Nam, ngày 26-8, Chính phủ đã ban hành Nghị định 98/2020/NÐ-CP, có hiệu lực từ ngày 15-10. Với mức xử phạt tăng từ 2-3 lần đối với việc kinh doanh hàng “xách tay”. Nghĩa là khi con người không thể về cùng hàng hóa thì tất cả iPhone (hay mọi hàng “xách tay”) từ Singapore (hoặc từ mọi nơi khác) về Việt Nam đều phải khai báo/”lót tay” hải quan và đóng thuế nặng nề hơn trước.

Xem thêm:   75 tuổi NATO

Ðiều này góp phần khiến giá những chiếc iPhone 12 đầu tiên tại Việt Nam sẽ bị nâng cao hơn cả mực nước lũ miền Trung, giới «con buôn» đoán những chiếc điện thoại đầu tiên giá từ 80 triệu đến hơn trăm triệu đồng là chuyện «không có gì ngạc nhiên» (dù giá «gốc» chỉ khoảng từ 699 USD cho iPhone 12 Mini và 1,399 USD cho iPhone 12 Pro Max – Theo báo VN).

Thật ra, với những người có thể “đón về” những chiếc iPhone đầu tiên những năm trước, có lẽ việc này cũng không quan trọng, chỉ “hao” thêm một chút “máu”. Nhưng với người bán hàng xách tay, đây là một “tương lai” đáng lo. Tuy nhiên, có nhiều người vẫn lạc quan, vì họ tin ở Việt Nam, không có gì không mua được. Nhất là lớp màn “công chính” mỏng manh hơn cả da mặt… Du Uyên.

Thứ hai, người ta tranh cãi về việc Apple tuyên bố sẽ không còn tặng kèm “cốc sạc” và tai nghe trong hộp của những dòng iPhone mới, bắt đầu từ iPhone 12. Với lý do là để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, điều mà cả thế giới muốn hướng tới. Cũng là thứ được đem ra “lấy điểm” trong các cuộc tranh cử tổng thống các nước “tư bản” nhiều năm nay.

Vì theo Apple, khi không tặng kèm hai món này ở điện thoại mới, người dùng có thể tận dụng từ phụ kiện của iPhone cũ (còn ai chưa có iPhone cũ, có thể sẽ suy nghĩ lâu hơn hoặc quyết định không mua iPhone mới này – Dĩ nhiên đây chỉ là suy… diễn của tôi). Từ đó, giúp giảm tiêu thụ nguồn nguyên liệu thô (cho mỗi chiếc iPhone được bán ra). Ðồng thời, việc này cũng làm cho hộp đựng nhỏ hơn, giảm không gian chiếm trong các kiện hàng chở đi, và giảm bớt lượng khí thải carbon thải ra môi trường. (Theo thống kê của Apple, tính đến thời điểm hiện tại, họ đã sản xuất và bán 700 triệu tai nghe Lightning và 2 tỷ bộ sạc trên toàn thế giới).

Với người dùng trên thế giới, tôi không biết. Nhưng điều tôi đọc được từ đa số từ các trang công nghệ VN – dù là những người có tiền hay những người thường xuyên kêu gọi người ta “bảo vệ môi trường” – đa số đều cho rằng Apple dùng “chiêu” này để “hút máu” người dùng. Khiến người tiêu dùng tốn kém hơn – vì họ luôn “mặc định” khi mua iPhone mới, buộc phải mua phụ kiện mới (vẫn là chuyện kinh tế).

Ngoài ra, theo tôi thấy, lý do sâu xa của việc đa số người VN không tin một công ty sản xuất đồ công nghệ quan tâm đến vấn đề môi trường, có lẽ vì chính… họ. Bởi hai chữ “kinh tế” luôn bám chặt vào mọi vấn đề ở VN (như tôi nói ở trên). Và chuyện “bảo vệ môi trường” quá “xa xỉ” trong tiềm thức đa số người Việt.

Xem thêm:   Toàn tiền tỷ

Thứ ba, là bởi chính những gì họ được thấy, cảm nhận trước mắt mỗi ngày. Như nguyên nhân thật sự đằng sau chuyện lũ lụt, sạt lở nặng nề đang diễn ra ở miền Trung năm nay là cái gì? Có phải do “Mẹ thiên nhiên” đang “giở chứng” rồi trái tánh, trái nết? Hay do sự tham lam chính những kẻ nắm trong tay quyền sanh sát của hàng trăm triệu người dân?

Một tấm hình được chụp tầm 2017, nhưng tôi lưu lại vì thấy nó luôn “hợp” với tình hình VN mỗi năm. Không chỉ ở miền Trung – Nguuồn: Facebook

Riêng bản thân tôi, tôi tin rằng Apple (và nhiều công ty lớn trên thế giới) thật sự muốn hướng tới “bảo vệ môi trường”. Vì rác thải điện tử đã là một vấn đề lớn hiện nay, đe dọa tương lai toàn nhân loại. Mà không có tương lai, có nghĩa chẳng có gì. Ngoài ra, tôi tin các tập đoàn lớn ở xứ “tư bản giãy chết” thật sự có suy nghĩ nhân bản hơn những gì ta thấy ở các doanh nghiệp trong nước VN.

Ðó là lý do giữa tháng 8-2020 vừa rồi, Apple công bố ngừng kế hoạch lắp ráp iPhone tại Việt Nam vì điều kiện sống của công nhân tại đây, sau khi thăm khảo sát nhà máy thuộc sở hữu của đối tác chuyên lắp ráp iPhone là Luxshare (tại Khu công nghiệp Vân Trung – Bắc Giang). Dù Luxshare đã đầu tư 270 triệu USD (bước đầu) để xây dựng nhà máy. Dù từ tháng 5-2020, trên trang tuyển dụng của Apple đã đăng tìm người cho nhiều vị trí khác nhau, bao gồm cả các vị trí liên quan đến kinh doanh, quản trị và kỹ thuật ở Hà Nội và Sài Gòn.

“Tất cả “chỉ vì” điều kiện sống của công nhân?”

Hai chữ “chỉ vì” rất chua chát và đau đớn bật ra trong đầu nhiều người VN một cách ngẫu nhiên như thế. Không phải lỗi do “nhân phẩm” hay “kiến thức” của họ đâu. Ðó chỉ là thói quen mà thôi. Vì với nhiều người VN, lý do trên thật là lạ đời, khó hiểu, vì họ chưa từng nghe thấy từ bất kỳ doanh nghiệp hay cơ quan nào ở VN. Và, họ cũng không dám nghĩ đến, không dám mong cầu… Người Việt Nam đôi khi đáng thương đến vậy đó!

Và, thử nghĩ xem. Khi không dám nghĩ tới việc bảo vệ đồng loại, bảo vệ đồng bào, bảo vệ chính mình. Thử hỏi, ai mà “quởn” đi nghĩ tới chuyện “bảo vệ môi trường” xa xôi mà bọn “giãy chết” “rách việc” đang bàn tán? Mà chính mình không nghĩ tới “bảo vệ môi trường”, thì “mặt mũi đâu” nghĩ tới chuyện “bắt” mấy ông quan “bảo vệ môi trường” giùm mình?

Ðúng là một vòng lẩn quẩn, y như câu chuyện hài về iPhone mà dân buôn VN chế ra và lặp lại hàng năm:

“Hồi đó, hắn dùng 20 triệu mua iPhone 5, tôi dùng 20 triệu đi thuê mặt bằng.
Một năm sau, hắn dùng 20 triệu mua iPhone 6, lúc này tôi đã kiếm được 200 triệu, tự mở một cửa hàng nhỏ.
Sau thì, hắn lại dùng 20 triệu mua iPhone 7, tôi đã có công ty của riêng mình.
Tiếp theo, hắn vẫn dùng 20 triệu mua iPhone 8, còn tôi đã có nhà có xe có sổ tiết kiệm.
Hôm nay, hắn lại dùng 20 triệu mua iPhone 12, còn tôi phiêu bạt giang hồ, trốn nợ khắp nơi.
Vì thế có tiền cứ mua iPhone các bạn nhé, đừng như tôi!”

DU