KOL, influencer chắc không còn xa lạ gì đối với đại đa số nhân loài ngày nay, nhưng cũng xin nhắc lại:

Nhiều influencer tai tiếng bị cấm cửa ở nhiều nơi (Nguồn hình: Facebook)      

  1. Influencer, KOL

Influencer là người kinh doanh, sức ảnh hưởng, danh tiếng của bản thân trên mạng xã hội (Phải nói là nghề kinh doanh bản thân online là nghề ít cần vốn nhất hiện nay, nhưng may mắn thì sẽ thu nhập cao hơn rất nhiều nghề khác, những tấm gương vượt khó đã được báo chí trong nước đưa ra như một lời khuyến khích các cô cậu mới lớn lầm lạc vào con đường này khá nhiều. Dĩ nhiên là khá ít người thật sự thành công, không bị dính những tai tiếng, tiêu cực, có khi ảnh hưởng sự nghiệp, mất hết tương lai.)

KOL  (Key Opinion Leader – người có kiến thức chuyên môn vững, được nhiều người ngưỡng mộ) là kinh doanh tài năng, kinh nghiệm của bản thân, KOL thường sẽ là chuyên gia trong một lãnh vực nào đó. Tuy nhiên, cái gì về Việt Nam cũng lộn xộn, khái niệm KOL và influencer ở Việt Nam cũng lằng nhằng. Influencer không có bằng cấp chuyên môn, chưa học qua ngày nào ở trường Y nhưng lên mạng dạy người ta cách dùng thuốc, tư vấn phẫu thuật thẩm mỹ, uống thuốc… Còn KOL – chuyên gia về luật hoặc y, nổi tiếng trên mạng từ sau một vài bài phân tích chuyên môn trong một vụ việc cụ thể nào đó. Xong nếm mùi nổi tiếng, thế là ảo tưởng – biến mình thành influencer, bàn đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Một bộ phận độc giả/người dùng mạng xã hội cũng nhanh chóng quên đi chuyên ngành của vị này là gì, chỉ nghe và share.

  1. Ví dụ

Lóng rày Sài Gòn mấp mé mùa mưa (nắng bất thường), dấu hiệu là gần đây thời tiết nóng dữ tợn cả ngày, đôi khi khuya lắc khuya lơ ông Trời canh thị dân ngủ hết cái rắc vài hột mưa lấy lệ, không ngờ dân Sài Gòn thức khuya quá mạng, bắt quả tang, lên mạng kể tùm lum. Vậy là ổng không thèm mưa nữa, ông Trời cũng sợ cộng đồng mạng VN… Dầu nếu ổng mà có trang mạng xã hội riêng, chắc chắn ổng là KOL đệ nhất thế giới.

Tôi ngồi ban công, vừa tiếc rẻ mấy giọt mưa chưa kịp rớt, vừa nghĩ cái cảnh quen thuộc sắp tái diễn mà bồi hồi: đó là cảnh những người mặc áo mưa lái xe gắn máy đi trong… nắng, vì những cơn mưa rồi nắng bất thình lình mà ông Trời tặng cho Sài Gòn. Vừa nghĩ tới những người dân nghèo phải sống ở những khu ổ chuột nắng không chỗ che – mưa không chỗ núp hoặc những xóm trọ mà tường được dựng bằng tôn nóng hổi… Với người ngồi phòng lạnh quanh năm, mùa nóng này thì còn có thể than thời tiết hầm quá (vì mặt trời chiếu vào tường bằng kiếng cường lực, tạo ra «hiệu ứng nhà kính»), còn những người chưa ráo mồ hôi đã hết tiền như trên không dám than câu nào, vì họ không dám ước cái cao sang hơn là bữa ăn có chén canh rau mát ruột. Với người ngồi phòng lạnh quanh năm, mùa mưa họ sẽ thấy Sài Gòn thật thi vị và đỏng đảnh, khi giọt nước mưa như con thiêu thân lao mạnh từ trên trời xuống mặt kính, bể tan nát, mang tới cái mát hiếm hoi cho Sài Gòn. Nhưng mùa mưa với những người chưa ráo mồ hôi đã hết tiền sẽ là một kiểu khổ khác ngày nắng gắt, đó là mưa tạt, đường ngập không biết tránh đâu… Và những người nghèo như vậy chiếm tỷ lệ cao nhất trong các tầng lớp ở Việt Nam.

Ở VN, nơi nào có dấu chân cư dân mạng ồ ạt là có bảng cấm (Nguồn hình: Facebook)

Có lẽ vì vậy mà không ít người bất chấp đạo lý để được có tiền, có tiếng (để có càng nhiều tiền), đầu tiên là để thoát nghèo. Ví dụ như nhiều influencer trên mạng xã hội gần đây, cố ý làm lố nhất có thể để dư luận chú ý, từ đó nếu hên sẽ nổi tiếng, nếu xui sẽ tai tiếng. Dầu hên hay xui đều kiếm được tiền, vì các thương hiệu luôn cần quảng cáo hình ảnh sản phẩm của mình tới người tiêu thụ, influencer là cánh tay nối dài tiện nhất.

Xem thêm:   Chó...

Anh bạn tôi mở nhà hàng bên quận 4, mướn một cặp đôi tiktoker nổi tiếng tới «review» món ăn của quán với giá là hơn 50 triệu VND (hơn 2,000 USD) chỉ để làm một clip ngắn quay cảnh họ ăn uống và khen qua loa, post lên trang tiktok cá nhân của họ. Cặp đôi này nổi tiếng sau những clip vợ Việt chửi chồng Tây thậm tệ, tục tĩu và lúc nào cũng chửi, ngay cả lúc đi «review» đồ ăn của quán…

Ngoài «review» vô tri lấy tiền như trên, các influencer Việt có nhiều phong cách khác, có những người chuyên đi quay clip «chê» các tiệm, xong rồi gửi cho chủ tiệm – họ trả tiền quảng cáo thì quay lại clip «review» vô tri như trên, còn chủ tiệm không trả tiền quảng cáo, thì các influencer sẽ đăng clip chê lên trang cá nhân, tạo sóng xấu nhằm tống tiền các doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp chi tiền rồi thì họ giả bộ làm clip «quay lại quán lần 2, coi có cải thiện gì không», và sau đó là khen ngợi không ngớt… Một số influencer thì chọn cách đi ngược lối review thông thường: giả vờ chê thiệt lố (nhưng thực chất là đang khen), quảng cáo bằng cách đập bàn ghế, quát mắng nhân viên. Số khác chọn «phá cách» bằng cách sáng tạo ra kiểu ăn mới, không có trong thực đơn và khuyên người xem «nhất định phải thử theo»…

Xem thêm:   Hồng Kông suy tàn

Với nhiều influencer Việt – nhất là tiktoker, lượt coi của khán giả là trên hết, mặc kệ chửi hay khen. Nên đôi khi họ sẵn sàng đánh đổi mặt mũi, nhân cách chính mình nhằm thu hút lượt xem và lượng tương tác từ khán giả. Quả tình, bây chừ ra đường, thấy ai tay cầm điện thoại lăm lăm là sợ, nhớ cảnh các YouTuber, Facebooker, tiktoker… bao vây các đám tang nghệ sĩ, bao vây những nơi xảy ra án mạng, bao vây những quán ăn có tiếng, chụp chụp quay quay, tạo nội dung và đăng lên mạng xã hội với những cái tựa còn sốc và xạo ke hơn các báo lá cải. Rất nhiều nơi thẳng thừng để bảng cấm cửa các influencer, từ con hẻm Hàn Quốc (quận 3 – Sài Gòn) lại đến “con đường hoa giấy” (Quận 1 – Sài Gòn), tới các quán ăn dọc đất nước. Nhiều nơi không để bảng, nhưng cũng run run khi thấy bóng dáng các «chiến thần» (tự phong) YouTuber, Facebooker, tiktoker… bước vô tiệm.

  1. Influencer, KOL của hẻm tôi

Nếu hẻm tôi là mạng xã hội thu nhỏ, thì ngoài các KOL kỹ sư, bác sĩ… thì có bà Tám KOL chuyên nấu bún bò – nước lèo của bả thơm ngon tới giọt cuối cùng, bà Bảy KOL chuyên nấu cơm tấm – miếng sườn heo bả nướng ngon gấp 10 lần miếng sườn heo của nhà hàng đầu hẻm… Ðặc biệt, xóm tôi tuy có nhiều influencer, nhưng đông «fan» nhất có lẽ là thằng Tý, «Fan» của thằng Tý toàn là KOL trong xóm. Bởi vậy nó kiếm được nhiều tiền lắm, dư sức mua bánh ăn, mua lego xếp hình, mua đồ ăn bao tiểu “hot girl” của lớp…

Nói chung thằng Tý nhiều người hâm mộ, được cả xóm thương yêu và nhớ tới là do nó chịu khó, ai sai gì cũng làm, có lẽ do nhà nó nghèo nhất xóm, ba má không cho nó tiền để ăn hàng, nó lại có suy nghĩ độc lập nên biết tự trang trải. Thằng Tý, Nó nhiều “nghề” lắm: khi thì nhổ tóc ngứa cho mấy ông/bà cao niên trong xóm, khi thì đi mua đồ giùm người này người kia – có khi là gói thuốc, hai ly cà phê hoặc… bộ bài (cho sòng bài nhỏ trong xóm), khi thì đi giao bún/cơm tấm cho các KOL bún bò/cơm tấm (lúc người giúp việc của họ nghỉ)… Ðôi khi nó còn làm: đi “giải cứu truyền thông” free cho mấy  bà mấy mợ trong xóm nữa bằng những thứ nó thấy được (đó là đính chính tin đồn, cơm tấm bà Bảy có phải dùng gạo tấm thật không, hay gạo bự đập nhuyễn ra? Bún bò bà Tám có bò không hay thịt trâu giả bò? Cô Du Uyên ế thiệt hông hay có ghệ rồi…) Cũng có lần, tôi thấy bà Mai bán cà phê thuê thằng Tý hai cây kem để đi tung tin đồn hại đối thủ là quán cà phê của bà Ðào đối diện, tin được đồn là chủ quán bên kia có «kép nhí». Không ngờ sau khi thằng Tý tung tin, vì dân tình tò mò mà quán cà phê bà Ðào càng đông, còn thằng Tý thì bị má đánh sưng mông vì nói bậy nói bạ chuyện người lớn…

Xem thêm:   Mây đen phủ bầu trời...

Thằng Tý nó đâu hay nó đang làm các bước căn bản của cái nghề rất “hot” hiện nay, kiếm ra bạc tỷ chứ chẳng chơi. Ðó là nhiệm vụ chính của các công ty truyền thông lâu nay: tạo ra thị phi (đẩy đối thủ của khách hàng vào thị phi, chỉ trích – gọi chuyên nghiệp là khuấy động dư luận, gọi bình dân là tung tin đồn – có khi thật có khi giả) và giải toả thị phi (lôi khách hàng ra khỏi thị phi – gọi chuyên nghiệp là “giải cứu truyền thông”). Và để làm được việc này, không thể thiếu những người có nhiều «fan», có sự ảnh hưởng trên mạng như influencer, KOL…

Nhiều trào lưu nguy hại, gây ảnh hưởng đến giới trẻ được phổ biến trên TikTok – zingnews.vn

  1. Giải cứu nhân phẩm influencer, KOL

Ở Việt Nam, cứ nghe hai chữ «giải cứu» là ớn lạnh. Nào là giải cứu nông sản (do Trung Quốc đặt hàng xong tới mùa thu hoạch thì «boom hàng»), chuyến bay giải cứu (mắc tiền), giải cứu bệnh viện (hết thuốc), giải cứu bất động sản (dân hết tiền mua)… cứ «giải cứu» cái gì là xảy ra vấn đề ở cái đó. Bởi vậy, sau khi có nhiều tiêu cực từ influencer, KOL, nhiều người cũng kêu gọi «Giải cứu nhân phẩm» cho đa số influencer, KOL ở Việt Nam, để họ hướng lớp trẻ (những khán giả chủ yếu của họ) vào con đường giải trí lành mạnh, thu nạp kiến thức có ích. Thay vì học hỏi những thứ tệ hại như bao lâu nay. Nhưng thiệt khó khi đòi hỏi ở người ta sự tử tế, khi họ không tử tế.

Thiệt ra, cũng có nhiều người là người giỏi, người tốt, nhiều kiến thức hay muốn chia sẻ, nhưng do không biết cách truyền đạt mà họ bị ít người để ý hoặc truyền đi thông tin sai cách tới đại chúng. Thế là họ chìm vào quên lãng giữa muôn vàn kẻ giỏi làm lố hơn giỏi chuyên môn. Nói chung xã hội luôn khó hiểu như vậy, bởi luôn có những cái chết khó hiểu như chàng trai dưới đây:

Thần giữ cửa thiên đàng hỏi một anh chàng đang đứng xếp hàng: Ta tra sổ thấy con thọ đến năm 50 tuổi cơ mà, sao lại có mặt ở đây?

– Dạ, tại con bắt chước Newton ngồi dưới gốc cây để mong tìm ra một định luật vĩ đại khác cho nhân loại.

– Con bị táo rớt trúng mà chết à?

– Dạ không, con ngồi dưới gốc cây sầu riêng.

Nữ sinh 12 tuổi người Argentina đã tử vong sau khi thực hiện “thử thách nghẹt thở” chết người phổ biến trên TikTok, theo Fox News.

DU