“Khu vườn trên mây” là một trong những tựa game hiếm hoi mà tôi thích chơi từ khi được tiếp xúc với internet. Như cái tên, khi chơi game này, ta sẽ làm nhiệm vụ chăm sóc một nông trại trên “đám mây” (cloud computing).
Ðó là lần đầu một thị dân cả đời chưa bao giờ cầm cuốc, cầm liềm như tôi được làm “nông dân”, cũng gieo hột giống, tưới nước, bắt sâu, thu hoạch như người ta, nhưng tất cả chỉ là ảo. Ðiều này khiến nhiều lúc tôi tin là mình có thể trồng cây thiệt ở ngoài đời. Nhưng đời không như là mơ…
Ðầu tiên là do tôi ở… Sài Gòn, nơi không gì dư bằng người, không gì thiếu bằng đất. Tuy nhiên, hôm rồi tôi đọc được một bài viết thú vị có tựa đề «Kinh nghiệm tích lũy được nhiều đất ở Sài Gòn» của tác giả Ðinh Khanh, tôi thấy có lý, xin chia sẻ ra đây:
«Tôi không mua đất ở những chỗ hay tăng giá, vì như vậy tôi sẽ mua được nhiều đất. Nhiều bạn bè hỏi tôi dạo này sao mua được nhiều đất vậy, có đợt cứ cuối tuần là tôi lại đi mua đất khiến nhiều người đồn trúng số độc đắc. Tính tôi không thích khoe khoang, nhưng thôi cũng chia sẻ chút kinh nghiệm dành cho những ai quan tâm:
Trong nửa năm qua, tôi đã mua được khá nhiều đất, đều ở quận 8 (Sài Gòn). Nhiều người khi mua đất hay chọn những tiêu chuẩn như: Cơ sở hạ tầng xung quanh, hướng phát triển của khu vực trong tương lai, những nơi có giá đất tăng đều… Riêng tôi thì chỉ thích mua đất ở gần nhà, giá rẻ và quan trọng là tôi chọn nơi giá cả ổn định để mua. Các tiêu chuẩn kia tôi không quan tâm. Ðặc biệt, tôi không mua đất ở những chỗ hay tăng giá. Tại sao vậy? Vì như vậy tôi sẽ mua được nhiều đất, đơn giản vậy thôi.
Nửa năm nay, giá đất chỗ tôi mua vẫn ổn định ở mức 45 ngàn VND (2 USD)/bao, tôi vẫn đều đặn mua về đổ vô thùng xốp trồng rau, tích tiểu thành đại nên giờ cũng có kha khá đất. Ðơn giản vậy thôi, đừng ai đồn là tôi trúng số độc đắc nữa nha, tội nghiệp lắm.” – Hết trích.
Ðúng là như vậy, muốn có nhiều đất ở Sài Gòn thì dễ, nếu đó là đất trồng cây – mua bao nhiêu cũng có. Chứ Sài Gòn đất chật người chen chân khó lọt, hiếm hoi lắm mới có người sở hữu ngôi gia chà bá lửa, có thể nuôi cá trồng rau thỏa thích. Có lẽ vì vậy mà tôi cũng như đa số thị dân khi tìm tới con đường “mần nông” thì đều chọn ban công hoặc sân thượng để bắt đầu “khu vườn trên mây” của riêng mình.
Trồng “khu vườn trên mây” ở ban công ngôi nhà nhỏ thì chắc chắn không đủ rau để ăn, vì tốc độ ăn của chúng ta và tốc độ lớn của rau không tương xứng. Vậy tại sao người ta vẫn trồng? Có lẽ vì…
- Sự an tâm
Người Việt có câu “đói ăn rau đau uống thuốc”, nhưng thời buổi này, có khi nhịn đói sẽ an toàn hơn ăn rau, ráng chịu đau sẽ an toàn hơn uống thuốc. Vì chúng ta đang sống giữa nhiễu loạn, mọi thứ đều dơ, từ không khí, nguồn nước lẫn lòng người… ăn rau hay uống thuốc đều là một trong những chọn lựa để duy trì mạng sống chứ khó mà trông chờ vào sự sạch sẽ và khoẻ mạnh. Bạn tôi kể: “Ðã từng thấy đối tác trồng rau cho Nhật tại Việt Nam, họ thuê đất rồi để cỏ mọc um tùm trong 2 năm để đất đó đạt được “đất sạch” như họ mong muốn, sau đó họ trồng rau và chọn loại đạt tiêu chuẩn đóng gói xuất cảng qua Nhật, những cọng rau không đạt họ huỷ hết không để lọt ra ngoài 1 cọng nào. Trong quá trình trồng họ rất chú trọng nguồn nước và chăm sóc rất kỹ. Rau bán ở chợ hay siêu thị Việt Nam thì khác, không lớn thì tưới thuốc kích thích cho lớn, không đẹp thì “bùa” cho đẹp. bao nhiêu hóa chất vô bụng người dân hết…”
Tôi và nhiều người bạn từng ngây thơ nghĩ rằng tự trồng rau ở nhà ăn cho tốt, sau khi có thành phẩm thì hỡi ơi thất vọng: đèo, lép, sâu-sia… Mua hột giống đủ loại cây về trồng toàn ra cây đu đủ con vì gặp phải người bán hột giống xấu tánh. Tuy nhiên, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, nhờ những “khu vườn trên mây” ở sân thượng, có nhiều gia đình đi qua mùa dịch đỡ vất vả, thiếu thốn và buồn bã – khi mỗi ngày nhìn xuống đất toàn thấy dây điện và nghe tiếng còi xe cứu thương, khi muốn ra chợ dây kẽm gai giăng tứ phía… Mọi thứ tăng giá tới khó hiểu vì đường lưu thông hàng hóa bị chặn đứng, có tiền chưa chắc no bụng… Còn gì hạnh phúc hơn khi còn hành lá, rau răm, rau tập tàng vừa sạch sẽ vừa miễn phí đang chờ hái? Ngược lại, nhờ… dịch, Sài Gòn có nhiều “nông dân” hơn, khi ai ai cũng tham gia phong trào trồng rau quên sầu những ngày phong thành, rồi ghiền luôn!
- Niềm vui
Ðó là niềm vui thầm kín khi chúng ta có thể tự tay chăm sóc những mầm sống, nhìn thấy sự trưởng thành của từng chiếc lá cành cây cũng tạo ra những nụ hạnh phúc trong lòng mỗi người. Lâu lâu, pha ly cà phê, ra đứng đếm lá đếm bông thôi cũng thấy vui vẻ. Ngoài ra, nhiều điều bất ngờ sẽ xảy tới khiến cuộc sống bạn luôn xáo trộn, ít còn thời gian nghĩ quẩn hơn. Ví dụ như một buổi sáng đẹp trời, mở mắt ra thấy cây hương thảo cháy lá chết queo dầu đã làm đủ mọi cách mà các “thầy online” chỉ chỏ, nhưng ngó qua cây ớt thì thấy nó nở rộ một thảm hoa trắng tươi, cây lựu nhú nhú mấy trái nhỏ xíu đầu tiên, bông lài thả vô mũi một chút hương lành… Lâu lâu, trên bàn ăn có tô canh nhỏ, dĩa salad khiêm tốn nhưng đầy mùi của sự thỏa mãn, vì đó là thành quả sau bao ngày tra google học hỏi cách chăm sóc vườn rau loe ngoe của mình. Lâu lâu, ngồi ôm đầu nghĩ chuyện rối ren, mùi rau thơm sống xộc vô mũi, thấy hương vị cuộc sống tràn đầy…
- Bản năng
Việt Nam là nước nông nghiệp, hầu hết người Việt lớn lên bởi các bài dạy về “nền văn minh lúa nước”, nên cái gốc nhà nông khó mà gột rửa dầu đã có một vài tầng lớp đã lên xe Rolls-Royce xuống ngựa sắt Harley-Davidson. Có lẽ vì gốc nhà nông sâu đậm mà nhiều nguyên thủ quốc gia lớn của Việt Nam lâu lâu lộ ra một chút “nết” nông dân, như bà cựu Chủ tịch Quốc hội VN khi còn tại vị đã dắt quốc khách đi cho cá ăn rồi hất hết xô đồ ăn lên đầu lũ cá, hay khi ông cựu thủ tướng VN dùng xấp giấy in chương trình làm quạt khi ngồi trên khu vực VIP cùng các nguyên thủ quốc gia lớn trong phòng hòa nhạc Elbphilharmonie (ở Hamburg, Ðức) – khiến người xung quanh nghe Giao Hưởng số 9 của Beethoven (dưới sự điều khiển của vị Nhạc trưởng Kent Nagano) kèm tiếng phành phạch của quạt giấy…
Có lẽ là gốc nông dân nên người Việt mê ăn rau cũng mê trồng trọt. Nhiều người qua tới xứ Mỹ lại nhớ quay quắt vị “rau đắng mọc sau hè”. Thế nào cũng “sắm” cho mình một góc vườn quê, đôi khi còn xịn, đẹp hơn các khu vườn trong nước vì họ trồng cốt vì thương, vì nhớ, không phải để buôn bán, nên chăm chút quá trời. Một người bạn của tôi ở Mỹ nói: “Mẹ tôi mang theo một góc quê hương, ngày nào cũng ra vườn ngắm giàn bầu, giàn khổ qua, chậu húng, rau răm, diếp cá, tía tô… Mẹ chăm, tưới nên rau rất xanh tươi, thường ăn không hết phải năn nỉ bạn lấy giùm, mà nhà bạn lại cũng có góc quê hương tương tự…”
Tuy nhiên, có đất để tạo “khu vườn trên mây” hay khu vườn dưới đất thì quá tốt, không thì cứ lên internet mà chăm sóc “khu vườn trên mây” ảo như tôi hồi xưa cho rồi. Không biết có phải vì “bản năng” nông dân mạnh quá hay không? Mà tôi đọc thấy ở Hà Nội người ta không chỉ trồng rau trên sân thượng, mà còn trồng ở… vỉa hè, trong bồn hoa công viên, nghĩa trang… đọc xong nổi da gà, thấy thương cho các không gian công cộng, nơi đáng ra phải trồng cổ thụ che mát cho người (lẫn ma).
Do trồng rau sạch sẽ khó lớn dễ sâu, nên nhiều người bán hàng đã lợi dụng điều này như một chiêu quảng cáo dễ thu hút. Có câu chuyện:
Một tù nhân nhận được thư của vợ: “Em định sẽ trồng một vài cây rau ở sau vườn. Theo anh thì khi nào thích hợp để trồng chúng”.
Người tù biết rằng cai tù đều đọc tất cả lá thư gửi ra vào tù, anh ta bèn trả lời cho vợ: Cho dù em làm gì thì cũng chớ có đụng vào cái vườn sau nhé. Chỗ đó anh đã giấu tất cả món đồ chôm được.
Một tuần sau, anh ta nhận được một lá thư khác của vợ: Anh sẽ không tin được những chuyện gì đã xảy ra ở nhà mình đâu. Có mấy người tới nhà ta với cuốc xẻng và họ đã bới tung cả cái vườn sau nhà lên.
Anh chàng bèn viết thư hồi âm: Em yêu, vườn tược đã được cày xới xong, đây chính là thời điểm thích hợp nhất để em trồng rau.
DU
Bà Tám ở Sài Gòn