Bạn tôi tâm sự: “Tao là bác sĩ về tai-mũi-họng mà má tao thấy ai bị gì cũng về hỏi tao, bắt tao tư vấn thuốc, từ bà bầu tới người bị ung thư, da liễu…”

Bảo Huân 

  1. Định nghĩa “bác sĩ”

Ðã là bác sĩ sẽ có thể chữa được bá bệnh – là suy nghĩ mà nhiều người Việt tin tưởng – không chỉ má của bạn tôi, ngoại tôi cũng nghĩ vậy luôn. Người Việt dầu mất lòng tin vào nhiều thứ, nhưng vẫn còn nhẹ dạ. Có lẽ nhờ vậy mà dạo gần đây có rất nhiều bác sĩ online được sinh ra và nổi tiếng tại Việt Nam, dầu họ không có bằng cấp chuyên môn, không học ngành y bữa nào. Có người vừa mổ bệnh nhân, vừa quay clip làm dáng/nhảy múa/ca hát để đăng lên mạng xã hội. Những lang băm này phát triển sinh sôi công khai trước sự ngăn cản yếu ớt của luật pháp trong nước, cũng không ai giáo dục toàn dân biết thế nào là kẻ gian, bác sĩ “lào” thì trị bệnh “ý”. Vì vậy mà có rất nhiều người tiền mất tật mang vì những y/bác sĩ tự xưng này.

Kỷ niệm có thật: Hồi nhỏ, tôi bị chó cắn, ngoại mang tôi lại cho ông lang băm chuyên… thiến heo, thiến chó trong xóm cho ổng coi vết thương. Sau khi nặn máu ở vết thương ra, ổng lấy con dao (không khử trùng gì hết) mài qua mài lại trên vết thương của tôi, sau đó ông bôi ớt tươi lên vết thương, rồi cho nắm thuốc tễ, rồi kêu mang về uống. Sau đó tôi sốt mấy bữa rồi hết, ngoại tôi bắt tôi mang đồ qua cám ơn. Bà đi khắp xóm khen “danh y”. Thật ra, tôi không uống hột nào trong đống thuốc tễ đen sì kia.

Phim Downsizing không được chiếu ở Việt Nam, nhưng tài tử Hồng Châu vẫn được báo trong nước tung hô bởi thành tích lớn “nữ diễn viên gốc Việt đầu tiên lọt vào danh sách tranh tài của lịch sử 75 năm giải Quả Cầu Vàng” – thanhnien.vn

  1. Downsizing

Nhắc tới chuyện này, hôm rồi, tôi có coi lại phim Downsizing (2017) –  là một bộ phim tôi rất thích, vì nó có chi tiết hài, khoa học giả tưởng, lại còn là phim của Mỹ, còn có tài tử lừng danh Matt Damon là vai chánh, quan trọng là nó bị cấm chiếu ở Việt Nam vì nhân vật nữ trong phim (lẫn tài tử đóng vai này) có lai lịch là… phản động (sau khi coi phim, tôi lại thấy nhân vật này nổi bật hơn cả nhân vật chánh của Matt Damon). Xin kể sơ nội dung:

Bộ phim bắt đầu theo cách rất quen thuộc như nhiều bộ phim Mỹ khác: trái đất quá chật, môi trường lẫn tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, không đủ để cung cấp cho cuộc sống của con người… Nên người ta nghiên cứu nhiều cách để cứu trái đất hoặc thay đổi cuộc sống con người phù hợp với tình hình tương lai. Trong đó có cách thu nhỏ con người, để đỡ tốn tài nguyên hơn. Và sau nhiều năm nghiên cứu, thử nghiệm thành công, một phần dân số cũng chấp nhận xung phong thu nhỏ kích thước vật lý của mình ở mức hàng ngàn lần nhỏ hơn. Bởi khi bị thu nhỏ, ngoài tham vọng ra thì các nhu cầu khác của con người đều nhỏ lại, khối lượng rác thải trong vòng 4 năm của 36 người tí hon chỉ tương đương với 1 người ở kích thước bình thường trong 2 ngày. Nên mọi chi phí cũng giảm, nghèo rớt mồng tơi ở đời thực cũng có thể là người giàu có ở thế giới thu nhỏ. Ví dụ, chỉ với 152,000 USD, một cặp vợ chồng có thể sống sung sướng suốt đời với một mức sống tương đương 12.5 triệu USD khi ở kích thước bình thường. Họ có một biệt phủ rộng lớn, tráng lệ, đủ mọi tiện nghi giá rẻ, được chăm sóc sức khỏe cả đời…

Xem thêm:   Nạn nhân của Putin

Paul Safranek (Matt Damon thủ vai) và vợ luôn khao khát một cuộc sống đầy đủ và tiện nghi, vì vậy, sau khi tham khảo thì anh này quyết định cùng vợ thu nhỏ kích thước cơ thể lại để sống sung sướng hơn. Không ngờ, sau khi Paul Safranek được thu nhỏ rồi mới hay là cô vợ đã bỏ cuộc, nên Paul thành công ở trong toà lâu đài mơ ước với những tiện nghi, nhưng chỉ một mình. Ở hai thế giới khác nhau, họ cũng buộc ly hôn. Do không gia hạn giấy phép hành nghề bác sĩ (vì nghĩ sẽ cùng vợ an hưởng tới chết), nên Paul phải giết thời gian bằng những công việc nhàm chán, các cuộc vui chơi không phù hợp tính cách của chàng. Thế giới thu nhỏ trong phim Mỹ cũng có những tệ nạn, nhưng bác sĩ đi làm cũng phải có giấy phép hành nghề.

Hồng Châu kế bên Matt Damon trong Downsizing – Paramount Pictures

Vai Trần Ngọc Lan (Hồng Châu thủ vai) là một người tị nạn chính trị. Trước khi tới Mỹ, cô bị nhà nước Việt Nam bỏ tù nhiều năm vì dám nhiều lần biểu tình chống lại dự án xây đập thủy điện đã khiến ngôi làng của cô bị cuốn trôi. Sau khi bị cưỡng bức thu nhỏ, cô và nhiều người Việt “phản động” khác bị nhốt vào một thùng đựng tivi, gửi lậu qua Oregon-Mỹ bằng đường xuất cảng hàng hóa. Trong chuyến đi này, hầu như mọi người Việt khác đều chết do điều kiện sống thiếu thốn, chỉ có Ngọc Lan còn sống sót, với di chứng là một cái chân bị cắt bỏ do hoại tử. Sau thời gian nằm viện, Lan kiếm sống qua ngày bằng việc đi quét dọn thuê cho người giàu. Dù ở bất kỳ đâu, nơi nào, cũng có sự phân chia người giàu người nghèo, thế giới thu nhỏ cũng không ngoại lệ, Lan trong thành phố ổ chuột cho người nghèo/khuyết tật/bệnh nặng (nhiều người cùng hoàn cảnh với Lan, hoặc đã bị ép buộc thu nhỏ như một cách quăng ra ngoài lề xã hội.) Nhờ tấm lòng hào sảng trượng nghĩa, Lan đi làm xong còn xin đồ ăn thừa lẫn trộm thuốc/vật dụng để đem về chăm sóc những người hàng xóm của mình. Cuộc sống khổ, nhưng Ngọc Lan là cây hài chính của bộ phim với những suy nghĩ rất lạc quan tốt bụng, cộng với giọng tiếng Anh “bồi” kiểu Việt Nam của cô.

Xem thêm:   Ý tưởng mần giàu...

Nam nữ chính gặp nhau khi Lan đang ăn cắp những loại thuốc trong nhà một người bạn của Paul (nhưng cô không biết công dụng). Với tinh thần bác sĩ (lâu không có bệnh nhân), Paul rất nhiệt tình giúp đỡ Lan khi thấy chân cô không thoải mái với cái chân giả bị hư, nhưng Paul không có chuyên môn (về chân giả) nên làm hư luôn chân giả của Lan. Anh tình nguyện làm đôi chân cho Lan, giúp luôn những người Lan đang giúp. (Câu chuyện của họ còn dài, tôi xin dừng ở đây, nếu chưa coi, quý vị có thể tìm coi, tôi nghĩ bỏ ra thời gian 2 tiếng coi phim này không phí.)

Ðiều thú vị khiến tôi nhắc tới bộ phim trong bài viết là khi vừa biết Paul là bác sĩ thứ thiệt, Lan liền níu chặt anh, mang anh về khu ổ chuột của mình. Ra sức tra hỏi anh đâu là loại thuốc nào mạnh nhất, để cô đưa cho những người bệnh nặng trong khu cô uống cho mau hết bệnh – một cách rất Việt Nam, người bình dân hễ bị gì cũng ra tiệm thuốc Tây đòi mua một liều thuốc mạnh mạnh để uống cho mau hết bệnh (lâu lâu xui thì hết… thở). Nhưng Paul – một người có chuyên môn – luôn vô cùng thận trọng, có tâm với nghề, nói rằng mình không thể trị được hết mọi loại bệnh. Lan một mực khăng khăng: “Nhưng anh là bác sĩ, họ là bệnh nhân”. Rất giống với suy diễn của nhiều người Việt về bác sĩ mà tôi nói ban đầu.

Chút bật mí hậu trường: Tài tử Hồng Châu – người đóng vai Ngọc Lan là một thuyền nhân từ khi cô còn là bào thai. Cô được bố mẹ cô sinh ra ở trong trại tị nạn tại Thái Lan dành cho thuyền nhân người Việt sau năm 1975. Sau 3 ngày cô khổ lênh đênh trên đại dương, thuyền của gia đình Hồng Châu được cứu vào đất Thái và cả gia đình họ được nhận sự bảo trợ bởi một gia đình người Việt khác ở Mỹ, dưới sự giúp đỡ của một quỹ từ thiện giúp đỡ thuyền nhân Việt Nam của Giáo hội Công giáo. Hồng Châu thú nhận rằng tính cách của mình hoàn toàn trái ngược với tính cách của nhân vật Ngọc Lan trong phim. Nhưng cô đã lấy nguồn cảm hứng từ chính cuộc đời “phản động” của cha mẹ mình, cuộc sống thuyền nhân lênh đênh của cả gia đình, và định mệnh cô đơn nghèo đói nơi đất khách quê người, để thể hiện vai diễn rất thành công bên cạnh cái bóng quá lớn là tài tử Matt Damon. Tuy phim Downsizing không được chiếu ở Việt Nam, nhưng nhiều báo Việt đã  lên bài nhìn nhận “khúc ruột ngàn dặm” Hồng Châu khi cô nhận được một đề cử cho nữ  tài tử phụ xuất sắc nhất của giải Quả Cầu Vàng (qua phim Downsizing).

Người mua không kiến thức thì sanh ra những người bán không kiến thức (nạn lương y giả rao bán thuốc dỏm qua mạng xã hội) – tuoitre.vn

  1. Gian thương
Xem thêm:   Mối đe dọa từ Bắc Hàn

Năm nào người Việt cũng có chuyện bàn luận khi Apple ra  iPhone đời mới. Vì Việt Nam vô cùng ưa dòng điện thoại này, nhưng Apple Store lại chưa có ở VN. Nên như truyền thống, nhiều con buôn vì đồng lời mà phải bay qua Sing-Thái, thức đêm thức hôm xếp hàng, bị đuổi tới đuổi lui để mua cho các “đại gia” đồng ý bỏ số tiền gấp đôi – gấp ba để sở hữu những  cái điện thoại iPhone 14 đầu tiên. Vậy mà nhiều người trách các con buôn này là “gian thương”. Một người đã phản bác các bình luận trên rất hay: “Ðồng mua thuận bán mà gian thương cái gì? Gian thương là thằng bán xăng pha, thằng bán điện cho bạn nhưng vẫn cúp điện, thu tiền mạng đủ nhưng vẫn mất mạng, thu thuế để làm đường/xây bệnh viện nhưng không làm, thu viện phí mà mổ lộn chỗ. Sáng mày mở báo Tuổi Trẻ có thấy bài “Nhiều hóa chất thế giới cấm, Việt Nam cho dùng” không? Ðó là gian thương đó, mở to con mắt ra!”

Sau dịch, ngành Y trở thành ngành hot hơn bao giờ hết. Hot từ bệnh viện tới ngoài bệnh viện và cả trên báo, lẫn trước vành móng ngựa. Mấy chục ông Giám đốc/phó giám đốc các trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp tỉnh đã vào tù vì kit-test Việt Á. Nếu câu “sức khỏe là thứ quý giá nhất của con người” Vậy những kẻ sống nhờ sự ngộ nhận, thiếu hiểu biết của người dân mà không thèm sửa, không thèm giáo dục, không thèm bảo vệ, nhưng vẫn thu lợi nhuận mỗi giây, vậy họ có phải là gian thương không?

Những câu đối thoại của nhân vật Ngọc Lan trong phim Downsizing tưởng như là cà rỡn, bình dân, nhưng rất là hay và sâu sắc. Tôi thích nhất đoạn hội thoại, sau khi hai nhân vật chính làm tình với nhau, Ngọc Lan hỏi Paul: “Other night on boat, what kind of fuck you give me?” – “Ðêm qua trên thuyền, anh làm tình với em kiểu gì?”

Paul: “What?” – “Hả?”

Ngọc Lan: “American people, eight kind of fuck. Love fuck, hate fuck, sex-only fuck, break-up fuck, make-up fuck, drunk fuck, buddy fuck, pity fuck.” – “Người Mỹ có 8 kiểu làm tình. Làm tình kiểu yêu đương, kiểu ghét của nào trời trao của đó, kiểu chỉ có tình dục, kiểu chia tay nên làm liều, kiểu làm tình để khoe khoang, kiểu say nên làm càn, kiểu bạn bè/tình một đêm (?), kiểu thương hại…”

Fucking tưởng như chỉ là vận động thân thể giữa hai người, nhưng nó lại có thể chia ra năm bảy kiểu phức tạp như vậy, huống chi nhân loài và cách sống của họ. Con người thu nhỏ, nhưng ham muốn của họ không hề bị thu nhỏ. Thật may, (trong phim) hai người tốt đã tìm thấy nhau, yêu nhau, và… fucking nhau.

Mỗi lần đọc báo trong nước, người ta hay đòi “fucking” những quan tham, như một cách thỏa mãn đầu óc và giải tỏa sự tức giận. Vậy có phải, đây là kiểu “fucking” thứ 9, mà biên kịch Downsizing chưa liệt kê? Chúng ta nên gọi là gì?

Không biết dùng hai từ “gian thương” cho trường hợp này có bị gọi là “phản động” không? – Facebook

DU