“Linh vật” là từ gốc Hán. Và từ này, cũng như những từ gốc Hán khác, ngày càng quen dần với người Việt (“Quen” y như sự xâm lấn từ văn hóa đến chủ quyền của Trung Quốc đối với mảnh đất hình chữ S vậy). Nhờ sự “quen” đó, ý nghĩa và hình ảnh của chữ “linh vật” cũng ngày càng được dân tình sáng tạo/giải nghĩa ra nhiều hướng khác nhau, tốt có, xấu có, vui có, vui hổng nổi cũng có. Giống như, ý nghĩa và hình ảnh của chữ “láng giềng 4 tốt” vậy.

Năm Kỷ Hợi đã qua được 2 năm nhưng chắc do các nghệ nhân tận dụng chú heo cũ để sửa thành trâu? – Nguồn: Facebook 

Theo… Google, “linh vật” ban đầu có nghĩa là “bất cứ cái/con/thứ gì” mà con người cho là linh thiêng, đáng tôn thờ. Túm lại, lòng tin và tín ngưỡng của số đông chính là thứ tạo nên một “linh vật”, có khi một con cá cũng được xem là “linh vật” khi ai đó nhìn thấy nó… bơi, nếu có người tin vào điều đó – Ðây là việc xảy ra khá nhiều ở các vùng quê VN. Lâu lâu lại có vài ba clip quay lại cảnh dân tình bu lại một cái đìa, vừa ngó con cá “lạ” nào đó bơi, vừa sì sụp lạy vừa đốt nhang cầu nguyện. Sự việc tương tự cũng xảy ra khi vô tình có nhà bác nông dân Việt nào đó đỡ đẻ được một con heo, con bò «khai sanh» với hình hài dị dạng, hy hữu.

Bạn thân tôi có một bà… nội, bà có thói quen rất ngộ, đó là đi bất cứ miền đất lạ nào, bà cũng lượm những cục đá về… thờ. Bà nói mỗi cục đá kia là “đá thiêng”, chứa đựng “linh khí” của nơi chốn đó, sẽ phù hộ cho cả gia đình làm ăn phát đạt và “xua đuổi tà khí”. Tính đến nay, “gia tài” của bà đã đầy ắp một tủ nhỏ những cục đá đủ mọi kích thước, dáng hình và màu sắc. Tà khí của gia đình có được xua tan hay chưa thì không ai rõ, nhưng theo bạn tôi thì việc làm ăn của gia đình vẫn tàng tàng, xém sa sút mấy chục lần, chưa tấn tới như đức tin hàng chục năm trời của bà. Bạn tôi nói, nhiều khi muốn đem tất cả các cục đá đi… giám định, coi có cục nào quý hiếm thật sự không? Biết đâu, nhờ vậy mà gia đình phát đạt lên thật, lại còn được lên báo! Báo chí đâu ít lần đăng những câu chuyện kỳ diệu có thật về việc những người dân vô tình bị cái… giàu ập vô mặt vì lượm được đá quý.

Như hồi tháng 9-2020, ở vùng biển Quảng Ngãi, một người đàn ông đã vô tình thấy 2 khối đá màu đỏ, nặng tổng cộng ước 18kg, tỏa mùi thơm như nước hoa, nghi là long diên hương, được người ta định giá tiền tỷ. Hay gần đây, ở Thái Lan, có một ngư dân được báo mộng để tìm được một viên ngọc quý, đang chờ một thương nhân người Trung Quốc qua kiểm định và mang về, sau khi ông Trung Quốc ra giá hơn chục triệu tiền Thái (mua được cả xấp bằng tiến sĩ chứ chẳng chơi).

Xem thêm:   Khủng bố hồi sinh

“Linh vật” thường được chia làm nhiều loại: có loại có thiệt, có loại do con người tưởng tượng ra. Nhưng quen thuộc và phổ biến nhất là “linh vật” dưới dạng các con thú, được người ta thần tiên hoặc nhân tánh hóa, thường dùng để giải thích các sự tích về văn hóa tâm linh. Tưởng tượng thì có: long, lân, quy, phượng, có xương có thịt thì 11 con giáp-trừ con rồng… (người ta còn hay gọi là “linh thú”). Trong các kỳ lễ hội lớn ở các nước Á Ðông đều có một hoặc nhiều “linh thú” tượng trưng, với nhiều ý nghĩa khác nhau. Ví dụ như “linh vật” kiêm linh thú của năm Tân Sửu 2021 là con Trâu. Một “linh vật” hiếm hoi vừa có thiệt, vừa có bề dày lịch sử “bảy nổi ba chìm với nước non” chứ chẳng chơi!

Tại VN, Trâu không chỉ là “linh vật” của năm nay, hay 12 năm trước hoặc 12 năm sau. Mà nó luôn là “linh vật” trong lòng đại bộ phận người nông dân, dầu bây giờ «công nghiệp hóa, hiện đại hóa” mọi thứ, máy móc đã làm từng đời Trâu “thất nghiệp”nông án.  Nhưng hình ảnh con Trâu và cánh đồng vẫn luôn gắn liền với nhau, không thể tách rời. Cho dầu sau này, con người có còn ăn lúa/gạo hay không. Vì kho thành ngữ cửa miệng của người xưa về Trâu không dễ gì mất đi được. Nếu có mất thì vẫn còn những bộ phim, câu chuyện bất hủ chứa hình ảnh con Trâu trong kho tàng văn học/hội họa/ca nhạc/phim ảnh của VN và nhiều nước khác…

Bởi vậy, hồi SEA Games 22 (2003) được tổ chức ở VN, mấy ông trong ban tổ chức SEA Games tại VN đã lấy hình ảnh “linh vật” Trâu Vàng làm biểu tượng với lời giải thích không “lan quyên” thể thao cho lắm (trừ “vẻ ngoài” cơ bắp của “linh vật” Trâu Vàng): “Biểu tượng vui của SEA Games 22 được đặt tên là Trâu Vàng. Với bản chất hiền lành, hoà đồng và chăm chỉ, hình ảnh con trâu gần gũi, thân mật với người dân trong nền văn minh lúa nước của Việt Nam và các nước Ðông Nam Á.”

Tạo hình “linh vật” Tết Tân Sửu 2021, khiến những người có nhiều năm “kinh nghiệm” trong “nghề” chăn trâu cũng phải giật mình, vì không nhận ra – Nguồn: Facebook

Quả tình, hồi chưa có máy móc, con Trâu là đầu cơ nghiệp của đại bộ phận người làm nông. Mà làm nông tức là tạo ra lương thực, thứ mà ai cũng cần. Nhất là thuở phong kiến, người ta chưa cần “freewifi” hơn là cần ăn. Cho nên, từ thời Lý, ngoài chuyện thỉnh thoảng “biểu diễn” nghi thức tịch điền (cày ruộng để khuyến khích dân chúng trồng trọt) thì các ông vua ngày một chú ý đến việc răn phạt hành vi trộm trâu, giết trâu bừa bãi. Chẳng hạn, Lý Thái Tông (1000-1054), vào năm 1042, mới đầu Xuân tháng Ba bận rộn “ra cửa biển Kha Lãm cày ruộng tịch điền rồi về kinh sư” thì đến mùa Thu, tháng Bảy, đã “xuống chiếu kẻ nào ăn trộm trâu của công thì xử 100 trượng, 1 con phạt thành 2 con”. Mấy chục năm sau, mùa Xuân 1117, Lý Nhân Tông lại xuống chiếu “kẻ nào mổ trộm trâu thì phạt 80 trượng”, đày làm phục dịch trong quân, còn “láng giềng biết mà không tố cáo, phạt 80 trượng”. Chưa dừng ở đó, đến năm 1123, khi đã có gần năm mươi năm điều hành đất nước đạt ngưỡng “dân được giàu đông, mình được thái bình”, vị vua này lại tiếp tục ban lệnh: “Trâu là vật quan trọng cho việc cày cấy, làm lợi cho người không ít. Từ nay về sau ba nhà làm một bảo, không được giết trâu ăn thịt, ai làm trái thì trị tội theo hình luật”. Vì vậy, giết trâu ăn thịt hay để cúng tế đã không còn tự tiện, tự do, mà phải xin phép.

Xem thêm:   Chó...

Nghe có vẻ ngược đời với thời nay, khi tình yêu thương của dân chúng dành cho “linh vật” Trâu đã từ trái tim thòng xuống… bụng sau bao niên kỷ và vật đổi sao dời, “ta đâu Trâu đấy” không phải là “Trâu ra ngoài ruộng Trâu cày với ta” nữa mà là “Trâu đi vô… bụng, Trâu thành đồ ăn». Khi nhìn đâu cũng thấy quán thịt Trâu chật ních thực khách. Nào là Trâu nhúng mẻ, khô Trâu, Trâu một nắng… Ở nhiều nơi, vì giá thịt Trâu rẻ mà nhiều người «treo đầu Bò bán thịt Trâu» (tẩm hóa chất/màu vào thịt Trâu, cho nhìn và ăn có vẻ giống thịt Bò, rồi đem bán giá thịt Bò-hoặc những loại thịt khác)… Bởi người ta có chuyện «nhạo» thế này:

“Trong quán nhậu, thực khách chất vấn bồi bàn: Có thật là thịt thỏ không đây? Sao tôi ăn thấy dai nhách vậy?

Anh bồi bàn thú thực: Dạo này thịt thỏ khan hiếm quá mà khách lại thích thành thử chúng tôi trộn thêm thịt trâu vào.

– Trộn theo tỷ lệ nào?

– Dạ thưa mỗi thứ một nửa ạ.

– Nghĩa là nửa ký thịt thỏ trộn với nửa ký thịt trâu hả?

– Dạ không… Chúng tôi trộn nửa con thỏ với nửa con trâu bác ạ.”

Trâu bị sét đánh? – Nguồn: Facebook

Ðược cái, dầu cách yêu của dân tình ra sao đối với «linh vật» Trâu, thì hình ảnh con Trâu hiện thời, không người Việt nào tại Việt Nam, trên 18 tuổi không biết rõ cả. Còn dưới 18 tuổi, sanh ở các thành phố lớn, thì ít ra cũng nhìn thấy con Trâu qua sách vở ngay tại nhà trường, phim ảnh và mạng internet. Không ai ngu ngơ đến độ tả con Trâu sẽ ra con Heo, con Gà, con Chuột… cả.

Vậy mà mấy ông mang danh “nghệ nhân”, chuyên đúc tượng “linh vật” để trang trí cho khắp các tỉnh thành Việt Nam lại có thể làm cái chuyện không tưởng này (mời xem hình). Tính ra cũng tội “linh vật” Trâu, sống thì làm “đầu cơ nghiệp” cho nông dân, chết đi rồi lại làm “đầu cơ nghiệp” cho chủ tiệm ăn,  quá có ích. Vậy mà có cái gì xấu hay dở người ta cũng nghĩ đến Trâu đầu tiên. Nào là “đàn gảy tai trâu”, nào là “lấm như trâu đầm”, nào là “ngu như Trâu” (được cái, ngu như… có thể gắn kèm bất kỳ con vật nào). Ðến các «nghệ nhân» tạc tượng «linh vật» Trâu cho Tết năm nay, cũng không có nhiều người tôn trọng «nhan sắc» của loài «linh vật» đáng thương này. Có những bức tượng mà khi nhìn vào, người có «kinh nghiệm» hai mươi năm… chăn Trâu cũng không nhận ra đó là… Trâu luôn.

Xem thêm:   Ăn giựt & ăn gian...

Thiệt ra, nói vậy oan cho mấy ổng quá, vì không chỉ riêng năm nay, không chỉ riêng “linh vật” Trâu. Mà bất kỳ năm nào, cứ năm hết Tết đến, cư dân mạng VN lại được dịp nhìn thấy những “tác phẩm nghệ thuật” mang tên từng con giáp cùng với những thần thái không thể hiểu được là nó được làm từ tay những người trưởng thành hay những đứa trẻ chưa trải sự đời? Rất là nhếch nhác và xấu xí. Nhưng chi phí để “đỡ đẻ” những bức tượng kia thì không rẻ chút nào, từ vài chục đến vài trăm triệu đồng chứ chẳng ít, có thể dùng một cái “đùi” bất kỳ “linh vật” của bất kỳ năm nào đó để “lén làm” con ông cán bộ nào đó đậu thủ khoa (bằng cách nâng điểm “lén”) chứ chẳng chơi. Ðáng nói, có nhiều bức tượng xấu kia được trả bằng tiền thuế của dân. Vì chúng là vật trang trí cho các công trình công cộng, trụ sở công quyền… Nhiều khi nhìn các bức tượng “linh vật” mừng Tết, tôi vừa phải ráng nhớ hình ảnh thiệt của “linh vật” đó,  vừa xót cho những đồng thuế của mình.

Ngoài sự thể hiện “niềm tin yêu” của dân chúng dành cho “linh vật” Trâu đã đổi khác theo dòng thời gian, nghĩa của hai chữ “linh vật” cũng linh động theo suy tưởng của số đông, nhất là giới trẻ. “Linh vật” ngày càng “gần gũi” hơn với những cách ví von mới mẻ. Khi thì dành cho những người làm ra hành động “để đời”, đủ ghi dấu trong lòng số đông cư dân mạng, trở thành “đối tượng” để họ làm “meme”, chế ảnh.

Ví như cô đại úy Lê Thị Hiền, bỗng trở thành “linh vật” trong lòng dân chúng chỉ sau một đêm xông xáo “quên mình” mà lao vào những nhân viên sân bay, gào lên: “Mày đánh tao điiiiii…” Hình ảnh to mồm của cô còn được người ta vẽ ra, in lên áo và bán ra thị trường với số lượng lớn nhằm châm biếm, lên án và tẩy chay “loại linh vật này”. Hoặc đôi khi, “linh vật” đơn giản là một người/một con vật gần gũi và thân thương nhất đối với người gọi. Như hôm rồi, khi tôi đứng coi giùm tiệm quà lưu niệm của một người bạn. Có một bác gái bước vào, hỏi: Tôi muốn mua một món quà tặng cho con trai nhân ngày Tân Niên!

– Thưa bác, anh ấy như thế nào để con góp ý cho bác?

– Con trai tôi cao 1.8m, tuổi con Trâu nhé, đẹp trai, khỏe mạnh, độc thân. Nó giỏi lắm cô ạ, là linh vật của cả xóm đấy. Hơn nữa là thứ gì nó cũng có rồi, nên tôi chẳng biết mua tặng nó thứ gì nữa!

– Vậy bác có thể tặng anh ấy… số điện thoại của con được không? Con cũng là linh vật của ba má con đó!

Ngư dân Thái nhặt được ngọc quý “nhờ ông tiên báo mộng” – Nguồn: thanhnien.vn

DU